“Người tình” đến từ châu Mỹ
Hơn sáu thập niên trôi qua kể từ khi bolero du nhập vào nước ta từ lục địa Mỹ Latin xa xôi, nay nó đã trở thành một phần máu thịt của âm nhạc nước nhà. Dù bị những “tân binh” khỏe khoắn hơn như rock, hip hop, electro lấn át mạnh mẽ, bolero vẫn tìm được con đường sống và hứa hẹn trở lại vị trí quan trọng mà nó đã từng chiếm giữ.
Những bản bolero đầu tiên vang lên giữa xứ sở biển xanh nắng vàng - đảo ngọc Cuba - cách đây hơn một thế kỷ. Giai điệu chậm rãi, ca từ mộc mạc, chân thành, dễ nghe dễ cảm, bolero nhanh chóng chiếm được cảm tình của thính giả.
Nhìn lại xa xưa hơn thì những bản bolero đầu tiên được lấy cảm hứng từ điệu nhảy theo nhịp 3/4 tại Tây Ban Nha. Sau này khi lan tỏa sang các quốc gia khác, nhịp 3/4 được thay đổi thành 2/4 hoặc 4/4 và có nhiều biến chuyển để phù hợp với gu thưởng thức của từng địa phương. Trên mỗi chặng đường phát triển, bolero lại pha trộn với một thể loại khác như danza, habanera, trova, son, những điệu nhảy gốc Âu, Phi để làm giàu thêm cho bản sắc của mình.
Chắc hẳn nhiều độc giả sẽ ngạc nhiên khi biết được bolero thế giới lại ảnh hưởng sâu đậm lên các nhạc phẩm “sống mãi cùng thời gian” như Besame Mucho, Guantanamera, My Heart Will Go On hay thậm chí Yesterday của nhóm nhạc lừng danh Beatles. Không ồn ào, không phô trương, nét dịu dàng thấm đẫm buồn thương lại là “vũ khí” giúp bolero vươn lên trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng của Mỹ Latin.
Chứng nhân lịch sử
Vượt trùng dương tới Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ trước, bolero nhanh chóng được cộng đồng nghệ sĩ miền Nam đón nhận. Nhiều người cho rằng nhạc phẩm Duyên quê của Hoàng Thi Thơ có thể là “đứa con” đầu tiên mà bolero để lại trên mảnh đất hình chữ S. Cũng vào lúc bấy giờ, phong trào cách tân nhạc cổ lên mạnh, các nghệ sĩ Việt Nam xoay xở kiếm tìm trong những giai điệu Tây phương phần nào phù hợp với tâm thức của quần chúng xứ ta. Đúng lúc ấy, bolero xuất hiện và vô tình đáp ứng được mọi tiêu chí.
Nét chậm rãi mà không quá ngân dài như dân ca cùng nhiều biến thể phong phú cho phép nhạc sĩ thỏa thích vẫy vùng, sáng tạo trong những giai điệu bolero. Mặc dù đã là nhạc chậm, nhưng bolero của Việt Nam còn chậm hơn so với tổ tiên của nó tại Tây Ban Nha hoặc Mỹ Latin. Cộng với ca từ sướt mướt, diễm tình, bolero được người nghe dân dã gọi là “nhạc sến”, “nhạc vàng”…
Những năm 60 -70 là thời điểm hoàng kim của bolero tại Việt Nam với hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh, phổ thơ Hữu Loan), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thành phố sau lưng (Hàn Châu), Áo em chưa mặc một lần (Hoài Linh), Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân), Đêm buồn tỉnh lẻ (Bằng Giang - Tú Nhi), Vòng nhẫn cưới, Đêm lang thang, Không giờ rồi (Vinh Sử), Hoa sứ nhà nàng (Hoàng Phương)…
Sở dĩ bolero chiếm được lòng mến mộ của người nghe là do giai điệu gần gũi với nhạc cổ mà vẫn có sự đổi mới, ca từ thấm thía, dễ chạm được đến những tâm sự sâu kín của mỗi người. Đặc biệt, đời sống văn hóa, xã hội biến động càng khiến người ta muốn tìm đến một cõi “mộng mơ”, ru mình trong những khoảng tình ướt át, lắng đọng mà không kém phần đẹp đẽ.
Tuy dễ nghe nhưng bolero lại không phải dòng nhạc dễ hát. Từ làng trên xóm dưới, ai cũng có thể nghêu ngao vài câu bolero nhưng để hát được thật hay đến mức “giằng xé lòng người” như các ca sĩ chuyên nghiệp thì vô cùng khó. Không có những đoạn lên cao, gằn giọng hay trúc trắc, nhưng bolero yêu cầu người nghệ sĩ phải nắm vững kỹ thuật dàn hơi, nhả chữ để có thể hát một bài dài mà không bị phô, từng câu từng từ phải giống như “rót mật” vào tai người nghe. Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Như Quỳnh, Phương Dung, Giao Linh… đều là những cái tên được người hâm mộ dòng nhạc bolero yêu mến.
Chưa có được vị trí xứng đáng
Hiện nay, tuy không còn phổ biến như trước nhưng bolero vẫn có được chỗ đứng riêng cho mình, đặc biệt là trên thị trường hải ngoại. Sau đó, chính lớp ca sĩ hải ngoại này lại quay về nước, tổ chức show diễn, đem một thứ bolero vừa cổ điển, vừa thời thượng tới cho khán giả Việt Nam. Tuy định kiến về “nhạc vàng”, “nhạc sến” vẫn còn đó, nhưng các khán giả trẻ bắt đầu nhìn nhận dòng nhạc này như một phần của lịch sử và cũng có những điểm đặc sắc riêng, đáng được quan tâm, trân trọng.
Điều này làm nảy sinh thực trạng rằng có rất ít “sân chơi” dành cho những người yêu nhạc bolero. Chủ yếu họ tìm đến những phòng trà, câu lạc bộ nhỏ để giao lưu và có cơ hội để được đắm mình trong đam mê âm nhạc. Các ca sĩ bolero trẻ có rất ít đất dụng võ, khó phổ biến tên tuổi hơn các đồng nghiệp theo đuổi dòng nhạc khác. Và trên tất cả, khán giả yêu thích bolero rất khó để tiếp cận với các ca sĩ hay cơ hội để thưởng thức những bài hát mình yêu.
Rõ ràng, bolero cần sự khẳng định xứng đáng hơn thế trong lòng khán giả, cần được đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người trẻ. Bởi bolero không chỉ là những bài hát ảo não, sầu bi dành cho tầng lớp bình dân, mà nó chính là chứng nhân của lịch sử, là nơi cô đọng tâm sự của cả một thời đại.
Các chương trình gameshow âm nhạc phát sóng trên truyền hình như Nhân tố bí ẩn hay Thần tượng Bolero đang được kỳ vọng sẽ góp phần tô đậm lại vị trí của bolero trong làng nhạc Việt, đặc biệt là với Thần tượng Bolero có quy mô lớn mang tầm quốc gia. Mong rằng chúng sẽ giúp đưa bolero đến với mọi nhà, thân thương và gần gũi như một người bạn cũ ghé về thăm…