Logo Saostar - Special
SPECIAL

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Chia sẻ
Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

“Cải lương không phải duyên, bởi duyên đến duyên đi mình có thể buông bỏ được. Không phải nợ, vì nợ thì trả dần theo thời gian cũng hết. Cải lương là nghiệp, nghiệp đời. Nhưng dù người nghệ sĩ chỉ sống đúng một ngày trên sân khấu thôi, tụi chị chết cũng mãn nguyện”.

Ngày trước, mỗi lần đoàn cải lương về miền Tây lưu diễn, mấy anh em nghệ sĩ đều phải chịu trận ngồi xuồng lênh đênh trên sông nước hơn ngày trời. Thời đó, không có đường xá như bây giờ, muốn vào bến đậu thì chỉ đi xuồng. Thế mà, có khi lạc đường, gặp giặc cướp nó hoành hành. Mỗi lần qua khỏi một cù lao, anh chị em lại chắp tay, thở phào nhẹ nhõm: May quá, còn sống.

Xuồng cập bến, bà con trong xóm đã bu kín cả mép sông, tay cầm nhánh chuối già, chùm cóc chín, trái ổi non, tô tôm luộc… mà mừng:

- Chèn đéc ơi, thấy nó trên tivi chứ đâu nghĩ bao giờ được gặp nó ngoài đời. Má hổng có tiền đi coi hát, thôi con nhận ít trái cây má hái về làm quà, cho má ngắm con chút là vui rồi.

Buổi tối, đoàn vừa lên đèn biểu diễn, bà con đã dắt díu nhau đến rợp cả rạp. Mấy Ngoại già còn ôm thằng cháu nhỏ, mấy Má tay bế đứa con chưa dứt sữa… đứng ngồi không yên khi tới đoạn dì ghẻ tát con dâu một cú trời giáng: Chèn đéc ơi, con nhỏ đóng chi mà ác, ác dễ sợ! rồi lén lén kéo tà áo ra lau nước mắt.

“Mấy má nói thì nói vậy thôi chứ thương mình lắm. Đoạn nào nghệ sĩ quên tuồng thì nhắc, có khi còn hát chung cho vui. Vở diễn hết lúc nửa đêm mà hổng ai chịu về, nán lại để gặp bằng được Thoại Mỹ, hỏi cho ra lẽ: Đóng chi mà ác dữ…” - Thoại Mỹ cười nhớ lại.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Đó là những năm 80 của thập kỷ 20, khi cải lương bước vào giai đoạn hoàng kim, trở thành loại hình nghệ thuật sân khấu được khán giả khắp Nam kỳ lục tỉnh đón nhận nồng nhiệt. Lúc đó, riêng Sài Gòn có tới hơn 40 rạp hát lớn nhỏ hoạt động suốt tuần như Minh Tơ, Trần Hữu Trang 1-2-3, Huỳnh Long, Bé Hai,… Hàng loạt tên tuổi lớn như: Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thuỷ, Bạch Tuyết, Thanh Thanh Tâm, Vũ Linh, Thanh Hằng,…, thế hệ sau như Thoại Mỹ, Kim Tự Long, Ngọc Huyền,… đều sống khoẻ bằng nghiệp cầm ca.

“Có đêm, tụi chị còn chạy suất diễn cho xô tạp kỹ cho 2-3 chỗ, mức cát-xê hơn cây rưỡi vàng” - Thoại Mỹ chia sẻ.

Cứ thế, cải lương dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân. Già trẻ, gái trai, ai ai đều thuộc nằm lòng những câu ca: “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng…” (Dạ Cổ Hoài Lang), “Nghe danh công tử Bạc Liêu/ Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu…” (Bạc Liêu hoài cổ). Với họ, cải lương đã đem tới một thế giới mới, một cái gì đó khác xa cuộc sống đầy lo toan cơm-áo-gạo-tiền thường nhật.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Thoại Mỹ sinh ra trong một gia đình 12 anh chị em. Cuộc sống nghèo khổ, ba Mỹ phải đi làm công nhân, mẹ bán bún riêu, đi phụ việc nhà để kiếm tiền nuôi các con ăn học. May mắn 2 vợ chồng sinh được 2 đứa con gái đẹp người đẹp nết, từ nhỏ đã sở hữu giọng hát trời phú, đặt tên Ngọc Hoa-Ngọc Mỹ.

Mười mấy tuổi, Ngọc Hoa đã theo đoàn hát Dân công Thành phố, trở thành đào nhì nức danh. Sau này, nàng được thầy cô đặt cho nghệ danh Thoại Miêu, cô em cũng quen gọi là Thoại Mỹ. Cứ thế, đêm đêm, Miêu đi diễn lại dắt Mỹ vào sân khấu xem hát. 10 tuổi, Thoại Mỹ đã thuộc lòng nhiều đoạn tuồng của chị.

“Đêm nào cũng mơ được diễn như chị Miêu. Ở nhà, suốt ngày nghêu ngao hát, bắt chước lấy khăn quấn đầu, đi guốc cao để giả dạng làm cô đào”.

Có hôm, người đóng vai con nít trong vở Cây sầu riêng trổ bông đổ bệnh, đoàn thiếu vai, chị Miêu mới chạy ra dắt Mỹ vô, bảo:

“Có dám hát chung với chị?”

“Hát thì hát” - Mỹ háo hức.

Thế là chị Miêu cố gắng tập ngay cho Mỹ, tối hai chị em dắt nhau lên hát. Vậy mà Mỹ diễn đạt lắm, làm cả đoàn khen nức nở. Nghệ sĩ Lệ Thuỷ mới mách cho Mỹ đi bái nhạc sĩ Út Trong học ca, rồi sau đó thi vào trường Nhà hát Trần Hữu Trang để đào tạo cải lương bài bản.

“Nhà chị nghèo lắm, chị hổng có chiếc xe đạp để đi học. Ngày ngày, chị cứ đi bộ đến trường, trưa lại đi bộ về ăn cơm. Chừng nào nghe loa phát thanh phát chương trình cải lương thì lại đi bộ tới trường để học. Mỗi tháng mỗi người được trường phát 17 ký gạo, ở nội trú thì phải góp ăn chung, nên chị đành đăng ký ở ngoài để lấy gạo đem về nhà”.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Mấy năm đầu đi diễn, tiền hát chẳng đủ khấm khá. Hôm nào đến rạp, Mỹ cũng cắp theo cái cà-mơn đựng rất nhiều cơm, nước tương và quả hột vịt để dành ăn cả ngày. Những ngày nghỉ, Mỹ lại hớt hải chạy đi bưng hủ tiếu, nướng bắp, mài khoai mì,… đổi thức ăn cho cả nhà. Với Thoại Mỹ, đứa trẻ ấy chỉ sống là mình khi đứng trên sân khấu, trong ánh đèn lấp lánh xa hoa.

Không lâu sau, những vai diễn của Thoại Mỹ như: Hơ Lan trong vở Y Ban và nàng tiên, Nàng tiên mẫu đơn, Nửa đời Hương phấn, Cô gái đến từ Tiền Châu…. nhanh chóng chiếm được lòng khán giả, đưa tên tuổi Thoại Mỹ lên ánh hào quang. Ai ai cũng thích cặp đôi trai tài gái sắc Kim Tử Long - Thoại Mỹ hát chung sân khấu. Mặc dù, ngày ấy, Thoại Mỹ chỉ chuyên trị vai tính cách: độc-lẳng-mùi.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

“Có lần đi quay ở ngoài đường, chị đóng đoạn dì ghẻ tát đánh con. Nhưng tát hoài mà diễn viên Linh Tý hổng khóc nên đạo diễn bắt quay đi quay lại hoài. Xong, người ta đi ngang thấy mới chửi: con võ hậu, nó ác, ác quá. Lúc đầu chị buồn chị khóc miết. Tới lúc đạo diễn bảo em bị người ta chửi là đã thành công, có ác người ta mới chửi. Từ đó, Thoại Mỹ không còn sợ hát những vai như vậy nữa”.

Sáng sáng, người người xếp hàng dài trước cổng để chờ mua vé, tối đến ngồi kín cả rạp xem rạp. Không chỉ phục vụ Sài Gòn, đoàn cải lương Trần Hữu Trang 3 còn tổ chức lưu diễn khắp các tỉnh trong nước. Có lúc bay sang tận trời Tây để giao lưu cùng bà con kiều bào. Cải lương đã mang hồn Việt đến khắp nơi trên thế giới, ở đâu cũng được đón nhận nồng nhiệt.

“Khi về đoàn Quỳnh Long lưu diễn ở tỉnh. Đêm đó, tại điểm diễn có treo tên chị trên bảng quảng cáo mà lúc hát lại hổng có chị, khán giả la ó đòi bằng được Thoại Mỹ diễn. Vậy mới thấy khán giả yêu quý mình cỡ nào” - Thoại Mỹ kể lại.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Thời ấy đi lưu diễn còn cực khổ trăm bề: Thiếu thốn vật chất, nay đây mai đó,… nhưng cái tình cái nghĩa đời nghệ sĩ cải lương vô cùng khắng khít. Họ xem nhau như người trong nhà, cải lương là mái nhà chung của tất cả.

Ban ngày cùng ăn, cùng ngủ, cùng tập tuồng… rồi đêm đêm họ ngồi dưới gầm sân khấu nằm tạm bợ để chờ đêm diễn. Không có chỗ ngủ, nhiều lần mấy anh em nghệ sĩ còn xin ở nhờ nhà dân, tắm nước sông, uống nước mưa qua ngày… Nhưng ai cũng vui với nghề. Vì chỉ cần một lần được đứng trên sân khấu, đó là một lần họ được sống là mình.

“Người đi trước có bao nhiêu kinh nghiệm thì chỉ dạy người sau, có bao nhiêu duyên nghề đều chia sẻ cho nhau. Rồi tụi chị còn chia vai cho nhau, nay người này đóng đào chánh thì hôm sau xuống làm binh lính, phụ hoạ…” - Thoại Mỹ nhớ lại.

Không chỉ có tình cảm giữa những người nghệ sĩ, phần đông đảo khán giả yêu cải lương cũng đã theo họ đi qua những lúc giàu có lẫn cơ hàn. Thoại Mỹ nhớ, dù mình diễn vai phản diện, vậy mà khán giả vẫn một lòng thương chị, nhiều người nay đã già vẫn thuộc lòng từng vở tuồng chị diễn.

“Ra đường là mấy má cứ ôm hôn, rồi nựng mình, mà miệng thì cứ trách: trời ơi, sao mà nó ác, ác quá trời quá đất, chỉ cần cái liếc mắt của nó là đã thấy nó ác,… Nói tréo ngoe vậy đó chứ tình cảm của mấy má là thiệt lòng”.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Rồi có lần, Thoại Mỹ đóng đào võ, nhảy từ trên cao xuống đánh kiếm nên chẳng may bị đứt dây chằng. Điều trị chưa khỏi, chị lại ráng lò cò ra sân khấu, bên chống nạn, bên bó thuốc, đứng hát cho bà con. Khán giả thấy thương lắm! Họ bèn xin cái ghế nhựa đem lên cho chị, thỏ thẻ: Con ngồi đây mà hát, mấy má cần nghe con hát chứ không cần đánh kiếm cũng được.

“Cuối buổi khán giả còn cầm cọc tiền lẻ dúi vào tay từng đồng bảo là tiền mua thuốc thang chữa bệnh. Bấy nhiêu tình cảm của khán giả khiến người nghệ sĩ như chị không ít lần mủi lòng, bật khóc nức nở”.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Trong năm tháng đỉnh cao ấy, Thoại Mỹ đem lòng yêu chàng trai say mê tiếng hát của mình. Chẳng bao lâu, 2 người có với nhau một đám cưới lớn, rềnh rang khắp Sài Gòn. “Chị cứ nghĩ có bến đỗ bình yên, an cư rồi lạc nghiệp. Mà đúng là mình không đoán được ý trời. Cuộc đời mình như nghiệp diễn vậy, cũng đủ đường truân chuyên…”.

Thời gian trôi qua, cả hai không tìm được tiếng nói chung, người chồng lầm đường lạc lối, Thoại Mỹ khóc: Về nhà, khóc; ngồi dưới gầm sân khấu, khóc. Rồi chị nghĩ quẩn, tìm cách tự vẫn. “May lần đó chị được cứu sống. Chị đành trở về nhà mình ở, để ảnh nhận ra lỗi lầm mà lựa chọn giữa chị và những thứ anh ấy đeo đuổi. Nhưng, anh ấy không chọn chị”.

Ba thương con gái, đêm đêm ông an ủi Thoại Mỹ: Có những cái cần hy sinh, có những cái thì không cần phải vậy. Con khóc một hai ngày thì được, nhưng thấy con 1-2 tháng khóc như vậy thì cha không an lòng. Chị nghe thế đành tự dặn lòng phải buông bỏ.

Ba lần ra toà, chị vẫn ngóng trông người đàn ông ấy níu tay mình quay lại. “Thế mà, ảnh không nói một lời, còn nghĩ đến chuyện phải chia cái này cái kia. Chị mới bảo: em cần là cần trái tim anh mà em còn không giữ được nên em không lấy gì cả”.

Rồi hai người thôi nhau.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Sau ngần ấy năm tháng, Thoại Mỹ cũng trải nhiều cuộc tình ngắn ngủi, gãy đổ. Nửa đời chịu đầy khổ đau đời đàn bà, có lúc Thoại Mỹ đã ngã quỵ. Rồi chị còn trải qua cuộc phẫu thuật mổ chân, ruột, bệnh tim dồn dập. Tất cả tưởng như khiến chị không tiếp tục theo nghề. Nhưng nhờ tình cảm khán giả, nhớ tiếng đờn, tiếng ca, tiếng pháo tay chúc mừng,… Mỹ lại vực dậy lần nữa.

“Càng vấp ngã bao nhiêu thì niềm đam mê của chị lại càng dữ dội bấy nhiêu. Lần nào đi hát, mấy má nghe chuyện đời chị, cũng hỏi cuộc sống con sao rồi, khuyên mình cố gắng vượt qua. Cứ nghe vậy mà mình lại nghĩ phải sống trọn với nghiệp diễn”.

Giờ đây, thời hoàng kim của cải lương đã trôi qua, nhiều người nghệ sĩ nức danh ngày đó đành lui, sống phần đời còn lại trong các viện dưỡng. Họ sống lay lắt qua ngày, đôi khi vẫn còn vất vả để mưu sinh, chịu bệnh tật tuổi già cùng nỗi cô đơn… Như Thoại Mỹ, chị đã mở tiệm Spa làm đẹp riêng để kiếm tiền sinh sống cho bản thân mình. Nhưng nói về cải lương, chị Mỹ và cả những người khác vẫn khẳng định chắc nịch: Hát đến hơi thở cuối cùng thì thôi.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Mỗi năm, anh em nghệ sĩ vẫn tự họp mặt, tổ chức show diễn để tưởng nhớ nghề cũ vang bóng một thời. Với họ, cải lương đong đầy bằng hai chữ: ĐAM MÊ.

Nghệ sĩ Thoại Mỹ tin rằng, cải lương chưa bao giờ chết. Một ngày nào đó, loại hình nghệ thuật này sẽ được vực dậy trong lòng người Việt Nam, những sân khấu chính thống rồi sẽ ra đời để anh em nghệ sĩ thoả mãn đam mê.

“Gần đây, nhờ truyền thông nên người trẻ có cơ hội tiếp cận được gần hơn với cải lương. Chị còn nhớ, có nhiều lần hát trên sân khấu, chị quên thì dưới nhắc, còn khoe chị những tấm hình từ thời xưa của mình, Tết đến họ vẫn gửi quà tặng nghệ sĩ,… Khán giả phải theo dõi dữ lắm họ mới làm được như vậy”. - chị kể.

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Mỗi mùa Tết đến, Thoại Mỹ lại tất bật cho những chuyến lưu diễn phục vụ bà con. Chị kể rằng: Chưa bao giờ có khái niệm đón Tết, đi hết tỉnh này tới tỉnh khác, rồi bay sang nước ngoài,… năm nào cũng ra Giêng chị mới trở về nhà. Nhưng chị vui.

Đêm 30, trên chiếc ô tô xuôi về miền Tây, chị nghe tiếng pháo hoa nổ râm ran bên trời, tiếng nổ ấy gợi nhớ về tiếng củi bếp nấu nồi bánh chưng thuở nhỏ cháy rực. Thoại Mỹ ngước mắt nhìn xíu rồi thiếp đi.

Trong giấc mơ đâu đó, chị lại thấy mình đang cầm micro, mặc quần áo uy nghiêm, hát múa trước hàng nghìn khán giả. Dưới sân khấu nhỏ, các má, các chị, các em ngồi xếp bằng dõi theo vở Duyên Kiếp, vở Võ Tắc Thiên uy nghiêm, miệng khen lấy khen để: Ác chi mà ác dữ vậy con.

Chị ngọt xớt trong lòng!

Vang bóng một thời: 'Đời người nghệ sĩ sống trên sân khấu, chết trong những tràng pháo tay…'

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Tú Nguyễn

Chia sẻ