Logo Saostar - Special
SPECIAL

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Chia sẻ
Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Tấm ảnh đầu tiên to bằng bàn tay, trắng đen nhưng đôi chỗ đã hoen vàng, cũ như chiếc lá úa. Trong ảnh là cô gái trẻ, chắc vừa tròn đôi mươi, tóc dài qua lưng, khuôn mặt tròn, mắt to, nụ cười phúc hậu. Đó là Đẹp, năm 18 tuổi.

Đẹp kể năm đó làm tạp vụ cho quân đội Mỹ. Sáng đạp xe đi làm, cắp theo lon sữa bò có ít cơm cùng mớ khô. Thế mà, có người trung sĩ tên Joe (SN 1945) thấy nên động lòng thương: Ăn vậy lấy gì sống?

“Rồi ổng đi đâu cũng cầm đồ ăn về cho cô, khi cái bánh, thịt cá, lúc trái táo, trái cam,… Ổng nhỏ nhẹ, tử tế, lại rất trọng tình nghĩa”.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Tấm ảnh thứ hai bé hơn bàn tay một xíu. Là ảnh màu, trong ảnh có chàng lính Mỹ cao to, bận quần tây, sơ-mi sáng trắng,… đang nắm tay Đẹp. Cả hai cười mỉm.

Ở Việt Nam được hơn năm thì Joe phải về nước. Cô cũng chuyển sang trực chân tổng đài viên. Tưởng bặt vô âm tín rồi, thế mà lúc quay lại Việt Nam, Joe đi tìm cô. Ngày nọ, ổng tỏ tình: Muốn cưới em, đưa em sang Mỹ mà xưa thấy em nhỏ quá nên không dám nói”. Đẹp cười.

Tấm ảnh thứ 3, vẫn là Đẹp, nhưng buồn hẳn. Đôi mắt cô mệt mỏi, vô định, tóc cũng đã ngắn hơn, đang bế đứa trẻ vào lòng một cách âu yếm.

“Sống chung hơn nửa năm thì cô có bầu. Hai đứa định rằng sinh con ra, sẽ rước mẹ con qua Mỹ. Thế mà, con chưa ra đời thì Joe lại hết kỳ công tác. Ngày tiễn ổng, Joe hứa: Anh sẽ sớm quay lại tìm em…”.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Đẹp ở lại Việt Nam. Một mình. 9 tháng 10 ngày sau, cắn răng vượt cạn. Đứa trẻ chào đời tại BV Đại Đồng, bởi một tay bà đỡ, một người mẹ nghèo, trong một đêm Sài Gòn mưa lấm tấm.

Nó giống cha y đúc: tóc màu hạt dẻ, mũi cao, da trắng như tuyết… - mọi thứ trên người con bé đều mang dấu vết của người Mỹ nào đó xót lại trên mảnh đất Việt Nam. Vừa lọt lòng, đã khóc oa oa. Y tá nghe xong, nghẹn đắng: Con lai phải không?

Người mẹ lặng im.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Những ngày đầu tháng 4/1975, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, hàng loạt chuyến bay nhằm đưa trẻ em ra nước ngoài đã được thành lập, gọi tắt là Chiến dịch Không vận Trẻ em - Babylift.

Theo dòng phóng sự này, tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ cùng nhiều số phận đặc biệt, liên quan mật thiết đến 40 chuyến bay trong 22 ngày trọng đại đó. Họ là người mẹ đang từng ngày mong mỏi tìm con, là người mẹ đã vỡ oà hạnh phúc khi thấy đứa trẻ trưởng thành, hoặc cũng có thể đang đau đáu cần câu trả lời: Tôi là ai? Mỗi người đều để lại một câu chuyện, một mảnh ghép khác nhau, bằng lối kể đa diện. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi: nếu ngày đó, được lựa chọn, họ có đưa con họ đi không? Tất cả vẫn chắc nịch: Có.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

***

“Đau buồn, sợ hãi lắm nhưng vẫn vui, hạnh phúc cho con, vì nó rồi sẽ có được gia đình tốt” - Đẹp nhắc.

Đứa trẻ cô cho đi tên Nguyễn Thị Phương Mai, hơn 3 tuổi, là một trong gần 200 đứa trẻ nằm trên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Việt Nam lúc 15h, ngày 26/4.

Đến tận bây giờ, điều làm người mẹ này mãi mãi day dứt khôn nguôi chính là: Bà chẳng ngờ lần đưa con đi đó là lần cuối bà nhìn thấy con. 40 năm sau, khi ngồi trên chiếc ghế gỗ, trò chuyện cùng tôi, bà vẫn khóc bởi sự ám ảnh về khuôn mặt méo xệch của Mai: “Nó đứng giữa đám trẻ, giận hờn gọi: Mẹ ơi! Đừng bỏ con nhé!… Cô bất lực”.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

***

Từ đầu tháng 4, tin tức hỗn độn về Babylift đã truyền đi khắp ngõ ngách Sài Gòn. Nghe phong thanh, Đẹp đắn đo dữ lắm!

Mấy lần Đẹp nắm tay dắt con gái lên trại tập kết trẻ em. Nhưng rồi, khi đứng trước cánh cổng sắt, nghe tiếng khóc thé, thấy một vài đứa trẻ còn ẵm ngửa đóng trong chiếc cũi gỗ nhỉnh hơn thân người, chúng đã hở hàm ếch, da bủng beo, vàng úa,… Đẹp khóc nấc: “Thôi không đi nữa, con em, em nuôi…”

Những người mẹ có con lai như Đẹp đều mong đứa trẻ rồi sẽ có cuộc sống hạnh phúc bên kia địa cầu, gặp cha mẹ tốt, được đến trường học… Nhưng, nó phải xa cha mẹ. Chọn gia đình tốt hay gia đình ấm? Đêm đêm, Đẹp chắp tay lên trán suy nghĩ.

Càng về cuối tháng 4, tin tức số trẻ đưa đến trại trẻ mồ côi đã tăng vọt lên hàng ngàn, chuyến bay đầu tiên rơi khi vừa cất cánh, một nửa trong đó bị chết ngạt,… Mỗi ngày, nỗi sợ một lớn hơn trong Đẹp.

“Gửi đi, còn tiếc gì nữa. Qua đó gặp gia đình tốt, hơn ở với mày…” - người bạn nhắn.

“Mày thương con, mày giữ con lại, nhưng biết đâu bên đó còn tốt hơn…” - người khác thêm vào. Lần nào ghe xong, Đẹp cũng khóc.

Khác với việc bị tấn công thẳng vào bản thể, nghĩ về việc đưa con đi khi còn quá nhỏ là người mẹ tự tay bán giọt máu của mình. Điều đó làm cho họ tuyệt vọng vô cùng. Tâm trạng Đẹp có những ngày rơi vào tồi tệ, cuồng quay điên đảo khi nghe tin ai đó quen thuộc vừa cho con mình rồi.

Một đêm, Đẹp ôm Mai vào lòng: Mẹ sẽ đưa con đi nhé!

***

Sáng hôm sau, tay ẵm con, tay nách chiếc túi xách đựng quần áo cũ, Đẹp bắt xe lên thành phố. Nơi Đẹp chọn gửi là một nhà thờ nằm trên đường Pasteur Q.3. “Nó giống căn biệt thự hơn vì đẹp, rộng rãi, nhiều cây xanh hơn và được điều hành bởi các cha” - Đẹp nói.

Trong căn phòng đã có vài đứa trẻ đến trước, lớn có bé có. Chúng khóc liên hồi và không ngừng kêu la đòi thả về mẹ. Sau đó lại tự ôm ấp, quấn ráo riết lấy nhau như tận hưởng mớ hơi ấm ít ỏi còn sót lại. Một số đang bi bô tập nói, trong khi nhiều em nhỏ quá phải đặt trong cũi nằm rải rác khắp góc phòng, thở khò khè khó chịu… Mớ âm thanh sống động va vào nhau, quánh đặc.

“Làm gì?” - cha xứ hỏi.

“Con gửi con”.

“Để đó, đi làm giấy tờ đi” - cha xứ nhấn mạnh.

Đẹp đặt Mai xuống đất, kéo vài món đồ chơi vươn vãi trên sàn và dặn nó ngồi chơi. Cô lặng lẽ đi trình báo giấy tờ.

Khi quay lại, cha xứ có gợi ý cho Đẹp nên rời đi trước khi đứa trẻ phát hiện. Nhưng Đẹp đã nài nỉ ở lại thêm chút. Cái nắng tháng 4 khiến căn phòng như cái lò, mùi nước đái, tã lót cộng với tiếng khóc khiến mọi thứ trở nên nặng nề, khó chịu hơn.

Hết 30 phút, bảo mẫu nhắc lại Đẹp nên về sớm. Đến lúc này, Đẹp lựa ý quay sang dặn Mai: “Con ngồi đây chơi tí, mẹ chạy sang đường mua ít đồ rồi quay lại đón con”. Mai ngoan ngoãn nghe theo.

Đẹp lặng bước ra cửa, xỏ đôi dép nhựa nặng như xích vào chân, đi về phía cổng. Cô cố kìm để không khóc, chân chần chừ hết mức có thể. Mai vẫn ngồi im dõi theo mẹ, tâm trạng lúc này là vui.

Nó chờ đợi mãi đến khi thấy mẹ luồn qua khỏi cổng, mất hút. Như một điềm báo, con bé kêu la: Mẹ… Mẹ… Mẹ ơi! Đừng bỏ con…, rồi oà lên khóc dữ dội.

Đẹp ngã quỵ, nước mắt đã mọng hai bên mắt. Cô nức nở.

“Lúc nghe tiếng nó gào thét, cô chỉ muốn quay lại ẵm nó về. Sống được thì sống, chết thì chết. Nhưng cô nghĩ mình thương con thì bắt buộc phải cho nó đi thôi, nên lại nắm chặt tay, không dám quay lại nhìn lần nữa…”

Đó là lần đầu tiên Đẹp cảm nhận sự mất mát chia ly lớn thế nào! Bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ như Đẹp, sẽ trải qua giai đoạn dằn vặt, đau khổ, rồi thấy mình thật đáng chê trách khi lừa đứa con của mình. Từng câu từng chữ con bé nói lần cuối cùng, giờ trở thành nhát dao chí mạng đâm vào tim họ, khiến họ tơi tả, gục ngã. Nhưng thực tế buộc họ phải chấp nhận, quên đi nỗi đau và nghĩ về tương lai cho con - có lẽ hai chữ “hy sinh” ra đời từ đó.

Nhiều ngày sau khi gửi Mai đi, Đẹp nhớ con. Khóc không ngừng.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

***

Vào buổi chiều, xa Mai hai ngày, Đẹp lại lẻn lên nhà thờ để nhìn con. “Con bé ốm đi hẳn, mái tóc màu hạt dẻ đã bị cắt lởm chởm chỗ ngắn chỗ dài, trên da còn bầm…” - Đẹp nhớ lại. “Bảo mẫu đã đánh nó, ai bảo nó đi đái bậy?” - một đứa bé lớn hơn méc lại như thế.

“Cô tới đây làm gì?”

“Cho tui thăm con một chút”.

“Thôi đừng tới nữa, bỏ rồi, tìm lại, bỏ đi nữa, nó khóc.”

“Vậy thôi cho tôi dắt nó đi cắt cái tóc, xíu tôi quay lại”. Đẹp nài nỉ, trong lúc người bảo mẫu chẳng mấy bận tâm. Cô nhanh chóng bế Mai ra khỏi nhà thờ, dắt con đi bộ trên con đường Pasteur tuyệt đẹp. Hai bên lá cây đương vào mùa xanh mướt, rắc trên đó là từng đợt nắng vàng óng ánh.

Đẹp dẫn con vào một tiệm phở bên đường, chăm chút đút từng muỗng cho con. “Nghĩ đây là bữa cuối nên cho nó ăn để bù đắp hết chuỗi ngày còn lại… không có mẹ”.

Nhưng rồi, đứa trẻ chỉ quấy khóc, cố gắng vòi mẹ: “Mẹ hứa là đừng bỏ con nữa nhé”.

“Thôi không ăn nữa, mẹ dẫn con đi cắt tóc”.

“Cắt tóc xong rồi, Mẹ dẫn con đi chụp ảnh”. “Mẹ đừng bỏ con nữa nhé!” - Mai vẫn nhắc lại.

Trong tiệm ảnh hai mẹ con vội vội vàng vàng ngồi trên chiếc ghế đẩu. Đẹp đặt Mai trên đùi mình, và cố luồn tay qua áo ôm eo nó. Khuôn mặt đứa trẻ không nhếch nổi nụ cười.

“Tấm hình ấy, cô tính sẽ nhét vào đồng quần áo cho con mang theo. Cô hy vọng con bé sẽ giữ lại một phần kỷ vật nào đó của mẹ, hoặc ít nhất là để nó nhớ về mẹ khi cần. Nhưng tấm hình trắng đen hẹn sau 3 ngày nữa mới giao” - Đẹp kể lại.

Ăn xong, cắt tóc xong, chụp ảnh cũng xong nốt. Đã đến giờ trả con về cho bảo mẫu - người sẽ cho con cơ hội có cuộc sống tốt đẹp, hơn là bên mẹ.

Đẹp dắt con đi, chậm rãi và thư thái. Nắng đã ươm vàng ruộm khắp con đường Pasteur, vài chiếc xe chạy xẹt qua để lại đằng sau dư âm dai dẵng không thôi. Mọi thứ khiến cô nhớ về cái hồi Mai lọt lòng, lời y tá đã nhắc: Con lai phải không? Rồi thời gian lại đưa Đẹp về hôm Mai vừa tròn 15 ngày tuổi, cô lại phải rời bỏ con để xuống Mỹ Tho làm, 2 tuần về một lần. “Con bé đành bỏ lại cho người dì 14 tuổi giữ giùm. Sau này, nó biết nói, nó méc cô hoài: Mẹ đừng bỏ con đi nữa! Dì Thắm đi chơi hoài…” - Đẹp cười đắng nghét.

Giờ đây, ngay lúc này đây, hai mẹ con Đẹp, chính tay Đẹp lại đẩy Mai vào một cuộc chia ly vĩnh viễn. Đó là lựa chọn hay sắp đặt?

Hồi lâu, cả hai đã đứng trước cánh cổng nhà thờ. Con bé oà khóc, quay sang hỏi: “Quay lại đây chi nữa vậy mẹ?”

“Mẹ với con vô chơi chút rồi về”

“Mẹ ơi! Đừng bỏ con nữa nhé!” - Mai nhắc.

Đẹp không còn đếm nổi mình đã nói dối con thế nào, bao nhiêu lần trên suốt quãng đường. Cái cảm giác khi tự mình lừa dối giọt máu của mình, lừa đứa trẻ bé xíu chẳng hiểu gì về cuộc sống, và câu nhắc nhở vượt khỏi cái ngưỡng 3 tuổi của Mai khiến Đẹp thấy mình thật là kẻ xấu xa.

“Không đâu, mẹ sẽ không bỏ con…” - Đẹp nói. “Mẹ đi toilet chút xíu, Mai ngồi chơi, chút mẹ ra lại bế con đi về nhé!”. Mai tin. Nó ngồi yên một chỗ, ngóng vào phía trong nhà.

Nó không bao giờ biết rằng, cái lần ấy là lần cuối cùng nó nhìn thấy mẹ nó vội vã đi rồi khuất dần. Đến khi không thấy mẹ quay lại, Mai mới đứng phắt dậy, đi tìm.

Nó lục lọi, kêu la, rồi không ngừng gọi mẹ, bất lực. Mãi lúc lâu, như biết chắc mình đã bị bỏ rơi, nó mới dừng lại, tiến lại gần cửa, hai mắt đã lưng tròng và khuôn mặt đỏ au lên, nó gào thét: Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Đừng bỏ con nữa mààà…

Tiếng con bé vang ra cả căn phòng, đánh thức những đứa trẻ nằm trong cũi, vài đứa đang chơi dưới sàn cũng bắt đầu ngơ ngác… Loạt tiếng khóc vang lên đồng thanh, không ngừng va vào nhau, đau đớn.

Đẹp chỉ cúi đầu lao đi thật nhanh, nhanh cho đến khi không còn nghe chuỗi tiếng khóc đó kéo dài. Không còn nghe bằng mớ âm thanh thực. Nhưng tận sâu trong ngằn ngặt của tâm hồn bị nén lại và tội lỗi, cô vẫn thấy Mai đứng đó, nhỏ bé, tội nghiệp, ánh mắt con bé lấp đầy tuyệt vọng, đau đớn, Mai thét: Mẹ ơi! Đừng bỏ con nhé!

Bỗng chốc Đẹp thấy mình mềm hẳn, tàn nhẫn và xấu xa.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

26/4/1975: 4 ngày sau, Đẹp quay lại nhà thờ tìm con sau nỗi nhớ dai dẳng không nguôi. Từ xa, sự im lặng đã báo hiệu dự cảm bất an. “Chúng đã đi chuyến chiều này” - ai đó lên tiếng.

Sau này, nhờ một người lính Mỹ mà Đẹp biết được rằng: Chuyến bay cuối cùng đưa trẻ em Việt Nam đi đã cất cánh vào 15h, trước lúc Đẹp đến không lâu.

“Sợ hãi, đau đớn lắm, nhưng vẫn vui và hạnh phúc cho con, vì nó rồi sẽ có được một gia đình tốt” - Đẹp kể.

30/4/1975: Đẹp toan sẽ ra nước ngoài, không biết đi đâu, trước mắt chỉ là đi, rồi Đẹp sẽ tìm con. Song, kế hoạch đó cũng vỡ tan tành.

1988: 13 năm sau, Đẹp đánh thư gửi cho Joe với mong có thể giúp mình tìm lại đứa con thất lạc. Hơn tuần sau, lá thư bị trả ngược trở về, Joe đã không còn ở địa chỉ cũ.

1990: Đẹp tiếp tục viết thư gửi cho nhiều người khác, kể lại toàn bộ sự việc với hy vọng được giúp đỡ. Bức thư đi rồi bặt vô âm tín.

“Cô mong mỏi từng hy vọng nhỏ nhất. Vì cô biết, lúc đó Mai mới 3 tuổi nên khó lòng có thể nhớ mọi chuyện. Với lại, cô còn không biết con bé đã đáp máy bay xuống nước nào. Trẻ em đã được nhận nuôi ở khắp nơi trên thế giới. Cô buồn, nhớ con nên khóc mãi. Mà sao ác quá! Mai đi lâu mau mà không hề về trong mộng của mẹ một lần”.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Năm 2000: Một người phụ nữ lớn tuổi tên Mary Nelle Gage đã tập hợp những đứa trẻ ngày ấy, đưa chúng trở lại Việt Nam theo chương trình tìm về cội nguồn. Vô vàn chúng giờ đã trưởng thành, thành đạt, có gia đình, con cái… Nhưng đa phần chúng, trong suốt năm tháng vẫn luôn tự đặt câu hỏi: Cha mẹ mình là ai?

Đọc được tin tức trên báo, Đẹp vội vàng có mặt tại một khách sạn trên đường Tự Do để tham dự. “Kết thúc buổi gặp mặt, cô đi nhìn mặt từng người để tìm con. Cô nhìn kỹ lắm, nhưng không có đứa nào là Mai cả. Bằng giác quan của người mẹ nên con gái cô có thay đổi thế nào thì vẫn nhận ra…”

Năm 2012: Tristar Golberg - một trong những đứa trẻ thuộc Chiến dịch Babylift, đã tìm đến Việt Nam với nỗ lực hỗ trợ các bà mẹ đi tìm con.

Justar Golberg nhận lời giúp đỡ Đẹp tìm kiếm lại Mai trong nỗ lực có giới hạn. Cô đã thực hiện loạt phóng sự “So closer, so far away” nhằm đưa câu chuyện của Đẹp đến với mọi người hơn. Bộ phim kết thúc, không có hồi âm nào.

Justar cũng thu thập mẫu ADN của trẻ em Babylift đang sinh sống tại Mỹ và so sánh với ADN của cô Đẹp. Song, kết quả đã nhanh chóng rơi vào hư không. Số lượng trẻ ngày đó quá lớn, không ai có thể nắm rõ chúng nằm trên chuyến bay nào, đi đến đâu, còn sống hay đã chết?

Bẵng đi thời gian dài, Đẹp nhận được cuộc gọi đầu tiên từ nước ngoài, rằng: có người có cùng mẫu ADN với cô. Cô đã vỡ oà hạnh phúc khi thấy tia hy vọng đầu tiên cho cuộc tìm kiếm 40 năm của mình. Thế nhưng, mẫu ADN đó lại thuộc về một người đàn ông, có quê cũ ở Quãng Ngãi.

“Lúc đó, nghĩ lại thì con mình là con gái mà, làm sao đúng được. Nhưng mình vẫn vui lắm, vì lâu rồi mới có cuộc gọi về…”.

Đó là điều tốt lành cuối cùng. Đến nay, không còn cuộc gọi nào…

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Trên 2000 đứa trẻ bước lên chuyến bay thuộc Chiến dịch Không vận Trẻ em ngày đó, chúng đang sống như thế nào trên khắp thế giới? Đó là câu hỏi mà những người mẹ như Đẹp đi tìm mỗi ngày.

“Mỗi buổi sáng, các goá phụ mới lại than khóc, đứa trẻ mới trở thành mồ côi lại kêu gào, và những nỗi buồn đau mới vang lên thấu đến trời xanh…” - William Shakespeare, Macbeth. Gần nửa thập kỷ đã trôi qua, nỗi đau chia ly ngày ấy giờ đã dần lùi xa. Nhưng vết sẹo thì lâu lắm mới lành!

Rất nhiều chương trình tìm về nguồn cội đã được lập ra nhằm hỗ trợ ông bố bà mẹ tìm lại con. May mắn, vài trường hợp tìm thấy nhau, trong khi người khác vẫn đang đau đáu vô vọng. Ở khắp nơi trên Trái Đất, những người mẹ Việt Nam vẫn đang ngóng tin con, người con vẫn đang tìm hình bóng mẹ. Họ lạc và tìm nhau bằng chuỗi ký ức mong manh, ít ỏi.

Suốt khoảng thời gian cho con đi và tuyệt vọng tìm lại con, Đẹp khóc nhiều, rất nhiều. Cô không đếm nỗi mình đã khóc bao đêm, bao nhiêu tiếng đồng hồ. Sớm mai tỉnh dậy, người ta nhìn vào đôi mắt sưng húp, hỏi: Lại khóc nữa phải không? Đẹp lảng đi, không trả lời.

Giờ đây, cách Đẹp nuôi hy vọng mỗi ngày là mua vài ba tờ báo và nỗ lực tìm kiếm. Dòng đầu tiên Đẹp đọc là tin vắn tìm người. Đẹp thầm ước một ngày nào đó, một ai đó sẽ để lại tên Đẹp trên đó, trong những khung vuông nhỏ xíu. Không cần biết là ai!

“Nhiều lúc đọc đến câu chuyện hai mẹ con nào vừa đoàn viên, cô lại khóc. Không biết là vui hay là buồn?” - Đẹp kể.

Trong cuốn sổ tay màu vàng úa, cô vẫn cố ghi lại tất cả dữ kiện rời rạc, và giấu chúng thật kỹ. Có nhiều bức thư chưa gửi, ngày… tháng… năm gặp ai, làm gì, tên người nước ngoài, cơ quan báo đài… Và hơn hết là ảnh của Mai - cô bé nhỏ xíu, có mái tóc màu hạt dẻ, mắt to, da trắng như tuyết, không biết bây giờ đang ở đâu?

Cuốn sổ tay ngả vàng úa ấy dần trở thành niềm an ủi cuối cùng của người mẹ già.

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Thứ 7, ngày 1/12/2018, một ngày của tháng cuối cùng năm 2018. Trời Sài Gòn nhiều sao, lấp lánh. Giờ này, ở bên kia địa cầu, có lẽ đang là buổi sáng. Một bình minh với những sợi nắng vàng óng rải khắp cánh đồng, hoặc thành phố, hoặc ngoại ô. Ở đó, trong sự hân hoan của ngày mới, Mai vẫn đang sống?

Còn Đẹp thì đã 70 rồi! Cô chẳng biết mình phải đợi bao lâu? Bao giờ thì nằm xuống? Và lúc đó, có gặp lại con?

Ở dưới chân chiếc ghế gỗ, tờ báo Tuoitre số ra ngày 6.11.18 bay bay trước cánh quạt quay chậm. Trên mặt báo để lại dòng tin ngắn: Người phụ nữ sau 50 năm đã tìm thấy đứa con mất tích của mình. Trong ảnh, người mẹ mái tóc bạc phơ, mặt đầy nếp nhăn,… đang ôm chầm lấy con.

Và cả hai cùng khóc…

Người mẹ tìm lại con sau 50 năm cách nửa vòng trái đất

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Yến Võ - Lê Lâm

Chia sẻ