Cuộc đời diệu kỳ của Walt Disney: 'Mọi khó khăn trong đời đều giúp tôi mạnh mẽ hơn'

Cha đẻ của chuột Mickey huyền thoại, đồng sáng lập hãng phim nổi tiếng nhất thế giới và là người tạo nên Disneyland - “Vùng đất hạnh phúc nhất thế giới”, Walt Disney đã sống một cuộc đời tràn ngập những điều kỳ diệu như chính những tác phẩm mà ông tạo ra.

Bài viết Song Long
Chia sẻ

Thật khó để tưởng tượng về một thế giới không có Walt Disney, khi những giấc mơ không được các bộ phim và giai điệu tuyệt vời chắp cánh, khi không có những câu chuyện và hình ảnh kỳ ảo giúp khơi gợi trí tưởng tượng thời thơ ấu. 

Walt Disney và những gì mà ông đã làm còn hơn cả một huyền thoại. Tầm nhìn và những sáng tạo đột phá của ông vẫn và sẽ mãi truyền cảm hứng cho mọi thế hệ. 

Tất nhiên, cuộc đời không hề dễ dàng với ông. Chuyện đời của Walt Disney cũng đầy những thử thách và điều bất ngờ như chính các câu chuyện mà ông tạo nên. 

Cuộc đời diệu kỳ của Walt Disney: 'Mọi khó khăn trong đời đều giúp tôi mạnh mẽ hơn' Ảnh 1

Walt Disney, tên thật là Walter Elias Disney, sinh ngày 5/12/1901 ở Chicago (Mỹ). Ông là con của một gia đình gồm 5 anh chị em.

Năm cậu bé Walter Disney lên 4 tuổi, cả gia đình chuyển đến Marceline, bang Missouri. Một cách tình cờ, đây cũng là cơ hội để Walter bộc lộ năng khiếu hội họa, khi một vị bác sĩ gần đó nhờ Walter vẽ tranh cho mình. Kể từ đó, cậu bé Walter đã phát hiện ra niềm đam mê nghệ thuật ở bản thân, và chủ động luyện tập bằng cách sao chép lại các hình ảnh nhân vật hoạt hình trên báo. Khi mới 7 tuổi, Walter đã có thể tận dụng tài năng vẽ tranh để phụ giúp gia đình bằng cách bán các bức tranh của mình cho hàng xóm và bạn bè

Khi đi học, Walter cũng thường bị giáo viên than phiền vì hay mất tập trung. Cậu thường bị bắt quả tang đang vẽ vời hoặc lơ đãng suy nghĩ mơ mộng trong giờ học. Một thời sau, Walter bắt đầu bộc lộ năng khiếu kể chuyện bằng hình ảnh. Cậu bé thường giúp bạn bè giải trí bằng cách kể những câu chuyện cổ tích và minh họa bằng hình ảnh mà cậu tự vẽ trên bảng.

Đến năm 10 tuổi, Walter được bác ruột cho đi bán báo và đồ ăn ở ga tàu. Những ngày tháng lang thang quanh đường ray đã ghi dấu ấn sâu đậm trong trí nhớ của Walter và gây ảnh hưởng đến các sáng tạo của Walt Disney sau này, đặc biệt là tại các công viên Disneyland.

Cuộc đời diệu kỳ của Walt Disney: 'Mọi khó khăn trong đời đều giúp tôi mạnh mẽ hơn' Ảnh 2

Năm 16 tuổi, Walt Disney quyết định bỏ học và tham gia tổ chức Chữ Thập Đỏ. Ông được đưa đến Pháp và nhận nhiệm vụ lái xe cứu thương trong 1 năm.

Đối diện với những vết thương ghê rợn, với máu và tất cả những gì khủng khiếp nhất của chiến tranh, Walt Disney tìm thấy bình yên bằng cách vẽ ra những nhân vật tưởng tượng. Vào thời gian rảnh, Walt Disney thường sẽ vẽ lên hai bên khung xe cứu thương. Một số hình vẽ của Walt Disney trong giai đoạn này còn được xuất bản trên tạp chí quân đội.

Sau khi kết thúc công việc ở Hội Chữ Thập Đỏ, Walt Disney lúc này mới 18 tuổi và nhận công việc làm họa sĩ tại một studio nghệ thuật. Nhưng chưa đầy một năm sau, ông bị sa thải với lý do “không có trí tưởng tượng”.

Người khác có thể vì điều này mà nhụt chí. Nhưng đây là Walt Disney, sau khi bị đuổi việc, bằng sự tự tin không biết từ đâu mà có, ông thành lập studio của riêng mình. Đáng tiếc, lần kinh doanh đầu tiên thất bại chỉ sau 1 tháng vì không có đủ khách hàng. Mặc dù bị mất tinh thần, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

Cuộc đời diệu kỳ của Walt Disney: 'Mọi khó khăn trong đời đều giúp tôi mạnh mẽ hơn' Ảnh 3

Sau khi đã tiêu hết tiền cho lần khởi nghiệp đầu tiên, Walt Disney bắt buộc phải đi làm thuê cho một studio dựng phim ở bang Kansas. Tại đây, Walt Disney đã sáng tạo một kỹ thuật làm phim hoạt hình mới và cố gắng thuyết phục studio thử nghiệm kỹ thuật này nhưng không được chấp nhận. Ông quyết định nghỉ việc và khởi nghiệp một lần nữa.

Lần này, ông cùng với các đồng nghiệp tạo ra một bộ phim hoạt hình có tên “Laugh-O-Grams”. Bộ phim dài 7 phút theo phong cách cổ tích hiện đại được trình chiếu tại một rạp chiếu bóng địa phương, và nhận được sự đón nhận của khán giả, vừa đủ để giúp công ty tiếp tục hoạt động. Khi đang trong quá trình sản xuất bộ phim “Alice ở xứ sở thần tiên” thì công ty lại phải đóng cửa vì không đủ tài chính. Một lần nữa, Walt Disney lại thất bại và gần như không còn gì.

Ở tuổi 22 với 2 lần thất bại, Walt Disney nhận ra rằng ông bắt buộc phải tin tưởng tuyệt đối và không bao giờ được phép nghi ngờ giấc mơ của mình. Vậy là ông thu dọn mọi thứ, xách vali lên và tiến thẳng đến Hollywood - và như mọi người đều biết, quyết định này đã mở ra chương mới cho cuộc đời của Walt Disney.

Cuộc đời diệu kỳ của Walt Disney: 'Mọi khó khăn trong đời đều giúp tôi mạnh mẽ hơn' Ảnh 4

Tại Hollywood, Walt Disney hợp tác với anh trai ruột là Roy Disney. Hai anh em dồn hết chút tiền bạc còn sót lại và mở một cửa hàng bán máy ảnh cũ ở garage mượn của chú. Hàng ngày Walt Disney tiếp tục cố gắng tìm người đầu tư cho bộ phim “Alice ở xứ sở thần tiên”, còn anh trai Roy làm việc ở cửa hàng.

Sau rất nhiều lần bị từ chối, Walt Disney cũng gặp được Margaret J. Winkler, bà đồng ý đầu tư cho bộ phim của Walt. Cả hai anh em đều vui mừng ngây ngất và nhanh chóng thuê một căn hộ để làm studio, đồng thời thuê thêm 2 cô gái làm phụ tá. Chỉ với một căn phòng nhỏ và 4 người, hai anh em nhà Disney vẫn tự hào đặt tên công ty là “Disney Bros. Studio” (Studio của anh em nhà Disney).

Bộ phim của Disney nhận được phản hồi rất tốt từ công chúng, giúp cho công ty có thể thuê nhiều họa sĩ hơn và phát triển thêm các tác phẩm mới, trong đó có loạt phim “Oswald the Lucky Rabbit” kể về một chú thỏ có tên Oswald.

Mọi chuyện diễn ra vô cùng tốt đẹp cho đến 5 năm sau, Walt phát hiện Winkler đã đánh cấp bản quyền của nhân vật chú thỏ Oswald. Người phụ nữ này cũng đã bí mật liên hệ với các nhân viên giỏi nhất của công ty Disney để tự sản xuất loạt phim này. Walt quyết định từ bỏ chú thỏ Oswald do chính mình tạo nên.

Lúc này Walt mới 27 tuổi, vỡ mộng và thất vọng vô cùng. Nhưng dường như cũ ngã này lại là món quà tuyệt vời của số phận dành cho ông. Khi đang ở trên một chuyến tàu, chán chường nhìn ra cửa sổ và lo lắng cho tương lai của công ty, Walt bỗng nảy ra một ý tưởng và vội vàng ký họa hình ảnh một chú chuột. Chú chuột này rất đặc biệt, vì đây là một chú chuột được nhân cách hóa, sẵn sàng mạo hiểm và luôn suy nghĩ tích cực, giống như chính Walt Disney. Chú chuột này sau đó được đặt tên là Mickey.

Cuộc đời diệu kỳ của Walt Disney: 'Mọi khó khăn trong đời đều giúp tôi mạnh mẽ hơn' Ảnh 5

Ngày nay ai cũng biết chuột Mickey đã trở thành một nhân vật hoạt hình kinh điển và cũng là biểu tượng của hãng phim Walt Disney. Thực ra khi chuột Mickey lần đầu ra mắt công chúng trong hai bộ phim câm, Mickey không nhận được nhiều sự chú ý.

Nhưng vốn đã quá quen với thất bại, Walt vẫn kiên trì sản xuất bộ phim thứ ba cho chuột Mickey, lần này là phim nói, với phần lồng tiếng cho chuột Mickey do chính Walt thực hiện. Bộ phim này đã mở ra thời kỳ huy hoàng cho đế chế Walt Disney, và thời kỳ huy hoàng đó vẫn tiếp tục kéo dài đến ngày hôm nay.

Giải thích  cho thành công của Walt Disney, chính Walt đã nói: "Mọi giấc mơ đều có thể trở thành sự thật, nếu chúng ta đủ dũng cảm để theo đuổi giấc mơ đó. Nhưng thế giới này có một vấn đề rất rắc rối. Đó là rất nhiều người đã trưởng thành”. 

Bài viết

Song Long

Chia sẻ