Lãnh địa Japan Style và luật chơi: Tôi không làm phiền bạn, xin đừng làm phiền tôi!

Lãnh địa Japan Style và luật chơi: Tôi không làm phiền bạn, xin đừng làm phiền tôi!

Logo Saostar - Special special

Lãnh địa Japan Style và luật chơi: Tôi không làm phiền bạn, xin đừng làm phiền tôi!

Copy Link
Chia sẻ
Lãnh địa Japan Style và luật chơi: Tôi không làm phiền bạn, xin đừng làm phiền tôi!

Đâu chỉ những gì xuất phát từ phương Tây, các nước Á Đông cũng có nhiều nền văn hóa từng tạo nên cảm hứng trong nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng. Đặc biệt là Nhật Bản, có thể tạm gọi là cái nôi của làng thời trang Châu Á, Chắc chắn, giờ đây nhiều người đã phải thừa nhận, chủ nghĩa tinh giản, đơn sắc trong cách sống, cách nghĩ của Nhật Bản và nền văn hóa ăn mặc của họ đã phần nào lan truyền đến làng thời trang thế giới, trong đó dĩ nhiên có cả Việt Nam.

Tầm nhiều năm về trước, nhắc đến thời trang Nhật, mọi người thường nghĩ đến Harajuku - một phong cách thời trang màu mè, vui nhộn và dị biệt… hoặc cosplay thành các nhân vật trong truyện tranh, tung tăng dạo phố và chụp ảnh cùng fan hâm mộ.

Nhưng đến giờ, cả thế giới đã biết, xứ sở hoa anh đào không phải chỉ có những mảng màu sáng tối, những mái tóc giả rực rỡ hay các cô nàng, anh chàng xuống phố với bộ cánh như bước ra từ những trang truyện tranh. Đó còn là cả một thế giới thiền tịnh với cách sống nhẹ nhàng, thanh cảnh và tiết chế. Điều này cũng ám vào tư duy thời trang của người Nhật, đúng với chủ nghĩa minimalist - tối giản.

Rất nhiều chuyên gia người Nhật từng tạo nên làn sóng trong làng thời trang dù rằng họ không phải là NTK. Bạn từng nghe qua kỹ thật Drapping - dựng trang phục 3D nhưng liệu bạn có biết rằng, giờ đây nó đã được phát triển lên thành Cutting - kĩ thuật tạo khối trong thời trang, phá vỡ cấu trúc rập… và người sáng tạo đó chính là Shingo Sato - một bậc thầy người Nhật tái tạo kiến trúc qua các sóng vải. Phát hiện này của ông đã khiến làng thời trang thế giới nghiêng mình.

Yayoi Kusama - họa sĩ nổi tiếng người Nhật với dấn ấn là các tác phẩm chấm bi. Mức độ lan tỏa của bà được thể hiện qua số lượng kỉ lục những người đến tham quan triển lãm. Năm 2012, nhà mốt Louis Vuitton đã có cú bắt tay cùng người đàn bà tự nhận mình “điên” này và tạo nên bộ sưu tập khiến công chúng ngỡ ngàng, “tối giản” về phom dáng nhưng họa tiết, cách xử lí bề mặt lại “tối đa”.

Chắc chắn chẳng thể bỏ Yohji Yamamoto, nhà thiết kế với phương châm: “Tôi không làm phiền bạn, xin đừng làm phiền tôi!”. Các sáng tạo của ông mang nặng tinh thần Avant Grade, lấy định hướng từ lối thắt, mở trang phục ấn tượng, thay đổi cấu trúc…

Còn nhớ, trong bài phỏng vấn đầu tiên với tờ New York Time năm 1983, ông đã tạo nên cái nhìn bình đẳng giới khi chia sẻ: “Tôi nghĩ trang phục nam của tôi sẽ đẹp hơn trên cơ thể phụ nữ, và khi thiết kế, tôi thường làm quần áo nam dựa vào tỉ lệ cơ thể nữ… Tôi muốn những người đàn bà đó được bao bọc bởi những chiếc áo khoác nam giới to sụ - tự họ sẽ bảo vệ chính mình, giải phóng suy nghĩ của mọi người vể người phụ nữ nói chung và phụ nữ các nước Châu Á nói riêng…”

Rõ ràng một điều dễ thấy, thời trang thế giới đã đón nhận các quốc gia Châu Á vào cuộc chơi chung của mình, thậm chí là cả Việt Nam, sự xuất hiện của những cái tên trong nước trên bản đồ thời trang quốc tế cũng không còn là gì quá xa lạ.

Nếu Justin Bieber, Nick Jonas hay Kim Kardashian từng diện lên mình các thiết kế của Yohji Yamamoto, Yayoi Kusama bắt tay cùng nhà mốt danh tiếng… thì Công Trí cũng vinh dự được nhiều nghệ sĩ quốc tế như Katy Perry, Rihanna hay gần đây nhất là nữ diễn viên Kate Bosworth chọn trang phục. Siêu mẫu quốc tế Coco Rocha cũng nâng tầm cái tên Phương My khi diện đồ do cô thiết kế, đồng thời My cũng là NTK Việt đầu tiên được vinh dự xuất hiện trên lịch diễn chính thức của CFDA…

Tất cả những điều trên bằng cách này hay cách khác đã tạo nên sự đổi sắc trong diện mạo thời trang Châu Á, thể hiện sự ảnh hưởng phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đến nền công nghiệp thời trang hiện đại.

Thế nhưng, không thể phủ nhận, văn hóa Nhật Bản luôn có tầm ảnh hưởng, chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền thời trang Châu Á. Không chỉ bởi những NTK hay các chuyên gia đầu ngành được khẳng định, mà còn là các sản phẩm, thương hiệu… tựu trung gom góp vào cái tên “Japan Style”.

Chẳng biết từ lúc nào, chiếc áo kimono đã trở thành một item có sức ảnh hưởng, được nhiều người cả từ các nhà mốt thế giới cũng lấy làm cảm hứng đến giới mộ điệu, tín đồ thời trang cũng diện nhan nhản ra phố. Túm tụm ở thị trường Việt Nam thôi, hãy nhớ lại xem, trong vòng 5 năm đổ lại đây, có phải bạn cũng nhiều lần thấy những mẫu áo kimono cách tân, in, thêu hình cò hạc, mặt trời đỏ…

Và đã nhiều lần khi hình ảnh Á Đông trở thành đề tài của các nhà thiết kế Việt. Dù có hay không sự thừa nhận, nhưng một điều chắc chắn là những chiếc áo kimono, dây đai obi hay guốc Nhật lạch cạnh đã là nguồn cảm hứng khởi nét.

Tạm kết: Nhật Bản - quốc gia Châu Á nằm tách biệt cả về trị trí địa lí lẫn văn hóa thật sự đã khiến nhiều người ngưỡng mộ khi tạo được dấu ấn riêng trên thế giới trong nhiều lĩnh vực và cả trong thời trang. Xem nước bạn, để nể, để yêu và mong sau những cái tên Công Trí, Phương My sẽ là nhiều, nhiều nữa các NTK Việt Nam tự hào đem chuông đánh xứ và ghi được dấu ấn dân tộc trên bản đồ thế giới. Dẫu rằng, với một nền công nghiệp thời trang non trẻ của ta, mọi thứ sẽ rất khó khăn nhưng qua những gì đã làm được, ta có quyền tự hào, trông chờ mà đúng không?

Bài viết

Mic Nguyễn

Thiết kế

Tú Nguyễn

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp