“Tôi trả lời thẳng thế này: Cổng từ sân Hàng Đẫy không hoạt động. Còn cách mang pháo sáng vào thì chúng tôi có nhiều cách…”.
Đó một trong nhiều chia sẻ rất thú vị cùng Saostar của anh Trần Tiến Dũng - CĐV nổi tiếng của bóng đá Hải Phòng, là “ông trùm đốt pháo sáng”, là người từng đánh trọng tài Võ Minh Trí cách đây 10 năm.
- Sau 7 năm thì tôi và anh mới gặp lại, cuộc sống và tình yêu bóng đá của anh đang tiếp diễn như thế nào?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi vẫn nhớ lần chúng ta gặp ở sân Cần Thơ cách đây 7 năm. Mọi thứ với tôi cũng không có gì thay đổi. Tình yêu bóng đá dành cho CLB Hải Phòng vẫn cháy mãi. Cứ cháy đến khi nào tôi không thể đi được nữa.
7 năm qua, tôi tổ chức hàng trăm chuyến đi cổ vũ bóng đá cho đội Hải Phòng và các đội tuyển quốc gia. Tôi đến mọi sân cỏ trong nước, kể cả sang Lào và Campuchia.
- Anh đi xem bóng đá nhiều như thế thì gia đình có ủng hộ?
Anh Trần Tiến Dũng: Anh em vẫn hay nói vui thì sân Lạch Tray giống như ngôi nhà tâm thần lớn nhất. Tức những ai đến sân Lạch Tray xem đá bóng thì đầu đều có đạn. Bọn tôi hay trêu nhau là thằng điên, thằng khùng, phải biết quậy phá.
Tất nhiên, gia đình không vui vì bố mẹ và vợ con nào thích như thế. Chúng tôi theo đội bóng miết, bỏ cả làm ăn. Nhưng trót đam mê rồi. Tôi khẳng định là đam mê lành mạnh, là tâm huyết của một người yêu bóng đá.
Cuộc đời của tôi đam mê bóng đá thì thực sự buồn nhất. Không ai xem bóng đá mà phải chịu án như tôi. Đó là ngày 13/5/2012, một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tôi. Hôm đó, Hải Phòng đá với Đồng Tháp nhưng không hiểu sao cầu thủ bị trọng tài Võ Minh Trí cho rất nhiều thẻ đỏ, thậm chí kể cả HLV và bác sĩ. Do đó, chúng tôi bức xúc và trận đấu kết thúc thì ở lại tìm cho bằng được trọng tài Võ Minh Trí để nói chuyện phải trái. Thậm chí, nếu có tát được thì bọn tôi sẵn sàng tát để hỏi rằng “Tại sao mày bắt như thế?”.
Khi chờ mãi mà không thấy trọng tài Võ Minh Trí ra thì chúng tôi đi về. Một sự vô tình là đến cao tốc ở Trung Lương, xe chở trọng tài Võ Minh Trí về tới trạm xét vé, họ ghé vào lấy vé. Chúng tôi đi sau nên nhìn thấy xe chở trọng tài. Chúng tôi đi xe có 40 người. Họ đi Mercedes màu trắng, tôi không nhớ rõ biển số. Chúng tôi nhao nhao hô lên: “Ô trọng tài kìa”. Nhưng xe khách không thể đuổi theo được xe Mercedes. Lúc qua cao tốc họ lại tấp vào đi vệ sinh. Chúng tôi thấy họ nên dừng lại, trong lúc nóng giận tôi tát mấy cái vào mặt trọng tài. Anh em bức xúc chửi bới. Tôi nhớ có ông Trần Duy Ly - Trưởng ban tổ chức giải, ông Nguyễn Văn Mùi đứng ra xin nhưng chúng tôi bảo trọng tài bắt như thế là láo.
Sau vụ đó, chúng tôi gặp nhiều chuyện xảy ra, đi liên tỉnh đều phải bị lấy lời khai. Tôi về Hải Phòng phải đi báo lời khai. Chuyện đó bị khởi tố thì tôi bị 12 tháng án treo và 18 tháng thử thách. Ông Trần Bá Hoà bị 18 tháng án treo và 24 tháng thử thách. Toà án xử ở Tiền Giang.
Cũng là đam mê, rồi nóng giận và bức xúc mà xảy ra chuyện như thế. Gia đình tôi không muốn cho tôi đi xem đá bóng nữa. Nhưng vì đam mê tôi đã trở lại sân cổ vũ cho đội Hải Phòng. Tôi cũng thay đổi và có ý thức hơn. Có cái giá phải trả thì tôi răn dạy các em đừng đạp lên vết xe đổ như thế.
- Từ bài học lớn trong cuộc đời, anh đã cư xử thế nào khi CĐV Hải Phòng tức giận với các trọng tài ở V.League?
Anh Trần Tiến Dũng: Khi CĐV Hải Phòng hô đồng thanh chửi trọng tài thì tôi khuyên mọi người: “Thôi nhé, bình tĩnh lại”. Nhưng cũng nói được một phần thôi khi chính mình ngày xưa cũng như thế. Lúc nóng giận khó nói hết. Mọi người xem đá bóng thì rất đông, không thể nói hết được. Ví dụ 10 phần thì cố gắng giảm 1-2 phần thôi. Đi xa có một trăm anh em thì tôi bảo được…
- Ôn lại một chút kỷ niệm khác. Anh có còn nhớ câu chuyện buồn ở sân Cần Thơ cách đây 7 năm?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi nhớ rõ chứ. Đó là kỷ niệm cũng có thể gọi là khó quên với tôi. Năm đó, tôi nhìn vào đội hình ra sân thì biết đội Hải Phòng thua rồi. Tôi nhớ có cả chục người bay vào Cần Thơ, sau đó bắt taxi đến sân cho kịp giờ xem. Họ coi có 30 phút thì lặng lẽ bỏ về. Nhìn thương lắm. Chúng tôi đi chặng đường dài 2 nghìn cây số để cổ vũ đội nhà mà đá như thế thì buồn lắm. Buồn tê tái. Cảm giác hụt hẫng. Chúng tôi về mà cảm giác sao quá dài.
- Phải chăng cảm giác đó giống như tình yêu bị phản bội?
Anh Trần Tiến Dũng: Đúng, kiểu như thế. Cũng khó nói là bị phản bội nhưng giống như bị quay lưng. Bây giờ chúng tôi bỏ qua rồi. Coi như là quá khứ, dù vẫn còn đó vết thương là một số anh em treo băng rôn lên đến tận VPF để phản ánh. Vì họ cũng yêu đội bóng thôi, chưa xứng đáng thì họ bức xúc.
- Tôi nghĩ năm 2016 rất đáng nhớ với bóng đá Hải Phòng khi suýt vô địch V.League. Anh trải qua cảm xúc như thế nào?
Anh Trần Tiến Dũng: Năm đó, đội Hải Phòng hơn Hà Nội 11 điểm, sau đó họ vươn lên bằng điểm. Phải nói sự kỳ vọng của CĐV Hải Phòng lớn lắm. Không ai nghĩ là đội bóng chơi hay như thế. Cuối cùng không hiểu sao lại không thể vô địch.
- Liệu có hụt hẫng lắm không, cuộc chơi theo anh nghĩ diễn ra có sòng phẳng?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi nhớ mãi vòng đấu mà Hải Phòng gặp Long An trên sân khách. Lúc đó đang dẫn 3-0 chỉ cần Quảng Ninh cầm chân Hà Nội thì rất sáng cửa vô địch. Vì chúng tôi tin về đá với SLNA ở sân Lạch Tray sẽ thắng.
Tôi nhớ ở phút 90, anh Hoàn lúc đó chưa làm Chủ tịch CLB, anh ấy điện cho tôi nói: “Dũng ơi, có thể vô địch rồi. Tao đang ở sân Cẩm Phả đây. Hoà rồi, sắp hết giờ”.
Tôi nghe xong cũng chưa hiểu rõ trận đấu xong chưa nhưng quay sang nói với anh em về tin vui này. Mọi người sướng quá đốt pháo sáng ăn mừng. Cầu thủ dưới sân dừng lại không đá nữa. Một đứa em coi qua truyền hình lại nói với tôi: “Anh Dũng ơi, đợi đi. Họ đang hưởng quả phạt góc nên chưa vô địch gì đâu”.
Đúng là quả phạt góc đó thì Văn Quyết ghi bàn. Chúng tôi xem lại tình huống đó có cảm giác tất cả hậu vệ Quảng Ninh dừng lại cho Văn Quyết ghi bàn. Do đó, tôi nghĩ cuộc chơi chưa công bằng. Chúng tôi hụt hẫng lắm. Vì có CĐV ở sân Cẩm Phả. Anh em coi trận đấu đó đều biết cả. Chúng tôi xem lại cũng thấy đúng.
- Cảm xúc trong ngày kết thúc V.League 2016 thì thế nào?
Anh Trần Tiến Dũng: Chúng tôi coi như Hải Phòng đã vô địch. Đến HLV Trương Việt Hoàng cũng ngỡ ngàng khi tất cả khán giả tràn vào sân Lạch Tray để chúc mừng như nhà vô địch thực thụ. Tôi vẫn hay gọi là vô địch trong lòng người hâm mộ. Còn như bạn biết đấy, trận cuối Hải Phòng ăn 1-0 thì Hà Nội cũng dẫn 1-0. Hải Phòng 2-0, họ cũng dẫn 2-0. Tôi nghĩ cuộc chơi ở V.League thực sự không hề đơn giản.
- Tới bây giờ anh nghĩ cuộc chơi ở V.League liệu có công bằng chưa?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi nghĩ có công bằng hay không thì những ông chủ có dám chơi sòng phẳng hay không. Ví dụ như ông bầu có tiền liên quan 3 - 4 - 5 đội bóng là chuyện của ông ấy. Nhưng ông ấy có để họ cạnh tranh công bằng hay không? Ông có dám để một trong những “đứa con” đá không được phải xuống hạng hay không? Hay ông tìm cách vớt người ta lên, muốn đội này vô địch thì vô địch? Những đội bóng như Hải Phòng, Thanh Hoá hay TPHCM nếu không có đồng minh thì đến bao giờ vô địch được. Đến bây giờ cuộc chơi vẫn chưa công bằng.
- Từ lúc đi xem đá bóng đến giờ, anh có đốt pháo sáng nhiều không?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi là vua đốt pháo sáng đấy. Tôi đốt nhiều lắm, đốt ở bất cứ sân nào mà tôi thích là đốt thôi. Nhưng mấy năm nay đã không còn. Ít nhất là 5 năm qua tôi đã không đốt trên khán đài nữa.
- Tại sao ngày xưa anh thích đốt pháo sáng đến thế?
Anh Trần Tiến Dũng: Vì nó đẹp, mà đẹp thật. Hồi đó chưa bị phản ánh nhiều. Đó lại là đặc sản của CĐV Hải Phòng. Đi coi bóng đá là hiệu ứng đám đông, một trăm người đốt thì người hiền nhất cũng muốn đốt. Hiệu ứng thôi, tôi cũng không xúi giục ai cả.
- Lý do gì anh không đốt nữa?
Vì bị cấm đoán nhiều, bị phản ánh nhiều. Và chúng tôi cũng thay đổi về tư tưởng. Hai trận vừa qua trên sân nhà không có đốt ở khán đài. Chúng tôi cố gắng xây dựng điều đó ở sân khách nữa. Nhưng quan điểm của chúng tôi thì riêng trận đá với Hà Nội FC không hứa trước được. Tôi khẳng định sẽ có, vì có cách.
- Tôi nghĩ nhiều người đều thắc mắc rằng, sân Hàng Đẫy có cổng từ để rà soát mọi thứ, đặc biệt là dành sự quan tâm rất lớn cho CĐV Hải Phòng do năm nào cũng mang pháo vào đốt. Nhưng bằng cách nào thì pháo sáng có thể đưa vào sân?
Tôi trả lời thẳng thế này: Cổng từ sân Hàng Đẫy không hoạt động được, chỉ có tính răn đe thôi. Nếu nó hoạt động thì ai cũng phải tháo thắt lưng, cứ kim loại là kêu. Nhưng ai vào cổng cũng tít tít hết. Không có ý nghĩa gì về chuyện kiểm soát. Phóng viên các anh thử cầm chân máy vào vẫn bình thường thôi. Còn cách mang pháo sáng vào thì chúng tôi có nhiều cách. Nhưng bật mí ra thì người ta nói.
- Vậy anh không thể bật mí được chuyện làm sao mang pháo sáng vào sân Hàng Đẫy?
Anh Trần Tiến Dũng: Bật mí thì thực ra thế này, kẹp pháo vào đồ dùng, giấu trong người. Nói chung là rất nhiều cách (cười).
- Tức sự thật là có nhiều cách để đưa pháo sáng vào sân Hàng Đẫy?
Anh Trần Tiến Dũng: Có nhiều cách. Chúng tôi có hàng trăm cách. Coi bóng đá ở Lào, Campuchia thì chúng tôi còn mang vào được cơ mà.
- Tôi còn thắc mắc là mấy năm gần đây thì CĐV Hải Phòng không đốt pháo sáng ở bất kỳ sân nào, họ chỉ đốt ở sân Hàng Đẫy của đội Hà Nội. Lý do là gì?
Anh Trần Tiến Dũng: Đốt pháo sáng là đặc sản của CĐV Hải Phòng rồi. Ngày xưa nói chảo lửa Lạch Tray thì bao gồm có pháo sáng. Nhưng chúng tôi đã có ý thức thay đổi, không nên làm như thế nữa. Vì quả pháo trên khán đài là rất đẹp nhưng có thể mang đến sự nguy hiểm.
- Tôi muốn hỏi anh là tại sao không đốt ở đâu mà cứ đến sân Hàng Đẫy thì CĐV Hải Phòng đốt, dù dư luận hay truyền thông đều phản ánh rất nhiều? Nói rõ là thế này, V.League từng có đến 14 đội, các anh đi 12 sân khác không đốt nhưng lại cứ đốt ở sân nhà của đội Hà Nội.
Anh Trần Tiến Dũng: Kể cả năm nay có thể vẫn đốt đấy. Tôi phải khẳng định như thế. Ở bất kỳ sân nào thì tôi nói được, còn sân Hàng Đẫy không nói được. Tại sao thì khó nói lắm, đây là chuyện tế nhị.
- Liệu có liên quan gì đến mùa bóng 2016 khi Hải Phòng FC bị CLB Hà Nội vượt mặt ở đúng vòng cuối trong cuộc đua vô địch?
Anh Trần Tiến Dũng: Mọi chuyện liên quan tận năm 2010 và nhiều chuyện khác nữa, điển hình như một ông chủ nhiều đội bóng, có những lúc chơi không công bằng, hay cách Ban tổ chức sân Hàng Đẫy ứng xử với CĐV Hải Phòng như bọn tôi lên bị đập xe… Nói theo bóng đá là có mối thù giữa hai đội, kiểu như các cuộc derby trên thế giới.
- Tức là thù địch như lửa với nước của các CLB cùng thành phố, hay kiểu Man Unietd đá với Liverpool?
Anh Trần Tiến Dũng: Chúng tôi hay nói vui là cuộc chơi của hai đội láng giềng. Tôi cũng không thể nói hết lý do như thế nào, nhưng tôi có cảm giác đội Hà Nội chơi không đẹp. Người Hải Phòng của chúng tôi là bộc trực, ăn sóng nói gió. Đi sân Thanh Hoá thì có thể chỉ 1 nghìn người nhưng sân Hàng Đẫy là 5 nghìn người.
- Trở lại chuyện đốt pháo sáng, CĐV Hải Phòng đốt ở sân Hàng Đẫy nhiều vậy, lẽ nào không sợ cháy sân hay ảnh hưởng nhiều thứ khác?
Anh Trần Tiến Dũng: Không có nhiều như thế nữa. Nhưng ít nhất cũng đốt 1-2 quả, vì như thế mới có tính chất derby được.
- Bị cấm như thế vẫn đốt, liệu có phải là thông điệp phản ánh điều gì của CĐV Hải Phòng?
Anh Trần Tiến Dũng: Đó là thông điệp. Đầu tiên là phản ánh vấn đề một ông chủ nhiều đội bóng. Hai là tôi nghĩ đội Hà Nội chơi không đẹp. Không chỉ CĐV Hải Phòng ghét đâu. CĐV Nam Định vẫn đốt đấy thôi. Kể cả CĐV Thanh Hoá, Nghệ An cũng vậy. Rất nhiều đội không thích. Do đó, chúng tôi phản ánh theo cách của chúng tôi.
- Anh đốt pháo sáng có lần nào bị nguy hiểm chưa, ví dụ như cháy đồ?
Anh Trần Tiến Dũng: Có rồi chứ. Tôi chưa bao giờ bị. Nhưng một số anh em bị bỏng rồi.
- Chuyện đốt pháo sáng có lẽ dừng lại ở mức độ cuồng nhiệt bóng đá thôi nhỉ?
Anh Trần Tiến Dũng: Không có ý nghĩa gì khác đâu. Chỉ là lúc đốt quả pháo sáng lên nó sướng. Pháo sáng có màu đỏ thì đội Hải Phòng cũng có màu đỏ. Chúng tôi thích hô hào cho tinh thần cổ vũ bốc lên thôi, chắc chắn không có ý gì khác đâu nhé.
- 10 năm qua, CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng nhiều nhất vào mùa giải nào?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi nghĩ năm 2016. Đó là trận đấu cuối cùng tại sân Lạch Tray. Tầm vài trăm quả pháo sáng.
- Nhiều khán giả thấy pháo sáng ở sân Hàng Đẫy có thời điểm dừng cả trận đấu. Tôi thấy cũng nhiều pháo sáng đấy. Liệu có đốt nhiều?
Anh Trần Tiến Dũng: Đó chỉ là nhìn thấy ở một góc khán đài thôi. Ở nơi chỉ có CĐV Hải Phòng. Còn trận đấu ở sân Lạch Tray là khắp cả khán đài.
- Một quả pháo sáng có giá bao nhiêu tiền nhỉ?
Anh Trần Tiến Dũng: Tuy thời điểm thôi, tầm khoảng 100 nghìn đồng/quả. Chúng tôi mua công khai, không bị cấm. Thực chất là đuốc cứu hộ thôi, sau đó bị gọi là pháo sáng. Dùng từ pháo là nặng đấy, vì có nổ như pháo đâu. Nó dùng để cứu hộ nên ban đêm được giật lên cho sáng với mục đích hướng dẫn, làm tín hiệu khi khẩn cấp. Và trên khán đài tạo ra màu sắc rất đẹp, hoà hợp với màu đỏ của chúng tôi.
- Anh có lần nào bị phạt vì đốt pháo sáng trên sân?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi bị phạt nhiều rồi. Sân Vinh, Thanh Hoá, Mỹ Đình… đều bị phạt. Kể cả sân Lạch Tray cũng bị phạt. Nói chung tôi ít bị bắt, toàn đứng ra giải quyết cho anh em thôi.
- Tôi nghĩ về chuyện pháo sáng như thế này. Nếu anh đi xem tuyển Việt Nam thi đấu mà đốt sẽ ảnh hưởng lắm đấy, khi không còn là hình ảnh riêng về CĐV Hải Phòng. Liệu anh có ý thức về điều đó?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi ý thức chứ. Tôi ý thức là phải mang hình ảnh đẹp cho CĐV Việt Nam.
- Tôi thấy hầu hết thành phố cảng trên thế giới đều có tình yêu bóng đá cuồng nhiệt. Ví dụ Liverpool có sân Anfield sôi động và cuồng nhiệt nhất nhì ở Anh. Anh có mong Hải Phòng đến một ngày nào đó sẽ được gọi là “Liverpool Việt Nam”?
Anh Trần Tiến Dũng: Muốn lắm chứ. Tôi thực sự mong được như thế. Hải Phòng cũng là thành phố cảng, là sắc đỏ khi nói về bóng đá. Chúng tôi cũng cuồng nhiệt và rất yêu bóng đá.
Tôi khẳng định bóng đá Hải Phòng mà trở lại thì nói về Hải Phòng là bóng đá. Cả tuần qua cũng thế. Ai cũng nói về bóng đá.
- Anh có khát vọng đến một ngày Hải Phòng thành công như Liverpool, qua đó làm đối trọng xứng đáng với Hà Nội FC?
Anh Trần Tiến Dũng: Muốn vậy thì đội bóng phải tiếp tục thay đổi nữa, cần thêm sự đầu tư. Vì có bột mới gột nên hồ.
- Thành công không thể đòi hỏi ngay lập tức. Nhưng mùa này liệu có thể làm bước đệm cho tương lai của bóng đá Hải Phòng?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi nghĩ là bước ngoặt cho sự thay đổi. Tuy nhiên, đội bóng cần thời gian để tạo ra lối chơi gắn kết, có sự vạch định rõ ràng, có tính kế thừa cho tương lai.
- So với 7 năm trước, anh đánh giá thế nào về bóng đá Hải Phòng ở hiện tại?
Anh Trần Tiến Dũng: Sau thời anh Hùng làm Chủ tịch CLB Hải Phòng, anh Văn Trần Hoàn lên thì tập trung thay đổi sân Lạch Tray, cơ sở vật chất cũng cải tiến rất lớn. Còn đội bóng chơi ra sao phải cần thời gian trả lời. Tuy nhiên, sự tích cực là rất rõ ràng. Mọi thứ có thể nói là rất được lòng người hâm mộ. Từ sân bãi, phòng chức năng, nhà vệ sinh… đều mới tanh. Phải nói rất xịn. Tôi nghĩ bây giờ ai đến sân Lạch Tray thi đấu đều phải tôn trọng và vui vẻ.
- Anh đang nói đến hai chữ tôn trọng, vậy điểm lại quá khứ nhé. Sân Lạch Tray từng bị chê xấu nhất nhì V.League, giống như sân ruộng. Anh có buồn?
Anh Trần Tiến Dũng: Tôi biết ở giai đoạn trước anh Hùng còn làm thì ngân sách 100% từ thành phố. Không biết bao nhiêu tiền nhưng có lẽ chỉ đủ nuôi đội bóng với mục tiêu trụ hạng. Còn thâm tâm tôi nhé, nhìn sân Lạch Tray vậy buồn lắm, xót xa lắm. Buồn là báo đài phê phán, sân cỏ nhìn hoang vu.
- Thời điểm sân Lạch Tray còn cảnh trồng rau và thả gà, anh đi đến các sân khác có bị bạn bè phản ánh hay chê gì không?
Anh Trần Tiến Dũng: Có chứ. Tôi đi hết các sân ở V.League rồi. Nói sân Lạch Tray ngày xưa xấu nhất thì cũng không đúng đâu. Các sân Nghệ An, Thanh Hoá cũng tương tự thế thôi.
- Bây giờ ngồi ở sân Lạch Tray mới tanh, xịn xò như thế, anh có sướng?
Anh Trần Tiến Dũng: Đương nhiên rồi. Sướng lắm chứ. Hôm đá với Nam Định thì mọi người đều muốn đến sân Lạch Tray để xem cơ sở vật chất ra sao. Ai cũng tò mò xem thử. Còn chúng tôi theo đội bóng đã quá rõ rồi.
Trận gặp Thanh Hoá tuyệt vời quá. Chỉ tiếc là Hải Phòng hoà, nếu thắng thì tôi khẳng định bầu không khí khó toả lắm. Có thể nói hơn cả chảo lửa.
- Có nghĩa là chảo lửa Lạch Tray đã hồi sinh trở lại?
Anh Trần Tiến Dũng: Đúng đấy. Chảo lửa Lạch Tray đang trở lại, mọi thứ đang hừng hực. Tôi tin thời gian tới sẽ còn rất còn rất cuồng nhiệt, bầu không khí ở sân Lạch Tray đúng nghĩa là chảo lửa.
- Hải Phòng FC muốn được như anh nói thì vai trò lãnh đạo rất quan trọng. Anh nghĩ sao về Chủ tịch Văn Trần Hoàn?
Anh Trần Tiến Dũng: Anh Hoàn xuất thân là một CĐV. Do đó, anh ấy hiểu được tường tận sự khó khăn và mong muốn của CĐV Hải Phòng. Anh ấy sẽ cố gắng làm tốt để đúng với kỳ vọng của người hâm mộ.
Tôi ví dụ hai dòng chữ ở khán đài B là do anh Hoàn nghĩ ra đấy: Các cầu thủ hãy xứng đáng với niềm tin yêu của người dân đất Cảng” và “Nhân dân thành phố chung tay ủng hộ sự phát triển của bóng đá Hải Phòng”.
Dòng chữ đó đã tự có ý nghĩa, không cần phải nói thêm. Anh Hoàn không biết nhiều chuyện chuyên môn nhưng dám làm, dám thay đổi. Anh ấy kết nối được mọi người để các doanh nghiệp ủng hộ cho CLB. Sự uy tín của anh Hoàn rất lớn nên sân Lạch Tray nhanh chóng được tu sửa mới.
- Ở thời ông Văn Trần Hoàn làm Chủ tịch, anh mong muốn điều gì nhất cho CLB Hải Phòng?
Anh Trần Tiến Dũng: Anh Văn Trần Hoàn và tôi có nhiều năm rất thân thiết. Anh ấy làm gì thì tôi luôn ủng hộ. Dù vậy, tôi muốn nói là kỳ vọng nhưng phải đi cùng thực tế. Đội bóng muốn vững mạnh và thành công thì cần có thời gian, phải xây dựng nền móng và làm đào tạo trẻ bài bản.
- Và sự trăn trở của anh với bóng đá Hải Phòng là gì?
Anh Trần Tiến Dũng: Đó là bản sắc. Chúng tôi mong Hải Phòng về lâu dài có bản sắc, tức có những người con Hải Phòng thi đấu cho đội nhà, là niềm tự hào của người hâm mộ. Sự trăn trở này cũng là kỳ vọng. Anh Hoàn đang làm tốt mọi thứ rồi, sau này cần phát triển thêm mảng đào tạo trẻ như CLB HAGL.
- Anh gắn bó với bóng đá rất lâu rồi. Ông chủ nào làm bóng đá ở V.League mà anh nghĩ “OK”, có nghĩa là làm bài bản và tâm huyết nhất?
Anh Trần Tiến Dũng: Đương nhiên phải là CLB HAGL của bầu Đức. Tôi khẳng định đấy, bây giờ cũng chưa có ai qua được bầu Đức. Ông ấy là người tiên phong mở Học viện, tâm huyết với bóng đá và luôn mong có cuộc chơi sòng phẳng.
Tôi khẳng định là có bầu Đức thì bóng đá Việt Nam mới được như hiện tại, nhất là đội tuyển Việt Nam.
- Nhưng CLB HAGL của bầu Đức trong mấy năm qua chưa vô địch V.League?
Anh Trần Tiến Dũng: Không. HAGL đâu có đặt nặng thành tích. Do đó, trong các ông chủ làm bóng đá thì phải nói đầu tiên về bầu Đức. Những người khác thì họ làm nhất thời thôi. Tôi chưa thấy ai làm được như bầu Đức. Ông ấy gắn bó với bóng đá 20 năm rồi đấy.
Bầu Đức còn đưa thầy Park về Việt Nam, tạo ra một lứa cầu thủ được yêu mến. Không có lứa Công Phượng thì bạn nghĩ xem, liệu bóng đá Việt Nam có hồi sinh và thành công được như hiện tại?
Xin cảm ơn anh Trần Tiến Dũng về cuộc trò chuyện rất thú vị này!