- Xin chào HLV Lê Thụy Hải, ông cảm nhận cuộc sống hiện tại có gì thay đổi sau khi giã từ sự nghiệp với bóng đá?
HLV Lê Thụy Hải: Tôi phải nói rất thật lòng như thế này, có thể một số người sẽ không hiểu. Kể từ khi không còn làm bóng đá thì tôi cảm thấy thật sự hụt hẫng, có gì tiếc nuối, giống như tôi đã đánh mất đi một điều gì rất quý giá trong cuộc đời. Vì bóng đá là cuộc sống của tôi, là niềm đam mê từ bé đến giờ rồi. Tôi yêu thích nó, quý nó, khát khao cống hiến với nó. Do vậy, từ ngày không còn đi làm thì tôi vẫn luôn xem bóng đá hàng tuần, đôi lúc có trả lời báo chí về chuyện bóng đá.
- Hồi giữa năm 2018, ông có tham gia tuyển chọn cầu thủ cho Học viện bóng đá Juventus, sau đó có một bí mật là mắc phải một căn bệnh phải chữa trị trong hơn 1 năm qua. Cụ thể, căn bệnh đó như thế nào, thưa HLV Lê Thụy Hải?
Năm ngoái, tôi được anh Thắng (Chủ tịch CLB TPHCM - Nguyễn Hữu Thắng) mời đi tuyển sinh cho Học viện Juventus. Đó cũng là chuyến công tác cuối cùng của tôi gắn bó với bóng đá. Sau đó, tôi trở về thì phát hiện bị mắc căn bệnh quái ác là ung thư tụy.
Tôi đã phải chữa trị căn bệnh này trong hơn 1 năm qua, cứ đi đi - về về giữa Việt Nam và Singapore. Lúc đó, tôi cũng tự nhủ với bản thân là mình ở tuổi 73 rồi, không có vấn đề gì để suy nghĩ nữa nên phải lạc quan lên.
Thú thật, thể thao không chỉ mang đến niềm vui, sự đam mê mà còn giúp cho có sức khỏe để hồi phục nhanh. Thời gian bị phát hiện ung thư tụy, tôi bị xuống cân rất nhanh, xạ trị - hóa trị khiến cho mọi thứ khó khăn. Nhưng tôi hạnh phúc khi nhờ có chơi thể thao nên mọi thứ hồi phục rất nhanh, tinh thần cũng lạc quan nên căn bệnh được cải thiện rất nhiều. Hiện tại, tôi rất ổn, bản thân thấy vui và không còn lo lắng nhiều về sức khỏe.
- Căn bệnh ung thư tụy của HLV Lê Thụy Hải liệu đã chữa dứt điểm?
Hiện tại, tôi phải bị cắt 70 - 80% tụy nên sinh hoạt cũng vất vả. Tôi thấy mọi thứ bây giờ cũng không có vấn đề gì, dù bác sĩ cho biết có thể dễ tái phát. Tôi cứ tập luyện thể dục, sống lạc quan và không suy nghĩ gì. Bản thân phải thực sự vui vẻ để sống khỏe.
- Trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư thì gia đình đã dành sự lo lắng và động viên như thế nào cho HLV Lê Thụy Hải?
Phải nói thật rằng, nếu không có bà xã bên cạnh thì quá vất vả. Mỗi lần tôi đi Singpaore thì bà xã đi theo, lo lắng cho từng tí một. Các con cũng đi theo, chăm sóc cho tôi. Lúc nào thì tôi cũng có 2 - 3 người ở bên cạnh. Họ là động lực để tôi cố gắng vượt qua căn bệnh này.
- HLV Lê Thụy Hải gắn bó với bóng từ năm 1964 đến nay, bây giờ mới có thời gian bên gia đình nhưng mắc căn bệnh hiểm nghèo. Ông có suy nghĩ gì về sự nghiệp và gia đình?
Nhiều anh em đã nói rồi, có chồng làm thể thao, bóng đá thì người vợ và các con phải chịu sự hi sinh nhiều lắm. Tôi gắn bó với bóng đá từ năm 1964 nên thời gian xa nhà rất nhiều. Tôi thấy gia đình rất quan trọng, bây giờ tôi không còn làm bóng đá nên được gần gũi với vợ con, cảm thấy hạnh phúc lắm.
Ví dụ nhiều năm qua, tôi đi làm rất nhiều nên có ít thời gian ở bên gia đình, bây giờ vợ tôi mỗi ngày có thể nấu ăn cho tôi. Đó là một niềm vui rất lớn, rất hạnh phúc.
- Quá trình chữa bệnh ung thư tụy liệu có tốn nhiều tiền?
Thực sự, tôi nói thật là tốn kém nhiều. Tôi chữa căn bệnh này ở Singapore. Một tháng phải sang Singapore đến 2 lần, mỗi tháng ở bên đó 8 ngày. Mọi chi phí có thể nói là đắt đỏ nhưng không sao cả, có khó khăn thì gia đình tôi luôn bên cạnh. Tôi lao động và có sự tích lũy, cũng như gia đình ủng hộ thì chuyện chữa bệnh cũng chưa quá khả năng của gia đình.
- Được biết, HLV Lê Thụy Hải là một người hút thuốc lá rất nhiều nhưng ông cai hẳn thuốc lá trong năm qua. Động lực nào giúp ông có thể cai thuốc lá?
Tôi bắt đầu hút thuốc lá từ năm 1986, chỉ bỏ thuốc lá từ năm 2018. Tôi bỏ thuốc lá xong thì chẳng còn nhớ gì đến nữa.
Ngày xưa, tôi thực sự hút thuốc rất nhiều, trong mỗi trận đấu hay ban đêm suy nghĩ thì hút thuốc lá cực nhiều. Sau đó, tôi đi chữa bệnh thì bác sĩ khuyên bỏ thuốc lá đi. Thế mà tôi cai thuốc lá được luôn. Một là vì chứng bệnh nên cố gắng bỏ. Hai là nghị lực của một người thể thao, làm bóng đá giúp tôi. Ba là quyết tâm của bản thân và nhiều người thân động viên để giúp tôi bỏ được thuốc lá.
- Gắn bó với bóng đá hơn 40 năm, sau đó trở về nhà thì phát hiện bị ung thư tụy, HLV Lê Thụy Hải chắc có những tâm sự muốn gửi đến vợ con?
Với tôi, vợ và các con cũng như người bạn trong cuộc đời. Vợ con luôn đồng hành cùng tôi trong cuộc sống, nhờ có tình yêu thiêng liêng đó thì tôi mới có đủ động lực vượt qua căn bệnh ung thư. Phải nói thật lòng như thế về những người thương yêu của tôi. Bởi đôi lúc khi biết mắc bệnh ung thư thì tôi nghĩ cuộc đời có thể chấm dứt rồi, khi lên bàn mổ đủ các kiểu, tập đi… Nhưng sau tất cả như thế thì tôi càng thấu hiểu được sự yêu thương, gắn bó của gia đình. Vợ con luôn hết lòng với tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, rất vui và đặc biệt có thể nói là rất biết ơn vợ con.
- Hiện tại, mỗi ngày thì ông đang làm những gì?
Mỗi ngày, tôi cố gắng tập thể dục, đi chơi với các bạn. Về bóng đá, tôi cũng không còn muốn nói thêm nữa, dù không có trận đấu nào thì tôi bỏ sót cả.
Tôi ngày nào cũng được ăn cơm với gia đình, ngày nào cũng gần gũi vợ con, đi chơi với các bạn. Đó là một niềm vui rất lớn.
Tôi bây giờ cố gắng tìm đọc những câu chuyện vui mà ngày xưa chưa có thời gian xem. Còn chuyện xem bóng đá thì không thể bỏ qua khi có trận đấu, kể cả Việt Nam hay nước ngoài, vì bóng đá là đam mê, nó thấm vào máu rồi. Tôi ví dụ như bây giờ đang xem bóng đá Anh (cười).
- Ông có nói đến chuyện có thể không phát biểu về bóng đá trên báo chí. Là người thích nói thẳng, nói thật, đôi khi khiến cho một số người cảm thấy không thích, thậm chí có chỉ trích, có bao giờ HLV Lê Thụy Hải cảm thấy buồn vì điều đó?
Có chứ. Tôi có thời điểm rất buồn. Vì thế nên tôi nói là không muốn nói gì về bóng đá nữa. Tôi đã ở tuổi như thế này (74 tuổi) nên đôi khi để một số người làm phiền thì không thích, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe với căn bệnh hiện tại. Bác sĩ bảo tôi phải đừng buồn phiền, đừng suy nghĩ nhiều để ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực lòng, có thể nói là do cá tính của tôi, tức tôi muốn nói thẳng dù nhiều người không thích.
- Ở tuổi 74, HLV Lê Thụy Hải có điều gì chưa thực hiện được trong cuộc sống, hay có ước mơ gì mà không liên quan đến chuyện bóng đá?
Cuộc sống của tôi cũng giống mọi người thôi. Điều ước mơ là con cái, các cháu trưởng thành. Nói thật lòng mong muốn các con trưởng thành như người bình thường, là người tử tế trong xã hội. Bây giờ tôi rất vui khi các con đều trưởng thành như mong đợi.
- Có một điều khá đặc biệt, HLV Lê Thụy Hải đi làm bóng đá nên không có nhiều thời gian ở nhà nhưng các người con đều rất giỏi. Ông có thể nói về điều này?
Nói giỏi thì tôi không biết thế nào là giỏi. Nhưng tôi luôn luôn quan tâm các con từ bé, dạy dỗ các con, sau này bóng đá lên chuyên nghiệp thì tôi bận bịu nên không có thời gian nhiều bên các con nhưng vẫn đi đi - về về với các con. Tôi luôn xem các con như những người bạn. Đó là sự may mắn khi các con biết phấn đấu, khi có động lực là một người bố luôn làm việc hết lòng…
- Thế còn giấc mơ cho chính mình, thưa HLV Lê Thụy Hải?
Tôi bây giờ chỉ mong ước làm sao sống thật vui, sức khỏe và an lành. Gia đình tôi đang cố gắng tạo nhiều niềm vui để bù đắp sau những ngày tháng xa vắng. Tôi cũng rất thích đi chơi với bạn bè, còn không thích nói đến bóng đá.
- Vậy ông thích nói đến những điều gì nhất vào hiện tại?
Tôi thích nói đến vợ con, nói đến các người bạn. Tôi có những người bạn chân tình, lúc ốm đau thì họ gọi điện hỏi thăm.
Người ta thường bảo khi ốm đau mới biết ai là bạn. Tôi ốm thì có nhiều bạn đến thăm, kể cả những người đá bóng ngày xưa. Ví dụ như anh Mai Đức Chung, anh Vũ Hạn, anh Trần Duy Long, anh Lê Thế Thọ điện thoại thăm hỏi tôi rất nhiều.
- Vậy ông đang hạnh phúc với hiện tại?
Thiệt thòi là thời gian đi đá bóng và làm bóng đá xa nhà. Nhưng nói thật lòng là bây giờ được như thế đã là hạnh phúc rồi, tôi không đòi hỏi gì thêm.
- Ông không muốn nói nhiều về bóng đá nhưng liệu có thể nhắc lại những kỷ niệm trong hơn 40 năm gắn bó với bóng đá. HLV Lê Thụy Hải có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất, xem đó như bài học lớn nhất để trở thành nhà cầm quân nội xuất sắc và nổi tiếng?
Điều đáng nhớ nhất với tôi chính là thất bại, chuyện mà bản thân tôi đã làm hết lòng, cố gắng hết sức nhưng không thể thành công vì có nhiều thứ khác.
Tôi từng làm cho Hải Phòng nhưng thất bại. Lúc tôi đến thì đội Hải Phòng đang khó khăn và tôi cũng không phải đến từ đầu. Tôi đến nhưng không thể vượt qua khó khăn đó thì rất buồn, hụt hẫng, có thể nói là tôi thấy mắc nợ họ. Vì họ yêu mến và thích tôi nên mới mời về để vượt qua khó khăn. Dù vậy, tôi không thể làm được như họ kỳ vọng. Nhờ có bài học đó thì tôi mạnh mẽ vươn lên nếu không đã nghỉ rồi. Tôi tự nhận ra bản thân thiếu các điều gì để rút ra các bài học, các điều cần phát triển để thành công…
- Ngoài câu chuyện với Hải Phòng, một câu chuyện khác từng được cả nước Việt Nam quan tâm là vụ bán độ ở SEA Games năm 2005 của những cầu thủ tài năng là Văn Quyến, Quốc Vượng…, HLV Lê Thụy Hải từng làm trợ lý HLV vào năm đó cho ông Alfred Riedl, liệu có chia sẻ về điều này?
Nói thẳng, năm 2005 thì cảm xúc của tôi sau đấy, phải nói là sau đấy vì lúc xảy ra thì tôi có biết gì đâu. Ngày đó tôi đã không muốn đi nhưng anh Thanh khuyên tôi đi để thể hiện bản thân. Sự việc đó xảy ra thì tôi rất ân hận, xác định luôn là không làm trợ lý, vì bản thân tôi không quyết được. Chỉ được báo với lãnh đạo để họ xử lý. Nói thật là các anh ấy rất thờ ơ, điều đó là rất buồn. Các anh ấy cứ vui vì chúng ta được vào chung kết SEA Games năm 2005, sau đó lại đổ lỗi. Tôi rất buồn.
Càng về già thì tôi suy nghĩ thấy rằng, đó là chỗ đứng của họ thì phải giữ thôi. Chẳng biết làm cách gì.
Tôi đã từng bày tỏ quan điểm thẳng là phải bảo vệ cho hình ảnh ĐTQG, cho các em. Tôi nói thẳng với HLV Alfred Riedl cũng được nhưng phải nói với lãnh đạo, đó là việc để họ xử lý.
Bây giờ Văn Nhân hỏi thì tôi vẫn giữ quan điểm như thế. Nói thật, các em không đúng rồi, không tốt rồi nhưng phải sự giáo dục từ trước, những người đi cùng đoàn phải khát khao và vươn lên hơn nữa, nhất là có công an ở đó. Nhưng không ai nói gì nên tôi rất buồn. Tôi nhất định không làm trợ lý nữa.
- Thế hệ cầu thủ dính chàm năm 2005 được đánh giá rất cao về chuyên môn, là một người theo đội năm đó, cũng trải qua rất nhiều năm cầm quân, HLV Lê Thụy Hải có tiếc nuối cho lứa cầu thủ này?
Thực sự, tôi rất tiếc chứ vì các em tài năng. Nhưng ngày đó rõ ràng không được như bây giờ, tinh thần tập luyện và thi đấu quyết tâm nỗ lực hết mình còn thiếu. Ngày xưa cũng thiếu sự quan tâm, chế độ và nhiều thứ không tốt bằng bây giờ. Ông Alfred Riedl cũng thiệt thòi vì có ít trợ lý…
Nếu các em được quan tâm hơn thì mọi thứ có thể khác. Tôi rất thương và yêu mến các em.
- Từ câu chuyện đó thì ông thấy sự giáo dục trong bóng đá có ý nghĩa như thế nào?
Rất quan trọng. Bóng đá phải giúp các em hiểu được đó là trò chơi đòi hỏi quyết tâm, ý chí, nghị lực và hòa nhập trong cuộc sống. Môi trường phải tốt. Ví dụ như bây giờ có Học viện HAGL dạy cho các em từ bé, có thức về cầu thủ chuyên nghiệp, điều đó tạo nên sự khác biệt rất nhiều.
- Theo HLV Lê Thụy Hải thì điều gì giúp bóng đá Việt Nam tạo nên sự thành công rực rỡ trong hơn 2 năm qua?
Các em có tinh thần và quyết tất cao. Các em vào sân luôn chơi hết khả năng, thậm chí vượt qua chính mình. Điều thứ hai là tinh thần đồng đội, mọi người vì nhau. Chúng ta tạo ra được một thế hệ cầu thủ giỏi. Song song thì các em được HLV Park Hang Seo dẫn dắt, ông ấy giúp cho các em lên một tầm cao mới để thành công. Ngoài ra, bóng đá Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn trong nhiều năm qua.
- HLV Alfred Riedl từng bảo bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc, bây giờ ông thấy điều đó còn tồn tại?
Tôi nghĩ điều đó không còn nữa. Xây nhà từ nóc là gì? Tức từ trên dội xuống. Chúng ta phải nói ở chỗ này, một điều đặc biệt để thay đổi quan điểm trên, đó là anh Đoàn Nguyên Đức xây Học viện bóng đá HAGL, có nghĩa là bắt đầu xây từ nền móng. Từ ý tưởng và quan điểm làm bóng đá của anh Đức thì nhiều người mới đi theo con đường đó. Hai năm qua thì chúng ta thành công là nhờ yếu tố đó.
- Ông đang nói về bầu Đức. Vậy ông nghĩ thế nào về chuyện bầu Đức đóng góp cho bóng đá Việt Nam trong gần 20 năm qua?
Tình yêu và đam mê của anh Đức với bóng đá thì không cần bàn cãi. Thực sự quá lớn. Bầu Đức có một sự thèm khát là bóng đá Việt Nam phải đứng đầu khu vực. Ví dụ anh Đức bắt đầu làm bóng đá chuyên nghiệp thì mua những cầu thủ giỏi như Kiatisak để tạo ra hiệu ứng cực lớn, sau đó thành công lại bắt đầu xây dựng từ nền móng với việc mở ra Học viện bóng đá HAGL. Mọi thứ chưa thành công thì anh Đức đi tìm HLV giỏi là ông Park Hang Seo đưa về. Tức bầu Đức không bỏ cuộc, một người quyết tâm theo đuổi đến cùng để có thành công. Chúng ta thấy được công lao của anh Đức rất lớn, phải nói thật và nói thẳng là như thế.
- Bóng đá Việt Nam đang có những dấu hiệu rất tích cực, liệu có thành công hơn trong tương lai?
Nếu bóng đá Việt Nam như thế này sẽ phát triển tốt, cả bóng đá nam và bóng đá nữ. Chúng ta thấy rõ ràng là có bao giờ bóng đá nữ đang được quan tâm như hiện tại. Tôi tin tưởng mọi thứ sẽ phát triển trong tương lai.
Xin cảm ơn HLV Lê Thụy Hải, chúc ông thật an lành và vui vẻ bên gia đình!