Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con

Logo Saostar - Special special

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con

Copy Link
Chia sẻ

 

Được làm mẹ mãi là một trải nghiệm thiêng liêng và quý giá nhất trong đời người phụ nữ. Khi đứa trẻ thành hình trong bụng, những vết rạn da đánh dấu cho sự lớn lên từng ngày của con. Vết sẹo mổ ở lại trên da sau kỳ sinh nở giúp mẹ chứng kiến một thiên thần nhỏ bắt đầu hành trình sống. Bàn tay chai sạn, vết sẹo chằng chịt, khuôn mặt đầy vết chân chim vì tả mưu sinh là để mẹ nuôi nuôi dưỡng bước chân con vào đời… 

Và dù đôi khi vết thương ấy trở nên xấu xí, gớm ghiếc, nhưng đối với mẹ nó đã trở thành “hình xăm" kiêu hãnh nhất vì con.

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con Ảnh 1

Vết rạn, mổ sinh nứt toạc da thịt bắt đầu hành trình sống cho con

Thuở trẻ, mẹ từng ước sở hữu một chiếc bụng phẳng phiu, làn da mượt mà. Đó là niềm kiêu hãnh nhất của tụi con gái. Thậm chí để sở hữu được vòng eo đẹp, mẹ đã tốn hàng giờ tập luyện thể dục, dùng nhiều sản phẩm dưỡng thể đắt đỏ.

Ấy vậy, từ khi mang thai, câu chuyện về chiếc bụng xấu đã trở nên bình thường với mẹ. Ở đó, mẹ bắt đầu bằng một chiếc bụng với đầy câu chuyện bí mật riêng rằng khi nào con đạp, khi nào con đói bụng, muốn nói chuyện, nghe nhạc và cần mẹ… 

Mọi chuyện trở nên khác lạ hơn khi những cơn thai nghén đến liên tục, chiếc máy siêu âm di chuyển qua lại trên chiếc bụng để cảm nhận nhịp sự sống. Suốt một thời gian sau đó, mẹ bắt đầu quan tâm đến con hơn bất cứ điều gì trên thế giới.

Thời gian thai kỳ, mẹ được bà thúc giục ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý cho ngày “mẹ tròn con vuông". Có lúc nhìn vào gương, chứng kiến khuôn mặt mập lên trông thấy, thâm mụn đầy trên làn da trắng nõn thuở nào, vết rám đen nội tiết tố sau mí mắt, và sự rạn da dần dần xuất hiện quanh chiếc bụng nhỏ… mẹ đã bật khóc nức nở. Mẹ lo sợ sẽ đánh mất cả tuổi trẻ, sự xinh đẹp và cả tình yêu của ba. Thế rồi, tất cả đều bị dập tắt bởi con.

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con Ảnh 2

Hôm bước vào phòng sinh, những chậu máu, vết khâu dài nửa gang tay như chẳng còn đau hơn nữa. Sau này, cái sẹo ấy theo mẹ cả đời, trở thành vết thương hoá đá trên da thịt và nó nhắc nhớ mẹ về con nhiều hơn. Mẹ bắt đầu bình thường, thậm chí là yêu thêm vết sẹo đã mang con đến thế giới này như thế.

“Mình khó mang thai nên đã phải trải qua vô vàn lần nông và thực hiện can thiệp y tế với âm đạo. Thời điểm bản thân bị viêm, nhập viện với cơn đau không thể nào tưởng tượng, mình đã nghĩ tại sao lại phải có con? Ấy vậy, khi bé cất tiếng khóc chào đời, mọi thứ đều xứng đáng. 

Mình không thể trở về dáng vẻ của cô gái hồn nhiên thanh xuân, nhưng mình yêu việc mẹ hiện tại hơn, ít nhất nó khiến mình hiểu tình mẫu tử là gì?", chị Trương Thị Thu Hương (32 tuổi, ngụ Hà Nội) chia sẻ.

“Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất là lần đầu mang thai và làm mẹ. Chúng ta chấp nhận rằng cần đánh đổi vẻ bề ngoài, già đi, xấu xí hơn, thậm chí rất nhiều sẹo xuất hiện trên cơ thể. Nhưng bạn hãy tin tôi, không có trải nghiệm nào tuyệt vời hơn…

Sau khi nhìn lại vết sẹo mổ, rạn da, chân chim… bạn sẽ thấy chính xác nó đã nhắc nhở bạn về sự chào đón một sinh linh mới là thế nào…”, chị Nguyễn Hoàng Linh (30 tuổi, ngụ TPHCM) nói thêm.

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con Ảnh 3

Đúng vậy! Người phụ nữ không phải một bức tượng thần Vệ Nữ được tạc hoàn hảo. Chúng ta có những khuyết điểm, được quyền lựa chọn làm mẹ và chào đón đặc ân đó bằng cách khác nhau. Nhưng dấu tích trên da thịt sẽ mãi mãi là câu chuyện kể về hành trình người con gái lựa chọn kết thúc thanh xuân và bắt đầu làm mẹ đẹp đẽ, diệu kỳ.

Vết sẹo hằn in năm tháng mưu sinh - niềm kiêu hãnh vẽ nên cuộc đời con 

Con lớn lên, bắt đầu con đường đến trường, đi học, vào đời, đó cũng là thời điểm mẹ phải vật lộn với gánh nặng cơm áo gạo tiền. 

Mẹ không thể đếm hết bao đêm thức trắng sau hàng xôi ở góc đường vắng, bao nhiêu lần té ruộng trong một lần gật gà ngủ lúc đi cấy sớm, bao cây kim đâm vào tay trong những hôm tăng ca ở nhà máy, xí nghiệp… Mẹ chỉ biết cuộc sống mưu sinh đã hằn trên mẹ tất cả sự chai sạn, vết sẹo cắt da cắt thịt. 

Khi vừa chào đời, mẹ cũng từng là đứa con gái cưng của ông bà. Mẹ sở hữu đôi bàn tay thon dài, nõn nà như búp lá chuối non vì được cưng chiều. Hàng xóm trêu, mẹ có đôi bàn tay nghệ thuật của một nghệ sĩ đàn piano. Sau này, đôi bàn tay ấy lại bị nung trên lửa đỏ, dao thái thịt cứa ngang, bao cát bao xi-măng bào mòn… mà trở nên xù xì, đen đúa và chưa bao giờ rửa sạch bùn đất.

Ấy vậy, ai đó hỏi mẹ: “Hối hận không?", mẹ vẫn sẽ cười: “Không!”. Đối với mẹ, vết sẹo cuộc đời ấy còn là niềm kiêu hãnh, tự hào vì đã vẽ nên cuộc đời tươi đẹp cho con.

“Mẹ mình mắc 3 căn bệnh nguy hiểm: ung thư vú, u não và u sợi thần kinh.  Bệnh khiến hàng nghìn khối u lớn nhỏ xuất hiện, phủ kín khắp cơ thể, biến dạng làn da mịn màng trước đây của bà. Ngoại hình khác biệt đã khiến mẹ không dám nhìn mình trong gương, sợ đối diện với hình ảnh của mình”, bạn Huỳnh Phương (20 tuổi) chia sẻ.

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con Ảnh 4

Khi mẹ Phương đẩy xe bán trái cây ra lề đường, mẹ Phương đã nhận vô số lời chế giễu, thậm chí sau khi nhận hàng họ sẵn sàng vứt xuống sống. Ấy vậy, cô bé vẫn luôn bên cạnh mẹ.

“Với mình, mẹ không chỉ là nguồn động lực mà còn là một hình mẫu về sự dũng cảm. Ngay cả khi ngoại hình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mẹ vẫn đều đặn đến họp phụ huynh, chăm lo cho cô từng bữa cơm, từng bộ đồng phục. Bạn bè đến nhà, mình vẫn luôn dõng dạc giới thiệu: “Mẹ tui đó…

Cuối năm 2021, sức khỏe của mẹ bắt đầu suy giảm rõ rệt, tiên lượng thời gian còn lại không còn dài. Mẹ đã bắt đầu chuẩn bị cho cái chết, âm thầm hỏi giá quan tài, lo lắng về tương lai cho mình. Vì vậy, mỗi khoảnh khắc bên mẹ luôn là quý giá nhất cuộc đời”, Phương kể thêm.

Những ngón tay tròn trịa, đầy đặn của mẹ Kha từng khiến ai nấy đều trầm trồ. Nhưng đến khi bước qua tuổi 50, nối nghiệp gia đình với hàng bún mọc, bàn tay cô đã xuất hiện nếp nhăn, vết chai của năm tháng lao động.

“Nhưng nhờ bàn tay bê bún nóng ấy, mẹ đã nuôi nấng ba anh em mình khôn lớn, ăn học thành tài”, Kha cười. 

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con Ảnh 5

Đối với Kha, mẹ luôn là niềm tự hào lớn lao. Mẹ cầu thường bắt đầu ngày mới từ lúc 3 giờ sáng, khi các mối hàng thịt giao đến. Mẹ cùng các dì chuẩn bị giò chả tại nhà bà ngoại. Đến khoảng 6 giờ sáng, khi nồi nước lèo đã dậy mùi thơm, mẹ sẵn sàng đón những vị khách đầu tiên. Xe bún mọc của mẹ kéo dài đến tận 9 giờ tối, và có khi Nhật Kha đã say giấc trên giường.

“Có lần mình thấy trên đôi tay mẹ xuất hiện miếng băng cá nhân. Hôm sau vết thương cũ vừa lành thì mẹ lại có thêm vết cắt mới. Mình hỏi, mẹ chỉ cười nhẹ, nói rằng đó là tai nạn nghề nghiệp. Chưa bao giờ mẹ kêu than hay oán trách cuộc sống vất vả”, chàng trai trẻ nhờ về những vết sẹo cuộc đời mẹ.

VÀ VỚI CON, NHỮNG VẾT SẸO ẤY LÀ TÀI SẢN VÔ GIÁ NHẤT TRÊN ĐỜI

Khi lớn lên, nhìn lại hành trình đã qua của mẹ, con mới thấy trân quý thêm sự sống mà mẹ đã ban cho. 

Con từng buồn tủi khi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, không có lấy một chiếc áo trắng tử tế đi học. Còn từng xấu hổ vì mẹ không hành nghề giáo viên, bác sĩ, giáo sư như bao người, mà chỉ là bà cô bán xôi trước cổng trường. Con từng không dám nhìn vào những vết rạn da, vết mổ, vết sẹo chằng chịt trên da thịt… vì sợ tương lai mình sẽ tăm tối như mẹ đã từng trải qua.

Thế nhưng, sau này, con nhận ra: Vết sẹo ấy là tài sản vô giá hơn bất cứ điều gì trên đời.

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con Ảnh 6

Mặc cho căn bệnh ung thư đang dày vò mẹ, Huỳnh Phương chưa bao giờ thấy mẹ xấu xí. Đối với cô gái trẻ, mẹ vẫn là người phụ nữ xinh đẹp nhất. “Dù những ngày được sống bên mẹ có thể ngắn ngủi, mình luôn biết ơn và trân trọng từng giây phút bên mẹ, yêu thương mẹ như một báu vật quý giá không gì sánh được”, Phương kể.

Ngày còn nhỏ, Kha không thích khi mẹ chạm vào người, mùi thịt và nước lèo ám ảnh da thịt. Lớn lên, Kha luôn thấy hối hận vì điều đó làm mẹ buồn suốt thời gian dài. “Mình chỉ muốn được mẹ nắm tay, muốn được mẹ vỗ về nhưng không còn nhiều cơ hội, vì mẹ vẫn tất bật với công việc để lo cho gia đình”, Kha nói.

Trong ngôi nhà nhỏ ở huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) câu chuyện về tình mẫu tử của bạn Trần Đình Tiến (2003) cũng cảm động không kém. Mỗi ngày sau giờ tan học, Tiến đều ghé ngang cửa hàng mỹ phẩm, mang về từng lọ serum, kem dưỡng, với hy vọng giúp mẹ mình – cô Phùng Thị Loan (53 tuổi) thay đổi ngoại hình sau nhiều năm vất vả. Tiến đã khởi động thử thách "100 ngày thay đổi ngoại hình cho mẹ", một trào lưu đang gây sốt trên TikTok từ giữa năm 2024.

Vết sẹo hoá đá trên người mẹ: Nỗi đau kiêu hãnh nhất khi vẽ nên cuộc đời hoàn hảo cho con Ảnh 7

“Những nếp nhăn trên gương mặt cô, mái tóc đã lấm tấm bạc và đôi mắt trũng sâu do thức khuya dậy sớm, là dấu ấn của sự hy sinh thầm lặng suốt bao năm. Mình thấu hiểu điều đó, và khi nhận ra mẹ đã già đi nhiều, mình quyết định tham gia thử thách này không chỉ để thay đổi ngoại hình cho mẹ mà còn để mẹ biết yêu thương bản thân mình hơn”, Bình nói thêm.

Giữa tháng 9, Tiến quyết định đưa mẹ đi làm tóc. Đặc biệt, cậu còn sắm cho mẹ một bộ váy đỏ đi dự đám cưới. Lần đầu tiên cô Loan thử màu sắc này những đã nhận nhiều lời khen ngợi.

Đối với Tiến, hành trình 100 ngày không chỉ tạo hạnh phúc cho con, giúp mẹ đẹp hơn, mà còn tạo ra nụ cười rạng rỡ, tự tin đã mất đi từ mẹ rất lâu.

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Nyny Võ

Theo

Huy Hậu - Thanh Tâm

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp