Trung thu khác biệt của Gen Z

Người ta thường nghĩ về Trung thu với đầy sự hoài niệm, nhưng đâu biết vẫn tồn tại một mạch ngầm Trung thu khác biệt chảy trong lòng thế hệ trẻ.

Bài viết Team Xã Hội
Chia sẻ
Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 1

“Em muốn bức ảnh của Trung thu Việt Nam sẽ lan truyền rộng rãi”, Tường Vy (18 tuổi, ngụ TP HCM) chia sẻ.

Buổi sáng cuối tuần, cô gái trẻ dậy sớm, mặc chiếc áo dài thắm, tay cầm lồng đèn giấy len lỏi trên khắp con đường nhộn nhịp của thành phố. Nụ cười tỏa nắng, tà áo và đèn lồng đầy xưa cũ bỗng chốc nhắc nhớ người ta: “À! Thì ra Trung thu đã cận kề!”.

Vy kể, vài năm trước, mỗi đêm Rằm tụ họp bạn bè, cô đều nhận sự than vãn rằng Trung thu không còn như xưa. Nào là không phá cỗ, không rước đèn, không có thời gian ngồi cạnh nhau trước mớ bánh nướng, bánh dẻo… “Ấy vậy, thay vì than vãn, tại sao chúng ta không đưa hình ảnh đẹp đó gần hơn”, chính suy nghĩ ấy khiến Vy muốn dùng hình ảnh bản thân để gửi thông điệp Trung thu tới người dân TPHCM.

Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 2

“Thay vì dành thời gian cho bản thân, đêm 15 là lúc mình sẽ đi về vùng nghèo khó, chia cho tụi nhỏ vài cái bánh và chiếc đèn lồng”, Lê Hiếu (25 tuổi, ngụ TP HCM) chia sẻ kể về Trung thu khác biệt của mình như thế.

Hiếu được sinh ra ở vùng đồng quê rộng lớn Long An. Thuở nhỏ, Trung thu thường bắt đầu từ buổi trưa hè vót tre làm đèn, theo chân Ngoại phơi hạt bưởi để có dịp đốt bếp lửa nghe hương thoảng trong tiếng tanh tách nổ. Tối khi trăng tròn vành, tụi nhỏ trong xóm thi nhau cầm chiếc lồng đèn lon sữa, giấy kiếng, vỏ bưởi… chạy dọc cánh đồng để đuổi theo trăng.

Lớn lên, lồng đèn tre được thay thế bằng đồ điện tử, món bánh nướng thay bằng trà sữa, bánh ngọt, Trung thu cũng được tụi trẻ con đón qua ipad, máy tính bảng. Ngoại mất mang đi cả hương thơm hạt bưởi tháng 8 từng khiến Hiếu buồn bã, tiếc nuối kỷ niệm xưa cũ.

Lên thành phố, chuyện đêm nghỉ ngơi dạo chơi Trung thu càng trở nên hiếm hoi. Lâu dần Hiếu cũng quên mất ngày đoàn viên mãi cho đến cô bạn thân lên tiếng: “Sao chúng ta không làm thiện nguyện, mang Trung thu về cho mấy đứa trẻ nghèo”.

Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 3

Từ dạo ấy, đêm 14, Hiếu thường xin nghỉ việc, cô nàng hay hoá thân thành chị Hằng, hông đeo chiếc loa phát nhạc để mời gọi tụi trẻ con xóm nghèo quận Bình Chánh. Những chiếc bánh bánh, nụ cười, bước chân nhỏ xíu xíu của đám trẻ khiến niềm vui bỗng chốc quay trở lại.

“Lúc đó mình mới nhận ra Trung thu nó đâu mất đi, tụi trẻ con vẫn háo hức đón nhận như chúng ta ngày trước, chỉ là khác biệt hơn. Trăng có thể không sáng bằng điện, nến không còn rực rỡ bằng đồ điện tử, nhưng thử nghĩ đi, nếu làm nhiều hơn, Trung thu vẫn được sẽ chia bằng nhiều cách”, Hiếu tủm tỉm chia sẻ.

Ở xã hội hiện đại, con người quen sống với sự tiện dụng, đúng là rất khó để có thể quay lại với điều xưa cũ.  Đặc biệt ở các thành phố lớn, người ta càng khó có thời gian tận hưởng Trung thu đúng nghĩa. Thế nhưng, Tường Vy, Lê Hiếu - thế hệ genZ vẫn có cách đón nhận khác nhau. Thay vì hối tiếc, họ chọn giữ gìn, lan toả.

Từ những ngày hôm đầu tháng 8 Âm lịch, quán cà phê treo lồng đèn lên tường, mạng xã hội rầm rộ trào lưu lồng đèn đan tre con thỏ, các bạn trẻ mang áo ấm, bánh ngọt, đêm Rằm về những khu vực khó khăn… Đấy! Trung thu nằm ở đó chứ đâu! Trong cái cười của những đứa trẻ nghèo vẫn say mê, của người ta thích chụp ảnh, của dòng người len nhau đông đúc trên khu phố người Hoa quận 5.

Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 4

Không chỉ có giới trẻ, ở trong lòng phố thị, vẫn tồn tại nhiều người lặng lẽ giữ gìn. Họ không vì tiền bạc, danh vọng, thậm chí đổ sức, tấm lòng chỉ để những đứa trẻ có một đêm tối trăng sáng đặc biệt.

“Nhà của thời thơ ấu là một doanh nghiệp xã hội, tác động đến nhận thức giới trẻ, gia đình thông qua giáo dục, trải nghiệm. Ngày xưa, bối cảnh không gian còn thiên nhiên, không khí thoáng đãng cùng thời gian chất lượng mọi người dành cho nhau, nên cái cảm giác được chơi cùng nhau, ăn bánh trung thu, ngắm trăng… tất cả hòa quyện thành một cảm ngộ mang tên hạnh phúc. Thời nay, lồng đèn đẹp hơn, bánh ngon hơn nhưng gia đình, hàng xóm không còn được như trước do sự đô thị hoá. Vì vậy, nhiệm vụ của nhà là giúp cả thế hệ trẻ ngày nay được sống với ngày cũ, và những người cũ được sống như thuở xưa”, anh Anh Luân (CEO Doanh nghiệp xã hội Nhà của Thời thơ ấu) chia sẻ.

Mỗi năm vào đêm 15, Nhà sẽ tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, trang trí trung thu xưa, làm bánh, rước đèn và nghe kể chuyện… Tụi nhỏ xấm xít bên chiếc chiếu cùng nhau, ngồi tròn vo trong lòng bố mẹ để nghe chuyện rồi vỡ oà khi được nhận phần quà như đưa tất cả về nơi xưa cũ.

Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 5

Suốt hành trình trưởng thành của con, chị Huỳnh Quỳnh (ngụ Bình Thạnh, TPHCM) luôn ghi lại kỷ niệm Trung thu cho con. Khi bé lên 10 tháng tuổi, chị tổ chức đêm trăng Rằm với bong bóng, trống, đầu lân… Lần đầu cậu bé tiếp xúc đồ chơi lạ đã không khỏi ngạc nhiên, la khóc.  Năm khác thì cả 2 cùng đốt đèn trên chiếc xe buýt 2 tầng chạy dọc thành phố, năm hoá thân thành chú Cuội tại trường học…

“Cuộc sống hiện đại, các bạn nhỏ dễ dàng bị cuốn vào những thiết bị công nghệ, và cha mẹ cũng quá tất bật với cơm - áo - gạo - tiền nên những dịp như thế này cũng là thời gian giá trị để cùng con ôn lại tuổi thơ của mình cũng như hiểu hơn về thế giới của con. Bên cạnh đó, điều đọng lại với bọn trẻ sau mỗi dịp lễ hội thường là niềm vui, là những hoạt động mà bé trải qua. 

Những điều đó sẽ theo bé rất lâu, và trong tương lai nó có yêu quí truyền thống dân tộc qua những dịp lễ này hay không cũng là từ những hoạt động nho nhỏ của người lớn ngay lúc này”, chị Quỳnh tâm niệm.

Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 6

Đó là câu khẳng định của chị Quỳnh khi nghe ý kiến Trung thu này không bằng xưa. 

Trong đó, chị chia sẻ ở góc độ phụ huynh, gia đình sợ con chơi lồng đèn giấy nguy hiểm nên mua đồ điện tử rồi bảo không vui, ngại phá cỗ đông đúc nên tự tổ chức ở nhà rồi bảo không giống xưa… Thế nhưng, bằng cách giữ gìn, mọi người sẽ nhìn thấy mạch ngầm Trung thu vẫn được lan toả trong sự háo hức của người trẻ, bọn trẻ con. Thậm chí, Quỳnh đã lên ý tưởng khi con lớn hớn sẽ cùng thực hiện chuyến thiện nguyện mang Trung thu đến các bạn nhỏ khó khăn.

“Thay vì so sánh, mỗi thế hệ sẽ có cách đón nhận theo hoàn cảnh, vì vậy chúng ta nên trân trọng nó. Hãy trải nghiệm và tận hưởng, vì mỗi năm chỉ có một dịp để kể và nghe câu chuyện chú Cuội, chị Hằng với những người mình yêu thương”, chị Quỳnh tủm tỉm cười.

Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 7

Riêng chị Quỳnh Hương cũng chia sẻ, mặc dù các bạn trẻ thời đại mới ít có cơ hội thưởng thức trải nghiệm, nhưng chính chúng ta đang nhận thấy các tận hưởng mới về trung thu qua hình ảnh, video, bài viết trên mạng xã hội.

“Đối với trẻ con thì chơi theo cách của ba mẹ định hướng, nên việc trải nghiệm của trẻ hoàn toàn quyết định bởi ba mẹ. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, Trung thu sẽ không còn là một ký ức đẹp giống như trải nghiệm cũ về mặt tâm hồn, đơn thuần là một lễ hội để gặp mặt, đi chơi, chụp ảnh cũng là điều đặc biệt…”, Hương nói.

Đêm Rằm năm nay, Trăng trên trời vẫn sáng, dẫu chẳng thể nào bằng đèn điện lấp lánh. Có thể nến và hương bưởi năm nào không còn thoang thoảng, thế nhưng, bằng sự đón nhận khác nhau, một mùa Trung thu vẫn sẽ diễn ra. 

Trung thu khác biệt của Gen Z Ảnh 8

Nếu bạn đã đọc bài viết này, tại sao không bước chân ra đường, lắng nghe những thanh âm từ ngôi nhà đang đoàn viên, hoà vào đám đông trên phố đèn lồng… Biết đâu, Trung thu đã nằm ở đó, chỉ đợi bạn thôi!

Bài viết

Team Xã Hội

Photo

Trọng Duy

Thiết kế

Nyny Võ

Theo

Phong Ngân

Chia sẻ