Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn!
Logo Saostar - Special special

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn!

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 1

Sách vở

Quần áo

Ví tiền

Khẩu trang

Căn cước công dân

Thanh Huyền (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn) gói ghém từng thứ vào trong chiếc balo, lòng cô trĩu nặng, nước mắt chực trào. Huyền cho hết đồ đạc còn lại của mình vào chiếc thùng giấy, dán băng keo thật chặt, nắn nót viết thông tin cá nhân lên trên rồi gửi cho ban quan lí kí túc xá. Cô nhớ rất rõ khoảnh khắc mình rời xa Sài Gòn: 16 giờ, ngày 30/5. Đây cũng là thời điểm thành phố chuyển mình vì dịch bệnh. 

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 2

Mùa hè đến, bạn bè Huyền lần lượt rời khỏi kí túc xá để về quê, riêng cô vẫn ở lại vì có việc làm thêm. Ngày nào, Huyền cũng thực hiện khai báo y tế. 6 giờ - 19 giờ là khung giờ đi về mỗi ngày của các sinh viên. Vậy mà cũng đến lúc, cô phải rời xa Sài Gòn. 

“Hôm 28/5, mình bị tai nạn giao thông nhưng may mắn chỉ trầy xước nhẹ. Cũng trong hôm đó, mình đã nhận được thông báo là tất cả sinh viên không thuộc vùng dịch phải rời khỏi kí túc xá trước ngày 1/6. Lúc đó, mình đã khóc vì vết thương chưa lành mà phải dọn dẹp đồ rồi chạy xe máy về quê một mình. Ở Sài Gòn, mình không có người thân, bạn cùng phòng cũng đã về hết rồi”.

Huyền xét nghiệm COVID-19, xin xuất viện sớm để về kí túc xá nghỉ ngơi và thu xếp hành lí. “Mình nghĩ lúc dịch đang bùng phát thì về nhà là phương án tốt nhất, mọi thứ ở Sài Gòn đành gác lại”, Huyền nhớ lại. 

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 3

Sài Gòn trong Huyền là một nơi cất giữ biết bao kí ức. Huyền chia sẻ: “Hồi đó, mình cứ nghĩ Sài Gòn vừa đắt đỏ, vừa khó sống. Lúc mới lên đây, mình đi làm nhân viên cho tiệm trà sữa. 

Vì không có xe máy nên mình hay đi xe bus, khi về thì cuốc bộ. Mình tan ca vào lúc 10 giờ tối, đường từ quán về kí túc xá rất tối với cả hơi xa, nhưng hôm nào cũng có mấy bạn chạy xe máy ghé vào ngỏ lời cho mình quá giang hết. 

Tuy mình chỉ cảm ơn và từ chối nhưng trong thâm tâm, mình thấy Sài Gòn thiệt dễ thương biết bao. 

Nhờ có Sài Gòn, mình mới hiểu được cách người với người sinh sống, đối đãi với nhau ra làm sao. Sài Gòn dạy mình cách yêu thương, cách đau đớn, cách buồn bã, cách hạnh phúc, cách trưởng thành và mạnh mẽ”. 

10 giờ đêm hôm đó, Huyền mới chạy xe máy về đến Sóc Trăng, ba mẹ cô vỡ òa niềm vui. Hơn 2 tháng qua, có những lúc Huyền nhớ Sài Gòn quay quắt. “Hồi còn ở thành phố, hôm nào mình cũng chạy xe ra ngoài hóng mát, la cà từ hàng này tới quán khác. 

Sài Gòn lấp lánh ánh đèn, Sài Gòn nhịp sống thoi đưa, Sài Gòn tấp nập tiếng nói cười và Sài Gòn không bao giờ ngủ. Có những nỗi lòng của mình chỉ có thể cất giữ ở Sài Gòn, bao nhiêu tâm sự đều được vỗ về, lắng nghe, và an ủi. Mình yêu Sài Gòn rất nhiều”, Huyền nghẹn ngào. 

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 4
Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 5

“Kể một câu chuyện nè, hồi cấp 3, tui có khao khát được lên Sài Gòn học. Mà lúc đậu Đại học rồi, tui lại … sợ. Tui sợ mình không đủ vững chãi, không đủ mạnh mẽ trước cái thành phố xa hoa và náo nhiệt này. Thiệt chớ, sống ở đây nhiều năm, có lúc tui “bực” Sài Gòn lắm, bởi những lúc gặp người xấu, hay mấy phút giây tui yếu lòng mà không có ai bên cạnh. 

Nhưng dần dà, tui nhận ra tui yêu thành phố này nhiều hơn mình nghĩ. Sài Gòn tử tế, nó ôm trọn hàng triệu cư dân. Nơi đây, có người tốt và cũng có kẻ xấu, có chỗ phồn hoa nhưng cũng có nơi thiếu thốn và đầy khổ sở. Cuộc đời mà!”. 

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 6

Hồng Mơ (quê Cà Mau) mở đầu câu chuyện về Sài Gòn. Mơ được trở về quê ngay từ những ngày đầu Sài Gòn bùng phát dịch bệnh. Những chiếc xe cứu thương hú còi vang vang khắp đường phố, dây phong tỏa màu trắng – đỏ bắt đầu băng bó một vài con hẻm, những “chiến binh” trong bộ đồ bảo hộ xanh xuất hiện ở góc đường… Sài Gòn của cô sao mà khác quá. 

Chỉ mới vài tháng trước đây, Mơ vẫn thấy Sài Gòn lấp lánh ánh đèn, cô đứng ở dưới Landmark 81, nhìn pháo hoa rền vang trên nền trời. Hay mỗi buổi chiều, Sài Gòn kẹt cứng xe cộ, phố xá tấp nập, cô vẫn có thể sà vào một vỉa hè, gọi chén tàu hủ nóng nước đường thơm nức mùi gừng. 

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 7

Đối với Mơ, Sài Gòn là “mái nhà” của dân tứ xứ, nơi người ta đến làm ăn, mua bán, sống cuộc đời của mình và học cách sống cùng với nhiều cuộc đời khác. 

Mơ kể: “Hồi mới lên Sài Gòn, tui ở kí túc xá, bạn cùng phòng là người miền Trung. Ban đầu, bạn nói giọng miền Trung, tui nghe hổng được, nhưng riết thành quen. Sài Gòn khiến tui sống chan hòa hơn, biết chấp nhận sự khác biệt và yêu lấy sự tử tế mà người ta dành cho nhau”.

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 8

Mơ cũng không ngờ rằng ngày mình bước lên xe về quê, đến nay, cô đã xa Sài Gòn được 3 tháng. Ban đầu, Mơ chỉ nghĩ mình về vài ngày nên chẳng mang đồ đạc gì nhiều. Ở nhà, cô vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn. 

“Tui rất thương Sài Gòn, và thấy được tình người lớn lên trong đại dịch. Nhìn thành phố “oằn mình” chống dịch, tui chỉ biết cầu nguyện cho mọi thứ rồi sẽ qua đi, bình yên lại trở về. 

Khi quay trở lại thành phố, điều đầu tiên tui làm đó là nhìn ngắm Sài Gòn thật kĩ, thật lâu. Tui tin là Sài Gòn sẽ trở lại náo nhiệt như ngày nào, những vết thương chắc chắn sẽ sớm được chữa lành”, Mơ nói.

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 9
Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 10

Trời ơi! Gần 2 tháng rồi mình chỉ ngắm Sài Gòn qua ô cửa đó. 

Hòa An (ngụ quận 8, TP.HCM) cảm thán, nghe vừa buồn, vừa thương. Do tình hình dịch COVID-19 kéo dài, An buộc phải làm việc ở nhà. Mỗi ngày, cô đều nhìn ngắm Sài Gòn qua ô cửa sổ. 

Sài Gòn “thu bé” lại trong một ô cửa thì thế nào nhỉ? An thấy những nóc nhà san sát nhau, các dãy ghế được xếp giãn cách giữa con hẻm để chờ bà con ra lấy mẫu, thằng bé Bi hàng xóm ngồi tiu nghỉu trong hiên nhà, không được chạy giỡn với mấy đứa “chiến hữu” của nó trong hẻm. 

Thanh âm của Sài Gòn trong cô cũng đổi khác nhiều. Ban đêm, tim cô như thắt lại khi nghe tiếng xe cứu thương. Thi thoảng, âm thanh “ồ ồ” từ đội xịt khuẩn vang lên khiến xóm làng rón rén nhìn, cũng chỉ qua ô cửa sổ. Đứng trên ban công, cô lặng lẽ dõi theo những bạn tình nguyện viên bé nhỏ, vác trên vai bình xịt khuẩn to nặng trĩu, thấy thương quá đỗi. 

An năm nay 27 tuổi, cô sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. An đã từng trải qua nhiều chuyến du lịch xa gần, có khi vi vu đến các quốc gia khác nhau, những chuyến công tác nối dài, khiến thời gian cô xa Sài Gòn có khi là cả tháng. Cô hiếm khi thấy nhớ Sài Gòn. 

Vậy mà điều kì lạ này cũng đến, người ta thấy nhớ Sài Gòn khi đang ở ngay trong lòng phố.

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 11

Phải mà, đâu ai nghĩ có ngày cái vòng xoay Công trường Dân chủ đông nghịt người, vồn vã tiếng kèn xe ồn ào, tiếng người ta gọi nhau í ới cũng có ngày lặng thinh. Đâu ai nghĩ phố Bùi Viện sầm uất, nơi người ta “chill” trong men bia ngọt đắng lại có ngày ngủ yên. Mấy lúc thấy đói bụng, người ta cũng không thể dong xe đến chợ Hồ Thị Kỷ, “lấp đầy” bao tử bằng cái lẩu bò ấm nóng. Hay những ngày buồn quá, người ta cũng không thể nhấc máy lên, “alo” đứa bạn thân để ngồi hàn thuyên trong góc quán quen. 

An chia sẻ: “Có nhiều lúc ở nhà, mình thấy thèm nhiều cái “trời ơi” lắm. Mình ước gì mình có thể hòa vào dòng người đang kẹt cứng ngắc ở đường Nguyễn Đình Chiểu, hứa sẽ không “quạo” nha (cười). Hay có mấy lúc, mình thèm đến “cháy lòng” một tô hủ tiếu gõ lề đường. Ở nhà, dù có nêm nếm đong đầy bao nhiêu, mình vẫn thiếu một gia vị, đó là vị của phố xá”.

Vị phố xá của An là một gia vị không thể thay thế được. Và tô hủ tiếu gõ đó, chắc hẳn sẽ ngon hơn rất nhiều, nếu xung quanh cô là tiếng ồn ào xe cộ, tiếng người người hối hả về nhà, tiếng trò chuyện của nhóm bạn trẻ, tiếng í ới của cô chủ quán. 

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 12

Mới đây, một trang mạng xã hội đã mở ra chủ đề: “Bạn sẽ làm gì khi hết dịch”. Ngay lập tức, có hàng nghìn bình luận được “thả” vào bài đăng, dân tình rầm rộ tag tên nhau. 

Hết dịch mình sẽ gọi một tô bún bò “full topping”.

Hết dịch tui đi làm nail liền đó!

Hết dịch tớ sẽ gọi ông người yêu để chở đi 8000 vòng Sài Gòn. 

….

Mỗi bình luận tượng trưng cho một con người, họ sống ở Sài Gòn và họ cũng đang rất nhung nhớ Sài Gòn. Một thành phố có khói bụi, có đông đúc, có kẹt xe, và có “chật chội” tình yêu thương. 

Sài Gòn phải có những buổi sáng thật vội vã, người ta cắp vội ổ bánh mì, dặn dì Sáu đầu hẻm ly cà phê đá, rồi mang đi làm.

Sài Gòn phải có những buổi trưa nắng thiêu đốt thịt da, tấp vào ngã tư làm một ngụm trà đá miễn phí, mát lành. "Làm siêng" hơn nữa thì mình chạy dọc con đường Điện Biên Phủ mua những hộp cóc chín ngọt lịm, cảm nhận hương vị mùa hè ngay trên đầu lưỡi.

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 13

Sài Gòn phải có những buổi chiều tan tầm, ai ai cũng hối hả. Những chị nội trợ tranh thủ "lao" vào buổi chợ chiều, khệ nệ thịt cá mang về cho kịp buổi cơm. Cổng trường đông nghịt xe phụ huynh, tiếng í ới của học trò gọi nhau không dứt. Vì vội quá, người ta cũng chẳng kịp nhìn ngó ráng chiều rơi xuống mái tóc mình. 

Sài Gòn phải có những buổi tối không ngủ, giới trẻ mới có dịp gọi nhau ra quán cà phê quen thuộc, nối dài những cuộc chuyện trò. Phố đi bộ Nguyễn Huệ lấp lánh ánh đèn, Bùi Viện nô nức tiếng nói cười. Nếu trời chưa khuya, mình hẹn nhau ra khu Chợ Lớn, nhâm nhi từng miếng nhũ heo, bông xôi nướng đậm vị. 

Sài Gòn khiến mỗi người đều lưu giữ một kí ức rất riêng về nó, chả ai giống ai. Và nỗi nhung nhớ Sài Gòn cũng như thế. 

Hẹn một ngày gần nhất thiệt "khỏe mạnh" nhé, Sài Gòn!

Sài Gòn ơi, tụi tui nhớ Sài Gòn! Ảnh 14

 

Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp