Vào những năm 1964-1972, Ngã ba Đồng Lộc liên tục bị đánh phá, năm 1968, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, nơi đây phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Đây là thời điểm ác liệt nhất của vùng đất này.
Trưa 24/7/1968, như thường lệ, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày lại liên tiếp dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom.
10 chị đã hy sinh trong vụ nổ ấy, người trẻ nhất 17 tuổi, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong năm ấy hiện nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc.
Những ngày này, hồi ức về ngày 2/9 lại ùa về trong mỗi người dân Việt Nam. Niềm tự hào dân tộc xen lẫn những giọt lệ, nỗi đau khi nhớ về những chiến sĩ đã hy sinh máu thịt để bảo vệ, giữ gìn, xây dựng Tổ quốc được hưng thịnh như ngày hôm nay.
Là một người con, người dân Việt Nam, anh Phùng Quang Trung (SN 1995, Sóc Sơn, Hà Nội), cũng luôn tự hào và nhớ về những sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, huyền thoại thế hệ trước.
Anh Trung là một thợ chỉnh sửa ảnh ở Hải Dương, công việc chính của anh là chỉnh sửa ảnh. Vào những ngày cuối tháng 6/2022, anh và thầy của mình là Lê Quyết Thắng đã bắt đầu có ý tưởng thành lập một nhóm chuyên phục dựng ảnh cho các liệt sĩ.
Mỗi lần nghĩ về những người liệt sĩ, hy sinh vì tổ quốc, anh Trung lại lặng người, xúc động không nói nên lời. Lần này, anh quyết tâm thực hiện ý tưởng phục dựng ảnh ấy vì tình yêu tổ quốc, lòng biết ơn với các liệt sĩ.
Anh rủ thêm nhóm bạn bè, đồng nghiệp của mình để cùng tham gia vào nhóm phục dựng ảnh có tên Leephotoshop. Ban đầu, nhóm có 5 người, đến hiện tại nhóm đã có 8 thành viênhoạt động.
“Ý tưởng đã nhen nhói từ 30/4. Khi ấy kênh Tiktok của tôi và thầy tôi dùng chung, nhận được một lời đề nghị của một người cháu mong muốn phục dựng lại chân dung của người bác đã mất.
Bác ấy đã mất lâu rồi nên ảnh cũng không được trọn vẹn, khi ấy thầy và mình đã quyết tâm vào làm. Hôm đó, mình đã hẹn anh ấy ở một quán ăn, trò chuyện với nhau.
Sau khi nghe anh ấy kể về câu chuyện hào hùng ngày trước, mình xúc động. Về nhà, 2 thầy trò tâm sự với nhau về ý tưởng lập nhóm và đến cuối tháng 6 thì thực hiện xong việc lập nhóm”, anh Trung kể.
75 bức ảnh được phục dựng trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2022. Đó là lần đầu tiên, anh Trung cùng thầy và các thành viên trong nhóm cùng lúc phục dựng nhiều tấm ảnh các liệt sĩ đến vậy.
2/9 đến gần, anh Trung và mọi người trong nhóm chủ động bàn bạc về ý tưởng xin phục dựng lại những tấm hình của 10 cô gái mở đường ở ngã ba Đồng Lộc.
“Sau thời gian mải mê với những tấm ảnh liệt sĩ nhân ngày 27/7, chúng tôi quyết định với nhau là sẽ làm, phục dựng lại ảnh cho 10 cô đẹp nhất, hoàn hảo nhất có thể”, anh Trung chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh Trung nhờ một thành viên trong nhóm quê ở Hà Tĩnh về xin phép Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc, để được phục dựng lại ảnh 10 cô.
Đầu tháng 8, nhận được sự đồng ý, 6 người làm chính trong nhóm đã bắt tay vào làm. Mỗi tấm ảnh phục dựng đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng điểm ảnh, chi tiết.
“Phục dựng cũng khó vì ảnh gốc được vẽ bằng chì, tỉ lệ họ vẽ cũng khó cân xứng. Thếnhưng, tiêu chí nhóm đặt ra hàng đầu là phải làm hoàn hảo nhất có thể nên mất khá nhiều thời gian”, anh Trung tâm sự.
Các thành viên trong nhóm mỗi người một nơi, một tỉnh thành khác nhau nên nhóm phối hợp làm việc bằng cách gọi điện video vào mỗi tối.
Trực tiếp được phục dựng lại những tấm hình, khuôn mặt của những huyền thoại đã cống hiến, hy sinh vì tổ quốc, mỗi người một gam màu, một cảm xúc khác nhau. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các bức hình khi hoàn thiện.
Chính vì vậy, các thành viên trong nhóm đã tranh luận, thậm chí cãi vã rất nhiều khi làm việc.
Thế nhưng, vì mục tiêu, công việc chung nên mọi người đã tìm lại được tiếng nói để hoàn thiện những bức ảnh một cách hoàn hảo nhất có thể.
“Mỗi người một con mắt nhìn khác nhau, một cảm xúc khác nhau khi phục dựng. Điều này sẽ khiến thần thái của các cô sẽ khác. Một người làm sẽ đồng nhất nhưng đây phải phối hợp nhiều người làm sẽ xảy ra tình trạng khác nhau. Sau khi tập trung bàn bạc với nhau thì cũng thống nhất được các phương án”, anh Trung chia sẻ thêm.
Các thành viên trong nhóm mỗi người một công việc khác nhau vào ban ngày. Đa phần mọi người dành thời gian phục dựng ảnh các liệt sĩ vào ban đêm. Bởi lẽ khi ấy không gian yên tĩnh sẽ dễ tập trung làm việc hơn.
“Làm những tấm ảnh cũ rất khó, không phải ai cũng có thể làm toát lên được hồn của bức ảnh. Những thành viên trong nhóm phải làm sao tả được rõ thần thái của các cô gái và làm bức ảnh đó sống lại.
Tâm nguyện của cả nhóm là cùng nhau cố làm sao để các cô có vẻ xinh hơn những lúc đi kháng chiến một chút. Xin được làm cho các cô một tấm ảnh hoàn hảo hơn, vì các cô xứng đáng”, anh Trung tâm sự.
Các thành viên trong nhóm đều là thợ chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp nên thứ bỏ ra lớn nhất trong việc phục dựng các tấm ảnh liệt sĩ là công sức và thời gian.
“Việc đi lại mình có xe và một anh trong nhóm cũng có xe, mọi người góp tiền xăng xe, ăn uống đi lại. Khi hoàn thiện mang những chiếc ảnh vào trong Đồng Lộc để trao lại cho khu di tích thì mình gọi là một chuyến thăm, dâng hương các cô chứ không phải bỏ ra quá nhiều kinh phí. Nhóm cũng không nhận bất cứ hỗ trợ kinh phí từ mạnh thường quân nào”, anh Trung cho biết.
Mỗi ngày nhóm hoàn thiện một bức ảnh cho các cô, sau khoảng 10 ngày, nhóm đã hoàn tất việc phục dựng lại những tấm ảnh trước dịp 2/9, in ảnh, đóng khung cẩn thận để vào Đồng Lộc trao đến khu di tích.
Làm xong những bức ảnh, cả anh Trung và các thành viên trong nhóm đều nhẹ nhõm, thoải mái hơn sau chuỗi ngày căng thẳng, tranh luận và áp lực lớn với việc mình đang được làm.
“Khi cả nhóm mang ảnh vào trao cho Khu di tích, các thành viên trong nhóm ai cũng khóc, xúc động. Khi ấy không chỉ riêng tôi, các thành viên khác cũng khóc, mọi người khóc vì tự hào.
Anh đại diện Khu di tích đọc xong những lời dâng hương, đứng lặng người một lúc rồi quay ra với chúng tôi bảo: “Ảnh các cô gái trước mặt chân thực quá”, mồ hôi anh ấy toát ra nhiều rồi không nói thành lời nữa”, anh Trung tâm sự.
Ban đầu làm công việc phục dựng ảnh những người đã khuất, người thân anh Trung cũng hay khuyên hạn chế vì làm về đêm và hay phục dựng ảnh những người đã mất. Thế nhưng, vì mong muốn những người đã khuất có bức ảnh hoàn thiện nên anh vẫn làm.
Sau khi tiến hành phục dựng ảnh các liệt sĩ và được nhiều người hưởng ứng, nhận thấy việc phục dựng ảnh liệt sĩ ý nghĩa nên gia đình cũng thấu hiểu cho công việc của anh hơn.
Từ khi làm việc phục dựng ảnh người đã mất, anh Trung nhớ nhất là khi dựng một tấm ảnh cho một chiến sĩ công an hy sinh trong thời bình.
“Anh ấy mất còn trẻ, bé gái mới được 6 tháng tuổi nên sau này được người thân nhờ dựng giúp anh ấy bên cạnh vợ và con. Mình dựng mà cảm thấy xót xa, mình nhớ mãi cảm giác ấy và mình muốn những người khác cũng có một tấm ảnh hoàn thiện hơn”, anh Trung chia sẻ.
Bình thường công việc chỉnh sửa ảnh của anh Trung vẫn thu phí các khách hàng vì đó là công việc hàng ngày. Đối với những tấm ảnh phục dựng trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các thành viên trong nhóm sẽ trích quỹ để hỗ trợ làm tặng.
“Trong nhóm có quy định không nhận làm ảnh có phí đối với các liệt sĩ. Mình giúp được thì mình giúp còn mình không nhận làm ảnh có thu phí với các liệt sĩ”, anh cho biết thêm.
Nhóm dự tính năm sau sẽ hoàn thiện những bức ảnh có cả thân người cho 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lập: “Khi ấy sẽ làm cho 10 cô những bức ảnh có đủ chân dung cả người chụp ảnh cùng nhau. Giờ các cô chỉ có ảnh khuôn mặt thôi, được biết tâm nguyện của các cô trước đây là một bức ảnh chụp chung với nhau nhưng hiện chưa có đơn vị nào làm. Năm sau nhóm sẽ làm điều đó cho 10 cô”, anh Trung nói.
Nhóm cũng dự tính xin phục dựng ảnh cho Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu.
Với những thành viên trong nhóm phục dựng ảnh các liệt sĩ, họ có đam mê chung. Nguyện bỏ công sức, tiền bạc để được phục dựng những anh hùng, liệt sĩ, huyền thoại của dân tộc.
Không chỉ riêng anh Trung, các thành viên trong nhóm mà ngày nay, toàn thể nhân dân ta đều luôn luôn biết ơn những công lao to lớn của ông cha ta, công lao của những thế hệ trước đã chiến đấu, dựng nước, giữ nước và cả những anh hùng ngày nay.