“Em sẽ là người đại diện sinh viên phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp”, cô giáo phòng công tác sinh viên gọi điện cho Tuấn nói vào buổi sáng ngày tốt nghiệp. Một chút lâng lâng khó tả, Tuấn tự hào.
Cô giáo nói thêm, tính theo điểm ở nhà trường thì Tuấn được điểm cao. Khi ấy, Tuấn đã chắc chắn mình sẽ tốt nghiệp loại xuất sắc. Đến buổi chiều, Tuấn đạt thủ khoa của trường.
Xa quê đến Thủ đô học tập, một năm về 3 lần
Chàng thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội ấy là Bùi Hoàng Tuấn, (24 tuổi, quê ở Hà Tĩnh), sinh ra trong một gia đình có 5 người con, Tuấn là con út trong nhà.
Theo định hướng từ gia đình và những người đi trước, Tuấn đã chọn theo học ở Hà Nội vì mong muốn có chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm tốt hơn.
Chọn xa nhà đi học ở Hà Nội, bố mẹ Tuấn cũng đồng tình, theo ý con. Do nhà ở Hà Tĩnh, một năm, Tuấn chỉ được về quê thăm nhà khoảng 3 lần. Những lần về quê thường vào dịp nghỉ hè, nghỉ Tết hoặc khi gia đình có công việc.
“Khi mới ra Hà Nội để học, khó khăn đầu tiên mình gặp phải là môi trường thay đổi, đời sống khác. Ở nhà đang sống với gia đình có nhiều người, ra đây lại còn có một mình phải tự lập.
Môi trường mới, văn hóa sinh hoạt, giọng nói cũng khác. Môi trường học tập ở đại học cũng khác so với cấp 3, nên cũng gặp khá nhiều khó khăn, vất vả”, Tuấn tâm sự.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình học tập ở Hà Nội, khó khăn lớn nhất với Tuấn đó là tìm ra phương pháp học phù hợp với bản thân.
“Về sinh hoạt, phương tiện đi lại giao thông hay văn hóa mọi thứ, thích nghi khá ổn. Việc khó khăn nhất là việc tìm ra phương pháp học tập phù hợp đối với mình.
Chương trình học ở đại học khác với chương trình học ở cấp 3. Phải làm sao để phân bổ thời gian, sắp xếp thời gian, phương pháp học để phù hợp với thời gian của mình, đạt hiệu quả lớn nhất”, Tuấn tâm sự.
Những “bí quyết” để có kết quả học tập “đỉnh cao”
Tuấn có điểm tích lũy học tập đạt 9.28/10, 43 điểm A trên tổng 66 môn học. Có phương pháp học phù hợp với mình, trong một tuần, Tuấn có thể học thuộc hơn 200 từ mới tiếng Nhật và gần 300 từ mới tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Tuấn còn sử dụng tiếng Thái Lan ở mức cơ bản. Chàng thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội hiện cũng đang có chứng chỉ IELTS 7.5 và chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N2.
“Mình có 2 phương pháp học rất cụ thể, đó là phương pháp học 2-1-2 và 1-0-0”, Tuấn bật mí.
Theo chàng thủ khoa sinh năm 1998, phương pháp 2-1-2 để học và ghi nhớ kiến thức lâu dài hơn. Số 2 có nghĩa là khi học kiến thức mới, trong tuần đầu cần ôn lại ít nhất hai lần. Số 1 tiếp theo là trong tuần tới, sẽ ôn lại kiến thức đó một lần. Tiếp đến, số 2 cuối cùng là trong tháng đó phải ôn lại ít nhất hai lần.
Về phương pháp 1-0-0 còn lại được Tuấn sử dụng để học trong thời gian ngắn hạn, phù hợp với những môn cần tư duy nhiều.
Số 1 là khi xem xong đề bài, Tuấn đọc luôn đáp án mà không mất thời gian suy nghĩ. Sau đó, Tuấn xem lại đề bài rồi tự giải mà không nhìn đáp án. Số 0 còn lại, Tuấn không nhìn vào đề và đáp án mà tự nhớ đề rồi giải đáp.
“Ngoài 2 phương pháp học trên, vào thứ 7 hoặc Chủ nhật cuối tuần, mình sẽ phải sắp xếp lịch rất cụ thể cho tuần tiếp theo. Khi ấy, việc áp dụng phương pháp ấy sẽ càng hiệu quả hơn”, Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh rằng với bản thân, đó là những cách quan trọng nhất để học tập hiệu quả.
Ngoài ra, Tuấn cũng chia sẻ là người khá hướng ngoại. Đa số sinh viên tại trường đều rất năng động, tự tin, yêu thích thể thao và các hoạt động văn nghệ, tình nguyện chứ không “gỗ đá” như mọi người nghĩ.
Tuấn thường tham gia hoạt động ngoại khóa, đoàn, hội. Năm 2020, Tuấn tham gia cuộc thi Mr & Mrs BK - cuộc thi tài năng và sắc đẹp dành cho tất cả sinh viên Bách khoa Hà Nội.
Chàng thủ khoa cũng tham gia cuộc thi Tiếng hát sinh viên Bách khoa, giải chạy sinh viên ngành kỹ thuật mở rộng, kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường và chương trình “Mùa đông ấm 2020” tại Phú Thọ.
Trong nhiều năm, Tuấn đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp thành phố và cấp Trung ương.
“Với khối lượng học tập lớn nên việc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động bên ngoài giúp mình cảm thấy thoải mái, bớt căng thẳng hơn. Điều này cũng giúp mình phát triển kỹ năng mềm và học hỏi được nhiều điều khác ở ngoài trường hơn”, Tuấn tâm sự.
Tình yêu truyền động lực, sức mạnh và lời động viện ngọt ngào từ mẹ
Ba mẹ của Tuấn luôn theo sát con từ bé nên là người hiểu Tuấn rõ nhất. Biết Tuấn là một người có ý chí mạnh mẽ, có chí tiến thủ nên luôn yên tâm và tin tưởng vào Tuấn.
“Em sẽ là người đại diện sinh viên phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp”, cô giáo phòng công tác sinh viên gọi điện cho Tuấn nói vào buổi sáng ngày tốt nghiệp. Một chút lâng lâng khó tả, Tuấn tự hào.
Cô giáo nói thêm, tính theo điểm ở nhà trường thì Tuấn được điểm cao. Khi ấy, Tuấn đã chắc chắn mình sẽ tốt nghiệp loại xuất sắc. Đến buổi chiều, Tuấn đạt thủ khoa của trường.
Do cũng đang ở Hà Nội nên mẹ của Tuấn là người biết đầu tiên về thành tích học tập của con. Bà nói với Tuấn như nghẹn lại: “Chúc mừng con trai yêu của mẹ”, Tuấn như muốn vỡ òa.
“Sau đấy cũng gọi điện thông báo cho bố, ba mẹ đều chúc mừng, sau đó động viên mình cố gắng hơn nữa”, Tuấn chia sẻ.
Chàng thủ khoa điển trai cũng bật mí đã có người yêu, Tuấn chia sẻ việc yêu đương không gây ảnh hưởng đến việc học mà còn tạo thêm động lực cho Tuấn vươn lên.
“Mình là một người hơi kén chọn, khi mình tham gia vào việc yêu đương mình cảm thấy có nhiều tinh thần hơn. Đối với mình, khi chọn được một người hiểu mình thì sẽ có thêm động lực. Điều này cũng giúp có thêm chỗ dựa khi mệt mỏi, có người động viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Ngoài ra, định hướng của 2 người cũng giúp mình có thêm động lực để phát triển hơn trong học tập và cuộc sống” Tuấn tâm sự.
Về dự tính sắp tới, Tuấn chia sẻ vào đầu năm 4 đại học, có một công ty ở Nhật Bản có liên kết với trường nhận đào tạo Tuấn từ khi đó và sau khi đào tạo xong sẽ đưa Tuấn sang bên đó làm việc.
“Dự định tháng 8 tới sẽ bay sang đấy tham dự kỳ thi kỹ sư của Nhật Bản, sau khi hoàn thành kỳ thi ấy có bằng rồi sẽ làm việc ở bên ấy luôn”, Tuấn chia sẻ thêm.