Chuyện về căn nhà cổ rộng hơn 200m2 và 4 quy tắc đặc biệt của gia đình buôn tơ lụa giàu nức tiếng phố Hàng Đào

Chuyện về căn nhà cổ rộng hơn 200m2 và 4 quy tắc đặc biệt của gia đình buôn tơ lụa giàu nức tiếng phố Hàng Đào

Logo Saostar - Special special

Chuyện về căn nhà cổ rộng hơn 200m2 và 4 quy tắc đặc biệt của gia đình buôn tơ lụa giàu nức tiếng phố Hàng Đào

Copy Link
Chia sẻ

Ký ức đặc biệt về ngôi nhà hơn 200m2 của gia đình buôn tơ lụa Thái An

Phố Hàng Đào xưa nay vẫn được xem là khu phố sầm uất của thủ đô. Tuyến phố dài 260m này cách đây hơn nửa thế kỷ từng là nơi giao thương buôn bán nức tiếng đất Hà Thành, người người qua lại tấp nập.

Căn nhà 3 tầng cổ kính rộng hơn 200m2 với hơn 10 phòng được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước nằm ngay giữa phố Hàng Đào hiện là nơi gia đình ông Nguyễn Thái An (77 tuổi) sinh sống. Trải qua năm tháng mọi đồ vật trong nhà cũng như toàn bộ kiến trúc vẫn được ông An gìn giữ. Dù ở tuổi thất thập nhưng dáng người ông An khoẻ khoắn, chất giọng nhẹ nhàng và rất thân thiện. Ông cười bảo người ở phố cổ Hà Nội xưa vẫn rất luôn mến khách.

Gia đình ông An trước đây vốn làm tơ lụa từ những ngày đầu hình thành con phố hàng Đào sầm uất, chính vì thế cuộc sống của anh em nhà ông An thời kỳ đó hết sức sung túc. Bố mẹ mua được mấy căn nhà phố cổ và cả ô tô, hễ đi đâu cũng có xe đưa rước.

Hiện nay, ngoài tầng 1 được ông An sửa sang cho thuê làm cửa tiệm bán quần áo còn lại các tầng khác vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc xưa. Ngoài vợ chồng ông An thì hiện ngôi nhà này còn là nơi sinh sống của vợ chồng người chú ruột năm nay đã ngoài 90 tuổi và người em gái út. Trong đó, một số đồ đạc của căn nhà như: bàn ghế, sập gụ, tủ, quạt, bát đũa,… được ông An gìn giữ cẩn thận như những kỷ vật vô giá của gia đình.

Ông An là con cả trong gia đình có 12 anh em. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hàng Đào (Hà Nội). Còn mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hồng cũng được xem là giai nhân với vẻ đẹp dịu dàng, hiền thục thời bấy giờ.

“Tôi có hai người con giờ chúng nó thành đạt lập gia đình có công việc ổn định rồi và đều có nhà riêng nên không sống ở đây với bố mẹ. Cứ cuối tuần các con lại cho cháu về đây chơi. Các em của tôi thì cũng đều có cuộc sống khá giả đều ở cách đây không xa”, ông An chia sẻ.

Trong ký ức của ông An, trước đây, con phố Hàng Đào được mệnh danh là trung tâm buôn bán quần áo, tơ lụa sầm uất bậc nhất của kinh thành Thăng Long. Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Nơi đây cũng tập trung rất nhiều thương lái nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… đến giao thương, buôn bán.

“Cậu mợ (bố, mẹ) tôi thời đó nức tiếng về buôn bán tơ lụa. Trước đây ông đi làm thuê cho thương lái Pháp nhưng ông rất giỏi đã học hỏi được cách giao thương buôn bán của họ. Thế rồi ông bà là một trong những thế hệ thương lái đầu tiên kinh doanh và mở tiệm vải Thái An ở phố Hàng Đào. Nhờ biết tính toán và chi tiêu hợp lý nên công việc buôn bán của gia đình ngày càng phát đạt và thuận lợi. Ông bà cũng mua được nhiều căn nhà tại phố cổ”, ông An nhớ lại.

Căn nhà ông An cũng được xây dựng vào thời điểm này nên mang đậm lối kiến trúc Pháp. Ông kể, lúc đó các khâu làm nhà đều phải làm thủ công, nên để hoàn thiện căn nhà phải mất 1 năm trời với gần trăm thợ làm việc liên tục, miệt mài. Căn nhà có các phòng riêng biệt và hệ thống giếng trời, sân vườn được bố trí hài hòa. Đặc biệt nền gạch hoa được mang từ Paris về Việt Nam để lát. Nền gạch hoa này ngày càng bóng loáng theo tháng năm. Chính vì lẽ đó mà ngôi nhà luôn cổ kính mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Ông An cho hay, khi căn nhà hoàn thiện, tầng 1 được gia đình dùng làm cửa hàng giao dịch, các tầng 2, 3 có các phòng lớn để chứa hàng như: kiện vải, quần áo,… các loại. Riêng người làm gồm u già quán xuyến việc gia đình, ông bếp lo việc bếp núc, con sen lo việc quét dọn nhà cửa giặt giũ quần áo,… đều có các phòng sinh hoạt riêng.

Bốn quy tắc đặc biệt trong kinh doanh của nhà buôn tơ lụa nức tiếng phố Hàng Đào

Vào mỗi dịp lễ Tết, căn nhà được bố trí thêm các đèn và dán tranh Đông Hồ phía bên ngoài hành lang. Ngoài ra tại khu vực sân nhà, bố mẹ ông thường trang trí thêm các cành đào, cây quất lớn để tạo không khí. Vốn sinh ra trong gia đình giàu có nên cuộc sống của ông An và các em rất sung túc. Mọi người trong gia đình đều được học hành đến nơi đến chốn tại các trường nổi tiếng nhất đất Hà Thành. Ông An trước đây từng theo học trường tiểu học Nguyễn Công Trứ - ngôi trường danh giá chỉ dành cho những con nhà có điều kiện thời bấy giờ.

Khác với nhiều gia đình giàu có khác, bố mẹ ông An cư xử với gia nhân rất ần cần, không bao giờ to tiếng, quở trách. Dù đông đúc nhưng trong nhà rất nề nếp, quy củ. Cuối năm, xem thấy hoàn cảnh ai khó khăn, ngoài tiền lương mẹ ông cũng không quên thưởng thêm tiền để họ về nhà ăn Tết.

“Bố mẹ tôi trong kinh doanh luôn có 4 quy tắc: chí, đức, tín, nghĩa. Tức phải có chí làm giàu, khi làm giàu thì phải có đức, phải san sẻ những cái kiếm được cho người nghèo khổ hơn mình. Tín là coi trọng chữ tín và quan trọng là phải nhớ đến ơn nghĩa của tổ tiên đã cho mình cuộc sống như hôm nay.

Thương lái nhiều nước họ đổ đến lấy hàng trong khi nhiều cửa hàng khác luôn vắng. Thậm chí có cửa hàng còn để nhân viên đứng ngay trước tiệm vải của gia đình tôi mời thương lái qua họ mua. Chuyện này một số thương lái cũng có chia sẻ với cha mẹ tôi phải cẩn thận và cha mẹ tôi đều cười. Mình buôn bán uy tín thì ắt hẳn khách sẽ đông thôi”, ông An cười nói.

Dẫn khách dạo quanh khu nhà, ông An cười nói dù công việc bận rộn nhưng đối với gia nhân cha mẹ ông luôn quan tâm, ân cần. Ngay bản thân ông dù có người giúp việc làm nhưng cha mẹ luôn dạy cho các con tính tự lập, không bao giờ được ỷ lại. “Thời đó bố mẹ tôi cũng đã mua được ô tô. Lúc bấy giờ ô tô là thứ gì đó xa xỉ lắm. Tôi nhớ cùng đám trẻ chạy theo ô tô bố tôi lái rồi gọi ‘cậu ơi, cậu ơi’. Đó là những năm tháng không bao giờ quên”, ông An tâm sự.

Mỗi dịp Tết làm 20 mâm cỗ đãi khách

Trong tâm trí ông An, Tết cổ truyền cũng thật đặc biệt. Bao ký ức thời còn nhỏ lại ùa về mỗi khi ông nhắc lại. “Tôi nhớ nhất là dịp Tết được mẹ gọi cho bánh chưng, mấy anh em ngồi bên bếp lửa hồng chờ bánh chín, cảm xúc Tết thật đặc biệt”, ông An bồi hồi kể. Theo ông An, mẹ ông là người phụ nữ tháo vát. Mặc dù không biết chữ nhưng bà luôn gánh vác, quán xuyến mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình cùng chồng một cách chu toàn nhất. Công việc kinh doanh bận rộn nhưng hễ Tết đến là chuẩn bị rất chu đáo, tầm 23 tháng Chạp - khi ông Công ông Táo về chầu trời thì bố mẹ ông đã cho đóng cửa hàng.

“Mẹ tôi thường tự tay đi mua sắm đồ Tết trong nhà, ngày 27 Tết, bà mới chuẩn bị lá dong, gạo nếp gói bánh chưng. Chúng tôi chờ cả đêm để lấy cái bánh mẹ gói cho mình, vui lắm. Việc trang trí nhà cửa bố mẹ tôi cũng rất cẩn thận, cầu kỳ. Năm nào cũng sắm những cành đào cây quất thật đẹp để trong nhà. Đặc biệt 3 ngày Tết phải làm hơn 20 mâm cỗ để mời anh em họ hàng, mời khách”, ông An nhớ lại.

Bạn bè của bố mẹ ông An không chỉ ở trong nước mà còn cả nước ngoài. Họ rất thích thú với Tết cổ truyền ở Việt Nam. “Dịp Tết chúng tôi được quây quần bên gia đình, cứ khách đến nhà là dọn cỗ và đều là mâm cỗ mới. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ tôi mặc bộ áo dài, bế em tôi trên chiếc xe kéo. Khi xuống xe, mẹ vui vẻ lấy mấy đồng mừng tuổi, chúc người kéo xe năm mới làm ăn tốt. Những hình ảnh đẹp đó giờ chỉ còn là hoài niệm sâu thẳm, nó sẽ sống mãi trong lòng tôi cũng như bất cứ ai sinh ra và lớn lên giữa lòng phố cổ Hà Nội”, ông Thái An nói.

Theo ông An, khi cách mạng thành công, cũng giống như nhiều gia đình tư sản yêu nước bấy giờ, bố mẹ ông cũng bỏ tiền, vàng ủng hộ chính quyền mới. Bản thân ông An sau đó cũng xin vào làm việc tại các xí nghiệp, công trường của nhà nước. Trải qua rất nhiều những thăng trầm, biến động của lịch sử, đến nay ngôi nhà vẫn được các thành viên cố gắng gìn giữ trọn vẹn.

“Ngôi nhà không chỉ là ký ức tuổi thơ mà đây còn gửi gắm rất nhiều tâm huyết của bố mẹ nên dù thế nào anh em chúng tôi cũng cố gắng để lại nguyên bản. Nếu bỏ ra số tiền vài trăm triệu để làm hành lang, hay vài tỷ xây dựng khang trang hơn nhưng với tôi điều đó không ý nghĩa gì cả. Hết đời tôi rồi đến đời con cháu sẽ gìn giữ ngôi nhà này, đây là kỷ vật ông bà để lại mà con cháu có phúc được hưởng”, ông An tâm sự.

Bài viết

Định Nguyễn

Thiết kế

Tuấn Lê

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp