Chuyến đạp xe trăng mật 16.000km từ Pháp về Việt Nam của vợ chồng trẻ cùng hai chiếc nón lá

Chuyến đạp xe trăng mật 16.000km từ Pháp về Việt Nam của vợ chồng trẻ cùng hai chiếc nón lá

Logo Saostar - Special special

Chuyến đạp xe trăng mật 16.000km từ Pháp về Việt Nam của vợ chồng trẻ cùng hai chiếc nón lá

Copy Link
Chia sẻ

Biết đến nhau trong một lần vô tình gặp mặt ở một quán cà phê vào năm 2015, Trần Nguyễn Khánh Nguyên (25 tuổi) và Thibault Clemenceau (29 tuổi) đã sớm biết người kia chắc chắn là một nửa của cuộc đời mình.

Cuộc nói chuyện định mệnh đó đã giúp cả hai cảm nhận được tình cảm của nhau, thế là cả hai không ai bảo ai, cứ nhanh chóng thúc đẩy để mối quan hệ trở nên chín muồi qua những cuộc trò chuyện chia sẻ về những sở thích chung.

Sau 3 năm hẹn hò và tìm hiểu, đôi bạn trẻ đã chính thức về chung một nhà bằng đám cưới ấm áp diễn ra tại Sài Gòn. Đến với nhau bằng mối quan tâm chung về ẩm thực, du lịch và tìm hiểu văn hóa, vợ chồng trẻ trong những ngày đầu hôn nhân không chỉ bàn về tương lai của hai đứa mà còn về những chuyến đi cùng nhau.

Thời gian hẹn hò, Thibault cho Khánh Nguyên xem những bức ảnh ghi lại trong chuyến đi vòng quanh châu Âu trong 45 ngày bằng xe đạp của mình, cô gái lúc đó rất ngưỡng mộ và mong muốn cũng được thực hiện một chuyến đi như vậy với người đàn ông của đời mình.

Cầu được ước thấy, sau khi hôn lễ diễn ra không lâu, Thibault ngỏ ý với người vợ trẻ: “Năm sau tụi mình đạp xe từ Pháp về Việt Nam nhé? Đạp xe từ Pháp về Việt Nam cũng chính là đạp xe từ nhà anh về nhà em”. Nghe nói như vậy, Khánh Nguyên không một chút chần chừ, gật đầu đồng ý ngay và luôn.

Sau khi sắp xếp thời gian và công việc, cả hai bắt đầu khởi hành từ 16/04/2019 và tính đến nay đã đi được 8.000 km - một nửa cuộc hành trình - trong hơn 180 ngày, chạm đến lãnh thổ của 13 quốc gia và gây quỹ được 8.585 USD. Nhưng chuyến đi không phải được kể bằng những con số, mà là những trải nghiệm, những người ta gặp trên đường, những nét văn hóa ở vùng đất ta đi qua.

Rong ruổi trên chuyến hành trình từ nhà anh về nhà em

Từ Pháp đi Việt Nam vốn là một quãng đường không hề ngắn. Chưa nói đến khoảng cách, chỉ nói đến việc con đường này còn phải băng qua nhiều biển lớn và núi cao cũng đủ thấy nó khó đi đến dường nào. Nhưng khi được chồng ngỏ lời, Khánh Nguyên không bận tâm quá nhiều về những vất vả, chị chỉ nghĩ đến những tháng ngày hạnh phúc sắp được trải qua.

Nói về nửa năm vừa qua, nàng dâu Việt chia sẻ: “Cuối cùng cũng được thực hiện chuyến đi lớn nhất đời với người mình thương. Mình cũng khá là dễ tính và dễ hòa nhập, đi đến đâu, điều kiện như thế nào thì mình sẽ thích nghi với nó. Ban ngày đạp xe thì cứ cho ra mồ hôi, bụi đất dính vào người thoải mái, đến tối thì tìm chỗ nghỉ ngơi và tắm rửa.

Sau khi rời khỏi châu Âu thì hai đứa vượt qua khu vực toàn là nắng gió và hoang mạc đất cát, tuy đi đường bụi bặm nhưng đổi lại được gặp gỡ những người dân bản địa, được tìm hiểu về văn hóa của họ. Ngồi nghĩ lại, bao nhiêu là kỷ niệm đẹp còn chứa trong đầu”.

Iran là đất nước ghi cột mốc 8.000 km của đôi vợ chồng trẻ sau 172 ngày đạp xe. Đất nước với khí hậu khô hanh và đất đai khô cằn nhưng được bù lại bởi những con người thân thiện và hiếu khách. Ở đây, Khánh Nguyên và Thibault được đến với ngôi làng Abyaneh 2.000 năm tuổi và khoác lên người những bộ trang phục truyền thống.

“Được bao quanh bởi những ngọn núi cao, làng Abyaneh dường như muốn ngăn cách mình với thế giới bên ngoài. Nhiều lần mình đã tự hỏi liệu hai đứa có đang đi lạc hay không vì con đường dẫn lối vào làng chỉ thấy phía trước núi non trùng điệp, vắng vẻ không một bóng người.

Tại đây, phụ nữ mặc những bộ váy và khăn trùm đầu điểm hoa với nhiều màu sắc rực rỡ, hoàn toàn đối lập với phụ nữ mặc chador màu đen phủ kín chỉ ló mặt và tay như thường thấy ở các vùng khác.

Do những căng thẳng chính trị gần đây, không còn nhiều khách du lịch đến thăm, ngôi làng quay về những tháng ngày thanh tĩnh nhẹ nhàng mà một ngôi làng cổ vốn nên có. Sẽ mãi nhớ một ngôi làng yên bình, nhớ màu đất sét đỏ và màu hoa trên váy áo phụ nữ Abyaneh”, chị kể lại.

Trước khi đến Iran, cả hai đã đặt chân đến Azerbaijan, một nơi tưởng chừng như rất xa lạ với Việt Nam nhưng lại rất thích chiếc nón lá mà cả hai mang theo. “Trong chuyến đi, cũng có nhiều người thường hỏi thăm về chiếc nón lá tụi mình mang theo, nhưng ở Azerbaijan thì nón lá được quan tâm một cách hết sức đặc biệt.

Ngày nào cũng vài lần tụi mình phải dừng xe cho mọi người hỏi han, ngắm nghía chiếc nón lá, mọi người đội thử rồi còn chụp ảnh selfie nữa. Thú vị là có ca sĩ nhạc rap nổi tiếng Qurd dừng tụi mình trên đường để hỏi về nón lá và chụp ảnh chung, tụi mình chỉ biết anh ấy là ca sĩ nổi tiếng sau khi được tag trên Instagram”, Khánh Nguyên kể.

Rời Iran, cả hai đến Ấn Độ - đất nước thứ 13 sau Iran trên chuyến đi. Từ Iran sang Ấn Độ nếu di chuyển bằng xe đạp sẽ mất đến 1 tháng, vì thế cặp đôi lên máy bay và chỉ mất 1 ngày để đến được. Ấn Độ nổi tiếng với mật độ giao thông dày đặc, không thân thiện lắm với người đi xe đạp, nhưng cuối cùng hai người đã gặp được những người dân hiền lành, tử tế, những lần mời trà, mời cơm thân thiện trên đường.

Băng qua nhiều cung đường với những kỷ niệm không thể quên, đôi khi gặp vài sự cố không mong muốn và khó khăn dọc đường, nhưng cả hai vẫn vượt qua được để tiếp tục đồng hành. Đối với Khánh Nguyên, Thibault là chỗ dựa tinh thần vững chắc và ở chiều ngược lại điều đó cũng không đổi khác.

Năng lượng cơ thể có thể dễ dàng nạp đầy nhưng năng lượng tích cực cho tinh thần thì cần sự đóng góp từ cả hai. Biết được điều này, đôi vợ chồng trẻ cùng nhau đối mặt với khó khăn và giải quyết để đường về Việt Nam ngày càng gần hơn.

Hai chiếc nón lá chan chứa tình yêu

Đi cùng với vợ chồng Khánh Nguyên còn có hai chiếc nón lá đặt ở sau xe của mỗi người. Đồ vật này không chỉ tượng trưng cho dải đất hình chữ S, cho sự gặp nhau và gắn bó của đôi trẻ, mà còn là biểu tượng của một dự án giáo dục mà cả hai đang tham gia.

Trước khi bắt đầu chuyến đi, cả hai đã được biết đến tổ chức Poussières de Vie (PdV) và quyết định đạp xe xuyên châu lục để gây quỹ cho tổ chức này. Theo đó, với mỗi km đạp xe cả hai sẽ gọi được 1 USD, số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ 5.000 trẻ em khó khăn ở Việt Nam được đi học và học nghề.

Ngoài số tiền gây quỹ, cặp đôi còn tự kêu gọi sự đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất học tập cho các em thông qua chuyến đi truyền cảm hứng của mình. Sau tất cả, điều quan trọng hơn hết chính là tinh thần tích cực mà cả hai đã lan đi để mọi người cùng nhau chung sức xây dựng xã hội tốt hơn.

Lý giải tại sao lại chọn nón lá làm biểu tượng cho dự án, cho chính chuyện tình và cuộc hành trình của mình, trong mắt “chàng tây” Thibault chiếc nón là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, người ta đội nón lá để đi làm đồng, đi chợ hay che nắng, quạt gió,…

Nhưng ngoài ra anh cũng thấy chiếc nón trông như những ngọn núi cao mà hai người phải vượt qua trong suốt cuộc hành trình, không chỉ là núi đồi trong thực địa mà đó còn là khó khăn sóng gió phải đối diện trong hôn nhân. Khi đủ bản lĩnh vượt qua tất cả, họ sẽ có được thành công chờ đợi phía sau.

Vào hôm tổ chức tiệc cưới ở Pháp, Khánh Nguyên cũng mang chiếc nón lá từ Việt Nam sang để đội. Đối với cô gái Việt, chiếc nón lá là hình ảnh của mảnh đất Việt, mang nó đi theo trên chặng đường rong ruổi cũng chính là mang theo hình ảnh của quê hương đất nước mình giới thiệu cho bạn bè quốc tế.

Giờ đây, Khánh Nguyên và Thibault còn nửa năm nữa với 8.000 km còn lại để về đến đất mẹ Việt Nam. Sau chuyến đi này, cả hai sẽ ở lại Việt Nam để xây dựng và phát triển sự nghiệp. Chuyến đi không chỉ đánh dấu tuổi thanh xuân rực rỡ dám làm những điều tưởng chừng như không tưởng, mà còn lan truyền cảm hứng giúp những người trẻ ngoài kia vẫn còn đang chần chừ điều gì thì hãy nhanh chóng làm ngay vì ai cũng chỉ được sống một lần.

Bài viết

Vương Quốc Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp