Vương miện hoa hậu Việt - giá trị thật ở đâu?
Bất kỳ cuộc thi nhan sắc nào ở Việt Nam - dù là lâu đời như Hoa hậu Việt Nam hay hiện đại như Hoa hậu Hoàn vũ, đều để lại những làn sóng tranh cãi sau mỗi đêm chung kết. Đấy là nơi các danh vị cao nhất được xướng tên, và cuộc đời của các cô gái trẻ bắt đầu sang trang mới - trang của tiền tài, danh vọng nhưng cũng đi kèm theo đó là muôn vàn thị phi, cám dỗ.
Trừ hai cái tên ít ỏi: Đặng Thu Thảo, Phạm Hương là… được lòng khán giả trong giây phút đăng quang, còn lại, bao nhiêu mùa hoa hậu đi qua, là bấy nhiêu lần dư luận “găm dao” vào những kẻ chiến thắng cuối cùng.
Còn nhớ, Mai Phương Thúy - Hoa hậu Việt Nam 2006 hay Ngọc Hân - Hoa hậu Việt Nam 2010 đều vấp phải tranh cãi dữ dội bởi nét đẹp “không thuần Việt”: răng thỏ, mắt hí, da ngăm và chiều cao “dìm hàng” bất kỳ ai đứng cạnh, rồi đến Thùy Dung - Hoa hậu Việt Nam 2008 lại bị chỉ trích vì “không hiểu sao lại có thể là hoa hậu?!” bởi những ồn ào trong lý lịch và nhan sắc đầy rẫy khuyết điểm. Đỉnh điểm là năm 2014 với sự lên ngôi của Kỳ Duyên, một vẻ đẹp già trước tuổi và nhạt nhòa trước ứng cử viên số 1 - Á hậu Huyền My.
Thật khó để hiểu hệ thống thang đo của những người cầm cân nảy mực, nhưng thật dễ để nhìn thấy: những cô gái “bỗng chốc thành hoa hậu” là… kẻ “đổ” vỏ duy nhất cho lựa chọn của ban giám khảo. Sáng hôm sau thức giấc, “rổ đá” mà dư luận ném, chỉ mỗi mình hoa hậu chịu!
Đành rằng, đã đi thi, ai lại không mong mình đoạt giải, nhưng may mà đoạt giải, có ai lại hy vọng mình trở thành “mồi ngon” để dư luận “xâu xé”!?
Thử tưởng tượng, một sáng thức dậy, tên tuổi bạn phủ sóng khắp mặt báo, người ta gọi bạn bằng danh xưng mới lạ “Hoa hậu”, bạn phải trả lời mọi cuộc phỏng vấn, chia sẻ mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ giờ phải đẹp mọi lúc mọi nơi, tự dưng phải sống một cuộc đời sang chảnh dù không chắc…sẽ làm gì để đủ tiền mà đua đòi, sang chảnh?
Hoa hậu không biết, dư luận càng… không cần biết. Điều duy nhất dư luận quan tâm là: bạn vừa có tướng ngủ thật xấu trên máy bay, bạn vừa chụp bộ ảnh áo dài rất phản cảm, hôm nay xuống phố với mặt mộc “xấu không thể tả”, hình như là “gái bao” cho một đại gia nào đó, có lẽ lại cúp học để đi quay phim, chụp hình, không đi từ thiện là xấu xa, mà đi thì là giả tạo… cái gì gọi là “đại diện nhan sắc Việt”, là “đại diện tuổi trẻ Việt” và hằng hà những sứ mệnh vĩ mô từng được liệt kê rành mạch trong thể lệ hay bất kỳ sản phẩm truyền thông nào của cuộc thi - không còn giá trị nữa, mỗi lần hoa hậu đi giải thích, giải trình là đã hết cả ngày lẫn đêm.
Người ta mong chờ một hoa hậu có-ích-cho-xã-hội, lên án những “bình hoa di động”, nhưng cách hành động lại cổ súy cho những giá trị vật chất, lại chỉ rình rập những khoảnh khắc “kém duyên” để “giật bài câu view”!
Tận cùng của mọi việc đều là vì sự công nhận - ai trong chúng ta cũng cần được-chú-ý và thừa nhận bởi những người xung quanh. Hoa hậu càng rất cần! Họ cần làm-gì-đó để hợp lý hóa chiếc vương miện trên đầu mình, để đưa bản thân thoát khỏi những lời độc địa từ những kẻ người dưng nước lã mà thậm chí chưa một lần gặp mặt. Nhưng sự nôn nóng khẳng định, đôi khi chính là “cái bẫy ngọt ngào” đẩy một nàng hậu trẻ vào những sai lầm không đường lui mà bản thân cô ấy không lường trước được!
Người ta thấy Kỳ Duyên - cô hoa hậu thị phi nhất lịch sử, trong những cố chấp khẳng định mình lại vô tình đẩy bản thân oằn mình trong những scandal đình đám đến mức lần nào cũng ngỡ là lần cuối bởi sự tồi tệ đỉnh điểm của tình hình, nhưng… chưa lần nào là cái kết.
Kỳ Duyên liên tục phạm phải sai lầm, vì không gánh nổi sức nặng của chiếc vương miện, không chịu nổi ánh hào quang chói lòa đến mờ cả mắt, xóa nhòa mọi giới hạn. Người ta đua nhau chỉ trích, lên án, thậm chí còn dạy dỗ, răn đe: dường như ai nấy đều hả hê như kiểu một con hổ bõ công rình rập, đến ngày cũng săn được mồi ngon.
Ai cũng muốn nâng tầm quan điểm, cũng hùng hồn tuyên bố những lý lẽ nghe đâu rất nhân văn, rất vị tha - nhưng kỳ thực, họ chẳng vì ai cả, ngoại trừ ve vuốt cái tôi của chính mình - những kẻ cầm bút, “gõ phím” đôi lần rất bất lương. Đành rằng, bản chất của báo chí là sự thật, nhưng phản ánh sự thật không có nghĩa là được quyền công kích cá nhân hoặc xúc phạm người khác.
Các thí sinh của cuộc thi nhan sắc ngày càng… tối giản tuổi đăng quang. Giây phút chạm tay vào vương miện, họ đôi khi chỉ vừa tròn 18 - lứa tuổi quá nhỏ cho mọi thứ: cho ánh hào quang và cho cả những… trù dập của dư luận. Trong thể lệ và các phần thi, không ai dạy cho các cô gái cách đối diện, giải quyết những khủng hoảng truyền thông, không ai cảnh báo rằng: các em phải luôn thanh lịch bất cứ lúc nào, phải cư xử, nói năng cẩn trọng trên mạng xã hội kể từ… 10 năm trước khi có ý định đến với cuộc thi, để nhỡ đăng quang, dư luận không có cơ hội “đào mộ”. Người ta dạy các cô catwalk, tạo dáng, mỉm cười, chụp ảnh, ứng phó với vài phút thi ứng xử ngắn ngủi, vậy mà lại mong chờ kết quả là một cô hoa hậu hoàn hảo: từ ngoại hình đến nhân cách! Có công bằng?
Công bằng hay không, thì các cô cũng… không hoàn hảo được! Đội vương miện thì được, nhưng hành xử và suy nghĩ lúc nào cũng lung linh và sáng tỏ như chiếc vương miện thì không, dù có là hoa hậu hay chỉ là người thường. Chỉ có điều nếu là người thường, không ai thèm khắt khe, đe nẹt bạn khi bạn phạm sai lầm!
Hiếm nơi nào mà hoa hậu trở thành… một cái nghề như ở Việt Nam. Người ta ngưỡng vọng bao nhiêu trước vẻ hào nhoáng của danh vị này, lại… trở mặt bấy nhiêu khi những cô gái trẻ phạm sai lầm. Giá trị chiếc vương miện - đem lại mọi thứ người ta ao ước từ vật chất đến danh vọng, nhưng hạnh phúc thì… chưa chắc. Khoảnh khắc duy nhất nụ cười của các nàng hậu rạng rỡ, vô tư có lẽ là giây phút họ đăng quang. Đằng sau giây phút đó là bao đợt bão tố ập đến, đẩy họ vào những ngã rẽ chỉ có thể lựa chọn sai lầm.
Với phụ nữ, có gì đáng mơ ước hơn kim cương và… vương miện? Mà vương miện có khi còn đáng khao khát hơn, khi không chỉ có kim cương, lại còn đem đến bao nhiêu danh vọng, tiền tài. Nhưng là phụ nữ, có mạnh mẽ bao giờ?
Vậy mà, dấn thân vào một cuộc thi, rồi trở thành hoa hậu - hạnh phúc chẳng tày gang, thứ danh vị ngỡ hào nhoáng, ngọt ngào ấy lại là vết dao cắt độc ác, đôi khi cắt thẳng vào những trong lành của một cô gái trẻ, cắt thẳng vào những non nớt của tuổi trẻ: không chút bao dung mà thô bạo đẩy người ta xuống vũng bùn chới với, chìm vào những tổn thương khó nói được nên lời.