Năm 3 tuổi, Cathy Nguyễn lần đầu theo bố đi xem đàn piano. Những nhạc cụ bỗng dưng như “bừng sáng” lên quanh cô bé. Cái chạm tay đầu đời với âm nhạc đến bên đời em rất đỗi hồn nhiên như vậy. Để hơn một thập kỷ sau, Cathy đứng trên khấu với âm nhạc và tình yêu. Ký ức âm nhạc năm xưa giờ đây đã thành hiện thực.
Với Hằng My, âm nhạc là sự tiếp nối như hơi thở. Vì em sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Hằng My được lớn lên bằng việc “ướp” trong những giai điệu, ca từ của âm nhạc. “Ký ức âm nhạc trong tuổi thơ em là những ngày song ca cùng chị gái. Em đàn cho chị hát. Em và âm nhạc đã lớn lên cùng nhau theo cách đó. Bình thường, từng chút mỗi ngày nhưng không thể tách rời.”
Cách Xuân Đạt gặp gỡ với âm nhạc lại như tất cả những đứa trẻ khác trên đời này. Những giai điệu đầu tiên của Đạt đến từ… trường mẫu giáo. Có thể tưởng tượng ra chú bé Đạt năm xưa với gương mặt lém lỉnh, háo hức hát theo cô giáo những nốt nhạc đầu tiên. “Các cô thấy em hát đúng lời đúng nhịp, thấy thằng bé này hình như có khiếu với âm nhạc.”
Châu Nhi cô gái 19 tuổi nhớ về những ngày xa xôi khi còn nhỏ ngồi sau lưng cha đi xem ca nhạc. Những ngày cọc cạch bám đuôi cha cũng là khoảng thời đầu đời Nhi cảm thấy âm nhạc đang chảy trong con người mình lúc nào không biết. Dòng chảy đó cứ mải miết suốt bao năm qua, miệt mài và lớn dần lên theo năm tháng. Châu Nhi quyết định trở về từ Úc, về với âm nhạc của cuộc đời mình.
Những đứa trẻ chưa bước qua đầu hai trong âm nhạc, có những cái ngoảnh đầu làm người ta thấy thương. Thương vì tụi em lớn lên với âm nhạc, hồn nhiên với âm nhạc nhưng cũng già trước tuổi vì âm nhạc. Mỗi đứa mang trong mình một giấc mơ, nhưng tất cả đều xuôi về một mối: được hít thở và sống chung với âm nhạc đến cùng. Không bỏ cuộc.
“Vì con cha đã bán một nửa linh hồn cây vĩ cầm. Cha hằng ước mơ…”
Cathy kể về giấc mơ của bố con mình rằng: “Bố em biết chơi tận 5 loại nhạc cụ. Tất cả đều do bố tự mài mò học. Ngày xưa không đủ điều kiện nên bố không thể theo đuổi âm nhạc. Nhưng bố em có một niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc. Với em, bố em chính là người nghệ sĩ truyền cho em cảm hứng và động lực lớn nhất. Em nghĩ rằng, mình đang viết tiếp ước mơ dang dở năm xưa của bố.
13 năm theo đuổi piano, em nghĩ rồi đời mình sẽ trở thành một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển. Nhưng rồi một tai nạn vào tháng 9 năm ngoái đã để lại trên mặt em một vết sẹo lớn. Lúc đó em cảm thấy rất buồn, nhưng rồi em quyết định đăng kí tham gia Giọng hát Việt. Một ngã rẽ lớn trong đời em, một bậc thang đưa em đến con đường mới. Nơi em bắt đầu theo đuổi sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp“.
Chúng ta sẽ không thể biết được cánh cửa chúng ta vừa mở sẽ đưa ta đến đâu. Cánh cửa Cathy Nguyễn vừa mở đã mang em đến một hành trình mới, sẽ có những thử thách, những giọt nước mắt. Nhưng rồi sẽ là những ngọt lành em đổi lại sau tất cả những cố gắng.
“Bóng dáng bố em in đậm vào trong tuổi thơ những ngày nằm nghe bố hát Tình cha. Nghe đến thuộc nằm lòng rồi một ngày nọ Đạt mạnh dạn xin được song ca bản Tình cha với bố. Lúc đó nghĩ rằng sau này phải trở thành ca sĩ để hát thật hay, thật to, đầy kiêu hãnh như đã hát cùng bố năm xưa”.
Năm 16 tuổi, Xuân Đạt đã đi làm đủ nghề, từ làm sale đến làm PR cho một quán bar. Thế nhưng dù làm gì, ở đâu cũng không quên giấc mơ ca hát. Miễn là được hát, dù ở đâu, bao nhiêu tiền cũng thấy “sướng”. Cậu trai trẻ 3 lần đăng kí casting Giọng hát Việt để rồi cuối cùng một ngày Xuân Đạt được đứng trên sân khấu lớn, mặc quần áo đẹp và hát trước rất nhiều người. Giấc mơ năm xưa cuối cùng đã trở về bên Đạt rồi, đúng không?
Những đứa trẻ loay hoay năm nào nay đã cứng cáp hơn, tự tin hơn. Âm nhạc thì luôn công bằng, chỉ cần các em luôn can đảm, chăm chỉ và chân thành với ước mơ của đời mình.
Nếu âm nhạc là một ngọn núi không đỉnh và hào quang ở bên kia ngọn núi có phải là điều các em đang kiếm tìm?
Với Hằng My, em nghĩ rằng mình sẽ tạo ra đỉnh cho ngọn núi đó bằng tình yêu âm nhạc và niềm đam mê của em. Ngọn núi đó sẽ cao mãi mà không ai có thể nhìn thấy đỉnh của nó.
Còn ngọn núi âm nhạc trong lòng của Châu Nhi lại là một hành trình mà em nghĩ rằng mình phải tận hưởng nó đến những giây cuối cùng. Dám sống và chết cùng âm nhạc. Đó mới là ngọn núi cao nhất. Em tin rằng không có con đường nào trải hoa hồng chỉ có lòng can đảm khi chúng ta đeo đuổi âm nhạc. Thì lúc đó chúng ta mới cảm nhận được niềm hạnh phúc.
Suy cho cùng âm nhạc là một ngọn núi sẽ không có đỉnh, hoặc không có cái đỉnh nào cao nhất. Chúng ta chỉ đơn giản là sống trong âm nhạc và sự cầu tiến để bước về phía trước.
Bốn đứa trẻ của Giọng hát Việt 2019 luôn muốn được sống trong âm nhạc bằng sự hồn nhiên, bản năng nhất. Khóc đó rồi lại cười ngay thôi. Giống như vết sẹo của Cathy có thể không biết mất mãi mãi, giai điệu Tình cha trong lòng Xuân Đạt vẫn âm ỉ hay Hằng My những lần vấp ngã vẫn sẽ tự đứng lên sau khi nói với bản thân rằng: Better to fight for something than life for nothing - Thà sống và chiến đấu cho một điều gì đó còn hơn tồn tại vô nghĩa. Và Châu Nhi sẽ nhớ lí do em trở về với âm nhạc khi đang học chuyên ngành kinh doanh tại Úc.
Tất cả các em đều đã can đảm chọn lựa con đường của mình. Rồi âm nhạc sẽ hồi đáp cho tụi em những điều tuyệt vời nhất, xứng đáng nhất. Chỉ cần các em đừng quên giấc mơ lớn đầu tiên trong đời.
Chúc cho Xuân Đạt, Châu Nhi, Hằng My và Cathy Nguyễn, dù gió mưa vẫn sẽ thổi qua đời, nhiều năm sau vẫn hãy là những “đứa trẻ” hát bằng trái tim như ngày xưa đó.