Nhắc đến Lê Thanh Sơn, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những bộ phim chất lượng, gây tiếng vang và thu hút người xem ở nhiều độ tuổi khác nhau như Em chưa 18, Bẫy rồng..
Mới đây, anh đã nhận lời mời trở thành người cầm trịch cho chương trình truyền hình có tên The Champion - Nhà vô địch 2021. Đây là gameshow đầu tiên có nội dung về bộ môn thể thao đấm bốc (boxing). Ngoài vận động viên, huấn luyện viên... chuyên nghiệp của làng thể thao Việt Nam và thế giới, phần thi đấu còn có sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt. Vì vậy, để cân bằng và hoà hợp được những yếu tố giữa thể thao với nghệ thuật, The Champion cần có sự hỗ trợ đắc lực của vị đạo diễn tài năng này.
SAOstar mới đây đã có buổi trò chuyện với đạo diễn Lê Thanh Sơn để hiểu rõ hơn về những khó khăn, cũng như mục tiêu khi anh nhận lời làm đạo diễn cho chương trình.
- Xin chào đạo diễn Lê Thanh Sơn! Cơ duyên nào khiến anh nhận lời làm người cầm trịch của The Champion?
Ban đầu khi nghe ý tưởng làm một chương trình về boxing, tôi cũng khá hoài nghi. Nhưng đây là một idea quá thú vị và kích thích máu hành động trong tôi. Cảm giác đầu tiên tôi nghĩ là chương trình này rất nam tính, đầy sinh khí, toả ra nhiều năng lượng tích cực. Trong bối cảnh hiện giờ các loại hình nghệ thuật - giải trí đang phục vụ đến 70% cho các khán giả nữ, tôi cảm giác sân chơi đang thiếu một sản phẩm dành cho phái mạnh.
Khi đi sâu hơn vào bộ môn boxing, tôi càng thấy rõ hơn vẻ đẹp của nó. Boxing đề cao tinh thần thượng võ, và tôi nhận ra nó là bộ môn có thể dành cho tất cả mọi người, không phải là môn thể thao độc quyền của nam giới như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Ngay lúc này khi thế giới vừa trải qua một trận Đại dịch kinh hoàng, thì hơn lúc nào hết, con người cần rèn luyện ý chí và sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng. Đây là việc làm thật sự cần thiết, là một bài học sâu sắc đã được kiểm chứng giá trị, cũng là thông điệp chính của chương trình này và tôi nghĩ nó cần được giúp sức để lan tỏa.
Từ khi nhận lời tham gia, tôi đã gặp và trò chuyện được với rất nhiều người. Mọi người đều tin chương trình sẽ tạo 1 hiệu ứng tốt. Trong vai trò là người dẫn dắt ê-kíp, tôi nói với team là chúng ta sẽ đặt viên đá đầu tiên, mang nhiệm vụ đánh thức, những mùa tiếp theo The Champion hay các chương trình nghệ thuật - thể thao tương tự sẽ dựa vào hiệu quả của bước đi này để tiếp tục triển khai.
- Anh Sơn nổi tiếng với phim điện ảnh thì khi chuyển qua làm chương trình truyền hình có gặp khó khăn gì, và anh đánh giá như thế nào về sự tương đồng giữa làm truyền hình với điện ảnh?
Làm chương trình truyền trình và sản xuất phim điện ảnh nó thật sự rất khác nhau, cách làm khác nhau, phục vụ cho đối tượng khán giả khác nhau. Với truyền hình, thời gian thẩm thấu, trạng thái đón nhận của khán giả không giống như khi họ ra rạp xem phim điện ảnh. Sự đào thải một sản phẩm vừa xem xong cũng diễn ra rất nhanh.
Tuy nhiên truyền hình lại phục vụ được khán giả mọi lúc mọi nơi, bất kỳ nơi nào, không đòi hỏi cao về thời gian hay sự tập trung. Hơn nữa, nó lại đa dạng và phong phú về hình thức và số lượng, dẫn đến cạnh tranh gay gắt. Như vậy một chương trình truyền hình bắt buộc phải thấu hiểu, chiều chuộng được nhu cầu của số đông khán giả, phải hấp dẫn, vui tai, bắt mắt, phải nhanh nhạy và theo kịp xu hướng… Còn về lâu dài, thu hút và giữ chân được khán giả hay không là câu chuyện về bản lĩnh của người làm chương trình. Nếu truyền hình chạy theo xu hướng, thì điện ảnh tạo ra những định hướng. Để chọn và tìm hiểu đề tài, các nhà làm phim điện ảnh lăn lộn trong đó từ 6 tháng tới vài năm. Truyền hình không cho phép điều đó.
- Nếu nói vậy thì xác suất làm phim điện ảnh không nguy hiểm bằng làm chương trình truyền hình?
Mọi người vẫn nói vui là nghĩa trang của những bộ phim rộng không kể xiết, nhưng thực tế buồn là xác suất một phim thành công giữa những phim thất bại, hoà vốn, thậm chí không có cơ hội ra rạp... là rất ít ỏi, chỉ khoảng 10%. Từ góc độ đầu tư, điện ảnh mang tính rủi ro cao. Ở Việt Nam, nó là sân chơi ngoại hạng.
- Theo anh yếu tố nào trong The Champion sẽ được khán giả yêu thích?
Tôi có tham vọng chạm đến nhiều tầng khán giả, không tập trung cho một đối tượng nào. Tôi mong mỏi khi khán giả trẻ tiếp cận chương trình, họ sẽ gọi cho bạn bè, người quen... những người yêu bộ môn này, hoặc cùng hâm mộ một nghệ sĩ… đến với chương trình, cùng chia sẻ quan điểm, cảm xúc khi xem.
Khán giả trẻ trước nay rất thân thuộc với truyền thông, biết cách tạo ra những drama, trending... trên mạng xã hội thì việc theo dõi những trận chiến thật sự, không chỉ bằng nắm đấm giữa những con người trước đây chưa từng toát lên dạng năng lượng kiểu này, nó thật sự có nhiều chất liệu để tạo content, từ âm nhạc cho tới hình ảnh, câu chuyện. Bất cứ giây phút nào trong The Champion, tôi cũng mong sẽ kết nối được với khán giả và mang lại cho họ cảm giác thật “đã”.
Anh đánh giá như thế nào về các khách mời tham gia The Champion mùa đầu tiên?
The Champion có một chút khác biệt so với những chương trình đang có. Để thể hiện đẳng cấp, thông thường những nghệ sĩ đình đám, sở hữu kênh truyền thông mạnh nhất sẽ được chọn lựa để mời về, tên tuổi của người tham gia sẽ được khai thác PR với một kế hoạch công phu, tường tận để giúp chương trình gây được tiếng vang, đảm bảo rating và độ giải trí đại chúng cao nhất. Nhưng The Champion mong muốn tạo ra sức hút từ nội lực, từ kịch bản, câu chuyện, tình huống. Như vậy các khách mời không nhất định phải là những người nổi tiếng nhất đương thời. Cả những tượng đài đã từng trải qua vinh quang ở đâu đó trước kia, họ cũng sẽ được mời về, hội tụ tại chương trình để so tài, so sức. U40, U50, Gen Z… cùng có mặt, là đồng đội vong niên với nhau. Khoảng cách về thế hệ, sự nghiệp và quan điểm nhất định sẽ tạo ra nhiều “tone màu” thú vị.
Thời gian qua, anh Sơn đã chuẩn bị những gì cho hành trình tại The Champion?
Do dịch Covid nên đội ngũ sản xuất chương trình The Champion đã có một kinh nghiệm chuẩn bị tiền kỳ vô tiền khoáng hậu. Nhưng càng khó khăn thì càng tỉnh táo, chúng tôi khích lệ nhau mỗi ngày để gần nhau hơn về mặt tình cảm dù không gặp mặt trực tiếp, tất cả tiến hành qua video call và điều động từ xa. Dù vậy cả ê-kíp lẫn các anh chị em nghệ sỹ không ai là không “cháy” nhiệt tình, hồi hộp đợi chờ ngày khai hỏa, được lên đài và thể hiện kết quả của sự cố gắng.
Có người nói với tôi, đây là giấc mơ mà họ đã chờ đợi đến 20 năm! Với người khác, tham gia thử thách này là giải pháp tâm lý giúp họ thoát khỏi tình huống mắc kẹt và, là động lực để sự trở lại của họ giá trị hơn. Tôi cảm thấy đây không hẳn là một chương trình giải trí, công việc này đã thực sự lan tỏa tinh thần đoàn kết, cởi bỏ nhiều tâm sự, là nơi trao đổi quan điểm nghệ thuật, quan điểm sống giữa các võ sĩ, nghệ sĩ.
The Champion - Nhà vô địch, bản thân cái tên của nó đã rất lớn lao rồi nên ở vai trò là người dẫn dắt chương trình, tôi rất cẩn trọng với những chất liệu quý mình có trong tay, không để sự hào hứng làm cho sơ sẩy, chủ quan. Cái mà tôi chuẩn bị không chỉ là kiến thức, kỹ thuật mà còn là thái độ, tâm thế, tinh thần.
Tính đến thời điểm này thì The Champion chịu ảnh hưởng ít nhiều do dịch, với vai trò là đạo diễn anh có cảm thấy nó trở thành áp lực cho bản thân không?
Trước nay dù tôi không muốn lúc nào cũng phải đối mặt với áp lực, khó khăn để bảo vệ tố chất, cảm xúc, sự thăng hoa riêng của người nghệ sĩ nhưng chưa bao giờ được! Tôi toàn phải làm chuyện từ “khó” đến “rất khó”, kiểu như khó người ta mới tìm đến mình vậy. Dù thế, trận chiến càng lớn, thách thức càng cao, tôi càng bị kích thích. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", tôi tin rằng gian nan này là cần thiết, là thời cơ để dồn ý chí lên cao. Năng lượng nén lại là để cú bùng nổ được vang dội hơn. Đó là tinh thần truyền thống của một chiến binh, tinh thần này áp dụng được trên mọi mặt trận.
- Đa phần những khách mời tham gia The Champion đều là những nghệ sĩ, anh Sơn đã có tính toán nào nhằm tránh phải những va chạm trong lúc thi đấu?
Thực tế ở những giải chuyên nghiệp, chấn thương rất đáng ngại nên trong quá trình tham gia, các vận động viên, nghệ sĩ khi lên sàn đều mang găng tay to, nón bảo hộ để tránh sát thương. Chúng tôi đã có tính toán cân nhắc, loại nón nào là an toàn nhất để bảo vệ mắt, mũi cho diễn viên, nghệ sĩ. Tuy nhiên, trường hợp một cặp đối thủ lựa chọn không đeo đồ bảo hộ để chơi hết mình, chấp nhận thương đau để cống hiến một trận đấu mãn nhãn trọn vẹn vì họ cho là nó là trận đấu của cuộc đời, thì chương trình không có quyền ngăn cản.
- The Champion là một chương trình về thể thao nhưng vẫn có những yếu tố về tính nghệ thuật, chẳng hạn như những góc quay thì hướng xử lý của anh Sơn sẽ như thế nào?
Tôi không có khái niệm thể thao là phải như thế này, nghệ thuật thì phải là thế khác theo quy định. Có triết học, có văn học, có âm nhạc, có điện ảnh, có lãng mạn, có đấu trí… Những yếu tố đặc trưng mà tôi yêu thích nên được có mặt và hoà vào nhau trong bản tổng thể này.
The Champion sẽ như một bản tổng phổ về sự chuyển động. Góc quay sẽ chú trọng câu chuyện, tôn trọng mood và làm bật ra không khí, sắc thái của scene đó. Bên cạnh việc bắt mắt thì cũng nên bám sát tâm tư cảm xúc của nhân vật. Tôi làm việc kỹ với team, khuyến khích tương tác trên hiện trường để nó tự nhiên nhất có thể mà không cần phải bó buộc trong một sự tính toán hay sắp xếp quá chặt chẽ.
- The Champion mang đến cho anh Sơn đó là sự thỏa mãn trong nghề, vậy anh Sơn sẽ mang đến cho chương trình những gì?
Đạo diễn thì cũng là một nghệ sĩ, nên việc của tôi là cứ trình diễn thôi ! “Hey, this is my show!”. Vai trò đạo diễn là lèo lái, định hướng, đưa ra những quyết định khi cần phải lựa chọn. Có những kỹ thuật mà tôi đã lưu tâm từ lâu thì bây giờ có dịp đưa vào sử dụng. Tôi cố gắng cống hiến để cuộc chơi này là một dấu ấn trong lòng những người đã đồng hành cùng với mình, là cột mốc cho những người sau này sẽ tham gia. Như vậy mới là win - win.
- Nghệ sĩ mỗi người mỗi tính cách, anh Sơn sẽ làm gì để dung hòa tính cách của mỗi người và lèo lái chương trình thuận lợi nhất?
Tôi lắng nghe thật chân thành để hiểu họ, và để cho họ cảm nhận được suy nghĩ không cần diễn đạt ra bằng lời từ tôi. Đồng thanh tương ứng, nhiệm vụ của tôi là phải nhanh nhạy trong việc "bắt sóng" với các nghệ sĩ, sau đó chia sẻ chân tình, thẳng thắn để anh em hiểu được vai trò của nhau.
- Là một đạo diễn đã có thương hiệu, khi đến với The Champion anh có cảm thấy bản thân bị áp lực về thành tích?
Áp lực về thành tích đối với tôi không còn quan trọng nữa. Tôi đã từng cố gắng xây dựng thương hiệu, tô rõ chữ ký của mình trong các sản phẩm có mình tham gia. Còn hiện nay áp lực của The Champion đến từ điều kiện tự nhiên, bất khả kháng. Bối cảnh, di chuyển nằm trong giới hạn, an toàn sản xuất, an toàn thi đấu phải đặt lên hàng đầu. Tất cả buộc chúng tôi phải tính toán chính xác, để tinh thần cống hiến, nhiệt huyết của các nghệ sĩ không bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang từng ngày vượt qua những thiếu thốn, giới hạn đó, bù đắp bằng tất cả công sức, tâm trí của mình..để mang đến cho khán giả một bữa tiệc ngon lành, vui vẻ nhất trong năm.
Cảm ơn anh Sơn về những chia sẻ này!