Đến tận bây giờ, điều tôi lo lắng là Xuân Lan chưa bao giờ biết khóc?
Xuân Lan: Thực tế, anh Lâm biết đến tôi là ở giai đoạn tôi đang tươi vui nhất cuộc đời rồi! Những đau khổ, khủng hoảng, khó khăn… tôi đã tự mình vượt qua và gác lại nó ở quá khứ. Vì vậy, tôi không muốn chia sẻ điều đó ra, chồng tôi cũng không có khả năng gồng gánh mà chỉ khiến cho cuộc sống cả hai trở nên tiêu cực. Nỗi đau đó đã hơn 20 năm rồi mà!
Anh Lâm hỏi tôi: “Có khóc được không?”, “Đã bao giờ có trải nghiệm đau khổ chưa?”, vì trong mắt anh ấy, tôi lúc nào cũng là người phụ nữ giỏi giang, mạnh mẽ. Kể cả khi bắt đầu bộ phim “Cái giá của hạnh phúc”, mặc cho nó là câu chuyện kể về chính tôi, anh Lâm vẫn hoang mang, đặt nhiều câu hỏi: “Em đã thất tình mấy lần rồi?”, “Liệu em nhắm em hiểu được nỗi đau này không vậy?”.
Và Xuân Lan đã trả lời những câu hỏi ấy như thế nào?
Xuân Lan: Tôi nhớ, một ngày trước khi bấm máy quay, tôi đã khóc rất nhiều. Anh Lâm lúc đó không hiểu tôi. Anh quát lên: “Người cản trở anh làm phim duy nhất chính là em!”.
Tôi biết, thời điểm đó, anh không được làm theo những điều mà anh mong muốn. Còn bản thân tôi, có giai đoạn tôi không muốn phải nhìn lại vết thương cũ, để phải kể cho chồng nghe rằng mình đã từng gặp người này, người kia, chịu tổn thương thế nào. Tôi chỉ thấy câu chuyện của phim nó phi thực tế và vai diễn bà Dương tôi đóng là vai diễn bị kỳ thị.
Sau đó, tôi chia sẻ với chồng: “Nếu làm vậy thật không công bằng với bà Dương”. Tôi mong mỏi vai diễn của mình trong chính bộ phim về phần đời của mình phải được đạo diễn chỉ đạo cho cảm xúc, và bà ấy cần một sự công bằng để có thể hoà hợp chung với tất cả nhân vật nhằm tạo nên thành công chung cho bộ phim.
Điều gì đã khiến một Xuân Lan phải đẩy cảm xúc đến mức thái quá như thế? Phải chăng đã có một nỗi đau rất lớn nào đó đã xảy ra với chị?
Xuân Lan: Tôi kể cho bạn nghe, trước đây anh Lâm hay nửa thật nửa đùa: “Anh ghét tất cả người đàn ông xuất hiện trong cuộc đời em trước anh. Bởi lẽ, họ làm cho em ám ảnh đến quá đáng”.
Tôi không ngần ngại rằng tôi đã từng có 1 mối tình 3 năm với người đàn ông tôi hết sức ngưỡng mộ. Nhưng sau này, tôi phát hiện ra rằng tôi chỉ là 1 trong 3 cô gái anh ta quen cùng lúc. Mỗi khi anh vào miền Nam công tác, cũng căn nhà đó, nó liên tục được dọn dẹp sạch sẽ để sáng đón 1 người, tối đón 1 người.
Cảm giác ấy kinh khủng vô cùng! Bạn có hiểu rằng nó là một sự ám ảnh như tôi vừa mới trải qua thước phim kinh dị mà mãi đến giờ vẫn không tan. Thậm chí, nếu sau này chồng tôi có một người khác, tôi vẫn sẽ cho đi luôn trong nửa nốt nhạc. Không giải thích! Không biện minh.
Cuối cùng, qua nhiều lần cãi vả, vợ chồng tôi càng hiểu nhau. Chính tôi vì sự thành công của đoàn phim cũng bắt đầu ép mình xuống để phục vụ cái chung, chồng tôi thì rắn rỏi, rõ ràng đến khi kết thúc quay. Ngày cuối cùng, anh ôm tôi vào lòng, khóc, cảm ơn, rồi không ngừng nói: “Xin lỗi em!”.
20 năm của sự đau khổ, ám ảnh, nhưng tôi thấy chính anh Lâm là người đã chữa lành tất cả cho trái tim của chị…
Xuân Lan: Ông xã Ngọc Lâm của tôi như vầy nè! Anh rất đam mê công việc, phần còn lại là 1 người đàn ông tử tế, yêu vợ con.
Bạn biết không? Đến tận bây giờ, ngày nào anh cũng nói “I love you”, hôn tôi và con gái trước khi đi làm và sau khi trở về nhà. Anh không có mối quan hệ ngoài luồng, không rượu chè, cờ bạc… Chỉ là làm xong, có thời gian lại xin: “Vợ ơi cho anh đi đá banh với anh em!”. Thậm chí làm bao nhiêu tiền là mang về đưa hết cho vợ.
Anh luôn xem vợ mình là một người tuyệt vời và bảo: “Vợ ơi! Nếu em đã tuyệt vời rồi thì hãy tiếp tục tuyệt vời nhé! Cảm ơn em”. Thế nhưng, làm sao để vợ mình trở nên như thế thì anh không có đủ thời gian và không đủ tỉ mỉ quan tâm . Thế nên tôi cứ cho anh tự do sống cuộc đời của anh!
Đôi khi có thời gian, chúng tôi lại dành dụm một khoản để giúp đỡ những người khác. Chúng tôi luôn đi tìm những đứa trẻ bất hạnh, người không may mắn, bị bệnh trong cuộc sống để giúp đỡ. Bao nhiêu lần vào khoa Ung Bướu của Bệnh viện Nhi Đồng, anh Lâm vẫn đồng hành cùng tôi.
Vì vậy, khi làm bộ phim “Cái giá của hạnh phúc”, bạn biết điều chúng tôi mong mỏi nhất là gì không? Rằng phim của mình sẽ thắng, để chúng tôi có một cái phần nào đó tiếp tục đóng góp và xoa dịu những cơn đau của tụi nhỏ.
Ngoài tình yêu của chị, thì với bé Thỏ, tình yêu của ba Lâm dành cho cô con gái riêng của vợ sẽ được định nghĩa như thế nào?
Xuân Lan: Bản thân chồng tôi luôn bảo: “Nếu không còn gia đình này, anh ấy sẽ không sống được”. Tất nhiên là anh Lâm không chết được về mặt sinh học nhưng ở đây có nghĩa là anh sẽ rất đau khổ.
Hồi sinh Thỏ, tôi cứ nghĩ đó là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời mình do ông trời ban nên tôi đặt tên con là Thiên Ân, nghĩa một cái ân huệ do ông trời ban. Tôi nhớ năm đó, tôi còn lập bàn thờ thay vì cúng giao thừa ở trên sân thượng, và cầu nguyện muốn có 1 đứa con, sẵn sàng hành trình làm Single Mom. Thế rồi anh Lâm xuất hiện!
Tôi vẫn hay nói với một người bạn: “Bản thân tôi không có nhiều cơ hội để chọn lựa, bởi năm nay tôi đã gần 50 tuổi rồi!”. Thế nhưng, hiện giờ, Thỏ yêu ba Lâm còn hơn ba ruột của mình nữa. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc, bởi tôi là mẹ Thỏ, anh Lâm là ba Thỏ và cả gia đình Nội Ngoại đều hết sức yêu thương Thỏ.
Sự trọn vẹn gia đình ấy có phải là lý do chị đặt tên cho bộ phim của mình là “Cái giá của hạnh phúc”?
Xuân Lan: Thực tâm, tôi không bao giờ phủ nhận những sai lầm, trả giá của mình. Và khi nhìn nhận thì những trải nghiệm đó mới cho tôi nhiều cảm xúc viết ra những vai diễn về những người thứ 3.
Có nhiều “tiểu tam” chính họ là người chủ động, cố ý, nhưng cũng có những người bị lừa. Nói như vậy thôi chứ họ vẫn là tiểu tam. Và khi phát hiện bị lừa, họ cảm nhận như thế nào, xử lí ra sao… Tất cả chi tiết đó đều có cả trong “Cái giá của hạnh phúc”.
Ngay cả bản thân tôi, dù biết chuyện đó không xảy ra, nhưng nếu một ngày anh Lâm có tiểu tam, tôi sẽ đau lòng, nhưng sẽ không bao giờ tha thứ.
Nói vậy chị không sợ tiểu tam?
Xuân Lan: Đúng!
Quay trở lại một chút, chị mong mỏi như thế nào về bộ phim lần đầu tiên mình đứng ở cương vị nhà sản xuất?
Xuân Lan: Đây là dự án phim dựa trên những câu chuyện lấy cảm hứng từ thực tế diễn ra khi có người thứ ba. Đó là những ứng xử của người trong cuộc và người ngoài cuộc. Cái giá của hạnh phúc, có thể vô hình, có thể hữu hình, có thể đo lường được và có thể không bao giờ đo lường được.
Bởi vậy, tôi mơ ước đây là bộ phim gia đình. Không phải của Xuân Lan mà của nhiều nhiều người phụ nữ trong xã hội.
Tại vì, quan niệm hạnh phúc của phụ nữ khác biệt lắm! Như nước chảy từ trên xuống đất, bà lo cho mẹ, mẹ lo cho con, con thì lại lo cho con của con sau này. Vậy cuối cùng, ở người phụ nữ, hạnh phúc của họ là đâu, thời gian ở đây, và ai sẽ là người chăm sóc, lắng nghe khi họ đau khổ, bệnh tật… Tôi muốn những người phụ nữ này đều nhìn thấy mình trong phim.
Được cầm trịch bởi chính ông xã, đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm và còn có sự tham gia của “Ông hoàng phòng vé” Thái Hòa. Việc thuyết phục Thái Hoà xuất hiện trong dự án lần này liệu có khó không, thưa chị?
Xuân Lan: Thực ra có buổi tối, bạn tôi mời Thái Hòa qua nhà tôi ăn cơm. Mặc dù biết anh Hoà trên màn ảnh rất lâu, nhưng đó là lần đầu tiên gặp ngoài đời.
Ngồi ăn nói chuyện thì anh Lâm xin anh Hoà 15 phút bàn về dự án. Lúc đó, đang có 3 dự án cùng mời anh ấy và anh ấy đã đọc kịch bản, nhận một phim về nhà nước rồi. Chúng tôi nghĩ chỉ còn 30% cơ hội thuyết phục.
Sau đó, bạn tôi thuyết phục: “Anh Hoà dành thời gian đọc kịch bản qua một lượt cũng có mất gì đâu”. Mặc dù mọi thứ trong kịch bản chưa chi tiết, thế nhưng đọc xong, anh Hoà rất bất ngờ bởi lẽ đó là vai diễn anh chưa bao giờ chạm tới.
Điều Thái Hoà chưa chạm tới là gì?
Xuân Lan: Đó là một màu sắc hóa thân với tính cách, những ẩn chứa mà anh Hoà chưa có cơ hội chạm. Bởi trước đây, anh Hoà sống ngoài thế nào thì trong những nhân vật, anh ấy mang lên phim như vậy.
Sau đó, ngày nào anh cũng dành thời gian để tập thử, một cảnh quay phải tập ít nhất 7 lần. Ảnh gác hết các dự án để tập trung vào “Cái giá của hạnh phúc”. Đó mãi mãi là sự may mắn mà chúng tôi là những người trúng số.
Một bộ phim về chủ đề của mọi gia đình, lại có sự xuất hiện của “Ông hoàng phòng vé”, chị tự tin rằng nó sẽ chiến thắng chứ?
Xuân Lan: Tôi không nói trước, nhưng tôi xin nói thẳng: Đây là một bộ phim tử tế.
Chúng tôi làm 1 bộ phim có những tình huống, những câu chuyện, tự nó đã thu hút khán giả chứ không phải để trở thành chủ đề PR. Và tôi tự hào khẳng định, tôi đang làm bộ phim Việt chất lượng cao.
Trở lại với vai trò người mẫu, trong những năm gần đây, chúng ta thấy trên sàn catwalk bắt đầu dần vắng những gương mặt những model mới, thay vào đó là vị trí của các Á hậu, Hoa hậu. Chị nghĩ như thế nào về điều này?
Xuân Lan: Xu hướng của thời trang Việt Nam gần đây là diễn theo kiểu diễn đồ thì ít mà diễn người thì nhiều. Tức đáng lẽ diễn một bộ thời trang, bạn phải hết sức tinh tế, đơn giản, thần thái để xử lý bộ váy cho đẹp, thì mọi người lại show hình thể, diễn hình thể nhiều hơn, trang điểm đậm rồi lại uốn bên này éo bên kia, tạo dáng, đánh hông bên này rồi đưa vai bên nọ.
Tôi thấy đó là tình trạng đáng buồn!
Nghĩa là chị đánh giá thấp đi cái chất lượng của model trên sàn diễn hiện tại?
Xuân Lan: Tôi nói thế này, trên mạng đang xuất hiện trào lưu: Hãy trả sàn Runway lại đúng nghĩa của nó!
Tôi không phải chê các bạn Hoa hậu, bởi các bạn được đào tạo để trở thành những người đại diện cho những nhãn hàng. Còn sàn diễn thời trang là cần tôn vinh sự chuyển động, những chi tiết trên bộ trang phục được thiết kế khéo léo, chứ không phải là những vóc dáng thiệt là đẹp, mặt thật đẹp, nụ cười thật xinh.
Vì vậy, chúng ta thấy có vô vàn tên tuổi diễn theo tiêu chuẩn quốc tế, đến giờ họ vẫn không cần danh xưng, không cần danh hiệu. Họ đã lặng lẽ cống hiến mười ba năm, mười lăm năm không cần một cuộc thi nào.
Riêng với bé Thỏ, chị có định hướng cho con cũng một ngày trở thành người mẫu?
Xuân Lan: Tôi không bao giờ dạy trẻ con dưới 12 tuổi mang 1 đôi guốc 15 phân để ưỡn ẹo, vuốt người, đánh môi đen rồi nhuộm đỏ nhuộm hồng đâu. Tôi vẫn thích cái câu của người bạn mình - chuyên gia trang điểm Nam Trung: “Nét đẹp là phải tự nhiên”.
Với Thỏ, tôi không định hướng gì cho con hết. Nhà có môi trường sẵn Thỏ thích thì tham gia đó. Nhưng Thỏ cũng có nhiều câu chuyện ngẫu hứng bất ngờ lắm! Đôi khi Thỏ quan tâm đến Kpop, rồi ước mơ sau này mở nhà hàng, làm đầu bếp, khi nữa là trở thành nhà ngoại giao… Tôi để con tự phát triển và trải nghiệm, còn mình chỉ là người đứng đằng sau hỗ trợ con thêm kỹ năng sống.
Câu cuối cùng, điều chị mong mỏi cho chính bản thân và gia đình của mình?
Xuân Lan: Mỗi ngày thời gian còn lại, tôi luôn tranh thủ để ôm con, đưa con đi chơi, thậm chí có khi con đang ăn tôi đã ngồi ngủ gục.
Đối với những bậc phụ huynh, để cho con an toàn, họ luôn tích lũy một phần nào đó cho con. Và tôi cũng vậy!
Tôi mua bảo hiểm cho Thỏ, đóng đến năm Thỏ 18 tuổi nên số tiền sẽ khá lớn để con lập nghiệp. Thỏ đang có đầy đủ cơ sở vật chất để sống một cuộc đời không phải là vương giả, sắm đồ hiệu, nhưng mà vẫn là một đứa trẻ hạnh phúc.
Và nếu cho dù một ngày ba mẹ có quay về con số 0, tôi cũng không để cho Thỏ đói ngày nào cả!
Xin cảm ơn những chia sẻ tuyệt vời từ chị! Chúc chị và bộ phim “Cái giá của sự hạnh phúc” sẽ đạt được thành công như kỳ vọng!