Trong dòng phim cung đấu của thị trường Hoa ngữ, những motif nhân vật quen thuộc thường thấy gồm: Hoàng thượng say mê nữ nhân xinh đẹp, các sủng phi có nhiều đặc quyền, những tình lang của sủng phi và các Hoàng hậu luôn ra sức thể hiện sự hiền lương nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi sự "hắc hóa" do vòng nội chiến khắc nghiệt chốn thâm cung.
Cùng xem qua loạt Hoàng hậu ác vì trăm mối khổ của vũ trụ cung đấu Hoa ngữ nhé!
Nếu nói về độ ác đáng nể của các vị Hoàng hậu trong vũ trụ cung đấu, không thể không nhắc về Nghi Tu - vị Hoàng hậu mưu thâm kế hiểm điển hình. Xuyên suốt Hậu cung Chân Hoàn truyện, người có thể được xem là đối thủ cả đời của Chân Hoàn cũng chỉ có người phụ nữ này. Điểm khiến nhân vật này "sặc mùi nguy hiểm" đó là cô ta có thể giấu giếm sự mưu toan của mình rất kín kẽ. Từ khi người xem cùng nhập cung, theo bước Chân Hoàn, hầu như mọi người đều nghĩ đây là một vị mẫu nghi thiên hạ, hiền lương, thục đức khi có nhiều động thái đứng về phía các vị phi tần nhỏ bé, đối đầu với Hoa Phi Niên Thế Lan hung hăng bá đạo. Thế nhưng, ít ai biết, thực ra Hoàng hậu chỉ đang muốn chờ thời cơ lật đổ Hoa Phi, nên vào lúc ấy, Hoàng hậu không thể không nhẫn nhịn và lôi kéo những phi tần khác về phía mình.
Sau khi Hoa Phi ra đi, Hoàng hậu mới dần lộ rõ dã tâm của mình, luôn dùng chiêu mượn tay phi tần này để thanh trừng phi tần kia. Cuối cùng, Hoàng hậu đã đại bại dưới tay của Chân Hoàn, chỉ vì sự ghen tuông của Hoàng hậu quá lớn, nên cô ta nhanh chóng mù quáng và rơi vào cảnh thất sủng. Suy cho cùng, Hoàng hậu Nghi Tu theo hầu Ung Chính từ những ngày đầu, nhưng cô ta chỉ nhận về sự lạnh nhạt của phu quân, sự phản bội từ chị em ruột, sự ra đi đầy ám ảnh của con trai, cô hóa điên hóa dại để giành lấy quyền lực là điều dễ hiểu.
Cùng một phong thái như Nghi Tu, Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc Ý Tuyết trong Thâm cung nội chiến luôn bày ra trước mắt mọi người một hình tượng Hoàng hậu có chừng mực, biết nghĩ cho mọi người. Sự che đậy này của bà thậm chí còn có phần cao cơ hơn cả Nghi Tu, vì cho đến gần khi phim kết thúc, mặt nạ của bà mới bị tháo xuống. Những tranh đấu trong hậu cung nửa đầu phim làm khán giả đau đầu nghĩ ngợi xem vì sao ba Quý nhân Hoa-Thuận-An lại phải nhất nhất "chơi tất tay" cho tới cùng, thực chất đều do Hoàng hậu sắp xếp. Chỉ có điều, bà luôn núp sau sự bá đạo của Như Phi để không ai nhận ra.
Về sau, khi An Quý nhân An Xuyến nhận ra sự thật, cục diện của cô và các Quý nhân còn lại cũng không khá khẩm hơn là bao khi phải bỏ mạng trong hỗn chiến. Chỉ có Như Phi, người tuy cứng rắn, hung tợn, nhưng lại có kinh nghiệm sinh tồn trong cung mới dám ở lại tiếp tục đấu với Hoàng hậu. Hoàng hậu Ý Tuyết này, luôn ra sức giữ gìn hình tượng của mình vì bà có ước vọng sẽ được Hoàng thượng thương yêu, nhưng không bao giờ đạt được.
Hai bộ phim cung đấu về thời Càn Long nổi tiếng trong thời gian 5 năm trở lại, không gì khác ngoài Hậu cung Như Ý truyện và Diên Hi công lược. Hai bộ phim có cách kể khác nhau, nên hình tượng các nhân vật trong phim cũng khác nhau.
Ở Hậu cung Như Ý truyện, vị Hoàng hậu được cho là ác ngầm là Phú Sát Lang Hoa. Cô nàng, qua lời kể của không ít thân tín, là một người luôn để bụng chuyện suýt nữa thì không được chọn cho ngôi Phúc tấn (vị trí chính thất, đảm bảo cho việc được đăng lên ngôi Hoàng hậu khi phu quân của cô đăng cơ). Vì thế, đối với Như Ý, cô luôn có sự dè dặt. Từ việc tặng vòng có linh lăng hương, làm Như Ý suýt tuyệt tự, cho đến nhiều pha mắt nhắm mắt mở để phi tần làm loạn, hãm hại Như Ý, cô cho thấy mình cũng là một Hoàng hậu có tâm cơ. Chỉ có điều, tâm cơ của cô không đủ sâu và hiểm độc, nên nhanh chóng bị Gia Phi Kim Ngọc Nghiên đứng sau vẽ vời và đẩy vào chỗ chết. Cô mong muốn giữ được thể diện cho gia tộc nên đánh đổi nhiều thứ, chỉ là đến cuối cùng, cả gia tộc cũng chỉ xem cô là quân cờ, cô ra đi trong sự chua chát đau khổ.
Trong Diên Hi công lược, vị Hoàng hậu đóng vai trò ác nữ của cục diện cung đấu là Kế Hoàng hậu Huy Phát Na Lạp Thục Thận. Đây là Hoàng hậu được đăng lên từ vị trí của một phi tử. Để có thể ngồi lên vị trí Hoàng hậu, cô đã không ngại nhúng chàm đôi tay mình, từ một phi tử hiền lành, giết không ít người. Thậm chí, cô còn mượn tay Thuần Quý phi giết đi Hoàng hậu Phú Sátthị để có thể dọn đường cho mình tiến thân.
Không còn là một Nhàn Phi dễ tính, Huy Phát Na Lạp Thục Thận sẵn sàng trở mặt với mọi người, vì cô cảm thấy cuộc sống trong cung không ai đáng để cô tin tưởng cả, ngay cả mẹ ruột của mình. Quyền lực và phu quân là hai thứ cô muốn nương vào. Đến cuối cùng, khi nắm đại quyền trong tay, cô đã vô tình đánh mất sự tin tưởng của quân vương, nhận về cho mình kết cục thảm thương.
Một cặp Hoàng hậu đáng chú ý khác đó là Hiếu Mục Thành Đồng Giai Nguyên Uyển và Hiếu Toàn Thành Nữu Hỗ Lộc Y Lan của Vạn phụng chi vương. Họ được Thái hậu (cũng trong bộ phim này) đánh giá là “một người nhìn như vô tình nhưng thực rất hữu tình định sẽ thất bại” và “một người thì nhìn như hữu tình thực chất rất vô tình là một kình địch với Thái hậu ta”. Kẻ bại trận vì có tình cảm chính là Nguyên Uyển, người đáng gờm còn lại là Y Lan.
Nguyên Uyển khi ở ngôi Hoàng hậu, luôn cần có mẹ ruột đứng sau chỉ điểm. Sau này, khi mẹ bị xử tử, cô tiếp tục hành trình hóa ác của mình, chỉ tiếc là, cô không đủ dũng khí để hãm hại người. Vì thế, cô ác là bởi hiểu sai về thế sự. Còn phần Y Lan, cô hạ bệ Nguyên Uyển, Tĩnh Quý nhân rồi đến cả Thái hậu, từ Hoàng quý phi thăng lên làm Hoàng hậu trên một hành trình gian nan và cô độc. Theo cô, ban đầu việc phải độc ác trong chốn thâm cung là thân bất do kỉ, thế nhưng, ở cuối phim cô để lộ ra việc mình cũng có dã tâm để trở thành người quyền lực nhất hậu cung. Một kẻ thất bại vì tình yêu và một kẻ giành được quyền thế vì tham vọng, hai vị Hoàng hậu này đã khiến hậu cung của Đạo Quang Đế chao đảo trong nhiều năm.
Cuối cùng của bảng danh sách này là một vị Hoàng hậu khá lạ lẫm vì xuất hiện trong một bộ phim pha giữa cuộc chiến thâm cung và chiến tranh liệt quốc - Mị Nguyệt truyện. Trong phim, Mị Xu và Mị Nguyệt là hai Công chúa của nước Sở được gả đến nước Tần lần lượt làm Vương hậu (tương đương Hoàng hậu) và phi thiếp cho Tần vương Doanh Tứ.
Tình cảm của họ dần rạn nứt vì Mị Xu luôn mang lòng đố kị Mị Nguyệt. Cuối cùng, Mị Xu được trở thành Huệ hậu khi Tần vương qua đời, nhưng lại suýt phá tan nát cơ đồ của nước Tần. Mị Nguyệt lúc này mới trở về từ nước Yên xa xôi, sau thời gian dài sống phận chức tử (con tin) do Mị Xu đày đọa, thay mặt văn võ bá quan lèo lái con thuyền quốc gia đại sự.
Có thể nói, Mị Xu trở thành một nữ tử thâm độc bởi vì cô ganh ghét Mị Nguyệt. Thế nhưng, sâu xa hơn, cô làm vậy để tự bảo vệ mình khỏi những mất mát trong đời, như việc cô bị mẫu quốc là nước Sở gây áp lực, cho đến việc con trai của mình yểu mệnh. Tiếc là, sự độc ác này lại không giúp cô sống trọn một đời trong hưởng lạc mà lại phải chịu kiếp cô đơn trong lãnh cung.