Đối tượng là N.V.Tr. (sinh năm 1998, cư trú tại Vũng Tàu) đã bị bắt tại trận. Nam sinh đã bị phía rạp chiếu phim lập biên bản, thừa nhận hành vi của mình. Sau đó, Tr. đã nhắn tin cho nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, thể hiện sự hối lỗi của mình, cho rằng anh chỉ muốn “câu like và comment” mà không hiểu được sự nghiêm trọng của việc làm này. Bên cạnh đó, Tr. cũng mong muốn “đả nữ” tha thứ cho hành vi sai trái này vì anh còn “trẻ tuổi”, lần đầu vi phạm cũng là lần cuối.
Tuy nhiên trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Tr. vi phạm bản quyền tác phẩm, cụ thể ở đây là những bộ phim. Trong quá khứ, cứ cách vài ba ngày, fanpage của Tr. livestream 1 bộ phim và thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Phải chăng Tr. cho rằng, livestream những bộ phim này thì không phải là hành vi sai trái?
Bản quyền của mỗi bộ phim sẽ tồn tại cho đến hết “cuộc đời” của nó, trải qua hàng chục năm, thậm chí là hàng trăm năm. Sau khi những bộ phim được trình chiếu tại rạp, tác phẩm sẽ được phát hành dưới dạng DVD hoặc chiếu trên các kênh truyền hình. Một số bộ phim sẽ được phép phát hành trên Youtube, nhưng khá hiếm. Cho dù được ra mắt rộng rãi, thế nhưng bản quyền của những tác phẩm điện ảnh này đều được quản lý chặt chẽ. Nếu chưa được nhà phát hành, hãng phim cho phép, Youtube sẽ từ chối việc đăng tải trên các channel của họ. Ngoài ra, trong trường hợp người dùng “lách luật” để có thể đăng tải được, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt thật nặng.
Cách đây vài năm, cư dân mạng đã quá quen việc chia sẻ các link phim torrent “lậu” cũng như thông qua các host chuyên upload (đăng tải) các tập phim mà không được sự cho phép của nhà sản xuất. Ngay sau đó, hàng loạt website lớn như Megaupload, Rapidshare hay một số trang torrent lớn đã bị chính phủ Mỹ truy tố và buộc phải đóng cửa, đồng thời bị xử lý hành chính với số tiền bồi thường khá lớn. Vì lẽ đó, hành vi livestream những bộ phim cũ của Tr. trên fanpage của mình cũng là 1 hành vi phạm tội
Trong những năm gần đây, việc livestream các phim chiếu rạp đã trở thành vấn nạn nhức nhối, đau lòng đối với những nhà làm phim Việt. Hàng loạt các bộ phim nổi tiếng và ăn khách như Gái già lắm chiêu, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Lô tô, Em chưa 18… và mới đây là Cô Ba Sài Gòn đều lọt vào tầm ngắm của nhiều bạn trẻ. Đồng ý rằng, hầu hết các bạn trẻ khi thực hiện hành vi này đều không cho nó là phạm pháp hay nghiêm trọng. Đa phần đều nghĩ rằng, họ chỉ đang “giúp những người không có điều kiện để rạp có thể xem phim hay”. Thậm chí có người còn cho mình cái quyền quay lại phim vì… họ bỏ tiền ra xem.
Sau những lần livestream quay lén đầu tiên, các hệ thống rạp chiếu phim đã tăng cường các biện pháp để giám sát. Cụ thể, nhân viên áp thu được cài vào trong mỗi suất chiếu, thường xuyên đi dọc các hàng ghế để nhắc nhở khách hàng không được sử dụng điện thoại trong lúc chiếu phim. Bên cạnh đó, nếu như trước đây, quy định của rạp chiếu chỉ là “không được phép quay phim, chụp ảnh trong lúc chiếu phim”, thì hiện tại đã phải bổ sung thêm “không được livestream”. Những quy định này được trưng bày khắp nơi trong rạp, trước cửa rạp và cả thông báo trước khi chiếu phim. Thế nhưng, có không ít người đã tản lờ khuyến cáo của nhà sản xuất dù biết sẽ bị phạt nặng nếu bị phát hiện.
Rõ ràng, đây chính là sự vô ý thức của một bộ phận khán giả, đặc biệt là những người trẻ. Chỉ vì những danh vọng ảo, like ảo trên mạng xã hội mà bất chấp thực hiện hành vi phạm pháp. Cũng chính vì những thủ phạm thường ở tuổi học sinh - sinh viên, nhiều nhà sản xuất cũng không mong muốn làm lớn chuyện này. Đa phần họ chọn giải pháp cảnh cáo, yêu cầu gỡ bỏ đoạn video đã livestream và… thả về. Vì họ biết rằng, nếu làm lớn chuyện thì những thanh thiếu niên này có thể bị tù tội, hoặc bản thân những người đó và gia đình không đủ khả năng nộp phạt hay bồi thường cho thiệt hại của bộ phim. Và cũng chính việc “bắt cóc bỏ dĩa”, “thương người” ấy đã khiến cho tình trạng livestream quay lén này không dừng lại.
Có cầu ắt mới có cung, nếu không có ai hưởng ứng việc livestream quay lén, nếu không có những lượt xem lớn, lượng like cao… thì đã không có nhiều bạn trẻ bất chấp mà thực hiện hành vi này. Chỉ trong vòng 30 phút livestream Cô Ba Sài Gòn, số lượng người truy cập lên đến 5,700 người và không ngừng tăng lên. Tại thời điểm đó, lượng view cũng đã gần 100,000 - một con số đáng thèm muốn của các admin fanpage hay người dùng cá nhân.
Những người thưởng thức livestream cũng không nhận ra rằng, việc làm của mình là phạm pháp. Họ vô tư xem, vô tư chia sẻ, vô tư bình luận, ca ngợi người livestream là “tốt bụng với mọi người”, thậm chí lên án, mắng chửi những người vào can ngăn. Họ cho rằng đây là “những kẻ đạo đức giả”, “nếu không xem thì có thể đi chỗ khác”, hay còn thách thức “đi méc, đi báo công an đi”. Nhiều người lấy lý do mình ở nước ngoài, ở quê… không có điều kiện xem phim Việt nên mới phải xem livestream lậu như thế này. Đã có nhiều lý do bao biện hành vi sai trái, và ai cũng cho rằng mình… vô tội.
Thực tế, nhà sản xuất, quản lý các rạp phim và cơ quan chức năng hoàn toàn có khả năng chặn đứng những việc làm sai trái này. Bằng cách xử lý nghiêm khắc, tổng kết thiệt hại, yêu cầu bồi thường, đồng thời đưa ra pháp luật xử lý, thì sẽ khiến những bạn trẻ khác nhận ra vấn đề. “Giết một, cảnh trăm” chính là giải pháp cho nạn “bắt cóc bỏ dĩa” hiện nay. Liệu rằng, khi nhà sản xuất quá nhân từ với những hành vi phạm tội như thế này, thì những kẻ đó, hoặc kẻ khác, có nhân từ với bộ phim hay không?
Việc livestream quay lén phạm pháp như hiện tại, không chỉ khiến nhà sản xuất, ekip thực hiện bộ phim nản lòng, đau buồn vì “đứa con tinh thần” của mình không được trân trọng, mà còn “giết phim Việt”, như Ngô Thanh Vân đã đau đớn bình luận trong đoạn video livestream của kẻ tình nghi ở Vũng Tàu kia. Chính vì thế, đã đến lúc mọi việc cần được xử lý nghiêm khắc, hợp lý và có tính răn đe cao để sự việc không tiếp tục xảy ra. Nếu không, chẳng lâu nữa đâu, khi đến mùa phim Việt cuối năm, sẽ có hàng loạt người livestream phim Mẹ chồng, phim Lôi báo, phim Khi con là nhà… Vì lẽ đó, đây không còn là chuyện riêng của ekip phim Cô Ba Sài Gòn, mà là toàn bộ các nhà sản xuất, đạo diễn, nhà phát hành, hệ thống rạp cần chung tay để bảo vệ quyền lợi của mình.
Mới đây, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã làm việc với công an Vũng Tàu. “Đả nữ” cho biết: “Đây là một sự việc nghiêm trọng và tác động tiêu cực trực tiếp đến những nhà làm phim Việt Nam, trong bối cảnh thị trường điện ảnh nội đi xuống. Nhiều ý kiến của các anh chị em đồng nghiệp muốn Vân và bộ phim Cô Ba Sài Gòn lên tiếng và hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền này để bảo vệ cho các sản phẩm sáng tạo”.
Hiện tại, toàn bộ hồ sơ đã được chuyển đến Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để giải quyết nhanh chóng. Công an tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và vào cuộc, xác minh những thiệt hại của bộ phim, điều tra những đối tượng khác lợi dụng đối tượng livestream để câu like, câu view cho các fanpage khác. Theo thông tin mà nhà sản xuất Cô Ba Sài Gòn cung cấp, Công an tỉnh cũng xác định đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mới và đa phần các bạn trẻ vẫn chưa nhận thức được hành vi sai trái này. Không chỉ hành vi này làm thiệt hại cho Nhà sản xuất bộ phim mà gây tác động xấu đến xã hội và cộng đồng.
Với lời khẳng định “Chúng tôi không nhân nhượng”, liệu rằng hành động “đi đến cùng sự việc” của Ngô Thanh Vân lần này sẽ giúp ngăn chặn việc quay lén, livestream trong tương lai? Kết quả thì vẫn bỏ ngỏ ở phía trước, thế nhưng quyết tâm xử lý nghiêm khắc trong trường hợp này của nhà sản xuất sẽ giúp cảnh tỉnh nhiều bạn trẻ đang có dự tính hoặc đã có thói quen thực hiện những việc này. Hy vọng sau sự việc lần này sẽ không còn trường hợp tương tự nữa, để nền điện ảnh Việt Nam có thể phát triển một cách tốt nhất.