Sắc màu Cuộc Sống

Vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Sốc với giá chạy thận ở Bệnh viện tỉnh Hòa Bình

Định Nguyễn
Chia sẻ

Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Danh Huế, đã chỉ rõ những điều phi lý khi tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) giá chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân khoảng 3,5-4 USD/ca, còn ở tỉnh nghèo như Hòa Bình giá 7,7 USD/ca.

Ngày 29/5, ngày làm việc thứ 11 của phiên tòa xét xử ba bị cáo liên quan vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Hôm nay cũng tròn 1 năm sau khi xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này.

Trong phiên toà một ngày trước đó, luật sư Nguyễn Danh Huế, người bào chữa cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ án. Bên cạnh đó điểm nổi bật đó là vấn đề kinh doanh chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình.

Các bị cáo tại phiên toà.

Luật sư Huế cho rằng Hòa Bình là tỉnh nghèo nhưng người bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình lại phải chịu chi phí chạy thận đắt tới mức phi lý (7,7 USD/ca chạy thận), trong khi nơi đắt đỏ nhất như tuyến trung ương tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) giá cũng chỉ 3,5-4 USD/ca. Ông Huế cho rằng đây là điều vô lý.

Luật sư Nguyễn Danh Huế chỉ ra những điểm phi lý về giá chạy thận ở Bệnh viện Đa Khoa Hòa Bình.

Theo ông Huế, người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc này phải là nguyên giám đốc Bệnh viện Trương Quý Dương. Tuy nhiên, cho tới nay, ông Dương vẫn đang xuất ngoại và chưa về nước.

Trả lời thẩm vấn tại toà trước đó, ông Đỗ Đình Vận (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, bệnh viện liên kết kinh doanh xã hội hóa việc chạy thận với Công ty Thiên Sơn từ năm 2010 và giám đốc Trương Quý Dương tự thoả thuận với đối tác về hợp đồng.

Theo ông Huế, nguyên nhân dẫn đến sự cố thảm hoạ này còn có lỗi rất lớn của ông Dương - công chức duy nhất ở bệnh viện đa khoa Hoà Bình được chủ tịch UBND tỉnh ký bổ nhiệm, làm nhiệm vụ chính trị. Phó giám đốc bệnh viện và các nhân viên khác tất cả đều là viên chức ký hợp đồng theo vị trí làm việc.

Theo luật sư Huế, ngày 25/7/2017, bệnh viện ký hợp đồng số 315 về sửa chữa hệ thống lọc nước RO với Công ty Thiên Sơn. Ngay sau đó, Thiên Sơn đã bán lại 100% “gói thầu” cho Công ty Trâm Anh để “ăn chênh lệch” mà không thông báo cho bệnh viện.

“Chúng tôi kính đề nghị HĐXX buộc Công ty Thiên Sơn bồi thường thiệt hại toàn bộ cho gia đình nạn nhân. Đề nghị Giám đốc Bệnh viện gửi công văn lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cấm đầu đấu thầu thiết bị ngành y tế trong vòng 3 năm đối với đối với Công ty Thiên Sơn. Xem xét kiến nghị khởi tố hình sự Giám đốc công ty Thiên Sơn là ông Đỗ Anh Tuấn”, luật sư Huế nói.

Luật sư Huế cũng đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm ông Trương Quý Dương (Nguyên giám đốc BV đa khoa Hòa Bình), “Căn cứ vào các hành vi của ông Trương Quý Dương, chúng tôi đề nghị HĐXX buộc ông Trương Quý Dương bồi thường thay bệnh viện, nếu trường hợp bệnh viện có lỗi”.

Nam luật sư này cũng cho biết, những cáo buộc với bị cáo Hoàng Công Lương là “đầy khiên cưỡng”. Bởi vậy, ông kiến nghị HĐXX “tuyên bác sĩ Lương vô tội”. Luật sư Huế cũng kiến nghị HĐXX áp dụng những tình tiết có lợi nhất đối với hai bị cáo còn lại bởi “họ còn trẻ tuổi và vô tình phạm tội”.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất