Sắc màu Cuộc Sống

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Nỗi đau như một vết sẹo lớn mà có lẽ phải nhiều năm sau mới mờ dần

Hà Phương
Chia sẻ

Rồi người gây ra sự việc sẽ xin lỗi, kiểm điểm, bồi thường và “rút kinh nghiệm sâu sắc” sau vụ trao nhầm con ở Ba Vì. Nhưng nỗi đau mà người trong cuộc, nhất là người mẹ đã chịu nhiều năm qua thì mãi vẫn là một vết sẹo cùng bi kịch vợ chồng có lẽ phải lâu lắm mới mờ dần…

Tôi cay mắt khi đọc những dòng tâm sự này: “Cái Hương tội lắm, sinh đứa con đầu được chừng 3 tháng thì đã bắt đầu thấy không giống bố nó rồi. Sự việc sờ sờ ra, biết nói làm sao được, đã thế dân làng lại bắt đầu lời qua tiếng lại, đồn đoán lung tung nên vợ chồng mất niềm tin, sinh ra lục đục. Dân làng cứ lời ong tiếng ve mãi nên vợ chồng cô chú ấy xuống Hà Nội lập nghiệp”.

Đó là chia sẻ của chị gái chị Vũ Thị Hương (Bà Vì Hà Nội), người đến bay giờ vẫn chưa muốn dứt đứa con trao nhầm vì sợ cả 2 bé “sốc và chưa chuẩn bị tâm lý”. Sau những tháng này bất hòa đó là chuỗi ngày dài hai vợ chồng chị sống trong mâu thuẫn triền miên, đỉnh điểm là cuộc ly hôn đau đớn.

Kết thúc cuộc hôn nhân, chi Hương giành được quyền nuôi M., đứa bé trao nhầm, tình cảm dành chị dành cho con càng nhiều thêm và ngược lại như chị chia sẻ “con rất quấn em”. Tình cảm ấy có lẽ càng mạnh hơn mức độ thông thường bởi đứa trẻ thiếu thốn tình cảm từ cha. Vì thế, chị càng sốc và gần như không thể chấp nhận được khi kết quả ADN khẳng định mẹ con chị không cùng huyết thống.

Chị Hương sốc khi biết bé M. không phải con ruột mình.

Còn gia đình bên kia, nhà nuôi bé H. có khá hơn, cũng từng có những nghi ngờ, lời ra tiếng vào vì “con không giống ai trong nhà”. May mắn cho bà mẹ bên ấy khi chồng “lý trí” hơn, tin tưởng vợ hơn, và dùng kết quả AND để đi tìm sự thật. Nhưng chắc chắn cũng khá nhiều sóng gió vì như lời họ kể đã có không ít nghi ngại và dèm pha.

Có lẽ một trong những điều đau đớn nhất của người phụ nữ là sinh con ra mà chồng và gia đình anh ấy luôn nghi ngờ không phải nòi giống nhà họ. Nhiều lần chồng chị Hương đã tuyên bố thẳng: M. không phải là con anh mà con của chị Hương với người người đàn ông khác. Không có cách nào minh oan, cũng chẳng biết làm sao để tỏ rõ lòng mình, chị chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.

Nhớ lại những ngày tháng uất ức này, chị Hương nghẹn ngào kể: “Thời điểm đó, tôi cứ mở được trường mầm non nào, chồng tôi lại đến đập phá ngôi trường đó. Anh nói tôi là người phụ nữ không chung thủy, nhiều lần hạ nhục tôi trước mặt đồng nghiệp, bạn bè khiến bản thân tôi suy sụp, đau khổ tột cùng”.

Tôi hiểu nỗi lòng chị, một người thương chồng yêu con và kính mến hai bên nội ngoại lại chịu điều tiếng ấy 6 năm ròng rã mới được minh oan. Nhưng ngày mà mọi việc sáng tỏ thì gia đình từng đầm ấm, hạnh phúc ấy đã tan vỡ chỉ vì một sơ suất không đáng có của những hộ sinh ở BV Ba Vì.

Chị Hương kể, từ khi biết M. là con đẻ của anh Sơn và chị Hiền, chị đã cho M. tiếp xúc với gia đình bố mẹ đẻ nhiều lần. Ảnh: Định Nguyễn.

Mẹ tôi đã nhiều lần nói, điều quan trọng nhất khi người phụ nữ đi lấy chồng là phẩm hạnh và nhân cách. Với hai người đàn bà, là mẹ và nạn nhân trong vụ việc này thì hai điều quan trọng ấy luôn bị “vấy bẩn” vô cùng oan trái suốt 6 năm qua. Tôi tin dù cho có ngàn lời xin lỗi, bao nhiêu tiền bồi thường thì những mất mát ấy cũng chẳng lấy lại được. Họ đã ngậm đắng nuốt cay trong từng ấy năm trời, phơi mình ra cho thiên hạ dị nghị, người đời nhiếc móc. Quả là bi kịch của bi kịch, trái ngang và oan ức tận đáy lòng.

Tôi tin rằng như vụ nhầm con ồn ào dư luận cách đây hơn năm ở Bình Phước, chẳng ai cố tình hay muốn thế nhưng bi kịch vẫn là bi kịch. Tôi không nghĩ ai về nhà nấy rồi xong, mọi chuyện vui vẻ êm đẹp và chẳng còn gì để nói. Ít nhất thì vụ ly hôn kia cũng chẳng thể tái hợp, không tả thì những trái ngang kia vẫn là một ký ức buồn của chị Hương và những người thân. Có lẽ bi kịch trao nhầm con và những hệ lụy không đơn giản như một vết thương chỉ cần chữa trị rồi dứt.

Tôi còn nhớ hai cháu bé bị trao nhầm ở Bình Phước sau cả năm trở về gia đình mình vẫn “từ khi về với ba mẹ ruột, nó thỉnh thoảng lủi thủi chơi một mình như thế” hay “Ban ngày nó chẳng chơi đùa gì, cứ ra ngoài cổng ngồi chờ ba mẹ vào đón”. Khó khăn đến độ lo lắng hai bé bị chấn động tâm lý, sau khi bàn bạc, hai nhà quyết định cho các con ở cùng với nhau, luân phiên từng nhà một tuần. Bé đã vậy,cha mẹ cũng chịu khá nhiều day dứt và có lẽ vụ ở Ba Vì lần này cũng khó tránh khỏi.

Người mẹ ấy muốn có thời gian ổn định tâm lý cho con.

Những ngày mọi chuyện mới rõ ràng, 2 bé cũng rất khá bỡ ngỡ và bàng hoàng. Một người cha cho hay các cháu bị nhiều vấn đề làm phân tâm, ăn uống ít hơn, học hành kém đi. Thậm chí có anh Sơn còn nhờ sự can thiệp của chuyên gia tâm lý mong ổn định tinh thần cho các con. Tôi nghĩ, không nói ra nhiều như chị Hương nhưng hậu quả của bi kịch này còn đeo đẳng họ khá dài. Rồi thời gian sẽ làm mờ đi “vết sẹo”, những yêu thương sẽ bù đắp cho mất mát, chỉ có nỗi đau còn ở lại…

Ngày hai con về với gia đình ruột của mình đang đến gần, vòng tay ruột thịt sắp ôm các bé vào lòng sau 6 năm “thất lạc”. Nhưng từng là người cha và cũng nhiều ngày nuôi cháu, tôi hiểu cảm giác của chị Hương khi mà “công dưỡng hơn công sinh”. Chừng ấy năm trời với bao cay đắng, khổ tủi và thấm đẫm nước mắt cùng đau đớn vì bị hàm oan làm sao có thể chỉ trao lại con là xong? Nếu đơn giản như vậy, nước mắt sẽ ráo hoảnh trên những khuôn mặt oan trái. Nếu bình thường như thế, những thân thương bé bỏng chắc chẳng còn là điều thiêng liêng, gần gũi.

Chị Hương nghẹn ngào: “Tôi chưa thể chấp nhận sự thật ngay lúc này. Suốt 6 năm qua, tôi yêu thương, chăm chút cho con hơn cả bản thân mình, đến một ngày bỗng dưng nhận được thông báo, con không phải là con ruột. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế?”. Mừng cho các con và cha mẹ cuối cùng đã tìm ra đúng ruột thịt của mình nhưng những nỗi đau như vậy có lẽ cũng cần phải cảm thông và chia sẻ…

Chia sẻ

Bài viết

Hà Phương

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất