Sắc màu Cuộc Sống

Vụ bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch ở phòng khám tư: 'Trước khi đi khám cháu còn cười đùa vẫy tay chào mọi người, vậy mà…'

Định Nguyễn
Chia sẻ

“Con tôi bị đi ngoài nhưng cháu vẫn tỉnh táo, ăn uống được và trước khi đi khám cháu còn cười đùa vẫy tay chào mọi người ở cùng xóm. Vậy mà xảy ra cơ sự này”, anh Dân đau đớn kể lại sau nỗi đau mất con trai 22 tháng tuổi.

Chiều 17/10, rất đông người thân bé N.G.B. (22 tuổi) tử vong khi truyền dịch ở phòng khám tư trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội tập trung ở Nhà tang lễ Bệnh viện đa khoa Đức Giang để làm thủ tục khám nghiệm tử thi.

Phía ngoài phòng lạnh, một ban thờ với di ảnh cháu N.G.B. đã được lập sẵn. Bên trong, mẹ cháu bé khóc hết nước mắt gọi tên con. Ai trong gia đình cũng bất ngờ trước cái chết của bé B., mọi người cho rằng bé B. trước đó chỉ bị tiêu chảy bình thường.

Nhiều người thân đau đớn sau cái chết của bé B.

Anh Nguyễn Đình Dân (bố bé B.) cho biết: “Sự việc xảy ra quá bất ngờ, đến bây giờ tôi vẫn không tin đó là sự thật”. Trước khi sự việc xảy ra, con trai anh bị ho, anh có đưa ra Phòng khám chuyên khoa nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc trên đường Ngô Gia Tự để khám, tại đây bác sĩ cho thuốc để cháu bé về nhà uống.

“Khoảng 6h30 ngày 15/10, sau khi uống thuốc xong con tôi vẫn bình thường. Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ cháu bắt đầu có biểu hiện đi ngoài, cả đêm hôm đó hai vợ chồng phải thay nhau lo cho cháu và tiếp tục theo dõi. Sau khi theo dõi đến chiều 16/10 cháu vẫn không đỡ nên hai vợ chồng lại đưa con ra phòng khám của bác sĩ C. để thăm khám. Tại đây, bác sĩ nói hiện đang có dịch, nên chỉ cần truyền dịch là khỏi”, anh Dân nhớ lại.

Anh Dân thất thần sau nỗi đau mất con trai.

Tuy nhiên, sau khi truyền dịch được khoảng hơn 4 phút thì bé B. bắt đầu có triệu chứng tay phải phồng lên nên ngay lập tức gia đình gọi bác sĩ. Sau khi rút ven ở tay phải ra, bác sĩ C. nói với anh đợi một lúc sẽ truyền tiếp. Sau khi đi tiêm cho một số cháu khác xong, bác sĩ C. quay lại lấy ven ở chân phải và tiếp tục truyền dịch cho con trai anh.

“Truyền dịch được gần 10 phút thì con tôi tím tái, tôi gọi bác sĩ C. nhưng bác sĩ không có ở tầng 1. Sau khi chạy từ tầng 2 xuống, bác sĩ C. hô hấp nhân tạo cho con tôi rồi gọi xe taxi đưa vào viện, nhưng tới Bệnh viện Đức Giang bác sĩ nói cháu đã tử vong trước đó”, anh Dân đau đớn kể.

Hình ảnh bé B. trước khi qua đời.

Mất con trai quá đột ngột khiến vợ anh Dân bị sốc nặng. Theo anh Dân, từ trước đến nay con anh không mắc bệnh gì, mỗi khi thay đổi thời tiết anh vẫn thường đưa con đến phòng khám này thăm khám.

“Con tôi bị đi ngoài nhưng cháu vẫn tỉnh táo, ăn uống được và trước khi đi khám cháu còn cười đùa vẫy tay chào mọi người ở cùng xóm. Vậy mà xảy ra cơ sự này”, anh Dân nói.

Phòng khám nơi cháu B. điều trị trước đó.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thủy (36 tuổi, bác họ cháu B.) cho biết, bố mẹ cháu B. rất hoàn cảnh, hàng ngày bố cháu B. đi làm thuê, còn mẹ ở nhà làm việc vặt và trông con. Gia đình anh Dân có 3 người con, con cả năm nay lên lớp 4, sau khi sinh cháu đầu lòng vợ chồng anh Dân tiếp tục có với nhau một cháu trai. Nhưng năm 2015, con trai thứ 2 đã mất sau khi điều trị tiêu chảy. Đến bây giờ lại xảy ra chuyện đau lòng này.

Chị Thủy cho hay, trước khi đi thăm khám cháu B. vẫn rất tươi tỉnh, đùa nghịch. Cháu B. rất khỏe mạnh, ít khi bị ốm vặt. Bé B. rất kháu khỉnh lắm, chẳng mấy khi ốm đau.

Được biết, hiện cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong phòng khám của bác sĩ C. và đang tiếp tục điều tra nguyên nhân sự việc.

Nguồn tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, phòng khám bác sĩ C. có đủ giấy phép hành nghề theo quy định. Sự việc xảy ra gia đình chị Thuỷ cũng không muốn làm lớn chuyện. Tuy nhiên, gia đình bà C. không có thiện chí nên gia đình phải làm cho rõ ràng cái chết của cháu B.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất