Sắc màu Cuộc Sống

Vợ hiến tạng chồng chết não để cứu 5 người khác: 'Có người nói tôi bán tạng chồng, tôi chỉ nghĩ miễn anh còn tồn tại là được'

Vương Phi
Chia sẻ

"Có người nói tôi bán tạng chồng nhưng nào biết, đó là việc tình nguyện để cứu người. Chỉ cần một phần cơ thể anh vẫn còn sống, trái tim vẫn đập trong cơ thể khác có nghĩa là ở đâu đó, anh vẫn tồn tại", chị Nguyễn Phương Oanh - người vợ hiến tạng chồng chết não cứu được 5 người chia sẻ.

Ước một lần gặp những người nhận nội tạng của chồng, không phải vì muốn được cảm ơn mà để biết, cơ thể anh có bình an hay không?

Trước khi đến với anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989, Chương Mỹ, Hà Nội), chị Nguyễn Phương Oanh (SN 1990, Mỹ Đình, Hà Nội) từng có một đời chồng và cậu con trai 7 tuổi. Rồi một ngày như đã được duyên số sắp đặt, chị Oanh và anh Chính tình cờ gặp nhau trong một phiên chợ. Tròn 1 tháng sau kể từ lần gặp gỡ ấy, anh Chính ngỏ lời muốn cưới chị Oanh làm vợ.

Cuộc hôn nhân của họ vấp phải sự phản đối dữ dội từ 2 bên gia đình. Trong khi phía nhà trai lo chị Oanh đã có con riêng thì bố mẹ chị lại sợ con gái đã khổ một lần, lỡ đi thêm bước nữa lại khổ lần nữa thì khó có cơ hội được hạnh phúc, sung sướng.

Chị Oanh và anh Chính.

Nhưng rồi tình yêu của họ đã chiến thắng sự phản đối quyết liệt ấy. Tháng 3/2017, cả hai về chung một nhà. Đáng tiếc, cuộc hôn nhân những tưởng sẽ đem lại hạnh phúc dài lâu ấy lại diễn ra quá chớp nhoáng. Chưa đầy 2 năm sau, một vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi tính mạng anh Chính.

Đêm 6/3, sau một cuộc nhậu với bạn bè, anh Chính điều khiển xe máy về nhà ở Chương Mỹ. Chuyến đi ấy làm chị Oanh thấp thỏm lo âu. Cách 25 phút, chị lại điện thoại nhắc chồng nhưng rồi chuyện không may vẫn chẳng thể tránh nổi.

0h45 phút, một cuộc điện thoại không phải từ anh Chính gọi đến báo một tin sét đánh ngang tai. Từ Mỹ Đình, chị Oanh đi thẳng về viện Đa khoa Chúc Sơn (Chương Mỹ). Anh Chính nằm đó, đôi mắt đã nhắm nghiền, chẳng thể mở ra nhìn chị Oanh thêm một lần nào nữa.

Không chấp nhận để mất chồng, chị Oanh xin chuyển và lên Đa khoa Hà Đông. Kết quả xét nghiệm rất xấu, bác sĩ khuyên gia đình nên cho anh về. Chị Oanh tiếp tục đưa anh lên BV Việt Đức và kết quả vẫn chỉ như vậy. Gia đình nói nên để anh về, ra đi cho thanh thản nhưng chị Oanh cứ nấn ná thêm vài giờ.

“Chị không muốn cho anh về một chút nào vì về là chắc chắn sẽ chết, ít nhất ở viện, được cấp cứu, được chăm sóc, trái tim anh vẫn còn đập“.

Sau 1 ngày về nhà thở oxy, sức khỏe anh Chính khá lên. Chị Oanh đưa anh từ Chương Mỹ trở lại Việt Đức. Tuy nhiên, do đi đường xa, sức khỏe anh lại xấu đi và sau đó thì não chết hoàn toàn. Ở bệnh viện, đồng tử anh Chính giãn ra, tim và phổi đều cần sự can thiệp của máy móc mới có thể duy trì được. Đó cũng là lúc chị Oanh nghĩ đến việc hiến tạng chồng để cứu người.

Anh Chính cùng con gái 14 tháng tuổi.

Mất vài tiếng để thuyết phục gia đình 2 bên nội ngoại đồng ý, anh Chính sau đó được đưa vào chăm sóc đặc biệt, chờ mổ lấy tạng. “Lúc đó, một y tá nói với chị, có nhiều bệnh nhân khi vào phòng đặc biệt này sẽ tốt lên, tăng điểm sống và dần dần còn có thể cứu được. Vậy là chị hy vọng ghê lắm. Vào đến phòng đó, sau khi dùng các loại thuốc, cơ thể anh hồng hào trở lại, đẹp đẽ như lúc còn khỏe. Tai nạn chỉ gây tổn thương vùng não còn toàn bộ cơ thể anh vẫn lành lặn”.

Đã ký vào đơn đồng ý hiến tạng chồng nhưng đến khi chứng kiến những điều kỳ diệu ấy xảy ra, chị Oanh lại yêu cầu các bác sĩ dốc sức cứu anh Chính. 5 bệnh nhân nguy kịch đang chờ mổ ghép tạng phải tiếp tục chờ thêm. Cứ 6 tiếng 1 lần, các bác sĩ lại test lại điểm sống và não bộ của Chính nhưng kết quả lần nào cũng là không còn một mạch máu nào hoạt động.

Đến sáng ngày 9/3, anh Chính được đẩy vào phòng mổ lấy tạng. Khoảnh khắc kíp bác sĩ thông báo rút ống thở, chị Oanh nắm chặt tay anh, đưa bàn tay ấy áp lên bụng mình. Ở đó, có giọt máu của anh chưa đầy 2 tháng đang lớn lên từng ngày. Rồi khi ống thở được rút, các bác sĩ và gia đình đứng cúi đầu một phút mặc niệm. Cảnh tay chị Oanh buông khỏi tay anh Chính, bóng dáng anh khuất dần sau phòng mổ lấy tạng. Đó là lần đầu tiên, chị Oanh cảm thấy bất lực tột cùng vì dù đã cố gắng cách nào, anh Chính vẫn không thể tỉnh lại. Từ sau cú ngã đập đầu xuống đường vì tránh chiếc xe bò đi ngược chiều, anh Chính chưa từng tỉnh dậy, mở mắt nhìn chị Oanh hay nói thêm lời nào với chị. Cái chết ấy đến quá đột ngột và khiến chị không thể nào chấp nhận nổi.

Nội tạng của anh Chính cứu được 5 người, trong đó có một bé gái 8 tuổi.

Nội tạng của anh Chính sau đó đã cứu được 5 người trong đó, gan của anh được chia ra để ghép cho hai người là một bé 8 tuổi và một 49 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam lá gan của người hiến được chia làm hai.

Vậy mà hơn 10 ngày kể từ sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, nhiều người vẫn không ngừng chỉ trích chị Oanh bán tạng chồng. Họ nói anh đã về đến nhà, chờ ra đi thanh thản thì lại bị vợ đẩy quay lại bệnh viện để bán tạng kiếm tiền. Có người lại xôn xao nói chị hiến tạng thế để được nhận trợ cấp, để được người nhận tạng hỗ trợ nuôi con…

Giá mà chị biết ai là người nhận tạng anh ấy”, chị Oanh thở dài. Vì quy định nhân đạo, gia đình người hiến và người được hiến đều không biết thông tin gì về nhau. “Người ngoài sẽ chẳng thể hiểu được mình hiến tạng chỉ là tình nguyện cứu người mà thôi, đâu có nhận được tiền bạc. Với lại, chị chỉ nghĩ, nếu anh mất mà có thể cứu được 5 người thì chắc ở thế giới bên kia, anh cũng vui lắm. Nếu anh ra đi mà một phần cơ thể anh vẫn sống, trái tim vẫn còn đập, dù là ở trong một cơ thể khác thì có nghĩa là đâu đó trên thế gian này, anh vẫn tồn tại, chưa hoàn toàn tan biến vào cát bụi.

Chị nghe người ở trung tâm ghép tạng nói 5 người nhận tạng từ anh đang phục hồi tốt. Nhiều lúc chị chỉ mong gặp họ 1 lần, không phải để nhận lời cảm ơn mà chỉ để biết, một phần cơ thể anh có khỏe không, có bình an không

Anh có thế nào em vẫn sẽ bên anh. Ảnh minh hoạ.

“Chị từng nguyện đánh đổi 30 năm tuổi thọ để cho anh một năm sống sót, dù chỉ là trên giường bệnh”

Gần 2 ngày từ sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, anh Chính liên tục được bác sĩ tiên lượng xấu và dự đoán, cái chết là điều chắc chắn 99,9%. Nhưng trong suốt khoảng thời gian ấy, dù tất cả gia đình có thể tin vào kết luận này thì chị Oanh vẫn không tin. Bất chấp thang điểm sống của anh Chính chỉ là 3/100, chị Oanh vẫn kiên trì đưa anh đi từ viện này đến viện khác, từ quê quay lại Việt Đức vì mong anh có thể sống, dù chỉ là 1-2 ngày.

Chị Oanh hiện đang làm thay chồng công việc ở quán vịt quay gần bế xe Yên Nghĩa.

Nhìn chồng nằm lặng lẽ trên giường bệnh, tay chân chỉ bị xước nhẹ, vẫn lành lặn… chị ước gì có thể đánh đổi 30 năm tuổi thọ của mình chỉ để cho anh 1-2 năm sống tiếp, cho dù có thể bị liệt, phải nằm trên giường… bất luận thế nào miễn là anh còn sống.

Cho đến khi bác sĩ ở Việt Đức nói với chị anh không qua được đâu, chị vẫn không muốn đưa anh về. Chị nghĩ, chỉ cần anh ở viện, được thở oxy thì tim vẫn đập, vẫn còn hy vọng đúng không? Em biết không, cho đến lúc chị đồng ý để bác sĩ đưa anh vào phòng mổ lấy tạng là lúc điểm sống đã về 0/100, nhịp tim đã yếu dần, dù có máy hỗ trợ cũng không thể duy trì được nữa”.

Nhưng người ngoài không hiểu rõ sự tình, họ khó có thể cảm thông cho chị Oanh bởi theo quan niệm tâm linh, chết không toàn thây là một sự ra đi đau đớn. “Ban đầu chị cũng suy nghĩ rất nhiều nhưng rồi nghĩ, người ngoài nghĩ thế nào không quan trọng, miễn là tâm mình thanh thản, mình làm đúng”.

Khi anh Chính ra đi, đứa con gái của anh và chị Oanh chỉ mới 14 tháng tuổi. Nhìn ban thờ bố, cô bé còn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. “Bé thậm chí còn không biết đã mất bố và vẫn khóc đòi bố. Cả đứa bé trong bụng chị còn chưa kịp sinh ra đã mất bố“, chị Oanh nói. 2 lần đò, chị Oanh cũng không thể ngờ cuộc đời mình lại phải trải qua nhiều cay đắng đến thế. Có đôi lúc nghĩ về tương lai không còn anh Chính kề bên, phải tự mình nuôi 3 con nhỏ, chị Oanh lại thấy lạc lõng, bơ vơ.

Nhưng buồn mãi thì sao? Anh ấy sẽ không thể trở về. Chị phải sống tiếp để nuôi con. Nhìn con gái khóc gọi bố chị thương vô cùng, nếu chị cũng gục ngã nữa thì chị không thể tưởng tượng các con sẽ ra sao”.

2 năm hôn nhân ngắn ngủi đếm từng ngày bên nhau và bao mộng ước còn dang dở

Gặp nhau khi chị Oanh đã phải chịu quá nhiều tổn thương từ cuộc hôn nhân trước, anh Chính hết lòng yêu thương vợ và con riêng của chị. Lấy nhau bất chấp bao ý kiến phản đối, sự mạnh mẽ chở che của anh Chính luôn làm chị Oanh thấy an lòng. Họ đã dự định cùng nhau làm rất nhiều việc nhưng chưa kịp thực hiện thì anh Chính đã rời bỏ cuộc sống này.

“Lúc còn sống, anh ấy luôn ao ước đưa vợ con vào Nam chơi một chuyến nhưng chưa kịp đi… Bọn chị còn định mở rộng cửa hàng…”, chị Oanh kể. 2 năm lấy nhau nhưng số ngày ở cạnh nhau có thể đếm rõ trên đầu ngón tay vì tuần nào nhiều nhất, họ cũng chỉ gặp nhau 2 lần.

Đứng trước sự phản đối của gia đình khi quyết định kết hôn với chị Oanh, anh Chính luôn là người mạnh mẽ, quyết đoán, che chở khiến chị yên tâm.

Vì cuộc sống mưu sinh, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên hàng ngày, anh Chính thường cùng em trai bán vịt quay ở gần bến xe Yên Nghĩa rồi lại đi xe máy về Chương Mỹ ngủ qua đêm còn chị Oanh bán vịt ngoài chợ gần nhà ngoại ở Mỹ đình và về đó sinh hoạt.

Vì ít gặp nhau, nên mỗi khi được ở bên, vợ chồng đều rất trân trọng. “Chị vẫn thường cảm ơn trời đất vì sau cuộc hôn nhân trước, chị đã gặp được người thương mình thật lòng”. Gia đình anh Chính khó khăn, bố và anh trai chồng đều bị bệnh tâm thần bẩm sinh, ông nội chồng bị tai biến nằm liệt giường nhưng chị Oanh vẫn rất mực thương yêu. 2 vợ chồng cứ nghĩ lấy nhau rồi sẽ chung sức làm ăn, đỡ đần bố mẹ 2 bên nội ngoại và chăm sóc con cái nhưng không, cuộc đời đúng là chẳng ai có thể tính trước được điều gì.

Tìm thấy người yêu thương mình chân thành thì người ta lại chẳng ở với mình được lâu“, chị Oanh nói. “Cách đó vài tháng, bà nội chồng chị mất, người nhà lo sẽ trùng tang vì ông nội chồng cũng bị tai biến, ốm ngày càng nặng. Không ai có thể ngờ, đúng là gia đình trùng tang nhưng người mất không phải là ông nội chồng mà lại chính là anh Chính”.

Anh vẫn mãi là một phần trong gia đình hạnh phúc của em. Ảnh minh hoạ.

Chị Oanh nói rằng khi còn sống, anh Chính là người rất lạc quan, đối xử tốt với tất cả mọi người nên khi anh ra đi, chị cảm thấy dường như anh cũng muốn được hiến tạng, cứu người. Điều chị mong mỏi nhất lúc này là sau ca phẫu thuật cấy ghép, một phần cơ thể anh sẽ tiếp tục sống khỏe mạnh trong cơ thể những người được hiến tặng.

“Và chị cũng mong được gặp họ, tận mắt thấy họ khỏe mạnh, vậy thôi. Ở nơi này, chị sẽ cầu nguyên cho anh được yên lòng siêu thoát, yên tâm rằng các con sẽ có chị cùng gia đình nội ngoại chăm sóc. Mỗi lần ra đường, nhìn trời xanh, mây trắng, chị lại không thể tin là anh đã ra đi, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc anh đã cứu được 5 người, chị lại nghĩ: Đúng rồi, anh vẫn chưa mất đi vì ở đâu đó, một phần cơ thể anh vẫn còn tồn tại khỏe mạnh“.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin mới nhất