Vì sao tháng 7 âm lịch lại được gọi là 'tháng cô hồn'?

An Nhiên (Tổng Hợp)
Chia sẻ

Chỉ vài ngày nữa là đến tháng 7 âm lịch, người Việt xem đây là tháng đáng sợ nhất trong năm. Theo quan niệm dân gian, con người sau khi chết sẽ trở thành những vong hồn nên có tục lệ cúng “cô hồn” trong tháng 7 âm lịch để không bị quấy phá.

Nếu ở các nước phương Tây, ngày Halloween hàng năm là ngày ma quỷ thì trong văn hóa Á Đông, rằm tháng 7 âm lịch được mặc định là “ngày của những vong hồn”. Theo quan niệm dân gian, người ta tin rằng khi chết con người sẽ trở thành những vong hồn. Nếu lúc sống làm được nhiều điều tốt vong hồn sẽ được luân hồi, còn ngược lại thì bị đày xuống địa phủ, hoặc sống vất vưởng ở nhân gian. Vì thế, tục lệ cúng “cô hồn” ra đời để cầu cho gia đình không bị các vong linh quấy phá.

Tháng cô hồn theo truyền thuyết

Dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ cổ tích Trung Quốc. Cũng như trên trần thế, có vua cai quản đất nước, người Trung Quốc tin rằng, thế giới sau khi chết cũng sẽ có người cai quản - đó chính là Diêm Vương. Vào ngày 2/7 âm lịch đến 12h đêm ngày 14/7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra, đến khi kết thúc các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan.

Nước ta qua quá trình giao thoa văn hóa với Trung Quốc, tục cúng cô hồn vào tháng 7 cũng được áp dụng tới tận hôm nay. Đó chính là lý do vì sao tháng 7 âm lịch thường được xem là “tháng cô hồn”.

Với quan niệm tháng 7 âm lịch ở trần gian có rất nhiều vong hồn, ma quỷ, quỷ đói… nên người dân cúng cháo, gạo, muối…và hạn chế đi ra đường đêm để không bị xui xẻo, muộn phiền. Tục lệ cúng này thường được kéo dài suốt tháng “cô hồn”.

Tháng xá tội cho linh hồn tội lỗi theo Phật giáo

Khác với các giải thích của cổ tích Trung Quốc, trong Phật giáo, tháng 7 âm lịch thiên về các vong hồn và có phần nhân văn hơn.

Trong tích của kinh Phật kể rằng, một đệ tử Phật khi đang thiền thì gặp vong hồn quỷ đói. Con quỷ này bảo rằng nếu không cứu đói nó thì nó sẽ không luân hồi được và hại chết người để được đầu thai. Chính vì thế, Phật liền soạn ra một bài kinh để mở đường, dẫn lối siêu thoát cho quỷ dữ, để chúng không gây hại cho bá tánh trên thế gian.

Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…

Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận.

Ngoài ra, trong số những cô hồn quấy phá người dân, dân gian thường xuyên nhắc đến quỷ đói (ngạ quỷ). Trong các thuyết Phật giáo, người ta cho rằng, ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.

Tín ngưỡng dân gian cũng lưu truyền một sự tích khác về quỷ đói. Tương truyền có một gia đình nọ giàu có nhờ bán nước mía. Một hôm, có một nhà sư tới xin nước mía về để chữa bệnh. Người chồng đi vắng, dặn vợ ở nhà tiếp đãi nhà sư cẩn thận.

Nhưng bà vợ tham lam, keo kiệt đã lén đi tiểu vào bát của nhà sư, sau đó trộn chung với nước mía. Nhà sư tinh thông biết chuyện, đã đổ bát nước đi và bỏ về. Sau này, người vợ chết đi, do tội lỗi của mình nên bị đầu thai thành thứ quỷ luôn luôn đói khát, sống ở nơi bẩn thỉu, nhớp nhúa, gọi là quỷ đói.

Chia sẻ

Bài viết

An Nhiên (Tổng Hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất