Sắc màu Cuộc Sống

Vì sao Tân Sơn Nhất bị xếp 'bét bảng' về chất lượng dịch vụ?

Theo Zing
Chia sẻ

Lượng khách tăng quá cao so với công suất thiết kế, nhiều khu vực luôn trong tình trạng đông đúc khiến sân bay Tân Sơn Nhất bị xếp cuối bảng về điểm trung bình chất lượng dịch vụ.

Cục Hàng không vừa công bố kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ tại 6 sân bay trong nước gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc và Cát Bi. Khảo sát được tiến hành từ tháng 10 - 12/2018. Theo đó, sân bay Tân Sơn Nhất xếp cuối về điểm trung bình chất lượng.

Các điểm số thấp nhất của sân bay Tân Sơn Nhất thể hiện tại 6 trong số 7 nhóm tiêu chí đánh giá, chỉ cao hơn sân bay Phú Quốc tại mục phòng chờ sân bay. So với năm 2017, các cảng hàng không đều tăng điểm, trừ Tân Sơn Nhất.

Tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, có tới 4 tiêu chí giảm điểm là nhà ga đến, nhà ga đi, phương tiện giao thông công cộng và khu vực phòng chờ ra tàu bay.

Theo Cục Hàng không, lý do giảm điểm của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là lượng khách tăng cao, đạt trên 38 triệu khách, trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu. Về tổng thể, điểm trung bình các tiêu chí tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất không đổi so với năm 2017.

Thời gian qua, nhất là vào các thời điểm lễ, Tết, các khu vực cửa đón ga đến quốc nội, quốc tế của sân bay này luôn trong tình trạng quá tải. 

Cảnh tượng hàng nghìn người chen chúc nhau chờ, đón người thân từ nước ngoài về quê vào dịp Tết Nguyên đán diễn ra hàng năm.

Ở tiêu chí khu vực làm thủ tục hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất tăng điểm so với năm 2017 khi được cải thiện với việc thêm nhiều quầy làm thủ tục bên cạnh check-in bằng cột riêng, check-in online.

Tuy nhiên, vào nhiều thời điểm, nhất là dịp lễ, Tết, khu vực nhà ga đi tại ga quốc nội lại luôn đông đúc, chật chội. Đây là 1 trong 4 tiêu chí bị giảm điểm trong năm nay của sân bay này ngoài tiêu chí ga đến, phương tiện giao thông công cộng và khu vực phòng chờ ra tàu bay.

Sân bay này được đánh giá tăng điểm so với năm trước ở tiêu chí khu vực soi chiếu an ninh, khu vực xuất nhập cảnh nhưng vẫn xếp cuối khi so với 5 sân bay còn lại.

Khu vực soi chiếu an ninh của hãng hàng không Vietnam Airlines vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng khách phải xếp thành nhiều hàng dài, mất nhiều thời gian mới đến lượt.

Vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2019, tại khu vực soi chiếu an ninh của hãng Vietjet Air, nhiều thời điểm hàng nghìn hành khách phải xếp thành nhiều hàng kéo đến ga đến quốc tế để chờ làm thủ tục.

Khu vực phòng chờ ra tàu bay của sân bay Tân Sơn Nhất là tiêu chí bị giảm điểm so với năm ngoái. Đây là khu vực duy nhất của sân bay trong 7 khu vực chỉ cao hơn sân bay Phú Quốc.

Hầu hết nhiều khu vực liên quan đến hạ tầng của sâu bay bay này luôn trong cảnh đông đúc vì lượng hành khách qua lại tăng 6,4% so năm 2017.

Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025, trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách mỗi năm.

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga hành khách T3 và các công trình phụ trợ để khắc phục quá tải hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, ACV đề xuất xây dựng công trình trên với công suất thiết kế 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2. Nhà ga sẽ được trang bị nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại.

Khu vực phương tiện giao thông công cộng cũng là một tiêu chí bị giảm điểm của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bên trong sân bay, khu vực trước cửa đi và đến ga quốc nội lẫn quốc tế các loại ôtô, xe khách, xe buýt phải di duyển rất chậm để đón trả khách. Tình trạng các phương tiện dừng chờ quá 3 phút, gây ách tắc, lộn xộn thường xuyên xảy ra.

Ngoài xe cá nhân, taxi, xe công nghệ, phương tiện giao thông công cộng duy nhất kết nối với sân bay này là các tuyến xe buýt. Hiện tại có các tuyến xe buýt vận chuyển hành khách đi - đến bay như :109 (lộ trình công viên 23/9 - sân bay TSN), 119 (lộ trình sân bay TSN - Bến xe miền Tây), 49 (lộ trình sân bay TSN - quận 1) và 152 (lộ trình Bến Thành - sân bay TSN).

Bên cạnh đó, trước cổng sân bay thời gian qua được xây dựng cầu vượt nhưng vẫn thường xuyên phải chịu áp lực giao thông rất lớn từ các hướng ra vào.

Bảng đánh giá dựa trên kết quả tổng hợp 25.000 phiếu khảo sát với 25 tiêu chí đánh giá về sự hài lòng của hành khách đối với 7 khu vực cảng hàng không, gồm: nhà ga đi; nơi làm thủ tục hàng không; điểm soi chiếu an ninh; xuất nhập cảnh; phòng chờ ra máy bay; nhà ga đến và phương tiện giao thông công cộng.

Ở tất cả tiêu chí, hành khách đều đánh giá chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi đứng vị trí cao nhất với điểm trung bình đạt 4,56 điểm. Tiếp theo lần lượt là cảng hàng không Cam Ranh (4,31 điểm), Đà Nẵng (4,23 điểm), Nội Bài (4,22 điểm), Phú Quốc (4,04 điểm). Đứng cuối bảng là cảng hàng không Tân Sơn Nhất với số điểm là 3,96 điểm.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất