Sắc màu Cuộc Sống

Vì sao siêu bão Linda từng khiến hơn 3.000 người Việt Nam thương vong?

Vương Phi
Chia sẻ

Bão Linda từng đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Bộ với sức gió mạnh cấp 8-9 nhưng đã khiến hơn 3.000 người thương vong. 20 năm sau, chúng ta đã chuẩn bị gì để đối phó với Tembin - cơn bão được dự báo còn mạnh hơn cả thảm họa thế kỷ Linda.

“Bão đến nhiều người còn hồ hởi kháo nhau đi xem”

Đã 20 năm trôi qua, những ký ức kinh hoàng do thiệt hại của cơn bão Linda gây ra cho 21 tỉnh thành các tỉnh phía Nam vẫn còn ám ảnh. Đây được đánh giá là cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam trong ít nhất 100 năm qua.

Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là dù chỉ mạnh cấp 8-9 nhưng tại sao bão Linda xuất hiện năm 1997 lại gây ra thảm họa kinh hoàng đối với người dân Nam Bộ như vậy?.

Cơn bão Linda đã tàn phá nặng nề các tỉnh Nam bộ. Ảnh minh họa.

Trả lời báo chí, ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người trực tiếp chỉ đạo ứng phó với cơn bão Linda năm 1997 cho biết: “Nếu so với các cơn bão đổ bộ miền Trung hay miền Bắc thì bão Linda chưa phải mạnh nhất nhưng bão lại đổ bộ vào khu vực miền Nam, khu vực mà hàng trăm năm nay chưa phải đón nhận bão. Hơn nữa, bão lại đổ bộ vào vùng tàu bè neo đậu tập trung, dân cư đông đúc và cơ sở vật chất ứng phó bão có hạn”.

Tuy nhiên, ông Ngọ cũng không phủ nhận, bão Linda gây thảm họa còn do yếu tố chủ quan của chính quyền và người dân. “Chúng tôi đã yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương gọi điện đến tất cả lãnh đạo địa phương để cảnh báo, nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng“. “Nhiều người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì vì vùng đất này cả trăm năm nay bình yên, chưa hề có khái niệm về bão”, ông Ngọ nói thêm.

Bão Linda làm hàng nghìn người chết và mất tích ở nơi mà con người hàng trăm năm sống trong bình yên. Nghe tin bão đổ bộ vào Cà Mau, nhiều người cho đó là chuyện đùa vì bão chỉ có ở miền Trung, miền Bắc còn Nam bộ thì không thể có bão. Sự chủ quan đồng nghĩa với việc họ lơ là trong khâu phòng bị trước khi bão đến, dẫn đến thiệt hại khôn lường.

Khẩn trương ứng phó với bão Tembin

Ứng phó bão Tembin, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành công văn khẩn, đề nghị các Ban ngành tập trung cao độ, lo chuẩn bị mọi mặt, thậm chí sẵn sàng đương đầu với kịch bản xấu nhất, rằng Tembin có thể mạnh, gây rủi do ở cập 5 - cấp thảm họa.

Những hình ảnh tang thương khi bão Tembin đổ bộ vào Philipines.

Cơ quan Khí tượng cũng nhận định, đặc điểm khá bất thường của cơn bão này là hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây của vị trí tâm bão. Vì vậy, vùng mưa và gió mạnh nhất tập trung ở phía Bắc và phía Tây của tâm bão.

Nghĩa là dù bão có đổ bộ vào Cà Mau thì vùng gió mạnh vẫn ảnh hưởng đến tận Nam Bình Thuận, Vũng Tàu, kể cả khi bão giảm cấp khi đến Trường Sa rồi vào bờ, thì mây bão tan nhanh cũng sẽ gây nên mưa lớn với lượng 150-200mm từ đêm 25 đến hết ngày 26.12. Bão cũng có thể gây sóng cao đến 10m ở khu vực Trường Sa, ngoài khơi Bình Thuận đến Cà Mau.

Vì vậy, ngay từ ngày 22.12, công tác di dân đã cấp tập được tiến hành. Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tại Philippines, cơn bão khiến hơn 70.000 người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 50.000 người hiện phải sống tại các khu trú tránh. Truyền thông Philippines đưa tin cả một ngôi làng đã bị xóa sổ vì nước sông dâng cao, cuốn trôi hết nhà cửa.

Ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết, sáng 24.12, huyện vừa thực hiện nhiều công tác ứng phó với bão Tembin, trong đó đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi và cho hơn 20.000 học sinh nghỉ học từ ngày 25.12 đến hết bão.

Sáng nay, UBND huyện Phú Quốc đã cấm tất cả tàu cá ra khơi; đồng thời đã thông báo cho tất cả HS trên đảo nghỉ học từ 25/12 đến hết bão.

Tại TP HCM, chính quyền đã lên kế hoạch sẵn sàng di dời 5.000 dân và ban hành lệnh cấm biển. Ngoài H.Cần Giờ - khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề, những khu vực có nguy cơ sạt lở cao khác như H.Nhà Bè, H.Bình Chánh, Q.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh, Q.2… cũng đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động quyết định sơ tán dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố.

Ngoài TP HCM, huyện Phú Quốc… nhiều địa phương khác như Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang… cũng đã ban lệnh cấm tàu thuyền ra khơi.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 6h ngày 23.12, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện không còn phương tiện nào hoạt động trong phạm vi từ Vĩ độ 4,0 - 7,0 độ Vĩ Bắc và phía Đông Kinh tuyến 102 - 107 độ Kinh Đông.

Bão số 16 chụp qua vệ tinh. Ảnh: NCHMF.

Cùng với việc di dân, cấm tàu thuyền, neo đậu những tàu về đất liền vào nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, bảo vệ lồng nuôi cá… Đại diện Bộ Tư lệnh cũng cho biết, đơn vị này đã huy động 137.799 cán bộ, chiến sĩ với 4.429 phương tiện các loại để cùng với nhân dân ứng phó với bão Tembin sắp đổ bộ.

Hiện tại, mọi công tác tiến hành ứng phó bão Tembin vẫn đang gấp rút được tiến hành. Chính quyền và người dân Nam Bộ đang sẵn sàng ứng phó trước tình huống Tembin có thể mạnh hơn bão Linda và gây rủi do thiên tai ở cấp thảm họa.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 16. Dữ liệu: NCHMF. Đồ hoạ: Nhân Lê.

Lịch sử 20 năm trước nhắc chúng ta không thể chủ quan. Cơn bão Tembin mặc dù được dự báo mạnh hơn nhưng chắc chắn sự chuẩn bị, phòng tránh sẽ giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn cho mọi người đến mức tối đa.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất