Sắc màu Cuộc Sống

Vì sao nhân tài 'rũ áo ra đi'?: 'Trải thảm đỏ' trả lương nhân tài 150 triệu đồng/tháng, vẫn ‘khát’ nhân lực

Theo Thanh Niên
Chia sẻ

TP.HCM từng 'trải thảm đỏ' mời chuyên gia, nhà khoa học với mức lương lên đến 150 triệu đồng/tháng nhằm giải quyết tình trạng 'khát' nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều năm vẫn không phát huy được tác dụng trên thực tế.

TP.HCM trải thảm đỏ thu hút nhân tài để nâng cao nguồn nhân lực. ẢNH: ĐÌNH PHÚ

TP.HCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ; là đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng đối với khu vực và cả nước với quy mô dân số hơn 10 triệu dân và gần 300.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Chính sách thu hút nhân tài từng bị “chết yểu”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong giai đoạn trước đây, để kịp thời giải quyết tình trạng “khát nhân lực” ở các đơn vị khoa học trọng điểm, TP.HCM đã áp dụng một số chính sách thu hút đặc thù từ năm 2014, như Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học, với mức thù lao chi trả cho mỗi chuyên gia theo thỏa thuận với mức lương lên đến 150 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các chính sách này chưa đạt được kết quả đột phá như mong muốn. Trong 4 năm (2014 - 2017), TP.HCM mới chỉ thu hút được 15 chuyên gia. Trong số này có 5 chuyên gia người nước ngoài; 2 người Việt và 8 người Việt đang định cư ở nước ngoài. Đến nay chỉ còn lại khoảng 10 trường hợp đang tiếp tục công tác.

Nguyên nhân của thực trạng “chết yểu” này, theo đánh giá của UBND TP.HCM, việc phát hiện, thu hút chuyên gia chủ yếu phụ thuộc vào sự chủ động tìm kiếm và đề xuất của cơ quan, đơn vị có nhu cầu thuê nên chất lượng tuyển chọn chưa đồng đều. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dù đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, đặc biệt là thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có uy tín ở các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, trường đại học nước ngoài…

Đặc biệt, việc tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thông tin, đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp phù hợp cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chưa được quan tâm, triển khai đồng bộ nên hiệu quả mời gọi và sử dụng nhân lực chuyên gia còn thấp, việc giữ chân nhân tài và hạn chế chảy máu chất xám là vấn đề lớn và khó khăn đang đặt ra đối với TP.HCM.

Khu vực công thuộc TP.HCM cần bổ sung nhân tài để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Xây dựng TP.HCM là nơi hội tụ tinh hoa

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, để xây dựng TP.HCM là nơi hội tụ tinh hoa, trí tuệ và phát huy nhân tài của đất nước cũng như khu vực, nhất thiết phải có chính sách đồng bộ và đột phá hơn nữa về phát huy yếu tố con người trong điều kiện nền kinh tế tri thức hiện nay

Để chính sách thu hút nhân tài không bị “chết yểu”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định ngoài hàng loạt chính sách ưu đãi, TP.HCM sẽ tập trung tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên ngành cho các trường đại học, trung tâm nghiên cứu; giới thiệu, tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà khoa học dễ dàng tiếp cận và sử dụng chung phòng thí nghiệm của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu nhằm khai thác hiệu quả kinh phí đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Các chuyên gia, nhà khoa học ưu tiên được sử dụng miễn phí phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu, thư viện… của thành phố phục vụ công tác nghiên cứu.

UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở, tăng cường dân chủ, tiếp thu các ý kiến xác đáng của chuyên gia, nhà khoa học; tạo mọi điều kiện cho chuyên gia, nhà khoa học tiếp cận, khai thác thông tin, tài liệu chuyên ngành phục vụ hoạt động chuyên môn và nghiên cứu khoa học, các tài liệu thuộc bí mật nhà nước khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Định kỳ 3 tháng, cơ quan, đơn vị sử dụng chuyên gia, nhà khoa học chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá, thẩm định tiến độ hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết và chất lượng các công trình nghiên cứu do các chuyên gia, tổ chuyên gia thực hiện.

Nhiều ưu đãi trong chính sách mới áp dụng

Theo đề án thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học mà TP.HCM áp dụng từ 31.5.2018, TP.HCM trợ cấp ban đầu (chỉ áp dụng 1 lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên) để khuyến khích và ổn định công tác là 100 triệu đồng đối với các chuyên gia, nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư (kèm lương bậc 2, hệ số 9,40 tính theo hệ số của Bảng lương Chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ); các trường hợp còn lại được hưởng mức trợ cấp ban đầu là 80 triệu đồng (kèm lương bậc 1, hệ số 8,80).

TP.HCM trợ cấp ban đầu cho nhân tài từ 80-100 triệu đồng, được xem xét bố trí nhà công vụ

Ngoài các khoản thù lao theo quy định pháp luật, mức phụ cấp khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà chuyên gia, nhà khoa học được hưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có thể lên đến 1,5 tỉ đồng/người/công trình nghiên cứu.

Đặc biệt, đối với các chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu nhà ở thì được xem xét bố trí nhà ở công vụ, nhà ở dành cho đội ngũ chuyên gia trong trường hợp cơ quan, đơn vị có nguồn quỹ nhà công vụ theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp cơ quan, đơn vị không bố trí được nhà công vụ thì chuyên gia, nhà khoa học được xem xét, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở và số tiền hỗ trợ không vượt quá 7 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Thanh Niên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất