Sắc màu Cuộc Sống

'Vẫn nhiều giảng viên khuyến khích sinh viên photo giáo trình cho tiết kiệm'

Cường Ngô
Chia sẻ

Một số trường đại học không quy định ràng buộc phải dùng bản gốc hay photo nên sinh viên mặc nhiên coi việc dùng sách in lại là chuyện bình thường.

Những ngày qua, thông tin Đại học Luật TP HCM kỷ luật một sinh viên mang giáo trình photo vào trường gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, ban đầu hội đồng kỷ luật quyết định đình chỉ một năm học với nữ sinh này. Tuy nhiên, trước sức ép của cư dân mạng, chiều ngày 15/2, lãnh đạo trường đã họp và có quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với sinh viên đó.

Nhà trường khẳng định hành vi của sinh viên N.T.N.A đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, việc xử lý là cần thiết, hình thức xử lý và mức áp dụng kỷ luật là phù hợp và đúng mực.

Sau sự việc này, dư luận nổ ra những tranh cãi trái chiều về việc sử dụng giáo trình.

Sinh viên nói về việc sử dụng sách photo trong học tập.

“Cơ sở kinh doanh sách photo sai, sinh viên không có tội”

Theo khảo sát của Saostar tại một số trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội, việc sinh viên sử dụng sách photo để học tập rất phổ biến. Những cuốn giáo trình photo từ các môn đại cương đến chuyên ngành được bày bán tràn lan trong các cửa hàng photocopy. Sở dĩ sinh viên “chuộng” sách photo vì giá rẻ hơn 1 nửa so với sách in, dễ mua, đồng thời vẫn đảm bảo lượng kiến thức phục vụ học tập, nghiên cứu và thi cử.

Sinh viên nhiều trường đại học sử dụng sách photo để phục vụ học tập.

Bạn Nguyễn Thị Huyền (sinh viên năm 2, trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng ai là sinh viên đều ít nhất một lần sử dụng giáo trình photo và đây không phải là vấn đề tiêu cực trong giáo dục. “Tôi thấy việc này không xấu. Bởi nhiều khi sinh viên không có tiền để đầu tư giáo trình gốc. Mỗi kỳ chúng tôi phải học 8-9 môn, tương ứng với số lượng giáo trình. Có những giáo trình học xong không đụng lại rất lãng phí“, bạn Huyền cho hay.

Trong đoạn video khảo sát về vấn đề “quan điểm của sinh viên trong việc sử dụng sách photo phục vụ học tập” do PV Saostar thực hiện, nhiều sinh viên thừa nhận tình trạng sử dụng giáo trình photo khá thường xuyên. Phần lớn các cuốn giáo trình là chữ viết và sơ đồ, không có nhiều tranh ảnh nên sử dụng sách photo không khó khăn hay ảnh hướng đến việc tiếp thu kiến thức.

Nhiều sinh viên các trường CĐ, ĐH tại Hà Nội cho biết ít nhất một lần học giáo trình photo.

Sinh viên Trần Văn Long (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho hay: “Tôi nghĩ nên dùng giáo trình photo bởi học xong nhiều sinh viên cũng không sử dụng lại nữaViệc sử dụng sách photo có thể ảnh hưởng đến nhà xuất bản nhưng với sinh viên thì sẽ không nghĩ đến lợi nhuận của người khác. Phần đông sinh viên cho rằng mua được cái gì vừa rẻ vừa tiết kiệm, trong khi kiến thức vẫn như vậy là tốt”.

Còn bạn Phạm Mai Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) thẳng thắn: “Những ai copy kiến thức của người khác để phục vụ mục đích thương mại, kinh doanh mới vi phạm pháp luật, còn copy với mục đích học tập thì không sao cả. Trong vấn đề này có sai thì chỉ những cơ sở kinh doanh photocopy sai còn sinh viên không có tội”.

Sinh viên cho rằng việc sử dụng sách photo là bình thường.

Lý do sinh viên “chuộng” sách photo vì giá thành rẻ.

Theo một số sinh viên, có nhiều trường đại học, giảng viên của họ còn khuyến khích việc sử dụng giáo trình photo trong học tập. Nhiều môn học không nhất thiết phải lệ thuộc vào một giáo trình cụ thể mà cần huy động nhiều tài liệu khác nhau để tham khảo.

“Các thầy cô luôn tạo điều kiện cho sinh viên sử dụng giáo trình photo để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó một số môn chuyên ngành cần tìm thêm từ nhiều nguồn khác nhau, vì thế không thể nào mua hết tài liệu gốc được“, một sinh viên trường Đại học Văn hóa cho hay.

Sách photo bán tràn lan: Có cầu ắt có cung

Tại các cổng trường đại học, sách photo được bày bán tràn lan với giá thành khá rẻ, chỉ khoảng 20 nghìn - 25 nghìn đồng mỗi cuốn. Những quán photo này luôn có sẵn giáo trình của các môn học để phục vụ nhu cầu của sinh viên. Giáo trình photo được chất thành đống, đủ kích cỡ và màu sắc. Có những quán còn in hẳn tên giáo trình mà họ có, dán lên tường cho sinh viên dễ quan sát.

“Có cầu ắt có cung thôi. Sinh viên hỏi mua thì chúng tôi bán. Tôi cá rằng bất cứ quán photocopy nào đều bán giáo trình photo”, một chủ quán photocopy gần Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.

Chủ quán photocopy nói về việc bán sách photo cho sinh viên.

Những cửa hàng photo ở cổng trường đại học thường làm luôn chân luôn tay không hết việc.

Sách photo được chất thành đống lớn trong các cửa hàng photocopy.

Có những quán còn in hẳn tên giáo trình mà họ có, dán lên tường.

Các cửa hàng photocopy cho hay họ ít khi bị lực lượng chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, nếu có kiểm tra thì nhiều cơ sở cũng đã “làm luật” để in và bày bán công khai giáo trình “lậu”. Khi được hỏi về việc in sách có vi phạm bản quyền, nhiều chủ tiệm cười trừ: “Tình trạng chung rồi, không cấm được”.

Ở đây, sách photo có rất nhiều loại nhưng chủ yếu là giáo trình và sách chuyên ngành.

Sách photo có giá thành rẻ, chỉ từ 20 nghìn - 25 nghìn mỗi cuốn.

Các cơ sở photo copy cho hay họ không bị kiểm tra hay phạt.

Không ngoa khi nói rằng việc buôn bán giáo trình photo tràn lan là tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Từ sự việc sinh viên trường Đại học Luật TP HCM bị chỉ định phạt đình chỉ một năm học (quyết định ban đầu) vì mang giáo trình photo vào trường đến việc cư dân mạng phản ứng gay gắt, cùng nhau đòi lại “công lý” cho sinh nữ sinh kia. Bên cạnh đó, thực trạng sách photo được bày bán tràn lan khắp các cổng trường đại học có thể thấy vấn đề tác quyền trong ngành giáo dục chưa được coi trọng. Với sinh viên việc dùng sách “lậu” được coi như một lẽ dĩ nhiên, không đáng lên án. Nhưng việc photocopy chất xám của người khác vì bất cứ mục đích vì đều vi phạm pháp luật.

Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có chế tài đủ mạnh để hạn chế việc sử dụng “chất xám miễn phí”. Ngoài ra, học sinh, sinh viên cần nâng cao hơn ý thức về vấn đề bảo vệ quyền tác giả.

Chia sẻ

Bài viết

Cường Ngô

Video

Cường Ngô - Bá Tước

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất