Sắc màu Cuộc Sống

Vụ hiệu trưởng ấu dâm đồng tính nam sinh ở Phú Thọ: Những đứa trẻ sẽ lớn lên cùng nỗi sợ hãi đục khoét tâm hồn

Huy Hậu
Chia sẻ

Tôi ám ảnh mãi hình ảnh của Đinh Bằng My (57 tuổi) khi nhìn xuống khán đài, mỉm cười trong khi vừa phát biểu tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em 2018. Thế mà sau lưng, ông ta lại làm điều ngược lại.

Theo thống kê, trẻ em phương Tây từ lứa tuổi 16-18 đã quan hệ tình dục lần đầu. Tại các nước như Việt Nam thì độ tuổi này cao hơn. Phần vì quan niệm “trinh tiết” trong văn hoá phương Đông, phần vì suy nghĩ về tình dục là chuyện tế nhị, thầm kín của 2 người sau những bức màn.

Nhưng rồi, vô vàn bức màn ấy bị vén lên bằng những cụm từ ép buộc, cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục, thậm chí là ấu dâm…. Chúng ta lặng đi, thấu tận tâm can. Liệu rằng: Đâu đấy, ai đó xung quanh chúng ta cũng đã từng rơi vào trường hợp như thế!

Những cậu học trò rồi sẽ ám ảnh bởi sự sợ hãi kéo dài.

Tôi sẽ không thể quên khuôn mặt non nớt, mớ tiếng Kinh chưa sõi của cậu bé trường PT Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), khi nghẹn ngào kể lại lần bị thầy hiệu trưởng Đinh Bằng My (57 tuổi) kêu lên phòng, đưa vào buồng và lạm dụng. Không thể quên cảm xúc “vô cùng bất ngờ” của phó hiệu trưởng khi xem đoạn clip giãi bày của học trò mình. Càng không bao giờ quên cái giọng run run, nhưng đầy chắc nịch, cậu bé bảo: Thầy cô biết, vì họ từng chọc em: Có được thầy cho kẹo mút không?

Những cậu học trò bị tổn thương nghiêm trọng!

Bởi ở lứa tuổi ngây ngô của chúng, trong môi trường đạo tạo nhân cách sống, nhiều năm nay, nhiều lứa học sinh như chúng đều đã có cuộc gặp gỡ thân mật cùng hiệu trưởng như thế. Kết thúc, chúng ra về cùng vài viên kẹo, hoặc 20.000-30.000 đồng, kèm câu nói không được nói với ai nếu không là chết với thầy.

Đinh Bằng My (57 tuổi) phát biểu tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em 2018.

Những học sinh kể lại sự việc.

Tôi chợt nhớ cách đây ít lâu, cô bạn tôi có tham gia học tại một trung tâm xuất khẩu lao động ở ngoại ô Sài Gòn. Thời gian đào tạo 8 tháng, tất cả học sinh (đủ mọi lứa tuổi) đều phải ở nội trú, ngủ trên dãy giường xếp dài, một vali là một chỗ ngủ, “xếp như cá mòi” - cô nói.

Một ngày cuối tuần, cô buồn bã gọi điện cho tôi, nhờ vả: Có thể cho cô cùng L., D. (bạn cùng lớp) qua phòng ngủ nhờ không? Tôi đồng ý.

Đêm đó, dưới ánh đèn leo lét, tôi lặng người khi nghe những lời tâm sự gần như là hoảng loạn của hai cậu trai tuổi 18, đang nuôi giấc mơ sang Nhật kiếm tiền trả nợ cho bố mẹ.

L. kể, trong trung tâm cậu theo học, có một giáo viên tiếng Nhật hay dành sự ưu ái đặc biệt cho nam sinh. Đặc biệt, càng đẹp trai càng ưu ái. Vào cuối tuần, học sinh đều được ra cho ra ngoài 2 ngày để sống tự do, thư giãn. Song nhiều đứa một mình vào thành phố, không người thân, bạn bè, chúng đành ở lại ký túc xá.

“Thầy hay đổi lịch trực vào cuối tuần để ở lại ký túc xá. Nửa đêm là lẻn lên giường nam sinh giở trò. Cậu dừng lại. “Mấy lần đầu thầy còn rủ đi nhậu nhẹt đêm này nọ, tụi em không biết nên cũng đồng ý. Vậy mà, nửa đêm, trong cơn say khướt, lợi dụng men thấm vào người là thầy lại hành động…”.

Các con số đáng báo động.

Cô bạn tôi cũng thêm vào rằng: chính mình đã chứng kiến những cuộc rượt đuổi tán loạn trên ký túc xá nam. Nhưng nữ sinh im lặng, bảo vệ im lặng, nên chỉ có thầy vơi nam sinh chơi trò “mèo vờn chuột” thôi.

Sau này, nhiều đứa vì muốn nhanh có hợp đồng đi Nhật lao động nên tự đồng ý. Chúng xem đó là một điều lệ ngoại lệ của bản hợp đồng xuất khẩu lao động. “Đứa nào cũng bị ít nhất một lần, ngày cuối tuần dần thành ám ảnh” - L. khẳng định.

“Tại sao không lên tiếng?” - tôi hỏi L.. “Ai mà dám. Thầy đánh điểm thấp, không có hợp đồng lao động sớm, thời gian càng dài thì số tiền ăn ở, tiền gia đình vay vốn cho đi càng lớn. Thôi im lặng cho lành…” - cậu thở dài thượt.

“Tại sao những bạn khác không làm gì đó để giúp đỡ?” - tôi quay sang hỏi cô bạn. “Có gửi thư lên cho cô chủ nhiệm rồi. Cô gọi lên phòng, rồi bảo tìm bằng chứng đâu ra. Điều tiếng về thầy thì ai cũng biết, nhưng ai dám nói? Phần vì không bằng chứng, phần sợ xấu mặt trường, thầy lại là người có chuyên môn cao nên sợ mất lòng, thầy sẽ nghỉ việc…” - cô thở dài thượt.

Và cách tốt nhất để giải quyết câu chuyện trên là chấp nhận chơi trò rượt đuổi và bị bắt, hoặc sang nhà người quen ngủ hết những ngày cuối tuần.

Gia đình, bạn bè, uy lực nhà trường, sự xấu hổ,…

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79,5%. Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%.

Năm 2016, dư luận từng lên án gay gắt tên bảo vệ ‘yêu râu xanh’ ở điểm trường Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn (Lào Cai) xâm hại nhiều học sinh trong trường. Hai năm sau, những nam sinh tại trường PT Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lại tiếp tục rơi vào cảnh đau lòng ấy.

Đó không phải là lần đầu, lần 2, 3, hay 4,… Một cậu bé nói bằng chất giọng tỉnh rụi. “Không nhớ, chắc mười mấy lần”. Hết lớp học sinh này đến lớp khác, chúng được lần lượt lên phòng hiệu trưởng theo từng ngày, và ra về với vài món quà cùng lời răn đe: Không được nói với ai nếu không là chết với thầy.

Quá nhiều sự ràng buộc khiến học sinh im lặng.

Học trò chỉ biết im lặng, mong mỏi đến ngày thoát khỏi trường. Đứa mạnh dạn hơn thì gọi điện về xin bố mẹ chuyển trường, nhưng rồi hỏi lý do, chúng im lặng, bố mẹ đành xin ngược lại cố gắng thêm thời gian. Hoặc hơn thế nữa, có đứa đã tự động nghỉ học vì ám ảnh không thôi.

Chợt hình ảnh sợ sệt trong cái đêm L. trải lòng hiện về trong tôi. Rõ mồn một. Những cậu nam sinh cấp 2 từng bị thầy hiệu trưởng gọi lên phòng ấy, chúng cũng như L., đều mang trong mình nỗi sợ vô hình buộc chúng phải im lặng.

Đó là uy lực nhà trường. Là giới hạn của kinh tế gia đình. Là những định kiến xã hội. Sự xấu hổ, mặc cảm với bạn bè. Và cả sự sợ hãi chính bản thân mình.

Con người có 6 cảm xúc cơ bản: sợ hãi, giận dữ, kinh tởm, buồn, ngạc nhiên, hạnh phúc. Trong đó, sợ hãi là cảm xúc nhạy cảm nhất, như một chiếc đầu tàu dễ dàng kéo theo những hệ luỵ của sự tức giận, ghê tởm, buồn đau…

Nghiên cứu về tội phạm học cho thấy rằng: hầu hết kẻ sát nhân đều ra tay vì một sự nỗi sợ hãi vô thức sâu xa. Đó là nỗi sợ bị chối từ, bị khinh rẻ, bị coi là vô dụng, bị chà đạp, hoặc là cái giá cho một tuổi thơ bất công, bị bố mẹ đánh đập, bị bạn bè ức hiếp.

Tương tự, bạo lực từ cha mẹ xuất phát từ nỗi sợ bị con coi thường, sự bất lực vì mình bảo mà nó không nghe. Bạo lực từ cảnh sát và chính quyền xuất phát từ nỗi sợ bị chiếm quyền lực. Bạo lực từ dân chúng xuất phát từ nỗi sợ mất lợi tức, nhân quyền và sinh nhai.

Nỗi sợ hãi cứ như một con sâu mục, nó từ từ, dai dẳng, chăm chỉ gặm nát nhân tính tốt đẹp bên trong con người như thế.

Nỗi sợ hãi cứ như một con sâu mục, nó từ từ, dai dẳng, chăm chỉ gặm nát nhân tính tốt đẹp bên trong con người như thế.

Rồi mai đây, Đinh Bằng My cũng sẽ phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật. Ngôi trường Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn sẽ lại có ngày tháng bình yên. Những đứa trẻ ngày ấy sẽ tiếp tục lớn lên, trưởng thành và phát triển.

Nhưng chúng thành hình hài như thế nào trước những nỗi sợ đã đục khoét tâm hồn chúng suốt năm tháng thơ ấu ấy? Là người bình thường? Là thầy hiệu trưởng? Hoặc người tốt?…

Chẳng ai rõ.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin mới nhất