Sắc màu Cuộc Sống

Trúng thầu chương trình sữa học đường, Vinamilk phải cam kết những gì?

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Là đơn vị trúng thầu chương trình "sữa học đường" Vinamilk cam kết đảm bảo đúng các chỉ tiêu, quy chuẩn của sữa học đường theo quy định, là sữa tươi, có bổ sung các vi chất, vi lượng như vitamin D, canxi, sắt. Bên cạnh đó, Vinamilk xác định không làm thương mại đối với Chương trình Sữa học đường.

Ngày 27/11, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngày 10/10, Sở đã mở thầu chương trình Sữa học đường.

Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị trúng thầu chương trình “sữa học đường” với tỷ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23% (mức hỗ trợ cao hơn so với mức mời thầu của Sở GD-ĐT 3%). Đơn giá trúng thầu 1 hộp sữa là 6.286 đồng. Nhà thầu phụ là Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP).

Vinamilk xác định không làm thương mại đối với Chương trình Sữa học đường

Trao đổi với Báo PNVN, ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, cho biết, với mức giá trúng thầu 6.286 đồng/hộp, thấp hơn 514 đồng/hộp so với mức trần đấu thầu (không quá 6.800 đồng/hộp loại 180ml), Vinamilk cam kết hỗ trợ 23% giá trị hàng hóa cho đối tượng 1 (trẻ em và học sinh tiểu học). Tức là phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 47% thay vì 50% đơn giá trúng thầu của 1 hộp sữa theo quy định của Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt trước đó.

Trước vấn đề phụ huynh còn lo lắng về chất lượng sữa cung cấp cho chương trình; quy trình cung ứng, sử dụng sữa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các tại trường, cũng như việc làm sao giám sát được các quy trình này để phụ huynh yên tâm, ông Tuấn khẳng định, Vinamilk cam kết đảm bảo đúng các chỉ tiêu, quy chuẩn của sữa học đường theo quy định, là sữa tươi, có bổ sung các vi chất, vi lượng như vitamin D, canxi, sắt.

Để có thể cung ứng số lượng sản phẩm cho 1,3 triệu học sinh mầm non và tiểu học trên toàn thành phố có sản phẩm hàng ngày, ông Tuấn cho hay, đơn vị này đã huy động 180 nhân viên, trong đó có các chuyên gia dinh dưỡng tham gia tập huấn cùng 140 xe vận tải chuyển sữa hàng ngày trực và hỗ trợ cho hơn 3.000 điểm trường.

Đại diện đơn vị trúng thầu, Giám đốc điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk Bùi Thị Hương khẳng định: “Với quy mô lớn của đề án, chúng tôi coi đây là thử thách về tính chuyên nghiệp của Vinamilk. Chúng tôi xác định không làm thương mại đối với Chương trình Sữa học đường. Chúng tôi làm vì ý nghĩa nhân văn, vì trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi rất quyết tâm trong việc triển khai”.

Những băn khoăn của phụ huynh về chương trình sữa học đường 

Dù tán thành chủ trương của chương trình vì sự phát triển của trẻ em thành phố, song vẫn còn nhiều phụ huynh lo rằng, làm thế nào triển khai chương trình đảm bảo tính minh bạch và nhất là đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Đặc biệt là sau thông tin về việc 73 học sinh nghi bị ngộ độc sữa ở tỉnh Đồng Nai hồi tháng 3/2018, càng khiến phụ huynh băn khoăn nhiều hơn.

Theo Infonet, nhiều phụ huynh đã đặt ra nghi vấn: Liệu có cung cấp sữa cận “date” cho các em nhỏ uống khi giá thành rẻ? Liệu sữa con được uống ở trường có phù hợp với thể trạng, thói quen của trẻ? Cơ sở nào để đánh giá chất lượng sữa? Bên cạnh đó, nhiều người tự hỏi rằng, liệu thêm 1 lít sữa mỗi tuần liệu có giải quyết được vấn đề “cải thiện tầm vóc” cho trẻ em, khi mà thời gian ngủ của các bé ngày càng bị “rút ngắn” bởi các chương trình học, hoạt động thể chất chỉ dừng lại ở mức tập đội hình đội ngũ, những động tác thể dục giữa giờ đơn giản?

Trước đó, trao đổi với VOV, chị Văn Thị Liên (ngụ quận 7, TP HCM) nhận xét, đây là chủ trương đúng đắn để tăng lượng sữa cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Nhưng quan trọng là khi triển khai chương trình cần chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sữa phải phù hợp đối với từng đối tượng. “Theo tôi cần có sự thống nhất chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung cấp sữa và nhà trường, dưới sự giám sát của phụ huynh”, chị Liên nói.

Đồng quan điểm này, chị Trần Minh Anh (quận 8, TP HCM) băn khoăn về chương trình sữa học đường vì mỗi đứa trẻ thích một loại sữa riêng, cho nên chương trình này có thể sẽ không phù hợp với mọi đứa trẻ nếu áp dụng một loại sữa chung nhất.

“Gia đình cũng lo lắng về chất lượng sữa, làm sao để đảm bảo đó là sữa chất lượng. Cho nên, việc sữa học đường hãy để cho phụ huynh tự lo cho trẻ. Còn lại nên tập trung nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, cho trẻ ăn đúng, ăn đủ. Chương trình sữa học đường nên triển khai ở vùng sâu vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn để có thể hỗ trợ cho trẻ ở đó, ở thành thị hoặc nơi kinh tế phát triển thì không nên thực hiện”, VOV dẫn lời chị Minh Anh.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất