Sắc màu Cuộc Sống

Trò chơi chết người mang tên 'Thử thách cá voi xanh' đã lan tới Việt Nam - Vì sao cần nghiêm cấm giới trẻ tham gia?

Vương Phi
Chia sẻ

Dù sao thì "Cá voi xanh" cũng chỉ là một trò chơi nhưng vì sao, nó lại có thể dẫn đến những cái chết thật ở ngoài đời và lý do nào khiến chính quyền kiên quyết ngăn cấm giới trẻ tham gia vào trào lưu này?

Thử thách cá voi xanh có gì đặc biệt?

Blue Whale Challenge (Thử thách Cá voi xanh) là một trò chơi được thế giới biết tới từ hơn 2 năm qua. Nó đã và đang gieo rắc kinh hoàng cho nhiều gia đình học sinh ở Nga, châu Âu, châu Mỹ… bởi cấp độ cao nhất dành cho người chiến thắng chính là… tự sát.

Bắt nguồn từ Nga, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Blue Whale Challenge đã lan tới nhiều quốc gia như: Anh, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha…, hại chết hàng trăm thiếu niên trẻ. Chính bởi tính chất nguy hiểm này, trò chơi liên tục bị giới chức trách cấm cản. Tuy nhiên, từ trên mạng, độ phủ của “cá voi xanh” vẫn lan nhanh chóng mặt.

Trò chơi Thử thách Cá voi xanh đặt ra nhiều nhiệm vụ cho người chơi từ xem phim ma đến rạch cổ tay…

Điều đáng sợ của thử thách cá voi xanh là nó yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong vòng 50 ngày, bắt đầu từ 4h20 sáng mỗi ngày. Các thử thách sẽ tăng dần cấp độ, từ bình thường đến nguy hiểm. Chẳng hạn, ban đầu người chơi chỉ cần trao đổi trên mạng về cá voi xanh; xem phim Cá voi xanh; xem phim kinh dị; vẽ hình cá voi xanh (bằng bút bi) lên cơ thể.

Tuy nhiên, khi tham gia càng lâu, “leo” đến cấp bậc cao hơn thì thử thách cũng sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn, ví dụ: sử dụng dao, lưỡi lam hoặc kim khâu để tạo hình dáng cá voi lên cánh tay hoặc chân… Ngoài ra, người chơi cũng phải làm nhiều việc điên rồ khác như: đi ra đường lúc 3h sáng, xem phim kinh dị lúc nửa đêm trong tình trạng trói tay, chân, leo lên nóc nhà… Vào ngày cuối cùng (ngày thứ 50), người chơi sẽ được cộng đồng mạng thừa nhận là “người chiến thắng” khi “dũng cảm” tự kết liễu đời mình, giống như những con cá voi xanh tự lao lên bãi biển để tự kết liễu cuộc đời.

Thử thách dùng dao lam rach hình cá voi xanh lên cánh tay.

Đây cũng chính là lý do vì sao trò chơi này có tên là “cá voi xanh”. Bởi vì để được tham gia, bạn sẽ phải đi tìm “cá voi xanh” - tên gọi tự xưng của những kẻ đứng đầu trò chơi, đồng thời gia nhập vào cộng đồng những cá voi là người chơi khác. Cuối cùng, việc tự sát khi kết thúc cũng giống như cách cá voi xanh lao mình lên bờ biển để chết vậy.

Cảnh báo nguy hiểm: Thử thách cá voi xanh đã lan đến tỉnh Tiền Giang

Mặc dù “Thử thách cá voi xanh” rất nguy hiểm nhưng bấy lâu nay, nhiều người Việt Nam vẫn ít để ý bởi nó chưa lan đến trong nước. Tuy nhiên, mới đây cộng đồng mạng xôn xao và hết sức lo lắng khi biết rằng, trò chơi này hiện đã có mặt ở tỉnh Tiền Giang.

Cụ thể, một số thanh thiếu niên, nhất là học sinh bậc THCS, có biểu hiện tham gia trò chơi này. Thậm chí còn có thông tin có học sinh đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên Internet. Ngay sau khi được phản ánh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè đã có báo cáo đến Huyện ủy và UBND huyện.

Hiện tại, Phòng Giáo dục các huyện tỉnh tiền Giang đã có công văn chỉ đạo tất cả các trường tiểu học và THCS trong huyện đặc biệt quan tâm theo dõi, ngăn chặn từ xa những biểu hiện học sinh tham gia trò chơi “Thử thách Cá voi xanh”.

Vì sao chỉ là một trò chơi nhưng “Thử thách cá voi xanh” lại có khả năng “giết” người?

Lý do đầu tiên đến từ chính những người tham gia - thường là những thanh thiếu niên còn trong độ tuổi teen - độ tuổi vẫn chưa có được sự phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý.

Hai thiếu niên người Nga đã tìm đến cái chết sau khi chơi Cá voi xanh.

Tờ Times of India trích lời ông Samir Parikh, chuyên gia sức khỏe tâm thần và khoa học hành vi, Bệnh viện Fortis có trụ sở ở New Delhi, Ấn Độ giải thích: “Ở lứa tuổi của mình, thanh thiếu niên nào hầu như cũng trải qua cuộc đấu tranh tâm lý để khẳng định mình khi đặt ra những câu hỏi như: “Tôi là ai? Mọi người có thích tôi không”.

TS. Frances Jensen, nhà thần kinh học cho biết: “Nhiều thanh thiếu niên phàn nàn với tôi về sự cô đơn, rằng bố mẹ các em quá bận rộn hoặc các em không có bạn bè. Gần đây, một cậu bé 16 tuổi nói với tôi rằng em không muốn sống nữa vì chẳng ai thích mình. Đây là những đứa trẻ đang tìm kiếm “cái chết không đau đớn” trên Google, tìm đến các diễn đàn tự tử. Điều này cực kỳ quan trọng buộc các bậc phụ huynh phải chú ý đến con cái họ”.

Bên cạnh những lý do này, quy định chặt chẽ của trò chơi cũng khiến người tham gia không còn đường lùi. Một cô gái đã từng tham gia trò chơi nhưng may mắn sống sót cho biết: “Một khi đã tham gia chơi, người tham gia sẽ “không có đường lui”. Nếu người chơi đổi ý, họ sẽ bị người quản lý đe dọa tìm họ hoặc cả gia đình họ với những thông tin nắm được từ người chơi”.

Khi được hỏi liệu anh có thực sự muốn đẩy các bạn trẻ vào chỗ chết, Philipp (người sáng lập trò chơi điên rồ này) thẳng thắn đáp: “Đúng, tôi đã làm thế. Đừng lo lắng, mọi người sẽ hiểu thôi. Họ chết trong hạnh phúc. Tôi chỉ cho họ những điều họ không có trong cuộc sống: sự ấm áp, kiến thức và kết nối“.

Philipp Budeikin, kẻ đứng sau nhiều vụ tự sát của thanh niên Nga.

Nguyên nhân sau cùng là cách thực hiện nhiệm vụ của trò chơi này. Như đã đề cập, trò chơi sẽ đi từ dễ đến khó, nhưng các nhiệm vụ đều mang tính chất kích thích cảm xúc.

Kích thích cảm xúc, tức là kích thích cho adrenaline tiết ra, khiến cơ thể luôn ở trạng thái sẵn sàng cho mọi tình huống. Từng bước, từng bước một, người chơi sẽ trở nên bất cần, tự tin và chẳng còn sợ hãi nữa, mà không biết rằng trò chơi đang dần tước đi sinh mạng của họ.

Nếu hoàn thành các thử thách trong các trò chơi như vậy, họ sẽ có động lực để tự tin hơn. Nhưng các em quên rằng cái thứ tạo ra hormone adrenaline giúp đối mặt với nguy hiểm đó có thể cướp đi cuộc sống của chính mình“, trích lời ông Samir Parikh.

Người sáng lập ra “Thử thách cá voi xanh” là Philipp Budeikin, SN 1996, sống tại miền đông lạnh giá của nước Nga. Báo chí Nga đưa tin, Philipp sống khép kín, không có bạn và hiếm khi tiếp xúc ngay cả với người thân trong gia đình mình. Thay vào đó hắn thường xuyên theo dõi các video ma mị trên mạng và lấy đó làm cảm hứng, tạo nên “Thử thách cá voi xanh”.

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời mình trong năm 2016 chỉ vì hưởng ứng trò chơi này. Tuy nhiên, kẻ chủ mưu 21 tuổi phủ nhận con số này. Phillip khẳng định, hắn ta chỉ xúi giục 17 người tự tử và hắn không hề tác động gì mà hàng chục người khác vẫn sẵn sàng tự kết liễu mình.

Philipp Budeikin đã bị bắt vào tháng 5/2017 với các chứng cứ rõ ràng, hắn đã bị tòa án Siberia, miền Đông nước Nga, kết án 3 năm tù giam.

Theo VTV

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin mới nhất