Sắc màu Cuộc Sống

Trẻ em nghèo ở Nhật Bản được phát bữa tối miễn phí

Theo Zing
Chia sẻ

Cung cấp các bữa ăn tối chỉ là một trong số những biện pháp tạm thời được người dân Nhật Bản thực hiện nhằm đối phó với tỷ lệ trẻ em nghèo ngày càng tăng ở quốc gia giàu có này.

Tiếng cười nói tràn ngập không gian của một căn hộ khiêm tốn ở Tokyo. Hơn 20 trẻ em và tình nguyện viên cùng quây quần bên bàn ăn với các suất cà ri, cơm, salad và trái cây.

Bữa ăn tối hàng tuần mang tên Misako Omura thuộc hình thức nhà ăn cho trẻ em (Kodomo shokudo) ở Nhật Bản. Theo South China Morning Post, xu hướng này dần được phổ biến khắp nước Nhật với hy vọng giải quyết các vấn đề như đảm bảo bữa ăn cho trẻ em nghèo hay những em có cha mẹ thường xuyên đi làm về muộn.

Tờ Asahi của Nhật thống kê được 319 địa điểm phục vụ các bữa ăn miễn phí hoặc với chi phí thấp trên khắp Nhật Bản như trên tính đến tháng 5/2016, tăng từ 21 địa điểm trong năm 2013.

Một bữa tối cho trẻ em nghèo ở Nhật. Ảnh: SCMP.

Một bữa tối cho trẻ em nghèo ở Nhật. Ảnh: SCMP.

Từ thời điểm trì trệ trong và sau Thế chiến II, trong 70 năm qua, Nhật Bản phát triển thành một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể chứng kiến tình trạng đói nghèo ở nhiều gia đình Nhật, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị bỏ đói.

Là một quốc gia hiện đại nhưng Nhật Bản lại có tỷ lệ nghèo trẻ em nghèo xếp thứ 10 trong số 31 quốc gia giàu nhất thế giới, theo một báo cáo năm 2013 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Vấn đề nghèo đói thường ít được nhắc tới ở Nhật do nỗi sợ bị công khai và phân biệt đối xử. Các gia đình thường tiết kiệm đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác để những đứa trẻ có thể ăn mặc sao cho đỡ bị coi là nghèo khổ nhất.

Theo Setsuko Ito, người đứng đầu bộ phận hỗ trợ trẻ em trong các gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Arakawa, Tokyo, những đứa trẻ như vậy có thể sở hữu điện thoại thông minh nhưng lại không có đủ tiền để mua một chai nước ép giá 1 USD hoặc tham gia các chuyến ngoại khóa do trường tổ chức.

Omura bắt đầu tổ chức những bữa ăn tối hàng tuần tại Arakawa vào năm 2014 với mục đích hỗ trợ trẻ em thiếu thốn sự hỗ trợ từ gia đình, trường học và xã hội trong khu vực này.

Sáng kiến của bà nhận được sự đóng góp và tài trợ của chính quyền địa phương. Nó có ý nghĩa thực tế hơn những lời hứa hẹn xa vời của cộng đồng vốn làm cho nhiều bậc cha mẹ và những đứa trẻ bị cô lập cũng như chật vật tìm hướng giải quyết. Mỗi đứa trẻ hay tình nguyện viên chỉ phải trả 300 yen (gần 3 USD) cho một bữa tối như vậy.

“Tôi hy vọng mọi người có thể tiếp tục nhận thức như thể mỗi đứa trẻ đều là con của mình và hiểu rằng chúng ta đang nuôi dưỡng thế hệ tương lai, những người sẽ giúp đỡ chúng ta sau này”, bà nói.

Omura nhấn mạnh đối tượng đến với bữa ăn tối hàng tuần của bà không nhất thiết phải là những người nghèo. Đôi khi, các em nhỏ đến đây chỉ vì không muốn ăn tối một mình khi cha mẹ đi làm về muộn.

Tình trạng trẻ em nghèo vẫn còn nhức nhối ở một đất nước phát triển như Nhật Bản. Ảnh: SCMP.

Tình trạng trẻ em nghèo vẫn còn nhức nhối ở một đất nước phát triển như Nhật Bản. Ảnh: SCMP.

Hơn một nửa số gia đình đơn thân Nhật Bản được cho là sống dưới mức nghèo khổ. Những bà mẹ đơn thân với mức lương trung bình mỗi tháng là bình 150.000 yen (1479 USD), được nhận khoản hỗ trợ tương đối hạn chế từ các chương trình phúc lợi xã hội.

Nhật Bản ban hành một điều luật năm 2013 với mục đích liên kết nỗ lực của chính phủ và các địa phương nhằm tăng cường hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục, an sinh và kinh tế. Tuy vậy, nhiều quan chức địa phương vẫn đang đau đầu vì vấn đề này, Kaori Suetomi, giáo sư chuyên về quản lý giáo dục và tài chính tại Đại học Nihon, Tokyo cho biết.

“Cho đến nay, Nhật Bản vẫn không thực sự giải quyết được vấn đề trẻ em nghèo và các quan chức không biết phải làm gì”, Suetomi, một trong những tác giả của báo cáo gần đây về dự thảo chính sách của các địa phương Nhật Bản nói.

Bà cho biết vấn đề nằm ở chỗ nguồn ngân sách không được đảm bảo. Chính vì vậy một số nơi đã bỏ dở những chương trình thúc đẩy giải quyết tỷ lệ trẻ em đói nghèo. Bên cạnh đó, câu hỏi trách nhiệm thuộc về bộ nào: giáo dục hay phúc lợi vẫn còn để ngỏ.

Mô hình “nhà ăn cho trẻ em” là một nỗ lực để lấp đầy khoảng trống đó.
Kazuma Omoto, một giáo viên tham gia tình nguyện trong những bữa ăn tối do Omura tổ chức cho biết ông làm công việc này để tìm hiểu về chính bản thân mình và học cách tương tác với trẻ nhỏ.

“Đó là một nơi tuyệt vời”, ông nói. “Tôi đến đây mỗi tuần. Trong tương lai, tôi hy vọng có thể hiểu biết và học hỏi thêm nhiều điều khác nữa”, người giáo viên chia sẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin mới nhất