Sắc màu Cuộc Sống

Tranh luận quanh chuyện bàn ăn: Mang thức ăn thừa về nhà có phải là hành động đáng xấu hổ?

Khải Anh
Chia sẻ

Trong bữa tiệc, cô con gái đứng phắt dậy, bày tỏ sự xấu hổ khi người mẹ gọi nhân viên phục vụ đến để xin gói thức ăn mang về. Từ những câu chuyện bàn ăn, đã có biết bao vấn đề về văn hóa, lối sống, tư duy đã được đặt ra và gây tranh cãi gay gắt. Bạn ở đâu trong những luồng quan điểm này?

Những sự xấu hổ ...  không hợp lí

Cuối năm 2020, mạng xã hội đã lan truyền câu chuyện được đăng tải từ tài khoản Facebook có tên N.H. Người này viết: "Chẳng là nay mình với con bạn rủ nhau đi ăn nướng. Bàn bên cạnh có hai mẹ con ngồi ăn xong rồi. Đúng lúc bọn em vào thì chứng kiến cảnh bà mẹ đang đổ 2 cốc trà đá còn khá đầy vào cái vỏ chai Lavie. Còn đứa con gái thì mặt hằm hằm và có phần hơi lớn tiếng:

- Con đã nói mẹ bao nhiêu lần rồi, mẹ mà còn làm như này nữa thì không bao giờ con đi ăn với mẹ nữa đâu. Mẹ xem có ai làm như mẹ không? Mẹ có nghĩ là con vô cùng xấu hổ không?

- Cốc vẫn còn nhiều mà con, mang đi tí nữa khát thì uống. Cũng là tiền cả chứ có gì mà ngại nhỉ?

Nói thêm vài câu qua lại nữa thì bạn gái bỏ đi. Để lại mẹ vẫn ngồi cặm cụi hình như bỏ thêm một chút bánh mì bơ còn thừa vào cái túi nilong xin của quán. Buổi đi ăn hai đứa lúc đầu rõ vui, tự nhiên chẳng ai bảo ai mà lòng lại chùng xuống...".

Câu chuyện trên đã gây xôn xao mạng xã hội trong suốt thời gian dài. Có hai luồng ý kiến được đưa ra. Nhiều người cho rằng, hành động của người mẹ là đáng xấu hổ, chút bánh mì bơ, cốc trà đá... chẳng đáng giá là bao, việc đem thức ăn về nhà sẽ gây mất mặt cho cô con gái. Bên cạnh đó, một số ý kiến lại khẳng định người phải xấu hổ là cô con gái trong câu chuyện. Bởi cô chẳng sinh ra vào thời kì khó khăn, chưa bao giờ phải trải qua đói khổ, chắt chiu từng nhúm gạo, bó rau... nên đối với cô vứt đi đồ ăn thừa là hợp lí. 

Nếu để ý, bạn sẽ thấy người Việt có thói quen khá "kì lạ" là hay để lại một ít thức ăn cuối cùng trên đĩa. Điều này có thể được lí giải theo nhiều nguyên do, có thể họ nhường nhau miếng cuối cùng, cũng có thể đó là thói quen trên bàn ăn. Nhưng điều quan trọng nhất là phần thức ăn còn lại đó cuối cùng sẽ phải vào thùng rác. 

Ẩn sâu trong tâm lí người Việt là thói quen tích trữ thức ăn. Cha ông ta đã chứng kiến, trải qua những nạn đói khủng khiếp. Khi những cánh đồng khô hạn, vườn tược cháy nắng, trơ trọi, thức ăn trở nên khan hiếm, họ luôn biết cách trân trọng từng chén cơm, hạt gạo. Vì thế, bạn luôn bắt gặp hình ảnh những ông bố, bà mẹ, người bà, người ông... luôn cố gắng ăn hết phần thức ăn còn sót lại. 

Và rõ ràng, sự xấu hổ khi trông thấy hành động mang thức ăn về nhà là... không hợp lí. Bởi khi bạn đang tận hưởng mâm thức ăn đầy thịnh soạn, thì ở nơi khác, có hàng trăm, hàng nghìn con người vẫn đang chật vật để tìm miếng ăn, chống chọi cơn đói đang cồn cào ruột gan. Khi ấy, bạn sẽ thấy sự xấu hổ của mình là... không cần thiết nữa.

Nhiều tranh cãi trái chiều

"Một lần, tôi tham gia vào bữa tiệc tất niên tại công ty nọ. Sau buổi ăn uống, trò chuyện thân mật, trên bàn ăn còn dư khá nhiều món. Vì tiệc chủ yếu là để gặp gỡ, vui chơi nên mọi người ít chịu đụng đũa mà lo hát hò, nhảy múa. Sau khi tàn tiệc, mình thấy chị đồng nghiệp xin túi bóng để mang thức ăn về nhà khiến cả hội... ngạc nhiên. Đồng ý là tiết kiệm thức ăn, nhưng không phải lúc nào xin thức ăn dư về cũng là hay, đặc biệt là khi tiệc còn có bao nhiêu người", một độc giả cho ý kiến.

Khoan bàn đến chuyện tốt - xấu, đúng - sai, văn hóa bàn ăn được hình thành từ nếp sống, nếp nghĩ của người Việt. Đã bao giờ bạn chau mày khi thấy ông bố, bà mẹ mình ở nhà cứ tiếc hùi hụi mớ thức ăn dư, hay ngạc nhiên khi thấy cô bạn đồng nghiệp gói thức ăn từ tiệc về nhà? Tất cả là để hạn chế lãng phí thức ăn.

Bạn Vân Anh

Bạn Vân Anh (sinh viên trường ĐHKHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: "Để thừa đồ ăn là lãng phí tài nguyên và không bảo về môi trường. Mình là sinh viên nên bình thường nếu đến quán ăn không hết mà còn nhiều đồ quá thì vẫn nhờ người ta đóng hộp lại mang về thôi. Khi đi ăn buffet nhiều lúc no quá mình vẫn bỏ lại một ít thức ăn, nhưng không nhiều mà cũng chỉ là mấy miếng ăn không nổi thôi". 

Bạn Thủy Vy

Theo bạn Thủy Vy (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), việc mang thức ăn thừa trên bàn về rất đáng để ủng hộ. "Vì ngoài xã hội còn rất nhiều người không đủ ăn, đủ mặc, mình lại lãng phí thì không nên. Bạn bè hay gia đình em xin bao nilon chứa đồ ăn thừa mình cũng không ngại. Mẹ mình làm hoài, mỗi lần đi ăn đám tiệc, nếu bàn ăn dư quá mẹ em sẽ xin hộp hoặc bao để mang về cho bà cụ hàng xóm neo đơn. Trước giờ mình ít khi nào bỏ thừa thức ăn vì khi gọi món mình cân đong cẩn thận lắm, gọi đủ ăn thôi. Một số nhà hàng có quy định bỏ thừa thức ăn sẽ tính phí, mình thấy quy định đó rất hay, giúp người dân ý thức trong việc sử dụng thức ăn, tiết chế khi gọi".

Khi đất nước ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống con người ngày càng đi lên. Không chỉ ăn no, người ta còn ăn ngon. Đối với nhiều người, việc có một bữa ăn thịnh soạn không phải là vấn đề quá khó khăn. Không khó để bạn bắt gặp tình trạng những bàn tiệc thừa mứa, người ta không mấy bận tâm khi đứng dậy ra về, trên bàn vẫn còn ngổn ngang thức ăn. 

Việc xấu hổ hay không khi mang thức ăn về nhà, còn phải soi chiếu bởi quan điểm, tư duy, cách nhìn nhận và cả văn hóa bàn ăn của mỗi người. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, việc bạn được có nguồn nước sạch để uống, thức ăn ngon mỗi ngày là điều may mắn. 

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất