Sắc màu Cuộc Sống

TP. HCM: Người dân Cần Giờ nín thở… chờ bão số 12 vào bờ

Giang Tử
Chia sẻ

Từng chứng kiến những thiệt hại đau thương của những cơn bão trong quá khứ, người dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nín thở.. chờ bão số 12 vào bờ.

Đến thời điểm hiện tại, các cấp chính quyền và người dân tại huyện Cần Giờ đã khẩn trương, chuẩn bị tinh thần đón “siêu bão” số 12 đổ bộ. Hàng trăm hộ dân tại địa phương đã chằng chống nhà cửa, tàu thuyền ngoài khơi đã vào neo đậu…

Tàu thuyền của ngư dân Cần Giờ đã vào bến neo đậu trú bão.

Ông Nguyễn Văn Lành (54 tuổi), một ngư dân huyện Cần Giờ cho biết, nghe tin cơn bão số 12 sắp vào bờ, từ sáng ngày 2/11, ông Lành và nhiều ngư dân khác đã đưa thuyền về bến để neo đậu, trú bão. “Chúng tôi từng chứng kiến hậu quả khủng kiếp của cơn bão số 5 năm 1997 và cơn bão số 9 năm 2006 gây ra. Giờ chỉ nghe thấy tin bão sắp đổ bộ vào bờ là ngư dân chúng tôi đã lo sợ, bủn rủn hết chân tay, không ai dám ra khơi nữa,..” người đàn ông 54 tuổi nói.

Trước thông tin về “siêu bão” số 12 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, người dân Cần Giờ rất lo lắng. “Cơn bão số 9 năm 2006, nhiều ngư dân tại vùng biển Vũng Tàu sau khi vào bờ neo đậu, thấy trời yên lại bí mật trốn ra khơi đánh bắt. Nhiều ngư dân sau đó đã thiệt mạng, bài học đắt giá này đến nay những ngư dân đi biển như chúng tôi vẫn còn nhớ như in. Nay nghe tin bão vô bờ, chúng tôi không ra khơi nữa mà cho thuyền vào bờ từ rất sớm để bảo vệ tính mạng và tài sản…” bà Nguyễn Thị Trúc Nhi (42 tuổi, quê Long An, đánh bắt ở khu vực biển Vũng Tàu - Cần Giờ) chia sẻ.

Bà Nhi và nhiều ngư dân Cần Giờ tỏ ra ái ngại, lo sợ,.. trước khi bão vào bờ.

Chiều ngày 2/11, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trước diễn biến còn phức tạp của cơn bão số 12, để đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền trên biển,.. hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 12 gây ra huyện đã có thông báo nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi có thông báo kể từ 01 giờ ngày 3/11/2017 cho đến khi có lệnh mới.

Một nhà dân tại xã Thạnh An, huyện Cân Giờ được chằng chống trước bão

Công tác chằng chống nhà cửa cho người dân và kêu gọi tàu thuyền vào bờ cơ bản đã được huyện tiến hành xong. Ngoài ra, huyện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, phương án di dời dân tại xã đảo Thạnh An và một số địa phương khác vào nơi ở kiên cố trong đất liền nếu như trường hợp bão số 12 đổ bộ vào địa phương.

“Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, chúng tôi đang theo dõi diễn biến đường đi của bão để đưa ra phương án cụ thể công tác phòng chống bão” - ông Dũng cho biết thêm.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 800km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 11-15 độ Vĩ Bắc.Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Chia sẻ

Bài viết

Giang Tử

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất