Sắc màu Cuộc Sống

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước

Theo Zing.vn
Chia sẻ

Chiều 23/10, với đa số phiếu tán thành, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước.

“Tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ.

Chiều 23/10, Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố biên bản kiểm phiếu kết quả bầu Chủ tịch nước. Ban Kiểm phiếu gồm 15 thành viên đã tiến hành kiểm phiếu, lập biên bản ghi nhận Tổng số đại biểu Quốc hội là 485 đại biểu, số có mặt 477 đại biểu, số phát ra 477, số thu về 477 phiếu, đều hợp lệ.

Số phiếu đồng ý là 476, bằng 99,79% tổng số đại biểu có mặt. Số phiếu không đồng ý là 1 bằng 0,29% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết xác nhận kết quả cũng được thông qua ngay sau đó.

Như vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Phút tuyên thệ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Duy Ngọc.

“Dưới cờ đỏ Tổ Quốc, trước Quốc hội và nhân dân cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ.

'Vừa mừng vừa lo'

“Có người muốn hỏi, muốn biết tâm trạng tôi lúc này như thế nào. Tôi nói thực là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được Quốc hội và nhân dân tin cậy yêu mến, lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chia sẻ trước Quốc hội ngay sau khi tuyên thệ.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết thời gian vừa qua đất nước đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Do đó, ông cho rằng còn rất nhiều nhiệm vụ nặng nề đang chờ trước mắt.

“Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín trên trường quốc tế như hiện nay. Ta có quyền tự hào về thành tựu toàn Đảng, toàn dân đã đạt được. Nhưng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên bầu nguyệt quế. Cần hết sức cảnh giác, trách nhiệm trước diễn biến mới. Bởi trên thế giới hiện nay, không biết điều gì sẽ xảy ra, không chủ quan”, ông nói.

Ảnh: Duy Ngọc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước

“Thay mặt tất cả các đại biểu Quốc hội có mặt hôm nay, gửi tới Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bó hoa tươi thắm cùng những lời chúc tốt đẹp nhất”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi gắm.

Chủ tịch nước có những quyền hạn gì?

Hiến pháp năm 2013 quy định (chương VI với 8 điều) Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Người đứng đầu Nhà nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn như: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua. Nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước sáng 23/10. Ảnh: Duy Ngọc.

Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Ngoài ra, Chủ tịch nước còn có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao…; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá.

Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng Nhà nước, danh hiệu vinh dự Nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam.

Chủ tịch nước có quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam.

“Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”, Hiến pháp nêu rõ.

Người đứng đầu Phủ chủ tịch có quyền tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại các nước…

Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Bên cạnh đó, điều 93 quy định rõ Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch nước giữ quyền cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing.vn

Tin mới nhất