Sắc màu Cuộc Sống

Tin sáng 17-3: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vắc xin mũi 4, 5

Quỳnh Trang
Chia sẻ

Hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 cho người 12 đến dưới 18 tuổi trong quý 1-2022, chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vắc xin, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiêm mũi 4, mũi 5 khi thấy cần thiết...

Theo thông báo kết luận phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu các cơ sở khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiêm mũi 4, mũi 5 khi thấy cần thiết và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Thông báo cũng cho biết hiện thủ tục mua vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi cơ bản đã hoàn tất. Về tình hình dịch, tuần vừa qua có tăng cao trên diện rộng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước. Nhiều mục tiêu về kiểm soát dịch bệnh vẫn được bảo đảm.

So với tháng trước, số ca mắc mới tăng nhiều trên diện rộng (tăng hơn gấp đôi) nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca nặng giảm 43%, số ca phải nhập viện điều trị giảm 24,5%; tỉ lệ ca tử vong trên tổng số ca mắc đã giảm từ 1% của tháng trước còn 0,2%.

Tin sáng 17-3: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vắc xin mũi 4, 5 Ảnh 1

Tăng cường hướng dẫn điều trị tại nhà

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục cấp phép các loại thuốc phòng, chữa bệnh, bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế, hướng dẫn về điều trị, kê đơn thuốc phù hợp, giảm các thủ tục hành chính, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế để không quá tải hệ thống y tế, nhất là tại tầng 3.

Bên cạnh đó, tập trung quản lý người có nguy cơ cao, người lao động; hướng dẫn cách kê đơn thuốc điều trị thống nhất, phù hợp; điều chỉnh, cập nhật các quy định về xét nghiệm, thời gian cách ly, theo dõi sức khỏe... liên quan đến F0, F1, người nhập cảnh.

Tin sáng 17-3: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vắc xin mũi 4, 5 Ảnh 2
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ca COVID-19 ‘lập đỉnh’ trong 24 giờ

Theo báo cáo Bộ Y tế, trong 24 giờ (từ 16h ngày 15-3 đến 16h ngày 16-3), cả nước ghi nhận 180.558 ca nhiễm mới tại 62 tỉnh, thành phố; tăng 5.084 ca so với ngày trước.

Dù số ca nhiễm tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đều giảm so với ngày trước nhưng đây là ngày cả nước có số mắc cao nhất từ đầu mùa dịch đến nay vì có đến 35 tỉnh, thành có số ca nhiễm từ trên 2.000 - trên 26.000 ca.

Trong ngày có 167.163 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nhưng có 74 ca tử vong. Hiện cả nước còn hơn 4.200 bệnh nhân nặng đang được điều trị.

Tin sáng 17-3: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vắc xin mũi 4, 5 Ảnh 3
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 3 cho người dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gọi ai khi phát hiện F0 là người thuộc nhóm nguy cơ cao?

Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết, phần lớn các trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 trên địa bàn TP có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vắc xin.

Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng do Omicron thì việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ vẫn là biện pháp rất quan trọng. TP tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mở rộng cho người trên 50 tuổi và người có bệnh nền ở mọi lứa tuổi.

Để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, điều đầu tiên là cách ly ngay người mắc COVID-19 với người nguy cơ để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc COVID-19. Bên cạnh đó cần thực hiện việc theo dõi sát tình hình sức khỏe, dấu hiệu bệnh của người thuộc nhóm nguy cơ để phát hiện và điều trị sớm.

Nếu F0 trong gia đình là trẻ em, cần phải cách ly trẻ, không để tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ cao trong gia đình. Nếu gia đình không đủ điều kiện cách ly riêng, thì người nhà nên cho trẻ nhập viện các bệnh viện nhi trên địa bàn TP để điều trị.

Khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc COVID-19 hoặc F0 trở nặng, có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh, hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) thì người nhà cần liên hệ đến trạm y tế/trạm y tế lưu động nơi cư trú để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Nếu gọi không được thì có thể liên hệ tiếp tổng đài 1022 nhấn phím 3, hotline của HCDC (08 6957 7133), Sở Y tế TP (096 7771 010) để được hỗ trợ.

Tin sáng 17-3: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vắc xin mũi 4, 5 Ảnh 4
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Ngày 16-3 Hà Nội ghi nhận thêm 26.220 ca COVID-19, trong đó có hơn 8.800 ca cộng đồng, 5 ca tử vong. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca COVID-19 trong ngày ở thủ đô giảm. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hai Bà Trưng (1.702); Hoàng Mai (1.694); Hà Đông (1.584); Cầu Giấy (1.437); Long Biên (1.408); Ba Đình (1.386).

Cập nhật đến ngày 15-3, Hà Nội có 248 ca điều trị tại khu cách ly (giảm 51 ca so với hôm qua); hơn 3.800 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,77% tổng số ca đang điều trị, theo dõi), 80,3% số người từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã được tiêm mũi nhắc lại vắc xin COVID-19. Gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng.

- Lào Cai cho phép hoạt động trở lại các dịch vụ vui chơi, giải trí. Từ ngày 18-3, các xã, phường, thị trấn ở Lào Cai có dịch COVID-19 ở cấp độ 3 cho phép các dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke, massage, Internet, trò chơi điện tử được hoạt động. Đối với các xã, phường, thị trấn có dịch ở cấp độ 4, căn cứ tình hình dịch cụ thể hướng dẫn thực hiện các hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, massage, Internet, trò chơi điện tử bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa lây nhiễm dịch.

Lào Cai hiện có 26/152 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ dịch số 1; 6/152 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ dịch số 2; 116/152 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ dịch số 3; 4/152 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ dịch số 4. Ngày 16-3, Lào Cai có thêm 4.810 ca COVID-19, tăng 572 ca so với ngày 15-3. Đây là số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong ngày tại Lào Cai. Hiện Lào Cai đã có tổng số 93.530 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 49.093 bệnh nhân đã điều trị khỏi; 31 ca tử vong.

- Hải Dương đã tiêm vắc xin COVID-19 cho trên 1.340.000 người từ 18 tuổi trở lên; trong đó người tiêm đủ 2 mũi là trên 1.310.000 người, đạt trên 97,6%; người đã tiêm 3 mũi và mũi bổ sung là trên 580.000 người, đạt trên 43%. Trên 157.000 người từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm vắc xin; trong đó được tiêm đủ 2 mũi là 153.900 trẻ, đạt trên 97,6%.

Ngày 16-3, tỉnh ghi nhận 4.972 ca COVID-19; trong ngày cũng có 3.710 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh và được ra viện. Từ ngày 12-10-2021 đến chiều 16-3, Hải Dương ghi nhận 140.282 ca COVID-19 và có 119.025 người đã hoàn thành điều trị, chuyển viện. Hải Dương cũng đã ghi nhận 122 người tử vong do mắc COVID-19.

Xem thêm: Tin COVID-19 chiều 16-3: Số mắc mới lên trên 180.500 ca, Hà Nội, TP.HCM đều giảm

Chia sẻ

Bài viết

Quỳnh Trang

Tin mới nhất