Quy định mới chủ nuôi chó phải biết

Theo Pháp Luật
Chia sẻ

Từ ngày 15/9, nếu không đeo rọ mõm cho cún cưng khi đưa chúng đến nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt nặng.

“Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15-9. Nghị định này liên quan đến quy định mà người nuôi chó phải biết để tránh bị phạt” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, thông tin.

Mối nguy khó lường từ chó nuôi

Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, ông Phan Xuân Thảo, cho biết hiện TP có khoảng 110.000 hộ nuôi chó với trên 220.000 con. Thế nhưng chỉ có 12/24 quận, huyện được Bộ NN&PTNT công nhận xây dựng an toàn bệnh dại.

Bệnh dại vẫn là một mối nguy ngay cả trong thành thị. Đầu năm nay, một phụ nữ ở Gò Vấp đã tử vong vì bệnh dại sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn.

“Tôi từng chứng kiến một người đàn ông dắt con chó khá to ra công viên. Thình lình con chó chồm tới táp ổ bánh mì trên tay một phụ nữ. Cú táp khiến bàn tay bà này trầy xước, chảy máu. Sự việc quá bất ngờ nên dù có dây buộc chó người chủ vẫn không xử lý kịp” - ông Nguyên kể.

Không chỉ dẫn chó ra nơi công cộng, nhiều người dân còn thả rông chó nuôi trong xóm, chở chó đi trên đường không rọ mõm, không cột dây. Những lúc kẹt xe, dừng đèn đỏ, người đi bên cạnh không khỏi lo ngại nhìn những con chó to lớn lè lưỡi thở phì phò, mắt long lên sòng sọc nhìn mình.

Ông Phạm Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ Trung Đức, nhận định: “Do tập tính hung hăng, dữ tợn nên chó dễ tấn công người cho dù được chủ dẫn đi. Ngoài ra, nếu bị chọc ghẹo thì chó cũng sẽ tấn công”.

Từ ngày 15/9, chó dù có người dắt mà không được đeo rọ mõm thì chủ nuôi sẽ bị phạt tiền. Ảnh: HTD

Phạt tiền đến 800.000 đồng

Trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2007 về phòng, chống bệnh dại ở động vật. Nghị định này quy định: “Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt”. Về việc xử phạt, lâu nay chó chạy rông bị Chi cục Thú y bắt giữ thì chủ nuôi chỉ đóng phạt hành vi “thả rông động vật nuôi trong TP, thị xã hoặc nơi công cộng”, mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Trong khi đó, điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 quy định: “Phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”. Như vậy, từ ngày 15-9, chó dù có người dắt mà không được đeo rọ mõm thì chủ nuôi sẽ bị phạt tiền.

Việc xử phạt trên sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã. “Theo tôi, phường sẽ làm tốt được điều này để tránh thực trạng người đi đường gặp nguy hiểm do chó không đeo rọ mõm gây ra” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, khẳng định.

Người nuôi chó ủng hộ

• Quy định ở nước ta chưa rõ dẫn đến vật nuôi trở thành mối nguy. Theo tôi, cái rọ không thực sự cần thiết bằng sợi dây xích cổ. Ở các nước tiên tiến người ta không cần đeo rọ mõm cho chó nhưng luôn luôn có dây dắt. Quy định tiêm ngừa, trách nhiệm của các bên nếu xảy ra sự cố cũng rất rõ. Buộc chó đeo rọ tuy khá nghiêm khắc nhưng để an toàn thì tôi đồng tình. HỒNG ĐÀO (sinh viên)

• Đề phòng là tốt vì chó dù to hay nhỏ cũng có con dữ, con hiền. Đeo rọ mõm vừa đề phòng người chủ nuôi kém hiểu biết, chủ quan không chích ngừa đầy đủ cho chó, không canh chừng chó của mình mà vừa đề phòng những người xung quanh chơi dại chọc phá con chó, nhất là trẻ em để bị cắn. THU CHÍNH (giảng viên)

Không tiêm phòng cho chó cưng, phạt nặng

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 119/2013, nếu con chó chưa được tiêm ngừa bệnh dại thì chủ nuôi bị phạt 300.000-500.000 đồng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 90/2017, từ ngày 15-9, nếu có hành vi vi phạm này, chủ nuôi chó sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng, bằng với mức phạt đối với hành vi “không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Pháp Luật

Tin mới nhất