Lái xe bồn gây tai nạn thảm khốc đã tử vong, ai sẽ là người phải bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi của lái xe bồn gây tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết, 3 người bị thương là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tài xế đã chết nhưng xác định chủ xe vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Chiều 15/9, Ủy ban ATGT quốc gia ra công điện về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Lai Châu.

Theo đó, lúc 9h30 cùng ngày, tại Km 57+561 trên quốc lộ 4D qua thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường), xe bồn biển 24C do chạy quá tốc độ quy định đã đâm vào xe khách 16 chỗ biển 25B di chuyển phía trước.

Cú va chạm làm 2 phương tiện rơi xuống suối sâu có nhiều đá tảng. Hậu quả làm 13 người chết (trong đó có tài xế xe khách), 3 nạn nhân bị thương nặng.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng các cơ quan ban ngành thăm hỏi các nạn nhân.

Theo Tổng cục đường bộ, thiết bị giám sát hành trình của xe bồn nói trên báo tốc độ xe lúc 9h10 là 109 km/h.

Sau khi sự cố xảy ra, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong và động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương. Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu khẩn trương hỗ trợ mọi mặt để khắc phục hậu quả vụ va chạm, giảm thiểu thiệt hại về người.

Trao đổi với chúng tôi Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, vụ tai nạn thảm khốc giữa xe bồn biển 24C đi cùng chiều, chạy quá tốc độ đâm vào xe khách 16 chỗ biển 25B di chuyển phía trước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 13 người tử vong và thiệt hại về tài sản.

Các nạn nhân đang được tích cực điều trị.

Theo nhận định ban đầu của các cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do xe bồn chạy quá tốc độ đâm vào xe khách 16 chỗ đi cùng chiều phía trước đã có lỗi vi phạm các quy định của luật giao thông đường bộ 2008, cụ thể như sau:

+ Vi phạm Khoản 5, Điều 4 Luật GTĐB. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

+ Vi phạm Khoản 11, Điều 8 Luật GTĐB. Các hành vi bị nghiêm cấm “ Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu”.

Hành vi của lái xe bồn biển 24C đã vi phạm phạm Luật giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản đã có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội danh và hình phạt được quy định tại Khoản 3 Điều 260 BLHS 2015.

Tuy nhiên, do lái bồn biển 24C đã tử vong, căn cứ Khoản 7, Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 “Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự”, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Hiện trường vụ tai nạn.

Ai là người chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân?

Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự 2015. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo quan điểm của Luật sư Thơm, trường hợp lái xe bồn là lái xe thuê thì chủ sở hữu xe xe bồn phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự cho các gia đình nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất