Sắc màu Cuộc Sống

Ấm lòng chàng trai xăm trổ mở tiệm cắt tóc 0 đồng cho người nghèo Sài Gòn

Hà Thương
Chia sẻ

Hơn 2 năm “làm chuyện bao đồng”, anh Khải (30 tuổi) cùng những chàng trai trẻ ở tiệm tóc 0 đồng không chỉ trao đi nụ cười cho người nghèo, mà còn nhận lại vô vàn món quà ấm áp. Đó là tình người Sài Gòn.

Bữa trưa nắng chang chang, trên góc đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) một bà cụ ngoài 70 nặng nhọc nhích từng bước. Cụ mặc bộ bà ba rách tà, tay phải cầm chiếc nón rách che nghiêng, tay trái xách bịch ve chai cũng rách nốt. Ngang góc đường, cụ dừng lại đôi chút rồi ái ngại đi tiếp. Chợt một chàng trai trẻ chạy ra gọi lớn:

- Cắt tóc phải hông cụ? Vào đi, con làm miễn phí…

- Miễn phí à? Thiệt miễn phí thì cắt giùm tui đi cậu. Trời nóng quá, chịu hổng được!

Vừa dứt lời, anh chàng đã kéo ngay chiếc ghế nhựa: “Cụ ngồi đây, đợi con xíu”. Thế rồi, đôi tay anh thoăn thoắt trên nếp tóc nửa trắng nửa đen, chỉ 15 phút sau đã có một quả đầu mới toanh khiến cụ già móm mém cười không ngớt.

“Nãy tui tưởng cắt tóc lấy tiền nên hổng dám vào. 30 ngàn lận, hơn cả buổi đi nhặt ve chai của tui. Ai ngờ gặp cậu trẻ này, cậu tốt quá chừng…” - cụ già khen lấy khen để.

Cứ thế, hơn 2 năm từ khi tiệm tóc 0 đồng được dựng lên đều đặn thứ 3-5-7, những chàng trai trẻ ấy vẫn lặng lẽ bày ghế, cắt tóc, chăm chút vẻ ngoài cho người nghèo Sài Gòn một cách bao đồng.

Cốt là để cho đi những nụ cười.

Đi lên từ nghèo khó nên anh Khải quyết đem sức mình giúp lại người nghèo khó.

“Đi lên từ nghèo khó, lấy sức mình giúp lại người nghèo khó”

Anh Khải (chủ tiệm, 30 tuổi) kể: Ngày trước, khi anh mới bắt đầu lập nghiệp, vì kinh tế khó khăn nên anh em ở tiệm tóc đều phải ăn cơm 2000 đồng ở quán Nụ Cười. Cứ thế, mỗi ngày chứng kiến người nghèo vất vả, tằn tiện từng đồng để sống khiến anh quyết tâm đem cái nghề của mình quay lại giúp một phần nào đó cho họ.

“Khải nói với mấy cô chú ở quán cơm Nụ Cười, cứ ai đến ăn, thấy tóc dài thì chỉ qua đường cho tụi con. Thế mà, từ đó khách đông dần. Người ta ghé, vừa ăn cơm lại có thêm đầu tóc đẹp nên ai cũng thích…”

Từ ngày dựng tiệm tóc 0 đồng, số 06 Cống Quỳnh (Q.1 - TP.HCM) cũng trở thành địa chỉ uy tín “thay đổi ngoại hình” cho biết bao chị vé số, anh xe ôm, cô ve chai, vô gia cư,… Với họ, cắt một đầu tóc là bằng cả ngày công, 3-4 buổi cơm của gia đình, nên chưa bao giờ dám nghĩ tới. Vậy mà, với anh Khải tất cả đều 0 đồng.

“Người nghèo thì đâu thể nào dám bỏ 60.000 đồng để đến tiệm cắt tóc, nên Khải muốn họ tới đây luôn thoải mái nhất. Bình thường nhiều nhân viên văn phòng, người dân qua đường cũng ghé. Họ chủ yếu là đến trải nghiệm cảm giác nhận niềm vui miễn phí như người nghèo” - Khải chia sẻ.

Tiệm tóc 0 đồng hơn 2 năm thành lập đã giúp được hàng nghìn người nghèo Sài Gòn.

Đều đặn 11h trưa mỗi thứ 3-5-7 hàng tuần.

Ngày trước, khi quyết định xăm 2 cánh tay, Khải vấp phải nhiều cái nhìn không mấy thiện cảm từ xã hội. Ngay cả gia đình và bố vợ anh cũng nhiều lần lên tiếng phản đối. Hầu hết mọi người vẫn quan niệm xấu về loại hình nghệ thuật này.

Nhưng vượt qua tất cả, Khải vẫn thể hiện đam mê và chứng minh đam mê của mình chưa từng sai. Hình xăm đơn thuần chỉ là lớp áo trang trí bên ngoài, người có xăm vẫn là người giúp ích rất nhiều cho xã hội. Bằng chứng là qua 2 năm thành lập tiệm tóc, Khải đã giúp đỡ cho hàng nghìn người nghèo. Không những vậy, chính nụ cười mà Khải nhận lại khiến anh vui vẻ, tin tưởng vào đam mê của mình hơn.

“Hôm bữa, có cô kia dắt con tới chỗ Khải cắt tóc. Lúc ra về thì tụi anh cũng xong việc nên tụ họp lại nói chuyện. Tự nhiên chị kia bưng nước tới nên anh hỏi: Con đâu kêu nước? Chỉ nói: Hổng có, người ta cho mấy cưng, trả tiền rồi. Đó, tiền nước bằng cả ngày làm việc của họ nhưng họ vẫn sẵn sàng tặng mình như vậy. Còn lần khác thì một bà cụ đem bịch trái cây tới dúi tận tay, bảo Khải là từ thiện cho bà, bà hổng ăn mà để cho mấy đứa… Nghe bấy nhiêu thôi cũng đủ làm mình ấm lòng” - Khải kể.

Thế nhưng, cũng không ít lần anh gặp phải sự chỉ trỏ là làm màu, bao đồng, quảng cáo bản thân. Mỗi lần thế, chàng trai xăm trổ lại mỉm cười cho qua. “Khải làm mọi thứ vì niềm vui. Nếu ai dám đứng trước mặt mà nói thế thì Khải cũng chỉ bảo: Khải thích. Còn nếu đã nói sau lưng thì chẳng việc gì mình phải quan tâm cả…” - anh quan niệm.

Anh Khải đã dần xoá bỏ được những định kiến về hình xăm trên người mình.

Những hình xăm đơn giản mang ý nghĩa về cuộc đời của mỗi con người, và họ cũng là những người tốt trong xã hội này.


Bán niềm vui nhận lại niềm vui mới…

Hai năm dựng tiệm tóc 0 đồng, lúc đầu chỉ có 4 anh em, giờ đây để thực hiện giấc mơ giúp đỡ người nghèo, đã có hơn 10 thợ tóc lành nghề bên cạnh Khải. Họ - những người trẻ, đam mê nghề và mong muốn đem cái nghề đó giúp ích lại cho xã hội.

Như anh Quốc (22 tuổi) chia sẻ: “Anh hoạt động từ thiện đã hơn 1 tháng. Công việc giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn như mình nên rất vui. Phần tiền cắt tóc thay vào đó có thể để dành cho họ thêm bữa cơm, điều đó không phải tốt quá sao?”.

Anh Hiền (30 tuổi) cũng chia sẻ thêm: “Mình toàn cắt tóc nam thôi! Nhưng ở đây thì không phân biệt nam nữ. Lâu lâu có mấy chị đến bảo cắt, thế là mình làm luôn một quả đầu ngắn, thế mà họ vẫn thích mê. Miễn sao giúp được là giúp…”

Trải qua 2 năm, hơn chục học viên khác cũng đồng hành với anh Khải giúp đỡ người nghèo.

“Lâu lâu có mấy chị đến bảo cắt, thế là mình làm luôn một quả đầu ngắn, thế mà họ vẫn thích mê. Miễn sao giúp được là giúp…”

Cô Nguyễn Thị Lài (70 tuổi), vừa được cắt xong đầu tóc ngắn, liền đưa tay vuốt vuốt rồi cười mãn nguyện. Cô hành nghề nhặt ve chai, ngày ngày rong ruổi, đêm lại ngủ lề đường góc phố. Mấy nay Sài Gòn nóng rang khiến tóc cô bết mồ hôi, đêm nằm chẳng yên vì ngứa. Được bữa ghé quán cơm Nụ Cười, người ta mách nên cô ngồi đợi mấy anh từ chừng 10 giờ trưa.

“Mấy cậu hổng những cắt tóc đẹp mà còn ân cần hỏi han nữa. Nhờ mấy cậu mà tui mừng lắm, chứ biết bao giờ có tiền đi cắt tóc” - cô bảo.

Còn chú Giang (68 tuổi, hành nghề bán đồ chơi dạo), đợt nào đi bán gần đường Cống Quỳnh, chú cũng ghé nhờ anh Khải cắt gọn mái đầu. Chú kể: Hoàn cảnh chú khó khăn, một chân liệt nên trở trời tốn bao nhiêu là tiền thuốc. Mấy năm trước chú cứ để tóc dài thượt, khó chịu cũng kệ. Thế mà từ khi ghé tiệm 0 đồng thử là thử luôn tới giờ, làm khách ‘xịn’ của anh Khải.

Cho đi nụ cười, họ cũng nhận lại vô vàn món quà ấm áp khác. Đó là tình người Sài Gòn.

Quán cơm 2 ngàn, tiệm tóc 0 đồng, no cái bụng, đẹp cái thân, còn gì bằng mà không ghé người nghèo ơi!

Cứ thế, tiệm tóc dựng lên mộc mạc giữa trung tâm, vài chiếc ghế nhựa cũ, chẳng biển, chẳng hiệu… lại níu chân bao người. Ai bước vào bước ra cũng được mấy chàng trai trẻ “phù phép” cho một đầu tóc gọn gàng, gương mặt xán lạn, nở nụ cười.

Để góc đường Cống Quỳnh dần dà trở thành địa chỉ uy tín, được người ta truyền nhau rằng: Quán cơm 2 ngàn, tiệm tóc 0 đồng, no cái bụng, đẹp cái thân, còn gì bằng mà không ghé người nghèo ơi!

Chia sẻ

Bài viết

Hà Thương

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất