Vòng quanh Thế giới

Sống sót trong đám đông hỗn loạn - bài học từ thảm kịch Mecca

Chia sẻ

Những hình ảnh tang thương của vụ giẫm đạp hỗn loạn sáng ngày 24/9 tại thánh địa Mecca (Ả-rập Xê-út) đã khiến cả thế giới rúng động và xót xa.

Cảnh đoàn người hành hương nhìn từ Mina, nơi khởi đầu cuộc xô đẩy dẫn đến thảm kịch giẫm đạp khiến hơn 700 người chết hôm 24/9 (REUTERS/Ahmad Masood).

Theo truyền thống hàng thế kỷ nay, người hành hương sẽ thực hiện phong tục “ném đá quỷ dữ” như một quy trình quan trọng trong 5 ngày diễn ra nghi lễ Hajj. Người hành hương phải ném các viên đá vào 3 cột trụ đại diện cho quỷ satan, thể hiện sự rũ bỏ ham muốn xấu xa để tỏ lòng trung thành theo ý Thượng đế. Thế nhưng chính phong tục này lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều thảm kịch thương vong trong lịch sử hành hương. Vụ việc xảy ra tuần qua cũng không nằm trong ngoại lệ. Sau cả ngày đi bộ dưới nắng nóng và ngột ngạt giữa biển người, ai cũng mong muốn được nhanh chóng đến gần khu vực linh thiêng để ném đá. Và chính tình trạng dồn tắc, xô lấn đã đẩy hàng dài người hành hương ngã xuống và từ đó cảnh giẫm đạp khủng khiếp đã xảy ra.

Chính phủ Ả-rập Xê-út đã chi hàng tỷ đô la để cải thiện cơ sở vật chất tại thánh địa linh thiêng này như xây cầu 5 tầng Jamarat gần các trụ cột để tạo thêm không gian cho người hành hương ném đá, lắp đặt hệ thống máy lạnh tại cầu… Vậy thì tại sao thảm kịch thương vong vẫn xảy ra sau hàng trăm năm lịch sử và kinh nghiệm? Chúng ta có thể rút ra được bài học gì về quản lý đám đông và kỹ năng sống sót trong biển người để không trở thành một nạn nhân bị giẫm đạp, dù khi tham gia các lễ hội tôn giáo, buổi hòa nhạc hay đơn giản vui chơi trong một quán bar buổi tối?

Bài học quản lý đám đông

Rõ ràng có nhiều người đổ lỗi cho chính quyền Ả-rập Xê-út trong vụ việc này. Cuộc hành hương về Mecca đã thu lại cho quốc gia này hàng triệu đô la. Thế nhưng sau hàng trăm năm, tình trạng thương vong đáng tiếc vẫn xảy ra.

ảnh 2

Các nhân viên cứu thương đứng quanh những xác người nằm la liệt trên chặng đường đến gần bức tường Jamarat để thực hiện nghi thức “ném đá quỷ dữ”.

Cuộc hành hương là sự kiện thường niên được lên kế hoạch tổ chức vào những ngày nhất định mỗi năm. Điều này cho thấy nếu các nhà tổ chức biết quản lý và tổ chức đám đông sẽ không xảy ra tình trạng như ở Mina. Tuy nhiên các quan chức Ả-rập Xê-út vẫn phải sẵn sàng với bất kỳ tình huống nào như điều chỉnh kế hoạch di chuyển, tăng cường kỹ năng truyền đạt thông tin tốt hơn cho các nhân viên sự kiện lẫn các khách sạn nơi người hành hương lưu trú trong thời gian diễn ra nghi lễ.

Kinh nghiệm sống sót trong đám đông hỗn loạn

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về nguyên nhân của vụ giẫm đạp nhưng về cơ bản, chúng ta cũng nên tự ý thức chịu trách nhiệm về sự an toàn của bản thân dù tụ tập dưới bất cứ hình thức nào và ở bất kỳ đâu.

Theo Juliette Kayyem, chuyên gia an ninh quốc gia của CNN và Paul Wertheimer, chuyên gia về quản lý đám đông và an toàn cá nhân, các nhà khoa học đã chứng minh có cách giúp bạn giữ được tính mạng khi ở trong một nhóm đông đang hoảng loạn.

Đầu tiên, phải luôn chuẩn bị đầy đủ cho mình nước uống, một đôi giày phù hợp, kem chống nắng (nếu ở ngoài trời). Các bước này nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi bạn cần di chuyển nhanh, đôi giày trơn trượt hay vết bỏng rát do cháy nắng có thể làm bạn đi chậm lại và có nguy cơ bị rơi vào tình trạng vô cùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, hãy luôn chuẩn bị tinh thần đối phó và xử lý các tình huống. Khi đến một sự kiện, hãy quan sát xung quanh để phát hiện lối thoát hiểm và cách thoát nạn khả thi nhất đối với bạn. Hãy nghĩ xem con bạn có thể chạy nhanh xuống cầu thang không? Vợ bạn có gặp khó khăn khi đi qua hành lang ít ánh sáng hay không? Hoàn toàn có khả năng bạn sẽ không chạy kịp đến lối thoát hiểm nếu mọi thứ bắt đầu xảy ra hỗn loạn. Vì vậy hãy cân nhắc những tình huống này trước khi thảm họa có thể ập đến.

Một kinh nghiệm khác là hãy giữ khoảng cách nhất định với người khác và cố gắng giữ khoảng cách đó trong đám đông. Nếu bạn cảm thấy ngày càng có quá nhiều người xung quanh, hãy tìm cách đứng thoát ra xa để tránh tình huống xấu. Nguy hiểm thường gặp nhất lại chính là tình trạng ngộp thở do thiếu ôxy hơn là sự giẫm đạp. Nếu không thể thoát ra ngoài ngay lập tức, cố gắng giữ sức (và đừng cố la hét) bằng vài bí kíp như đứng vững chân (đến lúc này bạn đã biết lợi ích của đôi giày tốt có tác dụng thế nào) và vòng tay ôm lấy ngực; đừng cố kháng cự lại lực đẩy của đám đông, vì giống như sóng thủy triều, lực đẩy của đám đông sẽ mạnh hơn nhiều so với lực chống cự của bạn.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất khi bạn cố gắng tìm cách thoát ra khỏi đám đông là tránh để mình và những người xung quanh bị ngã. Trong vụ giẫm đạp vừa qua, có rất nhiều người bị xô đẩy và ngã chồng lên nhau, chính vì vậy hiệu ứng domino đã khiến đám đông đổ sụp và xảy ra giẫm đạp. Hãy giúp những người gần bạn vì nếu có ai đó bị ngã xuống thì cơ hội sống sót trong biển người này sẽ hoàn toàn biến mất.

Những thảm kịch tương tự như ở Ả-rập Xê-út là điều “không thể tránh khỏi” đến mức thế giới dường như cũng quen với những vụ thương vong này như là một phần của cuộc hành hương. Có nhiều người mộ đạo gọi đây là cái chết “về với Thượng đế”. Nhưng cũng có cáo buộc cho rằng đó là “tội ác vô nhân đạo”. Tuy vậy, có một điều chắc chắn rằng sự hy sinh ấy không phải là định mệnh hay ý chí của Thượng đế. Ngài sẽ không bao giờ muốn những tín đồ ngoan đạo của mình phải đánh đổi cả sinh mạng để bày tỏ lòng trung thành đến như vậy.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất