Vòng quanh Thế giới

Bức tranh cuộc sống của người tị nạn ở Đức

Chia sẻ

Nhiều người tị nạn tìm đến Đức vì lời đồn rằng đây là nước chào đón người nước ngoài thân thiện nhất Liên minh Châu Âu. Thế nhưng cuộc sống sau khi đặt chân đến thiên đường lại không hề êm ái.

Liên minh Châu Âu đã phê duyệt kế hoạch phân bố 120.000 người tị nạn giữa các nước thành viên, nhưng chỉ khoảng 800.000 người nhập cư và người xin tị nạn được phép ở Đức từ giờ cho đến cuối năm nay. Một người nhập cư Syria vừa đến ga trung tâm đông đúc ở Munich đầu tháng 9 đã bày tỏ niềm hy vọng vào tương lai được học hành, có công việc tốt, lập gia đình và có con ở đất nước này. Trong khi nhiều người nhập cư cảm thấy rất phấn chấn khi cuối cùng cũng đặt chân đến Đức thì nỗi bất an cũng nhanh chóng ập đến.

Rào cản ngôn ngữ và tháng ngày chờ đợi xét duyệt giấy tờ

Nhiều người mới đến không biết nói tiếng Đức, khiến cho việc theo đuổi các kế hoạch tương lai trở nên khó khăn hơn. Họ thường phải đợi nhiều tháng chứ chưa nói đến hàng năm để chờ hồ sơ được xét duyệt. Trong thời gian chờ đợi, họ không thế xin được việc làm.

Austine là chàng trai 28 tuổi người Nigeria. Đã đến Đức được 6 tháng nhưng hiện giờ anh còn cảm thấy lo lắng hơn nhiều khoảng thời gian mới đến đây. Anh băn khoăn không biết chính phủ Đức sẽ làm gì, liệu họ có gửi trả những người tị nạn trở về hay không, ý định thực sự của họ là gì. Austine lên tiếng thay mặt cho những người tị nạn rằng họ muốn có thể làm gì đó ở Châu Âu để có thể duy trì cuộc sống. Anh nói: “Tôi yêu nước Đức và tôi muốn làm việc. Tôi muốn trả thuế. Tôi rất cần giấy tờ để được đi làm.”

Người nhập cư xếp hàng chờ kiểm tra sức khỏe khi vừa đến Munich.

Người nhập cư xếp hàng chờ kiểm tra sức khỏe khi vừa đến Munich.

Austine biết có những người đã phải đợi hàng năm để chờ đến lượt xử lý hồ sơ. Anh lo sợ điều đó có thể xảy ra với mình. “Mọi người thường nghĩ Châu Âu là thiên đường, nhưng họ đều thất vọng. Dù sao bạn vẫn phải cố gắng thực hiện giấc mơ của mình, quan trọng là phải kiên nhẫn”, đó là lời tự động viên của Austine.

Thế nhưng, đôi khi kiên nhẫn không phải là đủ.

Xung đột văn hóa giữa những người tị nạn

Một trường hợp khác là Lejnez Lulaj từ Albani. Anh không tìm được việc làm trong vòng 5 năm nay. Không như nhiều người mới đến đây, anh Lulaj nói giỏi tiếng Đức. Ở quê nhà, mọi người đều nói rằng nếu anh phù hợp và có thể làm việc, nước Đức sẽ tiếp nhận anh. Nhưng khi đặt chân đến Munich, anh lại nhận được một câu trả lời khác. “Họ nói vì chúng tôi là người Albani nên không được xin tị nạn. Những người khác đến từ Pakistan, Afghanistan, Syria, Iraq, Ma-rốc hay Nigeria thì có cơ hội ở lại. Còn người Châu Âu thì không. Thật là buồn cười”, Lulaj kể lại.

Chính phủ Đức đã phải miễn cưỡng chấp nhận người tị nạn do khủng hoảng kinh tế từ những nước ở khu vực Balkan. Thậm chí còn có nhiều đoạn video đăng tải trên Youtube chia sẻ tình trạng này và khuyên người tị nạn đừng cố đến Đức, vì 99% người xin tị nạn sẽ bị từ chối. Nhưng Lulaj lại không xem những đoạn video này.

Người nhập cư lên xe buýt ở ga trung tâm Munich. Họ sẽ được đưa đến trại tập trung tạm thời để bắt đầu quá trình xét duyệt hồ sơ xin nhập cư kéo dài nhiều tháng.

Người nhập cư lên xe buýt ở ga trung tâm Munich. Họ sẽ được đưa đến trại tập trung tạm thời để bắt đầu quá trình xét duyệt hồ sơ xin nhập cư kéo dài nhiều tháng.

Hiện nay Lulaj đang sống trong một căn phòng chật chội cùng với nhiều người đến từ các nước khác nhau. Anh tỏ ra khó chịu với những người không mang quốc tịch Châu Âu vì họ có cơ hội được ở lại Đức.

Đó chỉ là một trong số nhiều vấn đề văn hóa tại những nơi cưu mang người di cư.

Anna Lena Goedecke, đứng đầu một tổ chức hỗ trợ chỗ ở cho những trẻ em không có người thân đi kèm, cho biết thậm chí giữa những người nhập cư nhỏ tuổi, khác biệt sắc tộc cũng có thể dẫn đến xung đột. “Thi thoảng các cậu bé và cô bé còn mang theo những mâu thuẫn của mình từ nhà đến Đức. Có hai cậu bé đến từ hai bộ tộc nổi dậy ở Afghanistan, chúng không hề quên đi khác biệt văn hóa ngày trước, ở Afghanistan chúng không phải là bạn tốt, ở đây cũng vậy”, cô chia sẻ.

Lo lắng về tình hình ở quê hương

Một quan ngại khác của những người tị nạn mới đến Đức là việc mọi người tập trung vào cuộc khủng hoảng nhập cư mà không để ý đến nguyên nhân của sự việc - cụ thể là chiến tranh ở Syria.

Abdalrahman Saket đến từ Aleppo. Cậu đặt hình nền Facebook của mình là bức ảnh nổi tiếng về cậu bé 3 tuổi người Syria bị chết đuối trên đường vượt biển đến Thổ Nhĩ Kỳ. Saket nói mọi người cần phải nhìn xa hơn những gì đang diễn ra ở Châu Âu: “Mọi người đang nói đến khủng hoảng nhập cư và đều quên tất cả những gì phiến quân khủng bố IS đã làm ở Syria và chế độ Assad đã làm với người Syria. Họ chỉ nhìn thấy người ta chết đuối trên biển. Tôi biết có nhiều người chết ở biển. Nhưng ở Syria, chúng tôi có khoảng 200 người chết mỗi ngày”.

Tổ chức giám sát nhân quyền của Syria cho biết ít nhất 5.000 người chết ở Syria chỉ trong tháng 8 vừa qua, và khoảng 167 người chết mỗi ngày. Con số này có thể sẽ còn cao hơn. Theo dự đoán của Tổ chức quốc tế về nhập cư, khoảng 2.500 người từ Châu Phi và Châu Á chết ngoài khơi khi vượt biển đến Châu Âu trong vòng 8 tháng đầu năm nay.

Saket vẫn thường xuyên cập nhật Facebook về cuộc tàn sát mà chính phủ Islam đang thực hiện ở quê nhà. Cậu kể rằng cách đây 10 ngày, bạn cậu đã bị chặt đầu. Cậu lắc đầu nói: “Tại sao? Bởi vì bạn ấy hút thuốc và không cầu nguyện. Tôi nghĩ đó không phải là lý do người ta giết cậu ấy”.

Nỗi nhớ nhà day dứt

Cho dù nhiều người Syria đều hoảng loạn khi chạy trốn, một trong những cảm xúc khó khăn mà họ phải trải qua chính là nỗi nhớ nhà.

Một tháng trước, Kameron Abdula đến Đức sau khi đã trả hàng nghìn đô-la cho một kẻ buôn người để đưa gia đình mình đến Châu Âu. Anh cùng với vợ ôm theo 3 đứa con nhỏ vượt hàng dặm đường để hy vọng bắt đầu một cuộc sống mới. Anh cũng nghĩ đến việc quay về thăm nhà ở Syria một ngày nào đó. Anh tâm sự: “Tôi vẫn nhớ những ngày tháng tươi đẹp trước kia. Nhưng giờ đây mọi thứ đã thực sự biến mất rồi”.

Chia sẻ
Tin mới nhất