Sắc màu Cuộc Sống

Hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 từ xa: Trường hợp khóc khi tư vấn, người không có triệu chứng vẫn hoảng loạn

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Sau 3 ngày hoạt động, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã nhận được hơn 42.000 cuộc gọi và có hơn 49.000 bệnh nhân được hỗ trợ y tế.

Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 thành lập với mục tiêu huy động nguồn lực xã hội để tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng, hỗ trợ y tế các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16. Bước đầu, mạng lưới này hoạt động tại TP.HCM.

Sau 3 ngày hoạt động, mạng lưới đã nhận được hơn 42.000 cuộc gọi và có hơn 49.000 bệnh nhân được hỗ trợ y tế. Đến nay, sau hơn 1 tuần hoạt động, có 2.071 bác sĩ và nhân viên y tế trên mọi miền Tổ quốc tham gia chăm sóc, tư vấn cho 49.681 bệnh nhân. Trong đó, có gần 500 bệnh nhân hiện có triệu chứng nhưng còn ở nhà đã được hướng dẫn y tế và theo dõi tại nhà bởi các bác sĩ; 245 trường hợp được phối hợp với y tế địa phương cấp cứu và chuyển viện.

Hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 từ xa: Trường hợp khóc khi tư vấn, người không có triệu chứng vẫn hoảng loạn Ảnh 1
Y, bác sĩ của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 từ xa. Ảnh: Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.

Zing thông tin, mục tiêu của mạng lưới hiện nay là hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp. Nhóm mục tiêu này bao gồm những trường hợp dương tính nhưng chưa kịp đưa đến cơ sở y tế điều trị, hoặc có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đây là nhóm bệnh nhân dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào thì cần được đưa đi bệnh viện điều trị. Những người này cũng chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào, ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà, chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn và dễ mang tâm lý hoang mang dẫn đến hoảng loạn.

Mạng lưới ứng dụng công nghệ vào 2 nhiệm vụ: Thứ nhất là vận hành tổng đài kết nối trực tuyến, phát triển công cụ điều phối công việc theo thời gian thực cho tình nguyện viên; Thứ hai là phân tích dữ liệu, cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh nặng, hỗ trợ ngành y tế trong việc điều phối nguồn lực cấp cứu.

Bác sĩ Lê Tuấn Thành - Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, điều phối viên mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" - chia sẻ trên Tuổi Trẻ:

"Chúng tôi nhận thấy sau khi có kết quả test dương tính, bệnh nhân hoang mang gọi liên tục 115 dẫn đến quá tải ảo, có bệnh nhân khóc trong quá trình tư vấn, có ca bệnh mà nhóm chỉ gọi được cho người con trai nhưng con trai của bệnh nhân cũng khóc. 

Nhiều ca bệnh nhân hoảng loạn do triệu chứng nặng cần cấp cứu, hoặc có người không có triệu chứng nào nhưng họ vẫn có triệu chứng hoảng loạn".

Quá trình hoạt động, bác sĩ trong nhóm đã gặp một trường hợp bệnh nhi 18 tháng tuổi có test nhanh dương tính, có khó thở, li bì, cha mẹ cháu rất lo lắng, sợ hãi. Trước tình huống này, bác sĩ đồng hành là bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương đã hướng dẫn cha mẹ chăm sóc cháu bé. Tình huống cháu bé trở nặng hơn bác sĩ sẽ hỗ trợ.

Bác sĩ Lê Tuấn Thành cũng cho biết, Sở Y tế TP.HCM đã đưa thông tin của mạng lưới cho 60 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, khi mạng lưới sàng lọc và ghi nhận ca bệnh cần cấp cứu, chuyển viện, tổ điều phối cấp cứu trong mạng lưới sẽ điều phối chuyển bệnh viện nào còn chỗ trống, không để bệnh nhân nặng ở nhà và tử vong tại cộng đồng.

Bệnh nhân và người cần thông tin về COVID-19 tại khu vực TP.HCM có thể gọi số 1022, ấn phím 3 để được y bác sĩ trong mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" hỗ trợ và tư vấn.

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất