Sắc màu Cuộc Sống

Tâm sự trên những nẻo đường về miền Tây: Giấc mơ Sài Gòn tạm khép lại

Tuệ Yên
Chia sẻ

Người đi xe máy, người ngồi xe đạp, người đi bộ... hàng chục nghìn người dân đã đổ về miền Tây từ ngày 30/9.

Tạm biệt nhé Sài Gòn!

Đêm hôm trước khi rời khỏi Sài Gòn, Hương không ngủ. Những kí ức về thành phố hoa lệ này cứ lần lượt hiện ra trong cô. Là những bữa tan ca về muộn, cô độc hành trên đại lộ thênh thang, lấp loáng ánh đèn. Là những bữa cơm chứa chan tấm lòng thơm thảo của người hàng xóm. Là những hôm có lương, cô cùng một vài công nhân sẽ ra chợ sau nhà máy, gom về vài món hải sản để nấu lẩu.

...

Sài Gòn trong cô là một giấc mơ rực rỡ, cho cô có ít tiền gửi về gia đình, bản thân cũng đỡ nhọc nhằn hơn những ngày theo mẹ cha đắp bờ dưới quê. Dịch bệnh bùng phát, Hương thất nghiệp.

4 tháng nằm nhà đã vắt kiệt tiền bạc trong dự trữ túi của Hương. Hôm trước khi rời khỏi Sài Gòn, túi cô còn vỏn vẹn 300.000 đồng. Nhưng Hương vẫn bước đi, bởi lẽ, cô chẳng còn nơi nào để quay về, ngoài quê hương. 

Hương hòa vào dòng người đổ về miền Tây những ngày đầu tháng 10. Khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều người đã quyết định về quê vì không trụ nổi ở Sài Gòn.

Con đường quốc lộ 1A, nơi đổ ra cửa ngõ thành phố có những bóng người lầm lũi, mang vác lỉnh kỉnh hành lý. Người mang theo chăn màn, người gói ghém ít gạo muối, trẻ con phờ phạc sau một đêm dài vất vưởng trên xe. 

Họ xuôi về quê hương vì không thể trụ lại Sài Gòn. 4 tháng thành phố giãn cách, chú xe ôm phải chạy vạy hàng xóm để gia đình có từng bữa ăn. Cô công nhân ôm con khát sữa mà nước mắt dàn dụa. Người phụ hồ thất nghiệp, dè xẻn từng gói mì để lấp đầy dạ dày...

Trên quốc lộ 1A (thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), dòng người đổ về quê ngày một đông hơn. Thậm chí, có nhiều gia đình đã rủ nhau đi bộ về quê, dù đoạn đường dài lên đến hàng trăm cây số. 

Mệt thì nghỉ dọc đường, đói quá thì nhận thức ăn từ mạnh thường quân, họ vẫn cứ bước đi, vì chẳng còn nơi nào để trở về. 

"Chúng tôi mệt rồi"

"Chú có biết quãng đường từ Sài Gòn về Kiên Giang là bao xa không?", P.V hỏi.

"Biết chứ, nhưng không còn cách nào khác nữa, chúng tôi mệt rồi..."

Đó là lời đáp của chú Quang (quê Kiên Giang) khi cùng vợ đi bộ về phía cửa ngõ miền Tây. Hai vợ chồng dắt díu nhau lên Sài Gòn với ước vọng thay đổi cuộc đời.

Dịch bệnh đã khiến cả hai sống trong lo âu suốt 4 tháng trời đằng đằng. Về quê, cuộc sống của cả hai chưa chắc đã khá hơn, nhưng có lẽ, được sống trong vòng tay của bà con, họ hàng là một niềm an ủi lớn nhất. 

"Về đó có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Ngày vợ chồng tôi lên Sài Gòn, đâu có ngờ tới cảnh này. Giờ về quê tụi tôi kiếm công chuyện khác làm, khổ sở hơn cũng được mà gia đình có nhau", ông Quang nghẹn ngào nói. 

Khi đặt chân lên thành phố, vợ chồng ông chưa bao giờ nghĩ đến một ngày, đô thị ồn ào, náo nhiệt này lại có ngày lặng im như thế. Những dây phong tỏa cứ băng bó các con hẻm, đội ngũ nhân viên y tế trong trang phục xanh tất tả hơn bao giờ hết. Xóm trọ nhỏ có ca dương tính, cũng bị cách ly.

Vợ chồng ông đong đo, cân đếm từng kg gạo, nhận viện trợ rau củ, mì sữa... mới có thể cầm cự đến ngày hôm nay. 

"Mệt mỏi" mà ông nói nó còn xen lẫn sự âu lo về tương lai mờ mịt. Không biết ngày mai, mình sẽ sống như thế nào. Ngày mai, tiền đâu mà đóng trọ. Ngày mai, cả nhà như thế nào?

"Mệt mỏi" cũng là khi ông cố nhoài người để kiếm sống, nhưng không thể. Và chỉ có trở về quê hương, ông mới cảm thấy được an ủi.

Hiện tại, các cung đường từ TP.HCM về miền Tây có khá đông các hội, nhóm thiện nguyện trao quà, thức ăn, nước uống... cho bà con miền Tây. Nhiều người dân đi về quê hương đã cảm thấy ấm lòng hơn trước nghĩa cửa và sự quan tâm đầy tình cảm này.

Chia sẻ

Bài viết

Tuệ Yên

Tin mới nhất