Sắc màu Cuộc Sống

Sáng 19/11: Gần 4.500 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị

Theo Sức khỏe & Đời sống
Chia sẻ

Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi hơn 881.500 bệnh nhân COVID-19, trong số các ca đang điều trị hiện còn gần 4.500 trường hợp nặng; TP HCM chuẩn bị cho tình huống F0 tăng trở lại; Bình Dương đẩy nhanh tiến độ, mở rộng sử dụng thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà...

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.065.469 ca mắc COVID-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.812 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.060.394 ca, trong đó có 878.776 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (452.722), Bình Dương (246.007), Đồng Nai (80.489), Long An (37.007), Tiền Giang (23.099).

Sáng 19/11: Gần 4.500 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị Ảnh 1
Gần 4.500 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị

Tổng số ca được điều trị khỏi: 881.593

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.489 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.061; Thở ô xy dòng cao HFNC: 880; Thở máy không xâm lấn: 124; Thở máy xâm lấn: 410; ECMO: 14

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 90 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.563.347 mẫu cho 65.195.918 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 103.573.065 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 65.772.961 liều, tiêm mũi 2 là 37.800.104 liều

TP HCM: Tạm ngừng hoạt động bar, karaoke, massage sau 2 ngày cho phép

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP HCM chiều 18/11, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM cho biết, người dân TP HCM đang sống, làm việc trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, khó lường nên TP HCM chỉ thực sự mở cửa các dịch vụ khi an toàn theo phương châm "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó".

Theo Nghị quyết 3900 ban hành ngày 16/11, quy định tạm thời biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19" (trong đó có quy định cho phép mở lại các dịch vụ bar, karaoke, massage theo từng cấp độ dịch) TP HCM đã tạo điều kiện rất tốt cho người dân và doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên căn cứ vào tình hình phức tạp những ngày qua, TP HCM quyết định tạm dừng các hoạt động trên chỉ sau 2 ngày cho phép hoạt động trở lại.

Cụ thể, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao, số bệnh nhân nặng đang thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng, như ngày 14/11 là 258 ca, ngày 15/11 có 274 ca, ngày 16/11 có 284 ca và ngày 17/11 lên 302 ca.

Theo ông Phạm Đức Hải, số ca nhập viện những ngày gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện. Con số đã rất khác với những ngày đầu tháng 10 và số ca tử vong chưa giảm. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người thực hiện chưa nghiêm 5K, ra đường không đeo khẩu trang, tụ tập, giữ khoảng cách không đúng. Điều này rất đáng lo ngại.

"Vì vậy, TP HCM mong người dân, doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ với quyết định rất khó khăn trên. Chúng ta vì mục đích chung là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và bảo vệ kết quả phòng, chống dịch thời gian qua"- ông Phạm Đức Hải nói

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn yêu cầu tạm thời ngừng các hoạt động bar, karaoke, massage... cho đến khi có thông báo mới.

Cũng tại cuộc họp báo, thông tin về ngưỡng đáp ứng của ngành y tế TP HCM khi số lượng F0 có xu hướng tăng lên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết mục tiêu chung của thành phố là làm sao để duy trì, bảo vệ thành quả chống dịch trong thời gian qua, kéo giảm ca nhập viện, tử vong, củng cố hệ thống y tế.

Với tinh thần đó, Sở Y tế họp với các sở, ngành để bàn giải pháp, xây dựng kịch bản cụ thể.

Trong tờ trình gửi UBND TP HCM về phương án ứng phó với dịch. Toàn thành phố hiện có khoảng 9.100 bác sĩ, 19.600 điều dưỡng. Tất cả nhân viên y tế đều thực hành tốt trong thời gian qua, xử lý được mọi tình huống.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng duy trì được số lượng giường oxy, giường hồi sức cấp cứu (ICU), khả năng đáp ứng, chấp nhận được cùng lúc là trên 120.000 F0.

Sở Y tế TP cũng xây dựng 7 kịch bản cho từng tình huống tăng giảm số lượng F0

Bình Dương: Sử dụng thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà

Hiện Bình Dương đang triển khai chương trình thí điểm điều trị thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19. Để đẩy nhanh tiến độ, nhân rộng mô hình, tỉnh đã cấp 1.000 viên Molnupiravir cho Trạm Y tế lưu động số 7 (Bệnh viện Đa khoa Châu Thành - Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên), 1.340 viên cho Trạm Y tế phường Hiệp Thành thuộc Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một.

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết thuốc kháng virus Molnupiravir là thuốc cấp miễn phí thuộc chương trình điều trị thí điểm có kiểm soát đặc biệt các trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã làm giảm tải lượng vi rút rõ rệt và làm sạch virus sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong. Thuốc được triển khai cho F0 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt.

Vĩnh Phúc: Thêm nhiều ca COVID-19 liên quan đến chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây trước đó

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 18/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 55 ca mắc, tập trung chủ yếu ở hai xã Bồ Sao, Lũng Hòa.

Các ca mắc mới này đều liên quan đến các ca mắc COVID được ghi nhận ngày 17/11. Trước đó, ngày 17/11, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 11 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 trường hợp tại các xã Lũng Hòa, Bồ Sao chưa xác minh được nguồn lây.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, huyện Vĩnh Tường đã tiến hành khoanh vùng, phong tỏa hai xã Lũng Hòa, Bồ Sao, lập 4 chốt kiểm soát, rào cứng 16 chốt ở các cửa ngõ ra vào tại các thôn, xóm; cho tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh buôn bán trên địa bàn, thực hiện giãn cách "Ai ở đâu ở đấy, nhà giữ nhà, làng giữ làng;" xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho toàn bộ dân cư; thần tốc truy vết, rà soát, xét nghiệm và cách ly tập trung đối với những trường hợp liên quan có yếu tố dịch tễ.

Huyện đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động khai báo y tế, hạn chế di chuyển để kiểm soát dịch bệnh, phòng, tránh nguy cơ lây nhiễm.

Tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cho tạm thời dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở chăm sóc sắc đẹp, quán karaoke, massgage... trên địa bàn huyện Vĩnh Tường; dừng dạy học tại trường mầm non, chuyển dạy học trực tuyến đối với trường tiểu học, THCS của hai xã Bồ Sao, Lũng Hòa và THPT Nguyễn Thị Giang từ ngày 17/11 đến khi có thông báo mới.

Chia sẻ

Theo

Sức khỏe & Đời sống

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất