Sắc màu Cuộc Sống

'Sạn' trong sách Tiếng Việt 1: Bộ GD-ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định SGK phải rà soát, giải trình rõ

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Chiều 12/10 vừa qua, Bộ GD&ĐT báo cáo với Thường trực Chính phủ về các vấn đề của sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 mà báo chí phản ánh trong thời gian qua dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1, nội dung chương trình nặng... Bộ đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 rà soát lại toàn bộ nội dung sách và những vấn đề báo chí nêu. Tinh thần của Bộ GD-ĐT đó là nội dung nào chưa hoàn thiện thì phải chỉnh sửa để sách hoàn thiện hơn.

'Sạn' trong sách Tiếng Việt 1: Bộ GD-ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định SGK phải rà soát, giải trình rõ Ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng, SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, thiết kế các bài học quá sức học sinh, dùng nhiều phương ngữ, có nhiều bài học không mang tính giáo dục. Bài tập đọc “Thỏ và Rùa” dùng “nhá cỏ, nhá dưa” thay vì “ăn cỏ, ăn dưa”. Bài “Mẹ con cá rô” dùng nhiều từ “chả” thay cho “không”, “chẳng”… 

Chỉ một tháng đưa vào sử dụng, phụ huynh, giáo viên đã bức xúc phản ánh sách theo chương trình mới nặng hơn chương trình cũ. Sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều những ngày qua gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp, những bài có nội dung khó hiểu, không có ý nghĩa về mặt giáo dục. Nhiều người cho rằng sách có nội dung dạy trẻ thói lười biếng, lừa lọc, khôn lỏi. 

Theo nhiều phụ huynh, nội dung các bài tập đọc là các câu chuyện nên trẻ nhớ rất lâu. Vì thế, với những bài có nội dung khó hiểu, không có ý nghĩa về mặt giáo dục, phụ huynh gặp khó khăn khi dạy cho trẻ ở nhà.

'Sạn' trong sách Tiếng Việt 1: Bộ GD-ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định SGK phải rà soát, giải trình rõ Ảnh 2
Một trang trong SGK Tiếng Việt 1 (bài tập đọc “Hai con ngựa” trong trang được cắt thành 2 phần, để ở 2 trang khác nhau)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định điểm nào, chỗ nào chưa hoàn thiện, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, đặc biệt là yêu cầu các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải rà soát, giải trình rõ và tiếp thu. Nếu điểm nào chưa phù hợp, Bộ chỉ đạo phải hoàn thiện để sách càng ngày càng tốt hơn.

"Tới đây Bộ cũng mở rộng thêm kênh góp ý, phản biện thêm ngay từ khâu mà các nhóm tác giả, các nhà xuất bản đề xuất bản thảo để có điều kiện cho đông đảo thầy cô, nhân dân góp ý" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

'Sạn' trong sách Tiếng Việt 1: Bộ GD-ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định SGK phải rà soát, giải trình rõ Ảnh 3
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong công tác chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa mới cũng như sự cầu thị của lãnh đạo Bộ khi xem xét tiếp thu các ý kiến góp ý, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng Bộ cần thông tin đầy đủ, kịp thời hơn đến nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, việc nhiều ý kiến góp ý về một cuốn sách giáo khoa mới, được biên soạn theo chương trình mới, theo phương thức xã hội hóa là điều bình thường, hoàn toàn dễ hiểu.

Các ý kiến, dù gay gắt nhưng đều thể hiện tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn sách giáo khoa tốt nhất. Bộ GD&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng bên cạnh việc tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ GD-ĐT nên có giải pháp để đưa các bản thảo sách lên mạng internet, từ đó xin ý kiến góp ý rộng rãi của toàn xã hội trước khi thẩm định. Điều này sẽ giảm bớt được các lỗi khi hoàn thiện sách.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất