Sắc màu Cuộc Sống

Rớt nước mắt nữ tài xế gặp cướp trong đêm, bị gạ 'đi khách' vẫn bám nghề một mình nuôi ba con nhỏ

Ngọc Ngân
Chia sẻ

'Em quay lại đi, anh chỉ cần ôm em ngủ một đêm thôi. Bao nhiêu tiền anh trả em', nữ tài xế rùng mình nhớ lại lời lẽ khiếm nhã của khách.

Nếu ví phụ nữ như hoa hồng thì có lẽ chị Huỳnh Ngọc Đan Thanh, 31 tuổi đến từ huyện Bình Chánh (TP.HCM) là bông hoa gai góc nhưng luôn tỏa ngát hương thơm. Chị là nữ tài xế chạy xe ôm công nghệ từng đối mặt với tên cướp trong đên, từng bị khách nhắn tin “gạ gẫm” nhưng vì con, người mẹ đơn thân ấy có thể vượt qua tất cả.

Nữ tài xế Huỳnh Ngọc Đan Thanh và ba nhóc tì

Những cuốc xe “bão táp”

Chị Đan Thanh trở thành tài xế vào tháng 3/2017. Trước đó chị bán trà sữa lề đường nhưng bị người ta thu lại mặt bằng. Vừa li thân với chồng, chị Thanh và ba đứa con nhỏ bơ vơ, nương tựa nhau mà sống.

Có người em gợi ý cho chị chạy xe ôm công nghệ, chị Thanh tìm hiểu và đăng kí ngay. Cũng từ ngày đó, chị Thanh trở thành “nữ cường” trong làng tài xế vì những tình huống chị gặp phải, không phải ai cũng bình tĩnh chống đỡ nổi.

“Cuốc xe làm mình ám ảnh nhất với đến tận bây giờ là chở phải tên cướp. Hôm đó đã là hai mấy Tết Âm lịch, mình nhận chuyến lúc 2h sáng. Cuốc xe đó không phải của mình mà là của một người chạy chung nhường lại. Đón khách ở một siêu thi trên đường Trường Chinh (Q. Tân Phú) đi về Bình Thuận giá 690 ngàn. Lúc đó mình rất khó khăn, không cần biết đi đâu, chỉ cần có tiền là chạy thôi”, chị Thanh kể lại.

Chị Thanh làm mẹ đơn thân, chạy xe ôm công nghệ nuôi ba con nhỏ

Đến phà Cát Lái, nữ tài xế phát hiện vị khách ngồi sau lưng là nam thanh niên xăm trổ đầy mình. Là phụ nữ, linh cảm cuốc xe này có điều chẳng lành, chị Thanh tâm sự: “Mình nghĩ một là hủy cuốc này, hai là tiếp tục chở khách. Nhưng số tiền 690 ngàn lúc đó quá lớn, mình đành liều luôn”. 

Nhớ lời đồng nghiệp dặn có chuyện gì thì cứ chạy thật nhanh, tên cướp sẽ không dám làm gì, chị Đan Thanh đợi vừa xuống phà liền chạy bạt mạng. “Người khách đó nhiều lần ngỏ ý là để người đó chở nhưng chị không chịu. Chạy đến đoạn đường có rừng cao su, mình bị đâm hụt một nhát, mình biết nhưng nhất định không dừng lại. Nếu dừng lại thì chắc chắn mình sẽ mất chiếc xe và không biết có chuyện gì xảy ra nữa. Chiếc xe đó là mình mượn của mẹ, nên mình cố tiếp tục chạy”, nữ chính cho biết.

“Cứ chạy suốt như vậy, đến Bà Rịa Vũng Tàu thì mình bị đâm thẳng vào mạng sườn, đau lắm. Mình chạy hết tốc độ và khả năng, chỉ cần thấy nhà dân nào mà sáng mà đông người là mình lủi vô thôi. Nhưng cứ chạy hoài mà chẳng thấy ai, rồi mình ra tới huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận luôn. Lúc đó là cỡ 5h30, có nhà dân người ta mở cửa buôn bán, mình lủi vô liền. Mình nói chuyện lớn tiếng để người ta xúm lại, bắt người khách đó trả tiền xe cho mình, mà trong túi tên cướp chỉ có 200 ngàn. Người dân bảo đưa chị lên công an và băng bó vết thương tạm thời, nhưng mình nói chỉ cần băng bó vết thương thôi, vì mình còn phải chạy về lo cho ba đứa nhỏ nữa”, chị Thanh kể lại giây phút thoát hiểm nhớ đời.

Chị Thanh là một trong những "nữ cường" của làng tài xế, không ngại những cuốc xe đêm

Không chỉ gặp cướp, đôi khi mẹ đơn thân còn bị khách “gạ gẫm”, dở trò. Chị nhớ lại: “Hôm đó, cũng hai ba giờ sáng, mình chở khách từ quận 1 đến Gò Vấp. Trên đường đi, khách hơi xỉn rồi nên dựa vào vai mình. Mình cũng lịch sự nói anh ngồi xích ra cho em dễ chạy. Gần tới địa điểm thả thì khách quàng tay ôm mình, mình hết hồn, hất ra. Bước xuống xe mình nói với khách em chỉ chở anh tới đây thôi, em là nữ vào trong hẻm không tiện. Khách cũng giằng co qua lại, một hai bắt mình phải chở vô. Mình nói thôi em không lấy tiền xe của anh đâu, rồi mình lái xe đi”.

Nếu là đụng chạm thân thề thì chị có thể khiển trách khách, nhưng đằng này người ấy lại nhắn cho chị những dòng tin mang tính xúc phạm, gây tổn thương. “Người đó nói như vậy nè: Em quay lại đi, anh chỉ cần ôm em ngủ một đêm thôi. Bao nhiêu tiền anh trả em”. Mình nói mình là tài xế chứ không làm gái, rồi tắt nguồn điện thoại luôn. Mình có báo lên công ty, công ty xác minh rồi gọi điện xin lỗi mình”, chị Thanh trải lòng.

Nỗi niềm mẹ đơn thân

Gặp biết bao nguy hiểm nhưng chị Thanh vẫn quyết định bám trụ với nghề. Lí do duy nhất nằm ở ba đứa con thơ mà chị cần phải chăm sóc. Vừa là cha, vừa là mẹ, trách nhiệm chị gánh trên vai không hề đơn giản.

Chị Thanh và khoảnh khắc hạnh phúc bên con

“Mình không có thời gian cố định để đi làm công việc giờ hành chính hay bán thời gian. Nghề chạy xe ôm cho mình làm chủ thời gian, muốn làm giờ nào thì làm. Vì mình còn phải đưa đón con đi học. Vì trách nhiệm với con, vì đồng tiền nên nguy hiểm, khó khăn cách mấy mình vẫn theo. Nghề này không cần bỏ vốn, mình chỉ bỏ sức thôi. Vả lại, mình cũng đam mê tốc độ”, nữ tài xế vui vẻ cho biết.

Thất bại trong hôn nhân, nhưng bù lại chị Thanh có ba đứa con tuy còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện. Bé lớn nhất học lớp hai, bé giữa học lớp một và bé út học lớp chồi. Ở độ tuổi bám mẹ như thế, ba nhóc tì chưa bao giờ quấy khóc hay hỏi vì sao mẹ lại đi tối ngày. Các con càng hiểu chuyện bao nhiêu, người mẹ càng đau lòng bấy nhiêu.

Chị tâm sự: “Bản thân là một người mẹ, mình cảm thấy có lỗi với con. Mình sinh con ra thì phải có trách nhiệm với con, nhưng mình tự biết mình chưa lo cho con đầy đủ bằng những người khác. Mình chỉ có thể kiếm tiền để lo cho con tã và sữa, còn thời gian bên con thì không có. Thay vì ở nhà chơi với con, mình lại nghĩ phải ra đường kiếm thêm”.

Chị Thanh bật mí bản thân chưa bao giờ trang điểm, hiếm hoi lắm mới có một bức ảnh cho riêng mình

Trở thành nữ tài xế, bên cạnh những tình huống nguy hiểm, chị Thanh cũng giữ lấy một vài kỉ niệm vui, đó là khi gặp gỡ những vị khách mù. Chính những vị khách đặc biệt này đã khiến cho mẹ đơn thân thêm can đảm và tin tưởng vào cuộc sống.

“Mấy bạn trong hội người mù thường có sự kết nối với nhau. Mình có dịp chở được bốn bạn. Mỗi một bạn đều kể cho mình nghe những câu chuyện rất hay, mang đến cho mình bài học quý giá mà quan trọng nhất là lạc quan”, nữ tài xế hào hứng kể.

Ngoài những khó khăn, chị luôn lạc quan, tìm thấy niềm vui trong công việc và cuộc sống

Mẹ là "siêu anh hùng” của con

Mặc dù vẫn nhận chu cấp của chồng nhưng chị Thanh là người phụ nữ mạnh mẽ, không muốn là gánh nặng cho ai hay để bất kì ai thương hại hoàn cảnh của mình. Cũng vì thế, mẹ đơn thân tự tạo áp lực cho mình trong mỗi ngày chạy xe. 

“Những tài xế khác chạy được từ sáng đến tối nên họ có thời gian thong thả hơn. Còn thời gian của mình rất ít. Sáng mình phải đưa mấy đứa nhỏ đi học, 7h mới bắt đầu chạy. Chạy thì phải tranh thủ, khoảng 2h là về vì 3h bé nhà mình nó học ra. Từ trung tâm đi về Bình Chánh thì mình phải trừ hao một tiếng. Một ngày mình chỉ có 7 tiếng để chạy xe thôi, mình tự đặt ra cái mốc là phải đạt 16 chuyến”, chị Thanh chia sẻ.

Có những vị khách nước ngoài đã chụp hình cùng chị

Làm việc với cường độ cao và liên tục từ ngày này qua ngày khác khiến nữ tài xế kiệt sức. Chị nhớ lại: “Hôm đó mình lấy đồ ăn xong, đang chạy xe thì mình té xuống, đâm vô cái cây và chấn thương. Lúc té, mình không hay biết gì luôn, người dân đỡ mình ngồi dậy. Mình lại leo lên xe, tranh thủ chạy cho xong để về rước con, cũng không quan trọng bản thân như thế nào. Tối về, mình thấy hơi đau đau nhưng nghĩ chắc trầy chân nhẹ. Ai ngờ chân càng sưng lên, đau lắm. Sáng hôm sau mình khám thì mới biết bị chấn thương dây chằng”. 

Thời gian dưỡng thương hơn một tháng vẫn không giúp chị Thanh hồi phục. Vết thương tấy đi tấy lại mỗi khiến nữ tài xế không thể tiếp tục công việc chạy xe ôm công nghệ. 

“Mỗi lần chống chân, lên xe xuống xe là chân mình chịu không nổi. Mình cố gắng cả tuần lễ, chân lại sưng. Bác sĩ khuyên mình: Cái này phải hạn chế em ơi, em mà ráng nữa là chân em bị tất luôn. Nghe vậy, mình nghĩ chắc cũng đã hết duyên với cái nghề này. Mình lại quay về với nghề bán trà sữa như trước đây. May có bà chủ lấy giá thuê hữu nghị, vì cô cũng biết hoàn cảnh mình nên thương bốn mẹ con lắm”, nữ tài xế tâm sự.

Tuy thu nhập của xe trà sữa không cao bằng lúc còn chạy xe ôm công nghệ, nhưng chị Thanh bán ngay đầu hẻm gần nhà, thuận tiện khi đưa rước con. Chị quan niệm: “Nghề nào cũng có mặt trái, mặt phải. Quan trọng là mình chấp nhận nó ra sao”.

Con là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị lúc này

Với chị Thanh bây giờ, mọi thứ đều xoay quanh ba đứa con và vì con, người mẹ có thể làm tất cả mọi thứ. Chị cũng tạo điều kiện để chồng cũ đến thăm con, làm cho các bé không có cảm giác thiếu hụt ba. Nhưng trong suy nghĩ của những đứa trẻ hiểu chuyện, mẹ vẫn là người quan trọng nhất. Quán trà sữa nho nhỏ của chị Thanh luôn có ba nhóc tì sẵn sàng làm người mẫu quảng cáo cho mẹ. 

Đến ngày lễ 20/10, chị Thanh bật mí: “Ở trường, vào những ngày lễ thầy cô đều hướng dẫn mấy bé làm thiệp. Nên là tụi nó cũng hay có quà cho mẹ, biết cách tạo bất ngờ và niềm vui cho mẹ”.

Ba nhóc tì nhà chị Đan Thanh

 

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Ngân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất