Sắc màu Cuộc Sống

Quyền lực 1 sao và khi sức mạnh của cộng đồng mạng bỗng trở nên tiêu cực

Minh Trần
Chia sẻ

Khi bạn chưa nhận ra sức nặng trong câu nói và hành động của mình trên mạng xã hội, xin đừng dùng quyền lên tiếng để khuấy động cơn bão "thấy không vừa ý là chửi" của đám đông ngoài kia.

Dù đã gần một tuần nhưng xem ra sự việc Khoa Pug “bóc phốt'”resort Aroma ở Bình Thuận sẽ còn mất kha khá thời gian nữa để hạ nhiệt. Cũng bởi dân mạng giờ đây đang quá nhạy cảm. Họ luôn sẵn sàng cầm thứ vũ khí mang tên “rate 1 sao” đi càn quét từ resort lạ hoắc nào đó ở Nhật Bản cho tới trung tâm ngoại ngữ cách Mũi Né 1.500km.

Cửa hàng bánh mì của “hot streamer” PewPew, dù không có lấy một chữ A nào, cũng vẫn nằm trong danh sách hứng chịu “cơn bão” hạng bét ấy. Âu cũng chỉ vì một bài đăng trước đó của anh có đề cập tới việc “hùa nhau report, đòi tẩy chay chỉ vì 1 2 nhân viên”. Từ một người nêu quan điểm cá nhân, PewPew bị quy chụp thành “kẻ suy nghĩ ngắn”.

“Mình chỉ muốn nói tới việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc những chủ đầu tư, những khách sạn bị đánh giá 1 sao kia” - PewPew bất lực cất cao giọng trước sự hung hãn của đám đông giận dữ.

PewPew đã lên tiếng đính chính mọi chuyện, nhưng đám đông vẫn một mực gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tiệm bánh mì nhận gần 2000 đánh giá 1 sao.

PewPew và Khoa Pug chẳng có lấy một sợi dây liên hệ nhưng họ vẫn được coi là đề tài tranh cãi trên mạng xã hội. Hai nhân vật vốn vô can bị gán ghép cho liên quan nay đều đã “giơ tay xin hàng”, nhưng phản ứng của con dân internet thì chưa có dấu hiệu dừng lại. Rõ ràng một khi cư dân mạng còn thời gian, họ vẫn sẽ dành sự quan tâm vô thưởng vô phạt vào câu chuyện mà cả 2 nhân vật trên cùng tha thiết xin được chấm dứt. Họ rảnh rỗi. Họ đang đợi một sự kiện khác xuất hiện, có nhiều đất giúp họ bày tỏ ý kiến để tranh luận, để khẳng định sức nặng của bản thân hơn.

Khi không kiềm chế được ngọn lửa tiêu cực, họ mài nhọn con dao “rating 1 sao” và múa vài đường thị uy nhằm tỏ rõ nghĩa khí “thấy bất bình là phải dẹp phẳng” của mình.

Đám đông đang dùng quyền 1 sao để giết chết nhiều đơn vị, nhiều người không liên quan đến sự việc.

Vài hôm trước, tiệm bánh bông lan của Dương Triệu Vũ nhận khoảng 50 đánh giá 1 sao trên tổng số 100 đánh giá thứ hạng của Google. Cũng chỉ bởi đám đông không vừa ý khi nam ca sĩ này bày tỏ quan điểm trái ngược với Khoa Pug.

“Rảnh quá thì cố gắng làm bánh đi. Đừng phát biểu linh tinh, cũng đừng coi thường sức mạnh của cộng đồng mạng” - Một bình luận chĩa sự hằn học vào Dương Triệu Vũ sau khi thả một ngôi sao nhẹ bẫng vào thương hiệu của anh.

Mới đây, thương hiệu trà sữa Alley, Burger King… cũng hứng chịu cơn bão “rating 1 sao” nghiêm trọng đến mức các trang web nước ngoài đồng loạt tắt đánh giá tại khu vực Việt Nam.

Sự việc khiến hãng xoá quảng cáo, đồng thời đóng hoàn toàn việc đánh giá ở khu vực Việt Nam.

Hàng loạt khu nghỉ dưỡng na ná tên ở Nha Trang, Sa Pa, thậm chí Nhật Bản đều bị vạ lây.

Thứ “sức mạnh của cộng đồng mạng” ấy cớ sao lại trở nên tiêu cực đến vậy. Đó nên là phép màu diệu kỳ vốn đã giúp em bé dân tộc Vàng Thị Pàng tìm được mái ấm, hay là sự tương trợ để cậu bé Vì Quyết Chiến hoàn thành hành trình đạp xe 100km. Chứ đó không nên là sự vô cảm, tự cho mình cái quyền hành quyết người khác khi tiếp tục hung hãn “tặng” cơn bão 1 sao cho một cửa hàng trà sữa trên phố Hàng Bài (Hà Nội) chỉ vì nơi này “hình như” vừa đối xử tệ với người giao hàng.

Sức mạnh của đám đông trên mạng tạo nên vô số chuyện kì diệu, điều ấy hẳn chẳng cần bàn tới. Nhưng đám đông này lại đựng cơn giận dữ vào một chiếc lọ. Và khi sự nông nổi bị k.ích thích và thổi phồng, chiếc lọ vỡ tan thành nhiều mảnh, làm trào ra cơn thịnh nộ không thể kiểm soát. Mà đám đông ấy kỳ lạ lắm. Họ chỉ thích tấn công kẻ yếu, những người đơn thương độc mã trong sự chống chọi đầy yếu ớt lẫn cam chịu, rồi tưởng rằng mình đang “hành hiệp trượng nghĩa”.

Trong câu chuyện “dẹp chuyện bất bình” bằng liên tiếp những cú vote 1 sao vừa rồi, rõ ràng đám đông đang núp dưới những cái tên mờ ảo để thực hiện màn hội đồng ném đá giấu tay đầy kinh điển.

Đám đông tự cho mình quyền hành quyết những người đi ngược đại đa số.

Đám đông không hiểu việc viết đánh giá 1 sao bất kì cơ sở, đơn vị nào chỉ vì vài chuyện không rõ đầu đuôi, phải trái sẽ chỉ mang tới tinh thần trượng nghĩa đầy giả tạo. Việc đánh giá độ tin cậy của một thương hiệu sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới quyết định trải nghiệm và mua hàng. Người ta đa phần chỉ mở hầu bao theo độ rộng của lòng tin mà.

Sẽ có bao nhiêu đơn vị phải lao đao vì màn “hội đồng” này? Sẽ có bao nhiêu người mất cơ hội việc làm vì sai lầm từ những người họ chẳng hề quen? Có ai tưởng tượng được hết viễn cảnh ấy chứ.

Tâm đám cháy ở đâu, phải dập ngay ở đấy. Thế nhưng nguyên tắc đơn giản này có mấy người nắm được. Đó là lý do không phải ai cũng có thể thực hiện nhiệm vụ của người lính cứu hỏa. Hãy nhìn đám đông trên mạng mà xem: Giải tỏa đám cháy bằng cách mang những đốm lửa đi khắp nơi? Họ làm bùng lên mọi câu chuyện và cũng chẳng hiểu bản thân đang đứng ở vị trí của người dập lửa hay kẻ tiếp lửa.

Khoa Pug đã lên tiếng mong mỏi mọi người dừng kêu gọi đánh giá 1 sao, dù chính anh là ngọn lửa đầu tiên của giận dữ khổng lồ này. Nhưng anh gần như bất lực.

Suy cho cùng, mục đích của đám đông ngồi sau bàn phím cũng chỉ xoay quanh chuyện bày tỏ quan điểm cá nhân nhằm chứng minh “tôi đang tồn tại giữa những thực thể số”. Họ chưa chắc đã hiểu rõ những cú vote 1 sao kia là nhằm mục đích gì. Họ nghe câu chuyện từ một phía và quy chụp trách nhiệm lên những cá nhân, tập thể vô can. Họ chỉ đơn giản hùa theo người đi trước. Thay vì giơ cao “ngọn đuốc công lý”, họ phóng hỏa khắp nơi.

Đây chẳng phải lần đầu tiên người ta nhìn thấy những đám đông mù quáng và vô lối đến vậy. Ném đá tất cả mọi thứ chỉ sau khi những ý kiến một chiều được đăng tải, phải chăng là phản ứng đúng đắn thể hiện tâm lý bất bình trước chuyện phản cảm?

Khi bạn vẫn chưa nhận ra sức nặng trong câu nói và hành động của mình trên mạng xã hội, xin đừng dùng quyền lên tiếng để khuấy động theo cơn bão “hấy không vừa ý là vùi dập bằng mọi cách” của đám đông ngoài kia. Dù lời nói là ảo, mục đích là ảo, nhưng hệ lụy từ đó mà ra vẫn là thật.

“Thậm chí các bạn còn ráo hoảnh: ‘Vote nhầm thôi mà, có sao đâu’. Vậy ai sẽ hứng chịu cái sự nhầm lẫn đó” - PewPew chua chát nói.

PewPew quyết định dừng việc chia sẻ trên mạng xã hội vì đã không còn tìm được tiếng nói chung.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay mặt cho những cá nhân yếu thế lên tiếng dằn mặt các hành vi sai trái sẽ giúp cho tiếng nói của dư luận thêm phần uy lực hơn. Nhưng không phải theo cách vô lối và bắt nạt cả những cá nhân, tập thể vô can như thế kia.

Đám đông, mãi mãi chỉ được nhắc đến với danh xưng mơ hồ ấy. Hay phải chăng, chẳng có đám đông nào cả. Chúng ta chỉ đang tái hiện lại cuộc sống của chính mình, ngày ngày lên tiếng, nhận xét, bình phẩm người khác như thể rất vô can?

Chia sẻ

Bài viết

Minh Trần

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất