Sắc màu Cuộc Sống

Quầy sách báo miễn phí và mong muốn lưu giữ văn hoá đọc của bà cụ 72 tuổi

Ngọc
Chia sẻ

“Kính mời nhân dân đọc sách - báo miễn phí” - giữa lòng thủ đô Hà Nội có một tấm biển dễ thương như vậy đấy. Đó là lời mời của bà Phạm Thị Huyền Dung, 72 tuổi, chủ nhân quầy sách báo miễn phí ở đối diện số 55 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.

Bà Dung tâm sự: “Bà là người rất yêu văn hoá đọc. Quầy sách này là nhân dân đem đến gửi gắm bà để bà truyền lại văn hoá đọc ấy cho đời sau. Bà được tin tưởng giao cho thì bà cố gắng làm hết sức mình. Làm điều mình thích và hơn nữa là được con cái và mọi người xung quanh ủng hộ và nhiệt tình giúp đỡ, thú vui tuổi già với bà chỉ như vậy là đủ rồi”.

Quầy sách mở cửa, có người tặng ô, tặng quạt, tặng bàn, tặng giá sách… “Được nhân dân yêu quý, trân trọng và tin tưởng bà hạnh phúc lắm”. Cứ thế, mỗi ngày quầy sách của bà Dung không chỉ góp thêm một phần vật chất mà còn góp thêm cả những tiếng cười.

Bà kể, có cụ ông 87 tuổi hàng ngày đi xe buýt từ Khâm Thiên đến chỗ bà để đọc báo. Cụ tâm sự rằng cụ không có lương hưu nhưng lại rất thích đọc sách mà không có điều kiện, khi biết đến quầy sách báo miễn phí của bà, hàng ngày cụ lại bắt xe buýt tới để đọc. Điều này khiến bà Dung vô cùng cảm động.

Bà Dung mong muốn những thế hệ sau này sẽ phát huy những điều tốt đẹp này.

Bạn Minh Châu, sinh viên Đại học Ngoại Thương cho biết: “Quầy sách báo của bà rất bổ ích, tới đây chúng mình có cơ hội đọc được rất nhiều nguồn sách, nhất là những quyển sách quý đã rất cũ. Thỉnh thoảng mình cùng các bạn ghé qua giúp bà sắp xếp lại các giá sách, phân loại sách… dù chỉ giúp được một phần nhỏ nhưng mình cảm thấy rất vui vì đã góp phần cùng bà tạo nên một cái gì đó giúp ích cho cuộc sống này”.

Có nhiều người biếu tiền nhưng bà Dung đều từ chối: “Tiền ấy để mua sách báo về đọc, đọc xong thì đưa ra đóng góp vào quầy báo miễn phí cho nhân dân cùng đọc. Bà có lương rồi, bà không nhận tiền”.

Với bà: “Đây là tài sản nhân dân tin tưởng nên mới giao cho bà thì bà phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và làm việc có ích cho xã hội”. Mỗi lời góp ý của người đọc đều là vô giá, chính nhờ những lời động viên ấy mà bà nhận thấy công việc mình làm thêm phần ý nghĩa.

Khi được hỏi về tương lai sau này của quầy sách báo, bà cười rạng rỡ: “Nếu bà còn khoẻ thì bà sẽ duy trì quầy sách này mãi mãi, sau này già yếu rồi sẽ tìm đơn vị để chuyển giao. Bà chỉ có một đầu báo, còn tất cả những thứ còn lại đều là của nhân dân gửi gắm, quầy sách này là của nhân dân chứ không phải của riêng bà”.

“Bà chỉ mong những quầy báo miễn phí sẽ được nhân rộng ra cả miền Bắc, nếu được thì nhân rộng ra cả đất nước để nhiều người có thể đọc sách báo, để nắm được những chính sách của nhà nước, góp phần xây dựng đất nước. Dù ngày nay người ta chủ yếu đọc báo mạng nhưng bà mong thế hệ trẻ sẽ tích cực đọc sách báo và đừng quên văn hoá đọc của người Việt ta rất đẹp và sâu sắc vô cùng. Hãy dành thời gian cho văn hoá đọc” - Bà Dung chia sẻ.

Suốt cuộc trò chuyện, bà nhắc đi nhắc lại: “Đây là quầy sách báo của nhân dân, do nhân dân đóng góp cơ sở vật chất, được quần chúng ủng hộ, nhân dân tin tưởng đóng góp các tài liệu văn hoá quý giá đến cho mình thì mình trân trọng và làm hết sức mình, làm hết trách nhiệm”. Có lẽ tâm huyết của bà ở cái tuổi thất thập này đều đã dành cho quầy sách báo miễn phí, chẳng vì gì cả, chỉ đơn giản là muốn cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội này mà thôi.

Khi văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng đang ngày càng lấn át văn hoá đọc, quầy sách báo miễn phí của bà Dung như một ngọn lửa nhem nhóm lại tình yêu với sách báo trong con người Việt Nam, đặc biệt là trong các bạn trẻ. Hơn nữa, quầy sách báo còn là một điểm đến giúp những người già có thêm niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Đúng như người ta đã nói: “Bà Dung đã góp thêm vào vườn hoa người tốt, việc tốt một bông hoa đẹp”.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc

Video

Ngọc

Tin mới nhất