Sắc màu Cuộc Sống

Quán bún chả 22 năm khách hàng chưa từng được nghe giọng của chủ quán

Hoàng Minh Huyền
Chia sẻ

Giữa tuyến đường nhộn nhịp, huyên náo, nằm trên con phố nhỏ Nguyễn Văn Tố (Hà Nội) tồn tại quán bún chả 22 năm yên tĩnh đến lạ. Bởi ở đây, thực khách và người bán hàng chỉ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ.

Quanh Thủ đô, hàng bún chả mọc lên như nấm và cũng không ít quán ngon trứ danh. Trong số vô vàn hàng quán như thế, có một quán ăn nhỏ trên phố Nguyễn Văn Tố mang một “thanh âm” khác bởi ở đây, sự im lặng đôi khi gần như tuyệt đối. Người ta gọi đó là hàng bún chả không lời.

Quán ăn này do chả cô Nguyễn Thị Nhung (55 tuổi) và chú Lê Văn Lộc (60 tuổi) làm chủ. Cả hai đều là người khiếm thính nên chưa bao giờ, thực khách và chủ quán giao tiếp với nhau bằng lời nói. Họ dùng cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ… để thay cho tất cả những gì cần nói trong quá trình trao đổi mua bán và phục vụ.

Quán bún chả của hai vợ chồng khiếm thính nằm trên phố Nguyễn Văn Tố, Hà Nội. Clip: V.Bình

Mỗi ngày quán mở cửa đều đặn từ 9h sáng đến 14h30. Trong suốt khoảng thời gian ấy, kéo dài đã 22 năm liên tiếp, quán bún chả này vẫn chìm trong yên tĩnh. Muốn gọi món, tính tiền, tất cả đều giao kèo với nhau bằng cử chỉ… Điều tưởng như khó khăn với những ai không hiểu ngôn ngữ của người điếc nhưng dường như với khách quen, chuyện đó dễ như trở bàn tay.

Thực khách cứ đến rồi đi, người cười, người nói với nhau đôi ba câu chuyện lúc ăn bún… nhưng chỉ có chủ quán là im lặng.

Chú Lộc - người trực tiếp vo nặn chả và nướng ở quán. Ở đây, chả ăn đến đâu nướng đến đấy, đảm bảo chả luôn nóng hổi, không bị khô.

Ở đường Ngô Văn Tố, người ta còn kể mãi câu chuyện của cô chủ quán bún chả. Ngày ấy, cô Nhung vốn là người khỏe mạnh nhưng vì gặp tai nạn đè lên dây thanh quản khiến cô mất khả năng nói và rồi lâu dần, tai cũng nghễnh ngãng như người khiếm thính.

Riêng chú Lộc - chồng cô Nhung - vì hồi nhỏ bị sốt cao, lên cơn co giật rồi trở thành người câm điếc. Hai người tình cờ gặp gỡ rồi nên duyên như một sự sắp đặt sẵn của định mệnh. Họ sống hạnh phúc bên nhau và kế nghiệp bán bún chả do mẹ chồng truyền lại. Thoáng đó đã 22 năm trôi qua. Ngày trước, cô Nhung chỉ bán 7.000 đồng/ suất bún chả. Mãi sau này mới tăng lên 35.000 đồng và giữ ở mức đó nhiều năm nay không đổi. Đây có thể xem là một con số vừa phải so với nhiều hàng ăn ở khu vực phố cổ đất chật người động.

Suất bún chả khá đầy đặn, gia giảm vừa miệng nên rất dễ ăn.

Đồ ăn ở đây nếu bảo ngon tuyệt hảo thì chắc chưa “đủ tầm”… nhưng vì sự chân thành, tỉ mẩn của cặp vợ chồng khuyết tật nên mỗi suất ăn dọn ra, dù vẫn chỉ là đĩa bún rối, bát nước chấm lẫn chả và đĩa rau sống cũng đủ khiến thực khách yêu thích. Để có được suất bún ngon tới tay khách hàng, mỗi ngày, cô Nhung dậy từ sớm để ra chợ, chọn lựa nguyên liệu tươi ngon nhất. Mỗi quán ăn có một bí-kíp riêng để giữ khách, người ta ít khi tiết lộ cho người ngoài nhưng cô Nhung thì rất vui vẻ chia sẻ. Cô bảo, bún chả ngon là vì khâu làm chả.

Ví dụ chả miếng phải dùng thịt ba chỉ (ba rọi) thái mỏng rồi tẩm ướp. Nước chấm phải pha đủ vị chua cay mặn ngọt nhưng vẫn không bị gắt để hợp gu với nhiều người“, cô Nhung diễn tả qua hàng loạt cử chỉ bằng tay liên tiếp nhau.

Quán bún chả mở cửa từ khá sớm, khách quen thường ra đây để ăn sáng.

Khi khách ăn xong, muốn tình tiền chỉ cần giơ số suất của mình rồi tự cộng, trả cho bà chủ là xong. Đáp lại sự ủng hộ của khách hàng, cô Nhung đôi khi bập bẹ được vài câu như trẻ mới tập nói, bí quá lại giơ tay ra hiệu và cười rồi gật đầu cảm ơn.

Dù không thể nói trọn vẹn một câu hoàn chỉnh để bày tỏ cảm xúc nhưng trên gương mặt họ lúc nào cũng hiện lên những nụ cười tươi rạng rỡ. Cô Nhung bảo, cuộc sống có nhiều lúc xảy đến bao biến cố nằm ngoài sự kiểm soát của mỗi người. “Chúng ta không thể quyết định được rủi ro bất ngờ nhưng có quyết định rất nhiều việc khác. Ví như với cô, hôn nhân với chú Lộc và làm nghề bán bún chả mưu sinh là một niềm vui, hạnh phúc to lớn”.

Cô Nhung vừa nói dứt câu, quán bún chả cũng đã bắt đầu vãn khách. Lúc này, 2 vợ chồng lại mải mê dọn hàng. Trong những ngày mùa đông lạnh buốt, ngọn lửa quạt chả của quán vẫn le lói sáng và gió bấc lạnh đưa mùi chả thơm đi xa, lan rộng khắp con phố. Dường như ở nơi đây, trong góc phố Nguyễn Văn Tố này, hàng bún chả nhỏ bé ấy khiến người ta thấy ấm áp biết bao nhiêu và sự ấm áp ấy đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng Minh Huyền

tag-icon
Tin mới nhất